URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/12575921?pers_id=1751931&item_id=239394439&p_details=1
 
Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên về tư pháp nước đạt nhiều kết quả tích cực
06/04/2018-07:11:00 AM
 
Đó là khẳng định của Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền về kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên tổ chức tại Brazil trong buổi trả lời phỏng vấn PV Báo Công lý.
Đó là khẳng định của Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền về kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên tổ chức tại Brazil trong buổi trả lời phỏng vấn PV Báo Công lý.

Nhận lời mời của Tòa án tối cao Brazil, Đoàn công tác TAND tối cao do Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 8, được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 23/3/2018 tại thủ đô Brasilia của Brazil. Diễn đàn Nước thế giới được tổ chức theo nhiều chủ đề, trong đó có Hội nghị dành riêng cho Thẩm phán và Công tố viên.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Công lý đã có buổi phỏng vấn Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền về kết quả nổi bật của Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên.

PV: Thưa Phó Chánh án, Đoàn công tác TAND tối cao vừa kết thúc tham dự Hội nghị dành riêng cho Thẩm phán và Công tố viên được tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 8, tại thủ đô Brasilia của Brazil, xin Phó Chánh án cho biết kết quả nổi bật của Hội nghị này?

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: Đây lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Nước thế giới, một Hội nghị dành riêng cho Thẩm phán và Công tố viên được tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn. Tại Hội nghị có sự tham dự của 83 Thẩm phán, Công tố viên, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công tác pháp luật đến từ 57 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu chính của Hội nghị là khởi động thực thi Lộ trình của Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 7 bằng cách đảm bảo cam kết nhiều hơn về chính trị và pháp lý đối với việc quản lý nước bền vững về phương diện sinh thái; hỗ trợ đối thoại thiết thực giữa các Thẩm phán, Công tố viên và các bên liên quan nhằm thảo luận và phát triển một cơ chế pháp lý cho việc quản lý nguồn nước mang tính xã hội công bằng và ổn định về phương diện sinh thái; những tiến bộ gần đây trong giới học giả, pháp chế, luật học và chính sách công đối với các vấn đề về nước…

Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên đã thành công tốt đẹp. Nổi bật là việc nâng cao nhận thức của Thẩm phán và Công tố viên về tầm quan trọng cũng như trách nhiệm trong việc bảo vệ công lý nước và pháp quyền về môi trường; ra Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về tư pháp nước (Tuyên bố Brasilia) và hoàn thiện một bước cơ cấu, tổ chức của Viện Tư pháp toàn cầu về môi trường, tạo điều kiện để thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường bền vững trong thời gian tới.

PV: Việc ra Tuyên bố Brasilia được đánh giá là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị của Thẩm phán và Công tố viên, Phó Chánh án có thể cho biết ý tưởng của việc ra Tuyên bố này?

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: Có thể nói việc ra Tuyên bố này là ý tưởng của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động về môi trường trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Viện Tư pháp toàn cầu về môi trường (GJIE) và cá nhân Thẩm phán Tòa án tối cao Brazil Antonio Herman Benjamin đã biến những ý tưởng trên thành hiện thực.

Được thành lập từ ngày 29/4/2016 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Viện Tư pháp toàn cầu về môi trường là diễn đàn của các Thẩm phán và chuyên gia về môi trường cùng trao đổi thông tin, tạo mối quan hệ hợp tác, tăng cường năng lực và cung cấp kết quả của việc nghiên cứu, đánh giá và phân tích liên quan đến môi trường, thực tiễn của Toà án và luật pháp về môi trường. Hiện nay, Ban Điều hành lâm thời của Viện bao gồm 12 thành viên, trong đó Thẩm phán Antonio Herman Benjamin, Chủ tịch Ủy ban Luật môi trường của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đóng vai trò như người đứng đầu.

Ban Điều hành lâm thời đã dự thảo Tuyên bố Brasilia để các đại biểu thảo luận, thông qua tại Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên mới đây.

PV: Xin Phó Chánh án cho biết những nội dung chính của Tuyên bố Brasilia?

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: Tuyên bố Brasilia được chuẩn bị rất công phu, bài bản, kỹ lưỡng trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện các vấn đề pháp lý, tư pháp liên quan đến nước, môi trường và phát triển bền vững. Nội dung Tuyên bố Brasilia gồm 3 phần chính.

Thứ nhất, Tuyên bố Brasilia ghi nhận, đánh giá tầm quan trọng của nước, môi trường đối với đời sống con người, vai trò của Thẩm phán, cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ tư pháp về nước. Tuyên bố Brasilia khẳng định, nguồn nước ngọt đang nhanh chóng trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu. Theo dự báo, nhu cầu về nước trên toàn cầu vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi vào năm 2005 và sẽ vượt 40% so với nguồn cung. Thiệt hại đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái liên quan và sự thiếu hụt của các quy định liên quan đến nước tác động không cân đối đến những người và nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người dân bản địa và các nhóm dân tộc thiểu số; và sự cần thiết phải giảm thiểu những tác động này.

Trong bối cảnh đó, công chúng tin tưởng vào hệ thống Tòa án để bảo vệ và thực hiện quyền con người nói chung, quyền con người về nước (quyền tiếp cận và sử dụng nước được khẳng định là quyền con người) và vệ sinh nói riêng cũng như việc duy trì, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời khẳng định, pháp luật về nước và luật pháp về môi trường là rất cần thiết để bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái.

Thứ hai, Tuyên bố Brasilia đưa ra 10 nguyên tắc cụ thể mà các Thẩm phán toàn cầu cần nghiên cứu, áp dụng và tuân theo trong quá trình xét xử, giải quyết các tranh chấp về nước, môi trường và các vấn đề có liên quan. Có thể nói 10 nguyên tắc này là nội dung quan trọng nhất của Tuyên bố Brasilia, bao trùm các vấn đề chính trị, pháp lý, xã hội có liên quan đến quá trình tố tụng của Tòa án về các vấn đề về nước và môi trường.

Thứ ba, Tuyên bố Brasilia nhấn mạnh vai trò của hệ thống pháp luật về nước và môi trường, cũng như khuyến khích sự hợp tác giữa các thành viên của cơ quan tư pháp và những người khác tham gia vào quá trình xét xử trong phạm vi một quốc gia cũng như đa quốc gia. Điều này là cần thiết để đạt được một bước tiến quan trọng trong việc thực thi pháp luật về nước và môi trường.

PV: 10 nguyên tắc được xem là phần quan trọng nhất của Tuyên bố Brasilia, Phó Chánh án có thể cho biết rõ hơn một số nguyên tắc nói trên?

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: Đúng vậy, chính vì tầm quan trọng của 10 nguyên tắc này mà Tuyên bố Brasilia còn có tên gọi khác là “Tuyên bố 10 nguyên tắc”.

Như tôi đã nêu ở trên, các nguyên tắc này đều rất quan trọng đối với quá trình tư pháp tại Tòa án để giải quyết các vấn đề liên quan đến nước và môi trường. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc mang tính chất nổi bật như Nguyên tắc 1, coi nước là một tài sản cộng đồng. Theo đó, Nhà nước nên quản lý tất cả các nguồn nước và bảo vệ chúng, kết hợp với các chức năng sinh thái liên quan, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai và của cộng đồng sự sống trên trái đất.

Coi trọng việc ưu tiên phòng tránh các tác động tiêu cực đến tự nhiên, Tuyên bố khẳng định, để tránh các biện pháp tốn kém để phục hồi, xử lý hoặc phát triển các nguồn nước mới hoặc các hệ sinh thái liên quan đến nước, việc ngăn ngừa nguy hại đến tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan cần được ưu tiên theo nguyên tắc “phòng hơn chống” (Nguyên tắc 4).

Tuyên bố Brasilia đưa ra yêu cầu đối với các Thẩm phán và Tòa án cần phải cố gắng đạt được quy trình pháp lý về nước bằng cách đảm bảo rằng các cá nhân sẽ được tiếp cận các thông tin về nguồn nước và các dịch vụ do các cơ quan nhà nước nắm giữ, có cơ hội tham gia vào quy trình ban hành chính sách và tiếp cận có hiệu quả các hoạt động tố tụng tư pháp và hành chính, cũng như các biện pháp khắc phục thích hợp (Nguyên tắc 10).

PV: Theo Phó Chánh án, Việt Nam có thể áp dụng Tuyên bố Brasilia vào thực tiễn xét xử của Tòa án như thế nào?

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền: Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với đường bờ biển dài và địa hình đồng bằng thấp, từ xa xưa, Việt Nam đã phải chống chọi với rất nhiều thách thức liên quan đến nước. Những thách thức về nước ở Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai khi tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, tăng dân số của Việt Nam được xếp vào mức nhanh trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam được dự báo là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm và xác định nước là tài nguyên chiến lược đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Bảo đảm tài nguyên nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là một trong những chính sách của Nhà nước Việt Nam về tài nguyên nước, được quy định tại Luật Tài nguyên nước.

Đối với hệ thống TAND Việt Nam, chúng ta rất cần học hỏi những kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng cường năng lực của các Thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp về môi trường, đặc biệt là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp xuyên quốc gia, trong bối cảnh những loại việc này được dự báo có xu hướng tăng trong thời gian sắp tới do nguồn tài nguyên nước suy giảm và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mặc dù Tuyên bố Brasilia không mang tính chất ràng buộc quốc gia, nhưng đây là văn bản quan trọng giúp nâng cao nhận thức của Thẩm phán về các vấn đề liên quan đến nước và môi trường. Các Thẩm phán Việt Nam có thể tham khảo các nguyên tắc này trong quá trình nghiên cứu, xét xử các vụ việc, các tranh chấp liên quan đến nguồn nước và môi trường nói chung, góp phần bảo đảm áp dụng đúng các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật chuyên ngành về nước, nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chánh án!

Theo Báo Công lý

In Trang | Đóng cửa sổ