Chánh án TANDTC

Chánh án TANDTC
NGUYỄN HÒA BÌNH

Bài diễn văn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010)

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄ

            Kính thưa các vị khách quý!

            Thưa toàn thể các đồng chí!

            Hôm nay, hòa trong không khí phấn khởi và tưng bừng của các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo và Đảng ủy cơ quan Tòa án nhân dân tối cao thành kính và long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với dân tộc và đất nước ta. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta báo cáo với Người kết quả hoạt động của ngành và việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Tòa án nhân dân, để từ đó cùng nhau quyết tâm thực hiện tốt những lời dạy của Người đối với cán bộ Tòa án trong công tác xét xử.

            Thưa các đồng chí!

            Qua hơn 60 năm hoạt động của mình, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người là một vị lãnh tụ thiên tài, một người cha, một người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam; Người cũng là một chiến sỹ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ. Với những đóng góp quan trọng của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và với tầm ảnh hưởng lớn của Người trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì tự do, độc lập và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức UNESCO của Liên Hợp quốc công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam và thế giới.

            Với tấm lòng thương dân, yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục ách thống trị của thực dân, phong kiến, vào năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vượt biển trên một chuyến tàu buôn Pháp ra đi tìm đường cứu nước. Từ lòng yêu nước cháy bỏng và trên cơ sở trải nghiệm, khảo sát cuộc sống nhân dân lao động ở các nước Châu Âu, Châu á, Châu Phi và Châu Mỹ, Người đã đến với phong trào công nhân và tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác- Lê Nin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Năm 1925, Người lập ra “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Ngày 3/2/1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và từ đó lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta thành một Đảng Mác xít Lêninit chân chính, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất đạo đức của giai cấp công nhân và dân tộc ta với nhiệm vụ chiến lược là là làm cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tháng 8 /1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người đã cùng Trung ương Đảng quyết định tổng khởi nghĩa, đánh đổ chế độ phong kiến, thực dân và lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Châu á. Sau Cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đưa hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ vượt qua mọi khó khăn, thử thách đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Từ đây, đất nước thống nhất, đồng bào hai miền Nam, Bắc xum họp một nhà cùng đi lên chủ nghĩa xã hội để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

            Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như đối với nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim khối óc của Người giành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người thường dạy chúng ta phải chăm lo bảo vệ sự đoàn kết quốc tế, vì sự nghiệp của cách mạng Việt Nam, vì nghĩa vụ cao cả đối với cách mạng thế giới. Theo tấm gương của dân tộc và cách mạng Việt Nam, trong những năm 60 của Thế kỷ XX, nhiều dân tộc ở các nước A, Phi và Châu Mỹ La tinh là thuộc địa của các nước đế quốc đã đứng lên giành độc lập dân tộc. Với tinh thần nhân văn và cách mạng trong tư tưởng của Người và với những đóng góp của người trong phong trào giải phóng dân tộc, tại khóa họp năm 1987 của Đại hội đồng tổ chức giáo dục khoa học văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã ghi trong quyết định tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhận Người không chỉ là người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà của cả toàn thế giới, công nhận Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.

            Như vậy, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nhận rõ giá trị lịch sử và đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê Nin vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể nước ta, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã kết hợp tài tình truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc với tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác Lê Nin, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa Quốc tế vô sản. Với tư cách là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Ngày nay, tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, trong đó độc lập dân tộc là mục tiêu, tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là con đường bảo vệ, phát triển thành quả của độc lập dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam đối với Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

            Thưa các đồng chí!

            Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì nước, vì dân. Hoài bão lớn nhất của Người là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bản thân Người là ngọn cờ đoàn kết mọi lực lượng, là người lãnh tụ sáng suốt, là linh hồn cho hai cuộc kháng chiến, là niềm tin sắt đá của nhân dân, là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất của người cộng sản, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Bằng những lời nói và việc làm thiết thực của mình cho dân, cho nước, Người là tấm gương lớn về đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Khi ra đi, Người còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Và trên hết, Người để lại cho chúng ta và con cháu mai sau di sản hết sức quý báu, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức Hồ Chí Minh và Nhân cách Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường và bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử.

            Thưa các đồng chí!

            Là người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của hệ thống Tòa án ở nước ta. Người ký sắc lệnh số 33-SL ngày 13/9/1945 về việc thành lập Tòa án quân sự trong phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở pháp lý mang ý nghĩa lịch sử đối với việc xây dựng hệ thống Tòa án ở nước ta. Những tư tưởng mang tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí, cách thức tổ chức Tòa án trong hệ thống cơ quan nhà nước, về tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, về tính độc lập của Tòa án với các cơ quan hành chính và về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử như công bằng, bình đẳng, công khai, bảo đảm quyền bào chữa, quyền chống án trước Tòa án...thể hiện tại Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu đầy đủ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin về Tòa án cách mạng, chắt lọc tinh tế các quan điểm tiến bộ trên thế giới về hoạt động tư pháp mà Người còn vận dụng hết sức sáng tạo các tư tưởng và quan điểm đó vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, nhất là trong những ngày đầu hết sức khó khăn của chính quyền nhân dân non trẻ. Trên thực tế, quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Tòa án cũng như những đóng góp của ngành Tòa án nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước đã chúng minh những giá trị đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về Tòa án và công tác xét xử ở nước ta kể từ khi thành lập các Tòa án đến nay.

            Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác xét xử của Tòa án, trước hết phải vì dân, vì nước do bản chất nhà nước ta là “một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” và pháp luật của ta là “pháp luật bảo vệ quyền lợi cho hành triệu người lao động” như Người đã từng khẳng định trong bài phát biểu tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950. Về vấn đề này, Người căn dặn: “ các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy thì phải làm thế nào? trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng…Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ.” Trong bài nói tại Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1957, một lần nữa Người nhấn mạnh: “bây giờ cả nước có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”. Thứ hai, công tác xét xử phải theo nguyên tắc “phụng công, thủ pháp, chí công,vô tư”. Thứ ba, Tòa án “không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án” mà phải phối hợp với các cơ quan nhà nước. Vấn đề này, trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1948, Người chỉ rõ: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”. Thứ tư, đối với cán bộ Tòa án phải liêm khiết, gần gũi nhân dân và không ngừng học tập để nâng cao trình độ như Người đã phát biểu dặn dò tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chinh sách của Chính phủ”.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã tổ chức và lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Người cũng đã tạo dựng nền móng quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó Người đã giành cho ngành Tòa án những chỉ đạo, quyết định vô cùng quan trọng. Những tư tưởng lớn của Người về Tòa án, về công tác xét xử còn sáng mãi, xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển của ngành Tòa án Việt nam cho đến hôm nay và mai sau. Vì vậy, những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tòa án cách mạng và những lời dạy của Người đối với công tác xét xử là những di sản thiêng liêng vô cùng quý giá, chúng ta nguyện học tập và làm theo trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay.

            Thưa các đồng chí!

            Trong 65 năm qua, học tập và làm theo lời dạy của Bác, ngành Tòa án đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hệ thống tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân ngày càng phát triển, về cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong những năm gần đây, hưởng ứng tích cực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều phong trào thi đua sôi nổi đã được phát động và thực hiện trong ngành Tòa án nhân dân. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả công tác xét xử đã nâng lên một bước, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án có bước kiện toàn, tiến bộ. Tuy nhiên, chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã đạt được trong khi mặt công tác của ngành vẫn còn những hạn chế, thiếu sót và khuyết điểm. Tỷ lệ các bản án có sai sót do lỗi chủ quan của Tòa án vẫn chưa giảm mạnh đang là vấn đề quan tâm của xã hội. Một bộ phận cán bộ, công chức của ngành chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về năng lực công tác và phẩm chất đạo đức dẫn đến những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn và trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, công chức. Vì vậy, tại buổi Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cán bộ, công chức Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển của ngành, quyết tâm khắc phục thiếu sót, khuyết điểm để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác được giao, đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng công tác xét xử, làm tốt công tác xây dựng ngành và các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp, lập nhiều thành tích và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự nghiệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành trọn đời mình xây dựng và vun đắp vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Để làm được điều đó, từng đơn vị công tác, từng cán bộ, đảng viên trong ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có chương trình hành động và việc làm thiết thực cụ thể để đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân; tập trung phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” trong toàn ngành gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            Hôm nay kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Chúng ta nguyện sẽ hết lòng, hết sức nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

            Xin trân trọng cảm ơn các Đồng chí!