URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/299083?pers_id=1751941&item_id=263376031&p_details=1
 
Tọa đàm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án
16/10/2018-01:39:00 PM
 
Sáng ngày 16/10/1018, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án với đoàn Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản.
Sáng ngày 16/10/1018, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án với đoàn Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản.

Tham dự buổi Tọa đàm, có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng ban chỉ đạo về việc tiếp tục và mở rộng thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân; Ngài Tokura Saburo, Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các thành viên đoàn công tác Tòa án tối cao Nhật Bản và lãnh đạo một số đơn vị chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã giới thiệu những thành tựu về công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam, trong đó có những đóng góp quan trọng của Tòa án nhân dân; về những giải pháp mang tính đột phá để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là việc thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố.

Khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, đối thoại, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, trong bối cảnh Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đang tích cực triển khi công tác hòa giải thì việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết, trong đó, kinh nghiệm về thủ tục điều đình theo quy định pháp luật Nhật Bản cũng được Tòa án hết sức quan tâm; những chia sẻ của Nhật Bản sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình triển khai công tác hòa giải tại Việt Nam.

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền phát biểu khai mạc Tọa đàm

Khái quát về việc triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng và tiếp tục triển khai thí điểm mở rộng tại 15 tỉnh, thành phố, đồng chí Hoàng Thúy Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cho biết, qua 06 tháng triển khai thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả: Hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong số các vụ hòa giải, đối thoại thành có 1.606 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con; 159 vụ tranh chấp dân sự; 45 vụ kinh doanh, thương mại; 04 vụ tranh chấp lao động và 13 vụ khiếu kiện hành chính.

Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành 6 tháng là 1.827 vụ nên đã giúp 9 đơn vị cấp huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý để giải quyết 1.827 vụ, thực tế giảm được số vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải giải quyết, xét xử là 598 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhân sự thỏa thuận, các vụ việc này sẽ được cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không phải cưỡng chế cũng giúp cơ quan Thi hành án dân sự giảm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 01/10/2018 về việc tiếp tục và mở rộng thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Trao đổi tại Tọa đàm, phía Tòa án Việt Nam bày tỏ sự quan tâm về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm hòa giải viên; nguồn của hòa giải viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với hòa giải viên và một số nội dung khác liên quan tới vấn đề hòa giải của Nhật Bản.

Tọa đàm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chia sẻ về hòa giải theo quy định pháp luật Nhật Bản, Thẩm phán Tokura Saburo cho biết, thủ tục điều đình (hay còn gọi là hòa giải) đã tồn tại tại Nhật Bản hơn 90 năm; hòa giải phải theo nguyên tắc đơn giản, rút gọn để mọi người dân, kể cả không am hiểu về luật pháp vẫn có thể dễ dàng tiếp cận; Hội đồng hòa giải bao gồm 03 thành viên, trong đó có 01 Thẩm phán; các hòa giải viên là các Thẩm phán (Thẩm phán Tòa gia đình và Thẩm phán tại các Tòa án địa phương), luật sư, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực, những người có kiến thức về các vấn đề xã hội, người có tiếng nói, uy tín tại địa phương… đặc biệt, các hòa giải viên ở Nhật Bản không nhất thiết là những người có kiến thức về pháp luật và phải trên 40 tuổi.

Những người muốn trở thành hòa giải viên có thể tự ứng cử, được phỏng vấn tại Tòa án địa phương và giới thiệu danh sách lên Tòa án tối cao xem xét, quyết định hoặc được giới thiệu, tuyển chọn từ các Hiệp hội hòa giải. Các hòa giải viên được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng tại các lớp học, khóa tập huấn do các Hiệp hội hòa giải tổ chức và giảng viên trực tiếp giảng dạy là các Thẩm phán; nội dung tập huấn chú trọng tới vấn đề đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Một vấn đề bắt buộc là các hòa giải viên phải tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực mà bản thân thực hiện công tác hòa giải (hòa giải viên trong lĩnh vực giao thông thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông), nếu vi phạm sẽ bị xem xét lại tư cách hòa giải viên…

Nguyên Anh

In Trang | Đóng cửa sổ