URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=290928914&p_details=1
 
Phương pháp thi kết thúc môn bằng hình thức viết bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Khoa Đào tạo Thẩm phán - Ưu điểm và một số hạn chế
24/11/2021-07:45:00 PM
 
 TS

TS. Nguyễn Thanh Hải

Khoa Đào tạo Thẩm phán

 

Học viện Tòa án được thành lập ngày 30/7/2015 theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án, với 3 nhóm nhiệm vụ cơ bản là đào tạo nghề, đạo tạo hệ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học. Cùng với sự phát triển chung của xã hội cho thấy số lượng các vụ án trong những năm gần đây trên cả nước ngày càng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn. Do đó đòi hỏi việc đào tạo Thẩm phán tại Học viện Tòa án cần ngày càng đổi mới, để bắt kịp với xu hướng của xã hội. Việc xây dựng chương trình học tập, phương pháp thi kết thúc môn để đánh giá chất lượng các học viên tham gia khóa học Thẩm phán là hết sức quan trọng, qua đó góp phần đánh giá được chất lượng giảng dạy, đào tạo nhằm rút ra kinh nghiệm, bài học cho những khóa đào tạo Thẩm phán trong tương lai. 

Qua 6 năm đào tạo Thẩm phán, với việc áp dụng, thử nghiệm các hình thức giảng dạy, thi khác nhau đối với mỗi khóa đào tạo Thẩm phán nhằm tìm ra những hình thức tối ưu, hiện nay tại Học viện Tòa án đang áp dụng phương pháp thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Khoa đào tạo Thẩm phán. Từ khi triển khai cho đến nay, phương pháp thi này đã đạt được những ưu điểm nhất định, tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đạt được, phương pháp trên vẫn còn một số những hạn chế nhất định, cần khắc phục để góp phần vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng, phương pháp thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo Thẩm phán tại Học viện Tòa án. 

Trước khi đi vào thực trạng về phương pháp thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án tại Học viện Tòa án, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là “Bản án”, “Hồ sơ vụ án” cũng như phương pháp thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học viện Tòa án là như thế nào?

Qua nhiều lần tổ chức thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học Viện Tòa án cho thấy hình thức thi này về cơ bản đã đạt được hiệu quả nhất định. Hiệu quả thể hiện thông qua việc các học viên đều nghiêm túc làm bài, nhiều học viên tỏ ra hứng thú với phương pháp thi mà nhà trường áp dụng, có nhiều bài thi chất lượng cho thấy học viên đã dành thời gian đầu tư, nghiên cứu các văn bản pháp luật và đạt kết quả cao. 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, phương pháp thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học Viện Tòa án vẫn còn tồn tại một số những nhược điểm cần phải sớm nghiên cứu, khắc phục nhằm tiếp tục hướng tới việc đào tạo đạt được chất lượng cao hơn trong tương lai.

1. Ưu điểm

Thứ nhất, hình thức thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học viện Tòa án giúp học viên trau dồi hầu hết các kỹ năng cần thiết của người Thẩm phán. 

Như chúng ta đã biết, nghề Thẩm phán yêu cầu rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến từng giai đoạn từ khi nhận đơn khởi kiện, xem xét đơn, đánh giá tài liệu, chứng cứ, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, hòa giải, xét xử, phát hành Bản án …Đương nhiên giai đoạn nào trong quá trình tố tụng cũng có vai trò quan trọng riêng và kỹ năng của người Thẩm phán trong từng giai đoạn đó cũng khác nhau nhưng có thể nhận thấy kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo Bản án là những kỹ năng quan trọng nhất, thực tế áp dụng nhiều nhất của người Thẩm phán khi hành nghề. 

Chính vì vậy việc cho học viên thi dưới hình thức soạn thảo Bản án dựa trên hồ sơ thực tế sẽ giúp học viên rèn luyện, trau dồi thêm được các kỹ năng quan trọng để nghiên cứu hồ sơ đối với từng loại hồ sơ vụ án trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hôn nhân và gia đình… . Ngoài việc được đào tạo thông qua các phần lý luận của các giảng viên thể hiện trên lớp với những cách phân loại kỹ năng chung để hành nghề thì việc được tiếp cận trực tiếp để giải quyết một hồ sơ vụ án thực tế sẽ giúp học viên hiện thực hóa các nội dung lý luận đã đào tạo vào bài thi. Không những thế, hình thức thi này đồng thời cũng giúp học viên ý thức được tầm quan trọng của các kỹ năng viết Bản án trong việc hành nghề, qua đó giúp hiểu rõ Bản án không chỉ yêu cầu đơn thuần là đúng với mẫu do Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán ban hành mà kết cấu Bản án cũng cần phải mang tính chặt chẽ, thuyết phục người đọc. Như vậy, có thể thấy sau khi kết thúc khóa học, các học viên khi được bổ nhiệm chức danh để hành nghề với tư cách là một người Thẩm phán thì hoàn toàn có được đầy đủ những kiến thức, kỹ năng quan trọng phục vụ công tác.

Thứ hai, hình thức thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học viện Tòa án giúp cho việc phân loại, đánh giá chất lượng học viên được toàn diện, khách quan và chính xác.

Học viện Tòa án trong những năm qua cho thấy việc lựa chọn hồ sơ vụ án để dùng làm đề thi đã được quan tâm kỹ lưỡng ngay từ đầu dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau liên quan đến lĩnh vực pháp luật, quan hệ tranh chấp, tình tiết vụ án, tài liệu, chứng cứ, áp dụng pháp luật … Cùng với việc đảm bảo bí mật trong công tác thi cử mà nhà trường áp dụng, các học viên phải tập trung ôn luyện, trau dồi kỹ năng trong hầu hết các lĩnh vực, giảm thiểu tối đa được việc “học lệch”, “học tủ”. Để hoàn thành đáp ứng yêu cầu của bài thi, học viên ngoài việc cần hoàn thành các yêu cầu cơ bản trong việc viết Bản án còn phải tập trung nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án tại một số tài liệu, chứng cứ, một số tình tiết mới có yếu tố “đánh lạc hướng” học viên, ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối giải quyết vụ án. Thông qua kết quả thi những năm qua có thể thấy hình thức thi viết Bản án đã giúp Học viện vừa đánh giá được mặt bằng trình độ chung của các học viên nhưng cũng phân loại, chọn lọc được rất nhiều học viên ưu tú.

Thứ ba, hình thức thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tại Học viện Tòa án giúp tạo lập mặt bằng chung về kỹ năng cần thiết đối với người Thẩm phán.

Như chúng ta đã biết, đối tượng đào tạo lớp Nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tòa án mặc dù là Thư ký, Thẩm tra viên nhưng không phải học viên nào cũng từng giúp việc cho Thẩm phán tại các Tòa án địa phương. Có thể thấy, những học viên công tác tại đơn vị Tòa án đã từng giúp việc cho Thẩm phán trong việc xử lý hồ sơ tố tụng thì cơ bản đã được tiếp xúc với hồ sơ vụ án nhiều nên nhóm học viên này thường quen với việc nghiên cứu và soạn thảo Bản án nhất. Tiếp đến là nhóm học viên công tác ở Phòng kiểm tra nghiệp vụ của Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mặc dù không trực tiếp hỗ trợ giúp Thẩm phán giải quyết hồ sơ nhưng cũng đã được tiếp xúc nhiều với hồ sơ thông qua việc nghiên cứu, kiểm tra định kỳ tại các Tòa án cấp quận, huyện nên việc xây dựng một Bản án cũng không quá khó khăn. Đặc biệt đối với những học viên công tác tại Phòng Tổ chức, thanh tra và thi đua khen thưởng hoặc Văn phòng tại Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc tiếp xúc với hồ sơ vụ án thường rất ít hoặc tiếp cận không đầy đủ do đặc thù công việc chuyên môn nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn để viết Bản án nếu như không được đào tạo đầy đủ. Tại Học viện Tòa án, chương trình đào tạo đã được xây dựng chuẩn mực, trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho các học viên trong quá trình hành nghề. Với việc lựa chọn cho học viên thi kết thúc môn bằng phương pháp viết Bản án dựa trên hồ sơ, một lần nữa Học viện nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng cũng như tạo một mặt bằng chung giúp những học viên công tác tại các bộ phận ít được tiếp cận đến hồ sơ vụ án có thêm cơ hội được làm quen, tiếp xúc nhiều hơn với hồ sơ cũng như việc soạn thảo Bản án. Điều này còn đảm bảo giúp tất cả các học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ không còn bỡ ngỡ trong quá trình hành nghề Thẩm phán cũng như thực hiện công tác xét xử tại địa phương.

Thứ tư, phương pháp thi viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế cũng giúp các học viên trau dồi được kỹ năng xây dựng hồ sơ vụ án đa dạng.

Mỗi khóa đào Nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tòa án đều quy tụ nhiều học viên từ hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước về học tập trung. Vì vậy những hồ sơ vụ án thực tế mà từng học viên nộp về cho Học viện cũng rất đa dạng và phong phú, mang nhiều yếu tố vùng miền khác nhau trong việc xây dựng hồ sơ vụ án. Bởi yếu tố thổ nhưỡng, văn hóa, con người ở các khu vực là khác nhau nên rất nhiều cách xây dựng hồ sơ vụ án rất hay và phù hợp với tình hình địa phương, phù hợp với quy định của pháp luật xứng đáng được ghi nhận, học hỏi. Không chỉ thế, nhiều cách xây dựng hồ sơ cũng mang tính mới, hiện đại mang lại hiệu quả cao trong quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều cách xây dựng hồ sơ mang tính máy móc, chủ quan, cẩu thả cần được mổ xẻ để rút kinh nghiệm cho học viên. Do đó với hình thức thi này, nhiều kỹ năng hay trong phương pháp xây dựng hồ sơ của từng vùng miền, của từng Tòa án địa phương được học viên nắm bắt, tự học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cho bản thân cho giải quyết vụ án trên thực tế sau này.

Thứ năm, việc thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế tạo ra sự mới mẻ, hào hứng đối với học viên.

Đối với đa số các học viên khi công tác tại các đơn vị Tòa án thường có cơ hội được giúp việc cho Thẩm phán nên quá trình nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo Bản án được diễn ra khá thường xuyên nhưng không mấy áp lực bởi vai trò quyết định cuối cùng trong các công việc này vẫn là Thẩm phán phụ trách. Do đó khi được trực tiếp nghiên cứu hồ sơ để viết một Bản án hoàn chỉnh, có tính chất quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp thì sự tập trung của các học viên được đẩy lên cao độ, bên cạnh đó cũng tạo nên sự hứng thú, hân hoan trong mỗi người học viên. Bởi lẽ đối với họ, đây có thể coi là Bản án đầu tiên mà những người học viên, những người Thẩm phán tương lai tự mình soạn thảo và mang tính chất chịu trách nhiệm về giá trị thực thi của Bản án đó. Với sự tập trung và hứng khởi đó, những người Thẩm phán tương lai hứa hẹn sẽ đạt được những thành công nhất định trong quá trình hành nghề của mình, trở thành những Thẩm phán ngày càng chất lượng hơn về mặt nội dung, ngày càng đem lại sự tin tưởng cho người dân hơn.

2. Nhược điểm

Bên cạnh những mặt tích cực như vừa đề cập ở phần trên, phương pháp thi kết thúc môn bằng hình thức viết Bản án dưới hình thức viết Bản án tại Học viện Tòa án cũng vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhất định cần xem xét, nghiên cứu để khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo hơn nữa trong các khóa tiếp theo. Có thể kể đến một số nhược điểm như sau:

Thứ nhất, phương pháp thi bằng hình thức viết Bản án dựa trên hồ sơ thực tế làm hạn chế khả năng tư duy độc lập của học viên đối với việc giải quyết vụ án.

Hầu hết các hồ sơ được sử dụng để thi đều có đầy đủ tài liệu, chứng cứ và thực hiện các thủ tục tố tụng tương đối đầy đủ đến khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như chúng ta đã biết, để xét xử và phán quyết một vụ án thì Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực hiện rất nhiều thủ tục từ khi bắt đầu tiếp nhận vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử. Các hồ sơ thi viết bản án liên quan đến mảng hình sự thì đều có sẵn Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát đã định sẵn tội danh cũng như điểm, khoản, Điều truy tố đối với bị can. Việc này phần lớn khi áp dụng thi sẽ hướng học viên đi theo quan điểm luận tội của Cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát đã thể hiện trong hồ sơ vì áp lực thời gian thi không đủ để học viên có thể có luồng suy nghĩ khác và đi tìm căn cứ chứng minh cho tư duy giải quyết khác về vụ án đó. Trong khi đó nếu có thêm nhiều thời gian nghiên cứu thì rất có thể việc giải quyết vụ án sẽ cho kết quả khác với Bản án mà học viên đang thể hiện trong bài thi. Đối với các hồ sơ thuộc lĩnh vực khác như Dân sự, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hôn nhân gia đình, học viên cũng bị phụ thuộc vào việc xây dựng hồ sơ vụ án của Thẩm phán giải quyết hồ sơ đó. Việc phụ thuộc này có thể bắt đầu từ việc đồng ý với quan hệ tranh chấp mà Tòa án đã xác định ngay tại Thông báo thụ lý vụ án; Tiếp đó là phụ thuộc vào cách thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Về cơ bản, hồ sơ đã được thu thập đầy đủ nhưng bị bó hẹp mặc định theo cách xây dựng hồ sơ của Thẩm phán phụ trách nên học viên bị phụ thuộc vào hồ sơ vụ án, không phát huy được hết tư duy logic của bản thân. Việc học viên bị định hướng trong tư duy giải quyết vụ án không bao giờ là điều mà Học viện Tòa án mong muốn và cũng không phù hợp với tinh thần tư duy độc lập mà pháp luật Việt Nam hướng đến.

Bên cạnh đó, hiện tại phương pháp đang được áp dụng tại Học viện Tòa án chưa đa dạng về việc lựa chọn thể loại hồ sơ và nội dung hồ sơ thi viết bản án. Đối với các hồ sơ thi viết Bản án thuộc lĩnh vực Hình sự, theo đánh giá chung thì hầu như hồ sơ đã rõ ràng về tội danh, các hồ sơ thuộc lĩnh vực khác thì khá rõ về quan hệ tranh chấp cần giải quyết. Nhiều trường hợp tính chất hồ sơ thi của các khóa khác nhau nhưng tính tương đồng khá nhiều. Vì vậy học viên thường bị bó hẹp về quan hệ tranh chấp hoặc tội danh của từng vụ án, ít được tiếp cận với các loại tội danh hoặc các quan hệ tranh chấp khác.

Thứ hai, việc lựa chọn hồ sơ mất nhiều thời gian, gây tốn kém chi phí, nhân lực của Học viện Tòa án.

Trong hàng nghìn hồ sơ do học viên gửi về và từ các nguồn khác, các cán bộ Khoa đào tạo Thẩm phán cần rất nhiều thời gian đọc, nghiên cứu và phân loại nhiều lần trước khi chọn lọc các hồ sơ phù hợp, việc này rõ ràng là mất nhiều thời gian và công sức. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Học viện phải chuẩn bị nhân sự thực hiện công tác thi bao gồm nhiều công đoạn như phô tô, in ấn, bảo quản hồ sơ bí mật, an toàn theo quy định của nhà trường. Với số lượng học viên mỗi khóa lên đến 200 người thì công tác chuẩn bị cho kỳ thi là không hề đơn giản, chi phí in ấn, bảo quản cũng tăng cao. 

Hệ quả của việc sử dụng hồ sơ vụ án có đặc điểm nhiều tài liệu, số lưng lớn là có nhiều trường hợp xảy ra sai sót trong việc sắp xếp các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thi như tài liệu không xếp theo đúng thứ tự, thiếu một số tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Các tồn tại này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bài thi của học viên khi họ phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm, xâu chuỗi các tài liệu, chứng cứ để phục vụ cho việc đưa ra đường lối giải quyết vụ án, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án nếu việc thiếu sót tài liệu là nghiêm trọng. Trong khi đó, việc kiểm tra lại đề thi của nhà trường đôi khi còn gặp hạn chế vì số lượng quá lớn, việc kiến nghị về đề thi của học viên (nếu có) cũng gặp khó khăn vì hồ sơ được thu hồi lại sau khi thi, ảnh hưởng tới khả năng đối chứng.

Thứ ba, hình thức thi viết bản án không thực sự phù hợp với một số loại án nhất định.

Thực tiễn xét xử cho thấy để nghiên cứu, giải quyết được một vụ án thông thường mất rất nhiều thời gian, thời gian đó có thể được tính bằng năm đặc biệt là án Dân sự hoặc án Hành chính mới đưa ra được đường lối giải quyết. Với thời lượng thi viết Bản án chỉ có 240 phút (04 tiếng) như đang áp dụng tại Học viện, đương nhiên học viên chỉ được tiếp cận với một số hồ sơ có tình tiết đơn giản hoặc thậm chí thông thường chỉ được tiếp cận với một số loại án nhất định. Bởi lẽ để hoàn thành được một Bản án trong trường hợp này, học viên vừa phải giành thời gian nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vừa phải nghiên cứu các văn bản pháp luật để đưa ra đường lối giải quyết vụ án. Điều này được đánh giá là phù hợp với khối lượng yêu cầu của đề thi nhưng cũng làm hạn chế sự đa dạng về loại án, tình tiết pháp lý hay trong vụ án mà đáng lẽ ra học viên cần có thêm điều kiện để tiếp cận.

Thứ tư, các hạn chế mang tính vùng miền của hồ sơ vụ án được sử dụng làm đề thi.

Hồ sơ sử dụng cho các học viên thi viết Bản án được chọn lọc từ hồ sơ của Tòa án ở các tỉnh, thành phố trên cả nước nên đôi khi về văn hóa, ngôn ngữ vùng miền chưa thống nhất, gây khó khăn cho học viên trong việc nghiên cứu. Đơn cử một số hồ sơ dân sự ở một số Tòa án, trong các bản tự khai, biên bản lấy lời khai còn sử dụng từ ngữ địa phương khiến học viên ở các địa phương khác phải mất thời gian dịch, đọc hiểu, hoặc có thể hiểu sai từ ngữ, dẫn đến thời gian dành cho việc nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ khác bị hạn chế, ảnh hưởng một số khó khăn nhất định và chưa thực sự chất lượng.

Thứ năm, hình thức thi viết Bản án khi kết thúc môn và tốt nghiệp khóa đào tạo Nghiệp vụ xét xử chưa hoàn toàn phù hợp với hình thức thi của kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp Quốc gia.

Trong những năm qua, kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp được thi với hai hình thức là thi viết và thi trắc nghiệm. Với bài thi viết, thời gian làm bài là 180 phút bao gồm các bài tập tình huống về kỹ năng giải quyết các loại án (theo thủ tục xét xử sơ thẩm), kết cấu đề thi được chia làm 3 phần: Phần 1 là tình huống về vụ án hình sự, phần 2 là tình huống về vụ án dân sự, phần 3 là tình huống về vụ án hành chính. Bài thi trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút, bao gồm các câu hỏi về pháp luật nội dung và luật tố tụng về kỹ năng xem xét, giải quyết các vụ án theo trình tự sơ thẩm gồm 15 câu hỏi về phần hình sự, 15 câu hỏi về phần dân sự, 10 câu hỏi về phần hành chính. Hơn nữa, mỗi một môn như Hình sự, Dân sự hay Hành chính đều cần có những kỹ năng làm bài khác nhau. Ví dụ đối với phần Hình sự, đề thi Quốc gia thường đặt câu hỏi về xác định tội danh, khung hình phạt, xác định tư cách tham gia tố tụng, xử lý các tình huống về tố tụng và hướng giải quyết… qua đó đòi hỏi học viên, thí sinh cần trả lời cụ thể những ai phạm tội, phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật Hình sự, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm để làm rõ những ai không phạm tội, giải thích từng vấn đề, đưa ra hướng giải quyết đối với toàn bộ tình huống .

 Như vậy, với hình thức thi Bản án như hiện nay, học viên khi đi thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp sẽ không quen với cách thức thi này, khó xác định các mốc thời gian để tránh việc bị rối trong quá trình làm bài; việc nắm vững tình tiết, nội dung câu hỏi và định hướng trả lời câu hỏi để có cách viết phần trả lời nhằm đạt điểm tối đa cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện trong quá trình học lớp Nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tòa án.


In Trang | Đóng cửa sổ