URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/12575921?pers_id=1751931&item_id=235989967&p_details=1
 
Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán”
09/03/2018-08:00:00 AM
 
Ngày 8/3/2018, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán” nhằm xây dựng các chuẩn mực đạo đức cơ bản của Thẩm phán làm nền tảng cho hoạt động xét xử.
Ngày 8/3/2018, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán” nhằm xây dựng các chuẩn mực đạo đức cơ bản của Thẩm phán làm nền tảng cho hoạt động xét xử.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về Phòng chống Tham nhũng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC; ông Jason Reichelt, Chuyên gia Phòng ngừa Tội phạm và Tư pháp Hình sự của UNODC tại trụ sở thủ đô Viên, Cộng hòa Áo; ông Gordon J.Low, Thẩm phán Tòa án cấp cao, Hoa Kỳ; ông Park Hyun Soo, Chuyên gia dài hạn của KOICA Hàn Quốc tại Việt Nam, Giám đốc dự án Tăng cường năng lực Học viên Tòa án.

Về phía đại biểu trong nước, có đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội Vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chánh án TAND tối cao, thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, tại Đà Nẵng, tại TP HCM và lãnh đạo TAND 26 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc...

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Bí Thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao; Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao và Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND tối cao; ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về Phòng chống Tham nhũng, Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC điều hành Hội thảo.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Tòa án là một thiết chế quan trọng trong bộ máy Nhà nước, có nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia. Trong đó, Thẩm phán là chức danh tư pháp cao quý (cùng với thành viên Hội đồng xét xử) được Nhà nước giao thẩm quyền để nhân danh Nhà nước xét xử, phán quyết trong các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Phán quyết của Thẩm phán có tác động trực tiếp đến quyền nhân thân, quyền tài sản, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người. Do đó, năng lực và đạo đức của Thẩm phán đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền tư pháp công bằng, minh bạch, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Lãnh đạo TAND tối cao và chuyên gia quốc tế điều hành Hội thảo

Trong hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng, Nhà nước và TAND tối cao qua các thời kỳ đều xác định tầm quan trọng của đạo đức Thẩm phán, từ đó chú trọng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức các Tòa án nói chung, đội ngũ Thẩm phán nói riêng. Cụ thể hóa các quy định của pháp luật và yêu cầu rèn luyện đạo đức cho cán bộ, Thẩm phán, TAND tối cao đã ban hành Quyết định số 1253/2008/QĐ-TCCB ngày 18/9/2008 ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND. Theo đó, quy định những điều Thẩm phán phải làm, không được làm khi thực hiện nhiệm vụ và trong cuộc sống; quy định thái độ ứng xử của Thẩm phán với nhân dân, với các cơ quan tổ chức, với báo chí, ứng xử tại gia đình, nơi công cộng... Tuy nhiên, bản quy tắc ứng xử này chưa đề cập được cụ thể, chi tiết và đầy đủ những chuẩn mực đạo đức cũng như những tình huống ứng xử của Thẩm phán; còn thiếu những nội dung căn bản của Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ông Jason Reichelt, Chuyên gia Phòng ngừa Tội phạm và Tư pháp Hình sự
của UNODC phát biểu tại Hội thảo

Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cải tư pháp về sự nghiêm minh, liêm chính của Thẩm phán; căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND, TAND tối cao đã xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán nhằm thể hiện các giá trị đạo đức cơ bản là nền tảng của hoạt động xét xử, tư cách đạo đức và hành vi ứng xử của Thẩm phán. Dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán gồm 5 chương, 21 điều được xây dựng căn cứ vào Hiến pháp và các quy định của pháp luật Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người Thẩm phán; quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Bộ nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002; Hiến chương Thẩm phán toàn cầu; Quy tắc đạo đức đối với thành viên và cựu thành viên Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu 2016; Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Israel, Singapore, Philippines.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đóng góp ý kiến vào dự thảo
Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán

Trong phần thảo luận, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán là cần thiết, cấp bách, thể hiện được tính đạo đức và tính pháp quyền đối với Thẩm phán. Nhìn ra thế giới, Thẩm phán là chức danh nghề nghiệp được xã hội đặc biệt ngưỡng mộ, tin tưởng và tôn trọng. Đối với Việt Nam, nghề Thẩm phán ngày càng phát triển và được nhìn nhận đúng với vị trí là cơ quan bảo vệ công lý. Thẩm phán là chức danh tư pháp cao quý, các Thẩm phán là những chủ thể được bổ nhiệm để thực hiện quyền tư pháp là nhân tố quyết định chất lượng xét xử của Tòa án, là nền tảng của một Tòa án công bằng, vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật. Bộ quy tắc được soạn thảo công phu, hình thức thể hiện hợp lý, là cơ sở để các Thẩm phán rèn luyện, soi mình trong việc giữ gìn phẩm giá, tư cách của người Thẩm phán.

Bên cạnh sự đồng thuận, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán. Theo đó, các đại biểu đã góp ý kiến về đối tượng áp dụng, về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán, về những quy tắc ứng xử của Thẩm phán, về Ủy ban đạo đức Thẩm phán, về chế tài xử lý vi phạm Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán. Phần lớn các ý kiến tập trung làm rõ quy định về những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của Thẩm phán như tính độc lập; sự vô tư, khách quan; liêm chính; công bằng, bình đẳng. Vấn đề đạo đức đối với các nghề nghiệp khác trong xã hội có thể được xem là bình thường, nhưng với Thẩm phán thì phải được nâng thành chuẩn mực đạo đức, đó là sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần...

Quang cảnh buổi Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu; các ý kiến đóng góp đều mang tính xây dựng, có chất lượng, thể hiện chiều sâu, nội hàm của đạo đức Thẩm phán. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giao cho Vụ Pháp chế - Quản lý khoa học và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán để trình lãnh đạo TAND tối cao ban hành.

Theo Báo Công lý

In Trang | Đóng cửa sổ