URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=155677031&p_details=1
 
Thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
18/05/2016-10:22:00 AM
 
 Ths
Ths. Nguyễn Thị Minh
Khoa Thẩm phán

Pháp luật tố tụng dân sự luôn đặt ra những quy định trình tự, thủ tục nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và tính pháp chế. Những quy định chặt chẽ đó trong một chừng mực đã hình thành nên những cơ chế tố tụng phức tạp và gây tốn kém. Qua thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự cho thấy, có nhiều vụ án dân sự  đơn giản, nhưng thời hạn giải quyết theo thủ tục chung lại kéo dài một cách không cần thiết. Trong khi đó các Thẩm phán có thể giải quyết nhanh hơn nếu không phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục được quy định, những vẫn đảm bảo được các mục tiêu mà pháp luật tố tụng đã đặt ra. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần có một thủ tục rút gọn đơn giản hơn, thuận lợi, ít tốn kém hơn cho những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp nhỏ, có chứng cứ rõ ràng như: việc đòi nợ, thanh toán sẽ...thủ tục rút gọn sẽ hạn chế phần nào những thủ tục không cần thiết và tránh lãng phí thời gian. Nhìn vào lịch sử thủ tục tố tụng dân sự rút gọn Việt Nam, thủ tục rút gọn đã được quy định từ năm 1946. Tuy nhiên, thời đó hình thức tố tụng rút gọn này hạn chế ở chỗ chỉ có một hình thức duy nhất là xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm và chỉ được áp dụng đối với tranh chấp dân sự có giá ngạch thấp. Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn trước đây nằm rải rác trong một số văn bản như: Sắc lệnh số 13 ngày 24 – 1- 1946 về tổ chức tòa án và quy định các ngạch thẩm phán, có quy định chánh án xét xử một mình; sắc lệnh số 51 ngày 17 – 4- 1946 về thẩm quyền tòa án sơ cấp về dân sự, thương mại và Điều 12 Luật tổ chức TAND năm 1960 có quy định ó thể xét xử một thẩm phán, không có hội thẩm nhân dân trong vụ án nhỏ, giản đơn, không quan trọng; Nghị định số 32 ngày 6- 4- 1952 của Bộ tư pháp, thông tư số 4013 ngày 9-5-1959 của Bộ tư pháp và Thông tư liên bộ thẩm phán – TAND Tối cao số 93 ngày 11-11-1959 có quy đình tòa án huyện có quyền chung thẩm trong một số lĩnh vực.

Trên thế giới, một số nước cũng áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự như Nhật bản, Trung quốc....Tại Nhật bản tòa án đơn giản có thẩm quyền giải quyết những vụ án liên quan đến yêu cầu có giá trị không vượt quá 1,4 triệu yên. Luật nước này công nhận các quy định đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục khởi kiện, xét xử như: việc khởi kiện cú thể thực hiện bằng miệng. Đương sự không cần phải chuẩn bị văn bản mà chỉ cần có mặt vào ngày tranh luận miệng để nêu ý kiến là đủ.  Tòa khi thấy phù hợp có quyền yêu cầu nộp văn bản thay cho việ hỏi người làm chứng, đương sự hoặc người giám định, không phụ thuộc vào việc các bên đương sự có phản đối hay không. Tại Trung quốc thì thủ tục rút gọn có đặc điểm là khi hai bên đương sự có thể đồng thời đến tòa đề nghị giải quyết tranh chấp. Tùy từng trường hợp, tòa án có thể xét xử ngay hoặc định một ngày khác. Đồng thời, tòa có thể thông báo miệng cho các đượng sự về nội dung khởi kiện.

Với yêu cầu đó, Nghị quyết 49/NQ Bộ chính trị ngày 2/06/2005 chủ trương “tiếp tục hoàn thiện tố tụng dân sự. Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến tòa án, tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn” (1). Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua về sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trong đó có nội dung về thủ tục rút gọn được quy định tại Chương XVIII, chương này gồm 6 điều (từ Điều 316 đến 321) – Quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục, thành phần của Hội đồng xét xử tại cấp sơ thẩm.

Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định theo quy định của bộ luật với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng những vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Những quy định này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án.

Cần lưu ý rằng vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau: vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ làm căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. Các đương sự đều có nơi cư trú, trụ sở rõ ràng. Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về xử lý tài sản. Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn Tòa án áp dụng qui định riêng về thủ tục rút gọn của Bộ Luật tố tụng dân sự, trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án tòa án đã ra quyết định.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu có các tình tiết sự kiện phát sinh mà các đương sự không thống nhất mà cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần thiết tiền hành giám định;  cần xác định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì Tòa án có quyển ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Đây là qui định mang tính linh động, đảm bảo quá trình tố tụng được thuận lợi.

Thời hạn giải quyết theo thủ tục rút gọn không quá 1 tháng (so với thủ tục thông thường 4 tháng)Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án mà không phải tổ chức phiên họp xem xét đánh giá chứng cứ, hòa giải. Phiên toàn sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa(không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân), Thẩm phán tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này. Các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa xét xử thủ tục rút gọn. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hàng xét xử. Đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.  Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định Điều 239 của Bộ luật này. Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải, trừ trường hợp không hòa giải được theo quy định tại Điều 206 hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 của Bộ luật này. Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về vấn đề giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.

Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới quy định tại khoản 3 Điều 317 của Bộ luật này làm cho vụ án không còn đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết tho thủ tục thông thường.

Trước hết, đối với đương sự, việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ tiết kiệm chi phí, công sức cũng như giảm bớt những phiền phức, nhất là đối với người thắng kiện vì đáng lẽ họ không phải gánh chịu những thiệt hại, phiền phức này. Từ đó lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung được nâng lên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Khi việc khiếu kiện tham gia tố tụng của người dân được thuận lợi thì khi đó họ sẽ chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án, có sự tham gia của cơ quan tố tụng. Hơn nữa, đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng.

Áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên, giảm công việc của thẩm phán, thư ký đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án. Với việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp; khiếu kiện, thủ tục rút gọn góp phần làm giảm đáng kể số lượng án ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không chuyển sang tục thủ tục chung để giải quyết. Nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục, thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Vì vậy, khi xem xét thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn cần xem xét kỹ lưỡng các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, hạn chế trường hợp phải chuyển thành thủ tục giải quyết vụ án thông thường theo thủ tục chung.

Thủ tục rút gọn là quy định mới trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và phù hợp yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Chúng ta nhận thấy rằng, thủ tục rút gọn có ý nghĩa pháp lý và xã hội sâu sắc trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, thủ tục này là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án, đơn giản, rõ ràng góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết các vụ án đơn giản, rõ ràng, tập trung vào việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp hơn; đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng mà vẫn đảm bảo tính pháp chế trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Vì thế trong các luật tố tụng hành chính, hình sự, dân sự vừa sửa đổi đều có thủ tục rút gọn.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 08 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.

2. Bộ luật tố tụng dân sự 2015


In Trang | Đóng cửa sổ