URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=95770282&p_details=1
 
Tìm hiểu về Tòa án Hàn Quốc (Phần 2)
26/03/2015-09:45:00 AM
 
 Thẩm phán Oh Byoung Hee
       Thẩm phán Oh Byoung Hee,
Giám đốc dự án tại Trường Cán bộ Tòa án
       Phạm Thị Bích Phượng,
Thẩm tra viên, Trường Cán bộ Tòa án

 

II. CÔNG CHỨC TÒA ÁN

1. Thành viên của Tòa án

1.1 Chánh án và Thẩm phán tòa án tối cao

Chánh án và Thẩm phán tòa án tối cao được bổ nhiệm trong số những người trên 45 tuổi từng có kinh nghiệm làm việc trên 20 năm ở các vị trí như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Giáo sư trường luật. Chánh án được Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở sự đồng thuận của Quốc hội, Thẩm phán tòa án tối cao được Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án và trên cơ sở sự đồng thuận của Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Chánh án và Thẩm phán tòa án tối cao là 6 năm. Chánh án không được tái bổ nhiệm, tuy nhiên, Thẩm phán tòa án tối cao có thể được tái bổ nhiệm. Tuổi nghỉ hưu của Chánh án và Thẩm phán tòa án tối cao là 70 tuổi.

1.2 Thẩm phán

Điều kiện để trở thành Thẩm phán là phải qua kỳ thi tư pháp quốc gia, sau đó học tập 2 năm tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp hoặc phải có tư cách luật sư. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi tổ chức Tòa án năm 2011, kỳ thi tư pháp sẽ bị bãi bỏ sau năm 2017 và điều kiện để trở thành Thẩm phán là phải tốt nghiệp Trường Cao học luật (Law Shool), sau đó trải qua kỳ thi luật sư. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm làm việc trong ngành luật một thời gian nhất định.

Luật tổ chức Tòa án chỉ định kinh nghiệm làm việc trong ngành luật để được bổ nhiệm làm Thẩm phán là trên 3 năm trong thời gian 01/01/2013 – 31/12/2017, trên 5 năm trong thời gian 01/01/2018 – 31/12/2019, trên 7 năm trong thời gian 01/01/2020 – 31/12/2021, trên 10 năm từ 01/01/2022.

Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm Thẩm phán theo sự đồng thuận của Hội nghị Thẩm phán tòa án tối cao và cũng bổ nhiệm chức vụ của Thẩm phán. Nhiệm kỳ của Thẩm phán có thể được kéo dài trong 10 năm và tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi.

Điều 103 Hiến pháp Hàn Quốc quy định “Thẩm phán căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để xét xử độc lập theo lương tâm của Thẩm phán”. Tính độc lập của Thẩm phán được quan niệm: Thẩm phán coi Chính phủ như nước chảy qua và như gió thổi đi. Họ không nợ lòng trung thành đối với Chính phủ thậm chí là lòng trung thành tạm thời mà công chức phải có. Thẩm phán giống như con sư tử bên dưới ngai vàng vẫn theo dõi ngai vàng đó bằng luật pháp chứ không phải là người đứng đầu chính phủ, và nhận thức của họ là vì quyền lợi của công dân. Họ chỉ trung thành với luật pháp và lợi ích của công dân.

Địa vị của Thẩm phán được đảm bảo theo Điều 106 Hiến pháp: Thẩm phán bị bãi nhiệm chỉ khi bị cáo buộc, bị kết án phạt tù hay bị giam. Thẩm phán không bị tạm đình chỉ công tác, không bị giảm lương bổng hay bị nhận các đối xử bất lợi khác, ngoại trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, Điều 65 Hiến pháp quy định lý do Thẩm phán bị bãi nhiệm là khi vi phạm Hiến pháp hay có hành vi sai trái trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quốc hội có thể bàn bạc và quyết định bãi nhiệm Thẩm phán đó. Còn lý do kỷ luật Thẩm phán  được quy định tại Luật xử lý kỷ luật Thẩm phán,  gồm: (1) Vi phạm hoặc làm trái các nghĩa vụ nghề nghiệp của Thẩm phán, (2) Hành vi mất phẩm chất của Thẩm phán.

1.3 Nghiên cứu viên xét xử

Thẩm phán thực hiện việc điều tra cũng như tiến hành nghiên cứu các vụ án là nghiên cứu viên xét xử. Thẩm phán có trên 10 năm kinh nghiệm trở lên có thể được bổ nhiệm làm nghiên cứu viên xét xử và được lựa chọn trong số Thẩm phán là Chánh án Tòa án địa phương hoặc thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án cấp cao.

Tuy nhiên, cũng có thể được bổ nhiệm đối tượng không phải là Thẩm phán. Theo Luật tổ chức Tòa án cho phép bổ nhiệm nghiên cứu viên xét xử trong số những người có tư cách luật sư và có thể làm việc tại các cấp Tòa án trong vòng 3 năm. Đối với những người đã hoàn thành chương trình cao học luật hoặc tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp và trải qua kỳ thi luật sư không thể được bổ nhiệm ngay thành Thẩm phán có thể được tuyển chọn làm nghiên cứu viên xét xử  để làm việc trong Tòa án.

2. Các cấp công chức Tòa án

2.1 Công chức Tòa án

Công chức Tòa án Hàn Quốc được chia thành 9 cấp, từ 1-9. Cụ thể:

- Cấp1: Lãnh đạo cơ quan Hành chính;

- Cấp 2,3: Các Chánh Văn phòng của Toà án các cấp;

- Cấp 4: Các trưởng phòng của các cấp Toà án, giáo sư thuộc Viện đào tạo cán bộ Tòa án và Trưởng phòng tại Cục đăng ký;

- Cấp 5 - 7: Tham gia vào công việc của Tòa án, hỗ trợ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Đảm nhiệm xử lý các vụ việc dân sự bao gồm cả đăng ký bất động sản, thương mại và công ty, đăng ký quan hệ gia đình, tiền gửi hay chịu trách nhiệm về công tác hành chính như các vấn đề nhân sự, kế toán, kiểm toán, vv

- Cấp 8,9: Có vai trò trợ lý cho các cán bộ cấp 5-7.

2.2 Trợ giúp viên Tòa án

Được đào tạo tại Viện nghiên cứu và đào tạo Tư pháp (JRTI), chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ khác nhau trong thủ tục của Tòa án; Quyết định cuối cùng về mức án phí; Đốc thúc; Quyết định đưa ra lệnh thi hành án; Điều tra tài sản, bán đấu giá bắt buộc đối với bất động sản và động sản; Bán đấu giá cưỡng chế để thực hiện quyền thế chấp.

3. Đào tạo, thăng chức cán bộ

3.1 Đào tạo

Học viên qua kỳ thi tư pháp quốc gia, trước khi công tác trong ngành luật phải trải qua khóa đào tạo 2 năm tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Với tư cách là công chức nhà nước, các học viên được nhận lương từ chính phủ trong thời gian học tập tại Viện.

Khóa đào tạo tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp được thiết kế cho 4 kỳ học. Học kỳ đầu, học viên được đào tạo cơ bản kiến thức pháp luật thực hành, kỳ hai là bước phát triển đào tạo kiến thức thực hành chuyên sâu. Học kỳ thứ ba là ôn tập và đánh giá thành quả giáo dục và học kiến thức thực tế chuyên sâu về pháp luật. Kỳ thứ tư, học viện được trải nghiệm năng lực thực tế thông qua việc trực tiếp xử lý nghiệp vụ luật pháp tại các cơ quan có liên quan như Tòa án, văn phòng Luật sư, Viện kiểm sát.

Theo nguyên tắc, học viên được đánh giá theo từng học kỳ theo hình thức đánh giá cạnh tranh. Sau hai năm đào tạo, dựa trên kết quả đánh giá, những học viên ưu tú trở thành nghiên cứu viên xét xử (nguồn Thẩm phán, chiếm khoảng 15%), trở thành công tố viên (khoảng 10%) và những học viên còn lại trở thành luật sư.

3.2 Thăng chức

Các công chức được thăng chức lên cấp cao hơn thông qua việc đánh giá (đối với công chức cấp 8,9),  kỳ thi thăng chức (đối với công chức cấp 5-7) và kỳ sát hạch (đối với công chức cấp 4 và cấp cao hơn). Mỗi năm, có khoảng 2.000 - 4.000 người tham gia kỳ thi hành chính cán bộ cấp cao tòa án (cấp 5) và chỉ có 10 người được chọn, đối với kỳ thi cạnh tranh cán bộ (cấp 9) có khoảng 300 đến 400 người được chọn trong tổng số 6.000 đến 8.000 người dự thi.

Trong xu thế các chế độ tư pháp thế giới dần hội nhập, việc giới thiệu về cơ cấu tổ chức, nhân lực của ngành Tòa án Hàn Quốc trên đây nhằm trao đổi thông tin, mở rộng giao lưu tư pháp quốc tế giữa các nước. Trong hệ thống tư pháp Hàn Quốc, đáng chú ý là một số Tòa án đặc biệt của Hàn Quốc đã được thành lập và có quá trình phát triển, đem lại hiệu quả hoạt động cao. Hiện nay, ở Việt Nam chưa thành lập các tòa án chuyên biệt như vậy và đây là mô hình Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi, áp dụng.


In Trang | Đóng cửa sổ