URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/12575921?pers_id=1751931&item_id=257212092&p_details=1
 
Lấy ý kiến, thảo luận về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
07/09/2018-05:05:00 PM
 
Chiều ngày 07/9/2018, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức Cuộc họp xin ý kiến các cơ quan Bộ, ngành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; về tính hợp hiến, hợp pháp, tính có căn cứ pháp luật, căn cứ thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách; đánh giá tác động; tính tương đồng đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nội dung của dự án; về quản lý nhà nước và các vấn đề khác của Hồ sơ “Đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.
Chiều ngày 07/9/2018, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức Cuộc họp xin ý kiến các cơ quan Bộ, ngành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; về tính hợp hiến, hợp pháp, tính có căn cứ pháp luật, căn cứ thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách; đánh giá tác động; tính tương đồng đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nội dung của dự án; về quản lý nhà nước và các vấn đề khác của Hồ sơ “Đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.

Đến dự và chỉ đạo Cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao; dự họp còn có đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Trịnh Xuân Toản, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW; các đồng chí Thẩm phán TAND tối cao; đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

Tại Cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao đã thông qua Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật; Dự thảo Đề cương Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và một số tài liệu liên quan tới Hồ sơ “Đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Theo đó dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm có 06 Chương và 45 Điều. Cụ thể, Chương I bao gồm những quy định chung; Chương II quy định Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Hòa giải viên, Đối thoại viên; Chương III quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; Chương IV là kết quả hòa giải, đối thoại; Chương V là xử lý vi phạm và Chương VI là điều khoản thi hành.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao chủ trì tại cuộc họp

Sau khi nghe công bố và nghiên cứu tài liệu của Hồ sơ “Đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, các đại biểu đều nhất trí ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vì cho rằng hòa giải từ lâu vốn đã được xem là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giúp ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh đời sống hiện nay, khi những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi phát sinh một cách thường xuyên hơn, công tác hòa giải càng đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế một phần tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết. Đối với công tác hòa giải tại Tòa án thì số lượng vụ việc phải giải quyết đã trở thành áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ tòa án. Trong bối cảnh đó, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện mà không phải mở phiên tòa xét xử, từ đó, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; đồng thời, góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai.

Khi hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên đóng vai trò là cầu nối giữa tất cả các bên, đảm bảo công bằng, lịch sự; giúp tạo ra một không gian an toàn, bình đẳng cho tất cả các bên để cùng đối thoại; giúp họ xác định nhu cầu, mong muốn và định ra ranh giới trong tranh chấp; giúp họ nhận ra tính hợp pháp trong quan điểm của bên đối lập và khuyến khích họ đưa ra các giải pháp phù hợp với lợi ích của họ. Kỹ năng giao tiếp trung lập của hòa giải viên sẽ đưa các bên hiểu nhau hơn để có một thỏa thuận giải quyết tranh chấp có lợi cho cả hai bên, qua đó các bên có thể làm việc và hợp tác với nhau để đưa ra giải pháp mà cả hai đều thấy hợp lý để hóa giải các tranh chấp…

Đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán TAND tối cao phát biểu tại cuộc họp

Cũng tại Cuộc họp, một số đại biểu có ý kiến về mô hình, phương thức, cũng như kinh phí hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các vụ việc được Tòa án hòa giải, quy trình hòa giải, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm thực hiện… Các vấn đề này đều được đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán TAND tối cao giải đáp thỏa đáng.

Phát biểu kết luận Cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao cám ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết trên cơ sở tổng kết thực tiễn của TAND TP Hải Phòng, các quy định của pháp luật hiện nay và tham khảo luật pháp quốc tế, cũng như ý kiến đóng góp của các đại biểu, TAND tối cao sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để đề nghị Quốc Hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Trần Kỳ

In Trang | Đóng cửa sổ