URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=290881728&p_details=1
 
Một số yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động dạy và học học phần Luật tố tụng hành chính và kỹ năng xét xử các vụ án hành chính
21/11/2021-09:29:00 PM
 
 tS

tS. HOÀNG VĂN TOÀN

Tóm tắt:

            Trong phạm vi bài viết này tác giả phân tích làm rõ các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học học phần tố tụng hành chính và kỹ năng xét xử các vụ án hành chính cho sinh viên Học viện Toà án. Bài viết làm rõ những yếu tố này làm cơ sở để cơ sở đào tạo, nhà quản lý, người học và người dạy có thể tham khảo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học hai học phần này, trên cơ sở tác động vào các yếu tố đó, theo hướng tích cực.

Từ khoá: Các yếu tố bên ngoài tác động tác động đến nội dung hoạt động dạy và học, chất lượng dạy và học học phần tố tụng hành chính, chất lượng dạy và học học phần kỹ năng xét xử vụ án hành chính, các yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động dạy và học học phần luật tố tụng hành chính và kỹ năng xét xử vụ án hành chính

1. Chủ trương đường lối của Đảng về cải cách tư pháp

Chủ trương đường lối của Đảng, đặc biệt là các chính sách về pháp luật hình sự tác động mạnh mẽ đến hoạt động dạy và học nói chung trong đó có việc dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC (Luật Tố tụng hành chính và Kỹ năng xét xử vụ án hành chính) cho sinh viên Học viện Toà án về mục đích, nội dung, đội ngũ giảng viên, phương pháp kiểm tra đánh giá…Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật tác động đến các thành tố của việc dạy và học như: xây dựng mục tiêu dạy và học, nội dung dạy và học, chủ thể và đối tượng dạy và học, hình thức dạy và học.

Nghị số 08/NQ-TW ngày 01 tháng 12 năm 2002 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 48/NQ-TW, Nghị quyết số 49/NQ-TW, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Những chủ trương đó tác động mạnh mẽ đến công tác dạy của các trường đại học nói chung và học học phần LTTHC và KN XXVAHC nói riêng.

Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 01 tháng 12 năm 2002 của Bộ Chính trị đã nhận định: Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và các tranh chấp xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhưng công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới; phần lớn cán bộ làm công tác tư pháp giữ vững phẩm chất chính trị, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã tận tuỵ với công việc, có những trường hợp hy sinh cả tính mạng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp.

Nghị quyết cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng đó có một số nguyên nhân sau: i) Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kỷ cương, pháp luật , giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước. ii) Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn nhiều bất hợp lý nhưng chậm được đổi mới, kiện toàn cho phù hợp. iii) Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở cấp huyện nhiều nơi trụ sở còn rất chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu vừa lạc hậu; chính sách đối với cán bộ tư pháp chưa tương xứng với nhiệm vụ và chức trách được giao.iii) Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về lĩnh vực tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế.

Nghị quyết cũng đã đề ra nhiệm vụ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp phải dựa vào nhân dân để hoạt động, đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp. Xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp: Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà…Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, không hữu khuynh hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử cần thực hiện đúng thời hạn tố tụng như luật định.

Đổi mới công tác đào tạo cán bộ chức danh tư pháp theo hướng. Cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ đại học luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh. Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đạo tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp. Đối với điều tra viên thì do trường của Bộ công an đào tạo. Nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn của các cán bộ tư pháp. Nghiên cứu tiến tới thực hiện việc thi sát hạch trước khi bổ nhiệm và quy định thời hạn bổ nhiệm các cán bộ có chức danh tư pháp; cải tiến thủ tục bổ nhiệm theo hướng gọn, kịp thời, bảo đảm dân chủ, công khai.

Tiếp theo đó là Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đã đã nhận định “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, công cuộc cải cách tư pháp đã được các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả. Nhận thức và sự quan tâm đối với công tác tư pháp có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; chất lượng hoạt động tư pháp đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, những kết quả đó mới là bước đầu và mới tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc nhất. Công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chính sách hình sự, chế định pháp luật dân sự, pháp luật hành chính và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu.

Cùng với những mặt hạn chế nêu trên, nhiệm vụ cải cách tư pháp đang đứng trước nhiều thách thức. Tình hình phạm tội diễn biến phức tạp, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, các loại khiếu kiện và tranh chấp có yếu tố nước ngoài có chiều hướng tăng về số lượng và phức tạp, đa dạng hơn. Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp tòa án, từng khu vực. Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ Thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong ngành. Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Về vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết đã chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giáo dục, đào tạo nói chung vẫn còn những hạn chế, cụ thể như: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.

Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.[1]

Những nội dung trên tác động mạnh mẽ đến công tác dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC tại Học viện Toà án. Việc đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, dạy và học LTTHC và KN XXVAHC nói riêng tại Học viện Toà án phải trên tinh thần nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế…Do vậy, dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC luôn chịu sự tác động của yếu tố chính trị, đặc biệt là các Nghị quyết của Đảng về giáo dục đào tạo và cải cách tư pháp.

2. Quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, nhiều Bộ Luật, Luật được sửa đổi bố sung (Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật Giáo dục, Luật Tố tụng hành chính 2015, các quyết định của Tòa án nhân dân tối cao… Đây là yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC ở Việt Nam hiện nay. Điều đó tác động trực tiếp đến việc xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy và học LTTHC và KN XXVAHC.

Bên cạnh đó hoạt động dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC còn phải tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước nói chung về đào tạo đại học, các quy quy định của hệ thống Toà án.

Việc xây dựng tổ chức quản lý đào tạo, mục tiêu, nội dung chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên…bị tác động trực tiếp bởi quy định của pháp luật. Đối với mục tiêu dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC phải bám sát tinh thần và Đảng khi xây dựng Luật TTHC, đảm bảo người học sau khi tốt nghiệp có am hiểu pháp luật TTHC và có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ khi được tuyển dụng vào hệ thống TAND…

Như vậy, quy định của pháp luật tác động trực tiếp đến việc quản lý, mục tiêu, nội dung chương trình dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHCở Việt Nam hiện nay.

3. Tác động của cuộc cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hương đó. Để có để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước Tổ chức và hoạt động dạy và học Luật nói chung ở các cơ sở đào tạo luật và nghề luật nói chung, dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC nói riêng, phải có những bước triển biến lớn trong thời gian tới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) là kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên từ thế kỷ XVIII. Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội. "Công nghiệp 4.0 được hiểu là cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư được thúc đẩy bởi Internet. Nó mô tả sự thay đổi công nghệ của công nghệ sản xuất ngày nay đối với các hệ thống sản xuất vật lý không gian mạng… Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là cơ giới hóa, tiếp theo là sản xuất hàng loạt tiếp theo là sử dụng điện tử để tự động hóa sản xuất.”[2]. Có thể khẳng định cách mạng 4.0 “đặc trưng bởi sự hợp nhất của các công nghệ đang làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.[3]

Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức và cơ hội trên rất nhiều lĩnh vực Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân cư trên toàn thế giới. Đến nay, những người có được nhiều nhất từ ​​nó đã được người tiêu dùng có khả năng chi trả và tiếp cận với thế giới kỹ thuật số; công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới có thể làm tăng hiệu quả và niềm vui trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Cách mạng 4.0 tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội “sự thay đổi không thể thay đổi từ số hóa đơn giản (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba) sang đổi mới dựa trên sự kết hợp của các công nghệ (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư) đang buộc các công ty phải xem xét lại cách họ kinh doanh”[4]. Về chính trị cách mạng 4.0 còn tác động đến chính phủ. Khi thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học tiếp tục hội tụ, các công nghệ và nền tảng mới sẽ ngày càng cho phép công dân tham gia với chính phủ, nói lên ý kiến ​​của họ, phối hợp các nỗ lực của họ và thậm chí phá vỡ sự giám sát của các cơ quan công quyền. Đồng thời, các chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng cường kiểm soát dân số, dựa trên các hệ thống giám sát phổ biến và khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tuy nhiên, về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại đối với sự tham gia và hoạch định chính sách công cộng, vì vai trò trung tâm của họ trong việc thực hiện chính sách giảm do các nguồn cạnh tranh mới và phân phối lại quyền lực mà các công nghệ mới có thể thực hiện.

Về mặt xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Nó tác động đến tất cả mọi người với tính chất mức độ nhất định và tất cả các vấn đề liên quan đến nó từ những vấn đề vĩ mô như kinh tế, chính trị, đạo đức… và cả những vấn đề như ý thức riêng tư, quan niệm về quyền sở hữu, mô hình tiêu dùng của chúng ta, thời gian chúng ta dành cho công việc và giải trí, và cách chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người, và nuôi dưỡng các mối quan hệ…

Cách mạng công nghiệp 4.0 còn tạo ra những phần mềm để người dân có thể so sánh đối chiếu khi có những tranh chấp cần Tòa án giải quyết.

Những tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với công tác dạy và học học phần TTHC và XXVAHCở Việt Nam hiện nay:

Một là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Tòa án, yêu cầu về công bố bản án, xây dựng các phần mềm có thể giúp người dân đoán định tư pháp. Để công bố được bản án có chất lượng, yêu cầu đó cũng đặt ra với người Thẩm phán phải nâng cao chất lượng năng lực chuyên môn khi giải quyết các vụ án, trong đó có việc viết bản án, đáp ứng đúng chuẩn mực, cấu trúc đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt phải chứa đựng những lập luận, phán quyết chính xác khi giải quyết các vụ án. Học viện Toà án là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Toà án. Sinh viên Học viện Toà án sau khi tốt nghiệp sẽ được thi và tuyển dụng vào Toà án. Do đó, công tác dạy và học phần LTTHC và KN XXVAHC phải hướng tới việc có những kỹ năng đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0.

Hai là, yêu cầu chung đối với sinh viên học viện Toà án sau khi tốt nghiệp sẽ được thi tuyển dụng vào hệ thống Toà án và đảm bảo yêu cầu chung về trình độ và kỹ năng. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu với người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo là phải có năng lực tra cứu, cập nhật, so sánh đối chiếu các tình tiết pháp lý trong vụ án hành chính mà mình đang giải quyết phù hợp với các quy định pháp luật theo nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó công nghệ 4.0 cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới như đánh giá chứng cứ, xét xử trực tuyến… Đây là vấn đề mới đặt ra trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề luật nói chung, trong việc dạy và học LTTHC và KN XXVAHC nói riêng. Như vậy, có thể khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án và công tác xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC tại Học viện Toà án.

Tóm lại, dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC là hoạt động được cấu thành bởi nhiều thành tố như; mục tiêu đào tạo, nguyên tắc đào tạo, nội dung đào tạo, chủ thể và đối tương đạo tạo. Bên cạnh đó dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHCcòn có các yếu tố tác động như tư tưởng chính trị, đạo đức, pháp luật, cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Để đạt được mục tiêu dạy học đề ra thì các vấn đề của dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC phải được xây dựng dựa trên các kết quả vững chắc của khoa học và kinh nghiệm thực tế. Trong hoạt động dạy và học thì đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng mang tính quyết định chất lượng dạy học. Do đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dạy và học học phần TTHC và XXVAHC. Dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC hiện nay bị tác động bởi các yếu tố chính trị, quy định của pháp luật và cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hoạt động dạy và học LTTHC và KN XXVAHC càn phải có những bước triển biến lớn trong thời gian tới. Đó là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác dạy và học phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC không những trang bị kỹ năng kiến thức pháp luật, phẩm chất đạo đức mà còn phải có kỹ năng áp dụng công nghệ trong việc phân tích, so sánh đối chiếu, áp dụng pháp luật…Việc nghiên cứu những yếu tố bên ngoài tác động đến việc dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC ở Việt Nam hiện nay là vấn đề quan trọng. Đây là cơ sở khoa học để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học nói chung tại Học viện Toà án, trong đó có việc dạy và học học phần LTTHC và KN XXVAHC.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ Giáo dục Đào tạo (2005), Đề án Đổi mới giáo dục Việt Nam.

2.     Bộ Tư pháp (2008), Phương pháp đào tạo các chức danh Tư pháp năm 2009 – Bộ Tư pháp, (Khảo sát tháng 3/2008), Đề tài khoa học cấp bộ.

3.     Bernd Meier – Nguyễn Văn Cường, Lý luận dạy học hiện đại – cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, NXB Đại học sư phạm, 2016, Hà Nội.

4.     Nguyễn Đức Chính – Trần Hữu Hoan (2020), Quản trị phát triển chương trình giáo dục nhà trướng, Nxb Giáo dục, Hà Nội

5.     Nguyễn Đức Chính (Chủ biên), Trần Xuân Bách, Trần Thị Thanh Phương, Quản lý chất lượng trong giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, Hà Nội

6.     Đặng Xuân Hải, Giáo trình Quản lý sự thay đổi trong giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, Hà Nội

7.     Sái Cống Hồng – Lê Thái Hưng – Lê Thị Hoàng Hà – Lê Đức Ngọc, Giáo trình Kiểm tra đánh giá trong dạy học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2017, Hà Nội

8.     Học viện Tòa án (2017), Nâng cao năng lực đào tạo đại học và các chức danh tư pháp Học viện Tòa án, Đề tài khoa học cấp bộ.

9.     GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc – PGS. TS Nguyễn Vũ Bích Hiền (Đồng chủ biên), Quản lý văn hoá nhà trường, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2019.

10.  Trần Thị Tuyết Oanh (Chủ biên), Giáo dục học tập 1,2, NXB Đại học Sư phạm, 2016, Hà Nội

11.  Lâm Quang Thiệp (2000), “Việc dạy và học ở đại học và vai trò của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin”, Tạp chí Giáo dục Đại học, ĐHQGHN.

12.  Lê Công Triêm (Chủ biên), Nguyễn Đức Vũ, Trần Thị Tú Anh (2002), Một số vấn đề hiện nay của phương pháp dạy học đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13.  Lê Công Triêm, Nguyễn Đức Vũ (2006), Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.



[1] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

[2] Prof. Dr.-Ing. Jürgen Jasperneite, Was hinter Begriffen wie Industrie 4.0 steckt, 19.12.2012, Xem https://www.computerautomation.de/steuerungsebene/steuern-regeln/artikel/93559/0/, truy cập ngày 15/6/2021

[3] Klaus Schwab is Founder and Executive Chairman of the World Economic Forum, “The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond”, Xem: https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/, truy cập ngày 15/6/2021

[4] Klaus Schwab is Founder and Executive Chairman of the World Economic Forum, “The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond”, Xem: https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/, truy cập ngày 15/6/2021


In Trang | Đóng cửa sổ