URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=96661051&p_details=1
 
Một số vấn đề về thừa kế thế vị theo quy định tại điều 678, 679 Bộ luật dân sự (Phần 1)
03/04/2015-03:29:00 PM
 
 Cao Việt Hoàng - Trường Cán bộ T
      Ths.Phạm Thị Bích Phượng
Thẩm tra viên, Trường Cán bộ Tòa án

 

 

Bộ luật dân sự năm 2005 (sau đây gọi là BLDS) sau hơn 8 năm thi hành đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, chế định thừa kế của BLDS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế khi chưa điều chỉnh đầy đủ, hiệu quả các mối quan hệ thừa kế thế vị phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Điều 677 BLDS quy định về thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.” Mục đích của thừa kế thế vị là bảo vệ lợi ích của các cháu, các chắt của người để lại di sản trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản. Và cùng với Điều 677 BLDS, những trường hợp thừa kế liên quan đến thừa kế thế vị được quy định tại các điều 641, 678, 679 của BLDS.

Nhằm góp ý cho Dự thảo sửa đổi Bộ luật dân sự, qua việc nêu lên một số vấn đề về thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 678, 679 BLDS và các điều luật liên quan; những quy định chưa hợp lý, còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi và trong trường hợp con riêng với bố dượng, mẹ kế để trao đổi ý kiến, đề xuất sửa đổi cho phù hợp, nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật thừa kế trong cuộc sống nói chung và hoàn thiện pháp luật về thừa kế thế vị nói riêng.

1. Một số vấn đề về thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 678, 679 BLDS

1.1 Thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi (Điều 678 BLDS):

Nuôi con nuôi là chế định pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự, Điều 44 BLDS quy định về quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi. Đồng bộ với quy định về nuôi con nuôi của BLDS, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi. Theo đó, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Nhưng, vấn đề là trong thừa kế thế vị con của người con nuôi có vị trí thế nào? có khác với con của người con đẻ không?

Điều 676 BLDS quy định khi cha mẹ nuôi chết, con nuôi cũng được xếp ngang hàng với con đẻ của người để lại di sản ở hàng thừa kế thứ nhất. Điều 678 BLDS quy định về thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi như sau: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di dản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”. Và, khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi quy định hệ quả của việc nuôi con nuôi: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.

Quan hệ thừa kế thế vị giữa cha mẹ đẻ và con được xác định trên cơ sở huyết thống còn trong quan hệ thừa kế thế vị giữa con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi được xác định dựa trên cơ sở quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Thông qua việc nhận nuôi con nuôi,  xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa các bên. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha mẹ và con nuôi cũng là quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Con nuôi cũng có đầy đủ mọi nghĩa vụ và quyền trong quan hệ với cha mẹ nuôi như con đẻ, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa con nuôi và con đẻ.

Những quy định tại các điều luật trên thể hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con đã được Hiến pháp 2013 khẳng định, con nuôi có quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản như con đẻ. Kể từ thời điểm được nhận làm con nuôi thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của BLDS.

Tuy nhiên, do người con vừa là con nuôi của cha mẹ nuôi, vừa là con đẻ của cha mẹ đẻ mà Điều 676, 678 BLDS và khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi quy định người con nuôi có quyền hưởng thừa kế của cả cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ và ngược lại. Mặt khác, về hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật nuôi con nuôi nêu các trường hợp loại trừ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đối với con đã cho đi làm con nuôi thì việc xác lập quan hệ con nuôi giữa người con và cha nuôi, mẹ nuôi không đương nhiên làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ thừa kế giữa người con với cha mẹ đẻ của họ. Theo đó, việc thừa nhận quyền thừa kế của người con đối với gia đình cha, mẹ đẻ đã đảm bảo cho quyền thừa kế thế vị của các cháu không phụ thuộc vào việc bố mẹ của cháu có đang là con nuôi của người khác hay không.

1.2  Thừa kế thế vị trong trường hợp con riêng với bố dượng, mẹ kế (Điều 679 BLDS):

Điều 679 BLDS quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế như sau: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”. Mặt khác, Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN & GĐ) năm 2000 quy định: “Bố dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền trông  nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình”, “con riêng có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc bố dượng, mẹ kế cùng chung sống với mình”.

Ta thấy, theo quy định của pháp luật như trên, giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế đều có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng nhau khi cùng chung sống. Và chỉ khi giữa họ thể hiện được mối quan hệ như cha - con, mẹ - con thì họ mới được quyền thừa kế theo pháp luật của nhau và thừa kế thế vị.

Có thể thấy, quy định tại Điều 679 BLDS như hiện nay xuất phát từ thực tiễn và đạo lý là khuyến khích những người trong gia đình quan tâm giúp đỡ và có trách nhiệm với nhau. Căn cứ để xác định thừa kế thế vị giữa con của con riêng với bố dượng, mẹ kế khi họ qua đời chỉ dựa trên điều kiện thực tế là giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Quy định này của pháp luật là phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Việc cha dượng, mẹ kế được thừa kế di sản của con riêng và ngược lại với điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con, mẹ con làm cho mối quan hệ giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế không đơn thuần thể hiện về mặt tình cảm mà cao hơn nó còn được ghi nhận bằng nghĩa vụ pháp lý. Điều kiện để con riêng và cha dượng, mẹ kế được thừa kế theo pháp luật của nhau chính là họ đã thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Những căn cứ trên được xác định khi con riêng của vợ, của chồng chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha dượng, mẹ kế thì con của người con riêng đó được thừa kế thế vị như những người con, người cháu khác của người để lại di sản theo quy định tại Điều 677 BLDS.

Sơ đồ 1.2 - Khi con riêng của vợ, chồng chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha kế, mẹ kế thì con đẻ của người con riêng đó được thừa kế thế vị.

Theo quy định của điều luật thì giữa những người này không có quan hệ huyết thống, về nguyên tắc không được thừa kế của nhau, tuy nhiên, khi giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con và người con riêng đã thể hiện được nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ thì theo quy định của pháp luật họ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau. Nếu con riêng của vợ, chồng mà chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha dượng hoặc mẹ kế thì con của họ được thừa kế thế vị nhận di sản của ông bà kế.

2. Những vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Điều 678, 679 BLDS:

Hàng năm, tòa án các cấp xét xử một số lượng lớn án tranh chấp về thừa kế trong tổng số vụ án dân sự, và trong những vụ án đó, có nhiều vụ án liên quan đến thừa kế thế vị. Từ thực tiễn áp dụng các quy định của BLDS năm 2005 đến nay, quá trình xét xử cũng như giải quyết án dân sự khi áp dụng điều 678, 679 BLDS còn có những bất cập dẫn đến nhận thức để thực hiện của các chủ thể quan hệ dân sự hoặc quan điểm của các cơ quan pháp luật, của các cấp cũng khác nhau, đường lối giải quyết các tranh chấp dân sự không thống nhất.

* Những vướng mắc khi áp dụng Điều 678 BLDS:

Như đã phân tích ở trên, tuy BLDS đã quy định về thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi tại Điều 678 nhưng còn rất chung chung. Mặc dù, Điều 678 BLDS năm 2005 đã kế thừa gần như hoàn toàn Điều 681 BLDS năm 1995 và Điều 27 Pháp lệnh thừa kế năm 1990, nhưng cho đến nay, chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về 2 vấn đề:

1 - Khi người nhận nuôi con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha mẹ đẻ của họ thì người con nuôi của họ có được thừa kế thế vị không?

2 - Khi người con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha nuôi, mẹ nuôi thì con của người con nuôi (con đẻ hoặc con nuôi) có được hưởng thừa kế thế vị không?

Trước đây, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 19/10/1990 (Nghị quyết số 02) hướng dẫn áp dụng một số qui định của Pháp lệnh thừa kế thì “Con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha mẹ đẻ và con đẻ của người nuôi. Do đó, con nuôi không phải là thừa kế theo pháp luật của cha mẹ và con đẻ của người nuôi”“Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha mẹ người nuôi dưỡng”.

Cũng theo hướng dẫn tại điểm b phần 5 Nghị quyết số 02 đã quy định: “Trong trường hợp con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi thì con của người con nuôi (tức cháu của cha nuôi, mẹ nuôi) được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha (hoặc mẹ) của cháu được hưởng nếu cha (hoặc mẹ) của cháu còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nếu con của người con nuôi cũng đã chết trước người để lại di sản, thì cháu của người con nuôi đó (tức là chắt của cha nuôi, mẹ nuôi) được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha (hoặc mẹ) của chắt còn sống được hưởng”.

Nhưng Nghị quyết số 02 năm 1990 đã hết hiệu lực cùng với Pháp lệnh thừa kế. Vì thế, thực tế áp dụng Điều 678 BLDS đã dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí trong cùng một vụ việc mà cách giải quyết dẫn tới hậu quả hoàn toàn trái ngược nhau.

Hiện nay, theo quy định của Điều 24 Luật nuôi con nuôi: “giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Ta thấy, tuy giữa con nuôi với cha mẹ đẻ của người nhận nuôi con nuôi không có quan hệ huyết thống nhưng khi được nhận nuôi, giữa người con nuôi với cha mẹ đẻ của người nhận nuôi phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và cháu đối với nhau.

Trong khi đó, Điều 677 BLDS quy định về thừa kế thế vị: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống». Vấn đề còn vướng mắc là, có thể đương nhiên coi người được nhận nuôi trở thành “cháu” của cha mẹ người nuôi dưỡng không? Các điều luật đã không có quy định cụ thể “cháu” ở đây có bao gồm cả người được nhận nuôi hay không, và khi thừa kế phát sinh thì giữa người con nuôi và cha mẹ đẻ của người nuôi có được thừa kế di sản của nhau và thừa kế thế vị hay không.

* Những vướng mắc khi áp dụng Điều 679 BLDS:

Thực tiễn đã xuất hiện những trường hợp khi kết hôn người con riêng còn nhỏ hoặc đã 12, 13 tuổi trở lên; có trường hợp người con riêng đã 17 tuổi hoặc trưởng thành, cùng sống chung một thời gian (dài ngắn tùy từng vụ việc khác nhau) rồi người con riêng đi thoát ly hoặc ở riêng; có trường hợp ở chung đến khi bố dượng, mẹ kế chết. Tuy nhiên, việc quyết định con riêng được thừa kế hay không thừa kế của bố dượng, mẹ kế trong từng trường hợp là rất khác nhau. Có trường hợp cho hưởng thừa kế, nhưng có trường hợp trích công sức nuôi dưỡng, lo ma chay cho họ, có trường hợp không chấp nhận yêu cầu (vì tuy có ăn ở chung, nhưng Tòa án nhận định bố dượng, mẹ kế không coi con riêng như con hoặc con riêng không nhìn nhận bố dượng, mẹ kế như cha, mẹ). Điều đó là do không thống nhất về căn cứ đánh giá.

Do quy định còn chung chung nên thực tế rất khó xác định trường hợp nào là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con? trường hợp nào không có do pháp luật chưa quy định căn cứ chứng minh việc nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Dựa vào căn cứ nào để đánh giá “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” và như thế nào thì được coi là “như cha con, mẹ con”? mức độ nuôi thế nào? thời gian bao lâu? Chỉ có quan hệ một chiều một bên chăm sóc, nuôi dưỡng, bên kia khi lớn lên không chăm sóc, nuôi dưỡng lại có được hưởng thừa kế không? Ngược lại, vì người con riêng đã trưởng thành, nên cha dượng, mẹ kế không phải chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng người con này lớn lên đi làm có điều kiện, nên có chăm sóc, nuôi dưỡng cha dượng, mẹ kế thì họ có được hưởng thừa kế không? Nếu họ đi làm xa, thỉnh thoảng chỉ gửi tiền về cho cha dượng, mẹ kế, vậy có coi là đã chăm sóc, nuôi dưỡng hay không?

Hiện tại chưa có quy định, hướng dẫn nào về các vấn đề nêu trên để tòa án có thẩm quyền có căn cứ xác định thực tế giữa người con riêng với bố dượng mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau như cha con, mẹ con để quyết định con riêng được thừa kế hay không.


In Trang | Đóng cửa sổ