Hội nghị thượng đỉnh trái đất về
Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de
Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền
vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002, đã xác định “phát triển
bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa
ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế),
phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xóa đói, nghèo
và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm,
phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng;
khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Tiêu chí để đánh
giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến
bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên
nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Cũng tại Hội nghị
thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển của tổ chức ở Rio de Janeiro
(Braxin) năm 1992, 179 nước tham gia Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Rio de
Janeiro về môi trường và phát triển, bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và Chương
trình nghị sự 21 (Agenda 21) về các giải pháp phát triển bền vững cho toàn thế
giới trong thế kỷ 21.
Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ban hành
Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong thời gian qua, pháp
luật chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu của phát triển bền vững theo Quyết đinh số
153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 do chưa thật sự chú ý lồng ghép nội dung phát
triển bền vững vào từng giai đoạn của quá trình xây dựng pháp luật. Trong bối
cảnh như vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và
hoàn thiện pháp luật nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay là rất cần
thiết và mang tính cấp bách, nhằm góp phần quan trọng vào việc cải tiến, đổi mới
quy trình và nội dung xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững của đất nước. Cuốn sách chuyên khảo “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật
nhằm bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay” được thực hiện bởi một
nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Văn Động chủ biên là thành quả đáng trân trọng
và ghi nhận.
Từ góc độ lý luận, nhóm tác giả đã phân tích, làm rõ được nhiều vấn đề quan
trọng và cấp thiết đối với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững như: cơ sở khoa học trong các quan điểm của Đảng, Nhà nước
ta về phát triển bền vững và việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật bảo đảm phát
triển bền vững ở nước ta; mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển bền
vững với xây dựng, hoàn thiện pháp luật; cách thức xác định các yếu tố phát
triển bền vững trong nội dung pháp luật và lồng ghép chúng vào quá trình xây
dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn đánh giá mức độ bảo
đảm yêu cầu phát triển bền vững trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hài hòa
hóa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế trong xây dựng, hoàn thiện pháp
luật trước yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Các tác giả của chuyên khảo này đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng xây
dựng và hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế,
xã hội của đất nước với những số liệu điều tra xã hội học phong phú, qua đó nhận
diện được ưu, nhược điểm và những nguyên nhân của chúng, đồng thời đề xuất các
giải pháp đổi mới, cải tiến quy trình và nội dung xây dựng, hoàn thiện pháp luật
theo hướng đảm bảo phát triển bền vững của nước ta.
Cuốn sách chuyên khảo “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm phát triển
bền vững ở Việt Nam hiện nay” được phát triển từ nhiệm vụ khoa học do Viện Khoa
học pháp lý, Bộ Tư pháp chủ trì. Đây là một công trình khoa học công phu, nghiêm
túc, có chất lượng và có giá trị đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng
dạy pháp luật và xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh đổi mới, phát
triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
(23/10/2020)
|