URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/96360474/96360500?pers_id=33814884&item_id=56379220&p_details=1
 
Kỳ họp 3/2014 của Hội đồng Thẩm phán và một số vấn đề nghiệp vụ (P.2)
12/05/2014-11:22:00 AM
 
Cho và mượn khác nhau thế nào? Không rõ là “cho” thì có thể xác định là “mượn” hay không?
Cho và mượn khác nhau thế nào? Không rõ là “cho” thì có thể xác định là “mượn” hay không?

(Vụ án đòi tiền giữa ông Jose  và bà Hằng)

Ông Jose Ignacio Sanchez Andres, quốc tịch Tây Ban Nha quen biết bà Nguyễn Thu Hằng qua mạng internet từ tháng 4/2006. Đến tháng 7/2006 ông Jose mời bà Hằng sang Tây Ban Nha du lịch. Sau khi bà Hằng về Việt Nam, ông Jose đã 02 lần gửi tiền cho bà Hằng với tổng số tiền là 40.197,88 USD.

Tại đơn khởi kiện ngày 06/01/2010 (Ông Jose ủy quyền cho ông Nguyễn Phú Thịnh tham gia tố tụng), ông Jose yêu cầu buộc bà Hằng trả lại số tiền nêu trên vì là tiền bà Hằng mượn để kinh doanh và hứa trả sau một năm.

Bà Hằng thừa nhận đã nhận tiền đúng như lời khai của ông Jose nhưng cho rằng ông Jose tự nguyện cho bà vì hai bên có tình cảm với nhau và dự định đi đến kết hôn; bà đã chi tiêu cá nhân và kinh doanh chứng khoán thua lỗ nên không còn và cũng không có nghĩa vụ phải trả.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 779/2010/DSST ngày 01/6/2010, TAND thành phố Hồ Chí Minh buộc bà Hằng phải có trách nhiệm trả cho ông Jose toàn bộ số tiền mà bà đã nhận vì cho rằng bà Hằng không chứng minh được số tiền đã nhận của ông Jose là ông Jose cho, nên có căn cứ xác định số tiền mà ông Jose gửi cho bà Hằng là tiền cho mượn và ông Jose yêu cầu bà Hằng trả là có cơ sở.

Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 274/2010/DSPT ngày 06/12/2010, Tòa phúc Thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 17/3/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm, bản án sơ thẩm; giao xét xử sơ thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:

Quyết định giám đốc thẩm giao xét xử sơ thẩm lại theo hướng nếu không có chứng cứ gì mới thì phải bác yêu cầu đòi tiền của nguyên đơn (ông Jose).

Ông Jose là người nước ngoài, cư trú tại nước ngoài (Tây Ban Nha) nhưng bị đơn ở Việt Nam, giao dịch nhận tiền xảy ra ở Việt Nam, Việt Nam và Tây Ban Nha cũng chưa có quy định riêng nên việc áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp là pháp luật Việt Nam.

Ông Jose và bà Hằng đều thống nhất số tiền đã giao nhận, nhưng ông Jose cho rằng bà Hằng mượn số tiền trên nên phải trả; còn bà Hằng thì cho rằng ông Jose cho bà là để giúp đỡ nên bà không phải trả.

Theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự (BLDS) thì: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.”.

Theo quy định tại điều 465 BLDS thì: “ Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, số tiền  40.197,88 USD tranh chấp nêu trên cũng có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản hoặc hợp đồng tặng cho tài sản.

So sánh các dấu hiệu pháp lý đặc trung của hợp đồng mượn tài sản với hợp đồng tặng cho tài sản thì khác biệt căn bản là người mươn tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản còn người được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại tài sản.

Để xác định là loại hợp đồng nào nếu hợp đồng đã không được đặt tên thì phải xác định được những quyền, nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận xác lập. Đồng thời xác định những quyền hoặc nghĩa vụ ấy có thuộc những quyền hay nghĩa vụ đặc trưng của một loại hợp đồng nào không.

Cá tài liệu mà ông Jose và bà Hằng xuất trình đều là các thư điện tử (email). Trong các thư bà Hằng gửi (ông Jose xuất trình) không có nội dung nào xác định việc bà Hằng nhận tiền là “mượn” tiền, cũng không có nội dung nào thể hiện bà Hằng xác định bà có nghĩa vụ trả tiền hay lẽ ra phải trả nhưng do khó khăn mà chưa trả được. Như vậy, ông Jose chưa có đủ chứng cứ để chứng minh đã cho bà Hằng mượn tiền. Trong các thư ông Jose gửi (bà Hằng xuất trình) cũng không có nội dung nào thể hiện dứt khoát ý chí của ông Jose tặng cho bà Hằng số tiền đã gửi. Như vậy, bà Hằng cũng chưa có đủ chứng cứ chứng minh việc bà nhận tiền là từ hợp đồng tặng cho.

Trong vụ án này, việc đánh giá chứng cứ của các cấp Tòa án là giống nhau nhưng xác định hậu quả pháp lý khác nhau. Cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cho rằng không phải là cho thì là mượn và phải trả lại, cấp giám đốc thẩm xác định chưa đủ căn cứ là cho nhưng cũng chưa đủ căn cứ là mượn thì phải bác yêu cầu khởi kiện.

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán trên cơ sở nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh đã quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) là “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Ông Jose đưa ra yêu cầu đòi lại tiền cho mươn thì có nghĩa vụ chứng minh đúng là việc mượn tiền; không chứng minh được rõ ràng thì không thể chấp nhận yêu cầu. Bà Hằng nêu ra sự kiện là tiền tặng cho thì bà Hằng có quyền chứng minh, nếu đúng là tặng cho thì càng có cơ sở để bác yêu cầu đòi tiền của ông Jose nhưng nếu bà Hằng chưa chứng minh được thì cũng không cản trớ việc bác yêu cầu của nguyên đơn.

Cũng có ý kiến nêu rằng Tòa án phải xác định thực chất hợp đồng là hợp đồng gì. Theo nguyên tắc giải quyết dân sự thì Tòa án chỉ giải quyết những yêu cầu đương sự đặt ra, chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của họ. Không phải cứ không “cho” thì là “mượn”. Thực tế còn có thể là thỏa thuận đầu tư không hợp pháp , và nếu vậy thì cũng không thể có việc trả lại tiền như là mượn tiền.

Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

Các thư điện tử có thể là nguồn chứng cứ nếu không có dấu hiệu nghi ngờ giả mạo hoặc bị sửa chữa.

Để xác định hợp đồng là hợp đồng gì phải xác định theo các dấu hiệu đặc trưng của loại hợp đồng theo quy định của pháp luật (khái niệm về một loại hợp đồng cụ thể theo pháp luật).

Không phải cứ không là cho thì là mượn. Không phải cứ không chứng minh được là cho thì phải trả lại tiền đã nhận. Người đòi tiền không chứng minh được nghĩa vụ phải trả lại tiền của bị đơn thì sẽ bị bác yêu cầu mặc dù bị đơn cũng không chứng minh được là họ được cho.
Chu Minh - Tuấn Sơn

In Trang | Đóng cửa sổ