URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/ttsktand/307887?pers_id=1751929&item_id=10547439&p_details=1
 
Những năm tháng lao tù (*)
10/09/2011-11:37:00 AM
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, năm 1943 đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau giảm xuống 25 năm, giam tại Hội An, sau bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, năm 1943 đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau giảm xuống 25 năm, giam tại Hội An, sau bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột.

Báo Nhân Dân xin trân trọng trích đăng tập Hồi ký Trên những chặng đường cách mạng của đồng chí, kể về những ngày tháng đấu tranh gian khổ, kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân.

Kể ra tôi có ba lần bị bắt và bị tù nhưng đều thoát được, chỉ lần này mới sa vào lưới địch. Lần thứ nhất tổ chức bị vỡ, có người khai tổ chức cộng sản ở xã tôi, ông thân tôi nhận ở tù thay; lần thứ hai bị bắt tra hỏi nhưng tôi không khai nên không đủ chứng cứ chỉ bị tạm giam khoảng ba tháng rồi được thả ra; lần thứ ba địch truy nã nhưng tôi đã thoát ly gia đình.

 

 Ðồng chí Võ Chí Công đến thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Trà, huyện Hiệp Ðức, tỉnh Quảng Nam (1991). (Ảnh: Tư liệu)

Nơi tôi bị đày là nhà tù Buôn Ma Thuột. Ðây là nhà đày lớn nhất của xứ Trung Kỳ. Buôn Ma Thuột là tỉnh lỵ Ðác Lắc, phía Nam Tây Nguyên, lúc này là địa hình rừng núi hiểm trở. Thực dân Pháp chọn nơi này để giam cầm, đày ải những người cộng sản nguy hiểm, cách ly những người con ưu tú của Ðảng với phong trào cách mạng ở bên ngoài, giết dần, giết mòn họ. Ðáng lưu ý nơi này không có điều kiện vượt ngục cho những người cộng sản mà bọn địch cho là nguy hiểm. Toàn bộ khu nhà tù   rộng hơn 1 ha, xung quanh có tường cao bao bọc, 4 góc đều có lô cốt để gác, có đèn pha. Bên trong có 6 nhà giam (gọi là lao), mỗi nhà giam trên dưới 100 tù nhân. Ðây là nhà đày của miền Trung, chế độ giam cầm vô cùng khắc nghiệt, tù nhân bị ngược đãi và đánh đập dã man, phải lao dịch khổ sai, bị đưa đi làm đường hoặc xây dựng công sở, trại lính, ăn uống hết sức thiếu thốn, khổ cực, đêm ngủ hai chân bị cùm. Vì chế độ dã man như thế nên các cuộc đấu tranh sống mái của anh em tù ngày càng quyết liệt hơn, chủ yếu là chống chế độ lao dịch khổ sai, chống việc đối xử dã man và cắt xén khẩu phần của tù nhân. Anh em trong tù viết bài bí mật đưa ra cho báo Tiến Bộ và nhà báo Pháp Vi-ô-lít đã đến điều tra và công bố tài liệu về nhà đày Buôn Ma Thuột, gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận Pháp. Trước sức ép nói trên, thực dân Pháp phải nhượng bộ, giải quyết một số yêu sách của tù nhân như cho tù nhân nhận đủ khẩu phần, tự quản lý nấu ăn và được đi làm vườn trồng đậu, rau để cải thiện, nên tình hình nói trên có đỡ hơn.

Chúng nhốt tôi vào trại giam đặc biệt, gọi là cấm cố. Nhà giam này cũng có tường cao 4 phía, các góc đều có bốt gác, chỉ có một cửa thông ra các nhà giam khác. Giam ở đây, tù nhân không  được ra  các nhà  giam ngoài, không được đi lao dịch vì chúng sợ vượt ngục, nhưng lại có thời giờ học tập, học lý luận, học thêm văn hóa, do đó anh em ở lao này nâng cao được trình độ hơn. Trong những người bị cấm cố có một số anh em có trình độ lý luận cao, có số có trình độ văn hóa trung học, tú tài, cao đẳng, tây học có, nho học có, có anh biết thuốc đông y, có nhiều sách báo (kể cả loại sách cấm nhưng phải giấu kín). Nhà giam này có khoảng 80 anh em, nhưng toàn loại tù nặng, có tinh thần đấu tranh cao, ban lãnh đạo cả nhà tù Buôn Ma Thuột cũng tập trung ở đây.

Năm 1942, trước khi tôi bị đày lên, anh em nhà tù này đã lập một ban lãnh đạo tù nhân. Anh em tổ chức thành từng nhóm bí mật gọi là "Lực lượng trung kiên". Lực lượng này chọn những chiến sĩ trung kiên nhất để làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh, lãnh đạo các mặt trong nhà lao, chọn người vượt ngục. Chúng tôi đến nhà đày Buôn Ma Thuột, gặp lại nhiều anh em đã quen biết trước đó và thấy trong anh em chính trị phạm hầu hết đều tích cực, còn một số rất ít bị dao động và có phần hữu khuynh. Anh em tù thỉnh thoảng tranh luận trên quan điểm lý luận. Lúc mới lên, tôi chưa rõ số ít anh em đó sai cái gì. Sau chúng tôi thấy phía các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Trần Tống... tích cực cách mạng hơn. Tôi tán thành phía này và cùng các anh tham gia lực lượng trung kiên và lãnh đạo bí mật các hoạt động trong nhà lao. Ngoài việc bàn bạc tổ chức các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày trong nhà lao, chúng tôi còn cùng với một số anh em bàn vấn đề vượt ngục, trốn ra hoạt động. Tôi và anh Nguyễn Sắc Kim sẵn sàng giới thiệu với các anh có ý định cùng vượt ngục những cơ sở cũ ở Phan Thiết, Nha Trang, có thể đi qua ghé lại hoặc ở lại hoạt động, nếu về Quảng Nam thì cơ sở cách mạng chỗ nào cũng nhiều, có nhiều phủ huyện  bảo đảm hoạt động an toàn.

Tháng 5 năm 1944, chúng tôi gồm các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Trương Chí Cương (Trương Kiểm) và tôi bàn vượt ngục. Ðể vượt ngục trước hết là giả đau bệnh quai bị (bệnh này hay lây). Việc giả đau quai bị phải có người đánh cho sưng má lên. Tôi đang nằm thì anh Viện đến nói muốn bệnh thì đừng sợ đau rồi lật nghiêng tôi lại, nắm tay nện cho 5 cú đau thấy chết vào má, vài phút sau má sưng lên và đỏ, các anh khác cũng làm như vậy. Báo cho thầy thuốc đến đo nhiệt độ, anh em phải vò ống mạch nhanh để nóng lên 38 - 40o nó mới tin được. Tên y sĩ xem thấy  nhiệt độ cao, má sưng cả 4 người đoán đúng bị quai bị. Không ngờ nó trúng kế chúng tôi. Nó cho ra nằm buồng cách ly. Buồng cách ly là nơi dễ thoát, dở ngói là ra khỏi nhà giam và thường người bệnh không bị cùm vào buổi tối và không có lính gác trong phòng. Chúng tôi chuẩn bị kế hoạch chu đáo, các thứ cần thiết để hôm đó là đi. Nhưng việc chuẩn bị của chúng tôi chưa biết vì sao bị lộ. Bảy giờ tối, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy lính vào phòng ngủ của bệnh nhân, cách ly bệnh nhân, đóng chặt các nêm cùm lại và đứng gác nghiêm ngặt. Chúng thay phiên nhau gác cả đêm lẫn ngày. Chúng tôi biết bị lộ, công việc không thành, nên xin về nhà giam.

Sau này Nhật đảo chính Pháp, tôi cùng anh em đấu tranh với những tư tưởng sai trái, nhất là tư tưởng lợi dụng Nhật. Bọn Nhật mua chuộc tù chính trị, bằng cách đồng ý thả tù chính trị ở các tỉnh, sau đó là thả tù chính trị ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Anh em trong tù tranh luận là có nên tranh thủ Nhật hay không. Có một số ít đồng ý lợi dụng, còn đại đa số chủ trương chống Nhật vì Nhật ở trong trục phát xít  Ðức - Ý - Nhật và chúng xâm chiếm nước ta và các nước khác, làm bá chủ Ðông Dương, bọn phát xít sắp đến ngày diệt vong. Do đó Nhật là đối tượng của cách mạng Việt Nam, nhất thiết không lợi dụng Nhật, không chào cờ Nhật và cờ quẻ ly. Có một tên thân Nhật vào nhà lao tập hợp anh em tù nhân định giảng thuyết. Trông y rất oại vệ, có vẻ là một thuyết khách. Y huênh hoang nói Nhật đánh đổ Pháp giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Nghe vậy, anh em cười rộ lên và nói đây là một cuộc thay chủ đổi tớ, độc lập bánh vẽ. Trước thái độ của tù nhân, y tái mặt và mất tinh thần. Sau đó, bọn Nhật và tay sai tổ chức một cuộc mít-tinh ở Buôn Ma Thuột, làm lễ ăn mừng độc lập và cho tù chính trị tham gia. Chúng treo cờ Nhật và cờ quẻ ly, hô chào cờ. Anh em tù nhân chúng tôi kể cả số ít có tư tưởng lợi dụng Nhật cũng không chào cờ và cũng không còn giữ quan điểm đó nữa. Tất cả đứng dậy nói chuyện ồn ào. Phần đông nhân dân Buôn Ma Thuột có mặt thấy vậy cũng không chào cờ. Âm mưu của bọn Nhật và thân Nhật trong việc tổ chức mít-tinh là để hoan nghênh độc lập, lôi kéo nhân dân, nhưng trái lại độc lập giả hiệu của bọn chúng bị phản đối, và uy tín cách mạng ngày một cao.

Cuối cùng chúng tôi được thả ra khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột. Tôi, Nguyễn Xuân Nhĩ về Quảng Nam, Nguyễn Sắc Kim về Phan Thiết... Anh em thống nhất kế hoạch là khi chúng đưa chúng tôi xuống Nha Trang là chúng tôi tìm đường thoát nhằm đề phòng chúng bắt lại. Ðến Nha Trang, tôi đi dạo ở ga, bất ngờ gặp chị Tài, một đảng viên trước đây ở Tam Kỳ, chị mời tôi về nhà chị ở, tôi nói không được, chị có tiền mua giúp vé tàu suốt cho tôi để đi gấp. Chị có quen với xếp ga nên mua được vé, tôi đi xe lửa về ngay ga Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ đây, cùng các đồng chí ở quê hương, tôi bắt tay tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Một trang sử mới trong đời tôi. Những năm tháng trong nhà tù của địch, tôi đã trưởng thành thêm một bước, tạo niềm tin cho tôi bước vào cuộc chiến đấu mới.

===================

(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.

Tin đăng lại

In Trang | Đóng cửa sổ