URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=149621722&p_details=1
 
Đưa công tác dân vận vào chương trình giảng dạy cho các chức danh Tư pháp trong hệ thống Tòa án
05/04/2016-11:09:00 AM
 
 Ths
Ths. Nguyễn Anh Thư
Khoa Công chức, Học viện Tòa án

Chủ nghĩa Mác- Lênin chứng minh một cách khoa học vai trò quyết định của nhân dân trong lịch sử và xác định đúng đắn mối quan hệ giữa vai trò cá nhân và vai trò quần chúng đối với sự phát triển của xã hội. Nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, đồng thời là lực lượng nòng cốt của mọi cuộc cách mạng, là người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy và luôn đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, Người khẳng định: “ Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”

Người đặc biệt coi trọng công tác dân vận: "...Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Công tác dân vận được xem là công việc (hay còn gọi là nhiệm vụ chính trị) của các tổ chức đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị -xã hội cần phải làm tròn trước Đảng và nhân dân. Rất nhiều các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương các khóa cũng thường xuyên chỉ rõ: “Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở phải nắm vững và làm đúng chức năng lãnh đạo của mình bằng phương pháp dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng bao biện công việc của Nhà nước, của các đoàn thể quần chúng”

Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Lời dạy của Bác đối với Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và  học dân” vẫn luôn là sự chỉ đạo, dẫn đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Tòa án thân thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi công dân, tổ chức và cá nhân.

Công tác dân vận có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sự động thuận xã hội. Bởi vì: Trong công tác dân vận Đảng ta luôn nhất quán tư tưởng "dân là chủ", "dân làm chủ", vì vậy, trong quá trình hoạt động đội ngũ làm công tác dân vận phải làm cho các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng, các nhóm trong xã hội xác định được vai trò của mình trong đời sống chính trị.

Muốn nhân dân đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực chính trị của nhân dân thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của họ. Phải lấy lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước, bởi vì lợi ích là cái gắn bó người ta lại với nhau, là động lực thúc đẩy mọi hành động của nhân dân.

Khi nhân dân đã hiểu đúng, hiểu đầy đủ thì sẽ tạo được sự tự giác trong thực hiện, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chính sách đúng, cơ chế phù hợp còn là yếu tố quan trọng của Nhà nước, của cơ quan chính quyền trong việc phục vụ nhân dân và phát huy sức mạnh toàn dân.

Công tác dân vận không chỉ là sự "tuyên truyền", "vận động "…mà công tác dân vận còn nhằm phát huy các sáng kiến, sáng tạo từ phía quần chúng nhân dân, "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra". Chính vì vậy, công tác dân vận trong hoạt động xét xử, giải quyết các loại án của Tòa án là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Bác Hồ luôn coi trọng công tác dân vận

I. Dân vận với công tác giải quyết và xét xử các loại vụ án:

Trong đời sống thực tế của cộng đồng dân cư, tranh chấp và khiếu kiện luôn luôn và lúc nào cũng xảy ra, nếu không kịp thời hòa giải thì các chủ thể tranh chấp có thể phạm pháp. Vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, Tòa án nhân dân cần vận dụng phương thức “Dân vận ” trong quá trình thực hiện công tác hòa giải đối với những vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại… để nâng cao chất lượng hòa giải, nhằm giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, căng thẳng giữa các chủ thể tranh chấp. Với vai trò là người trung gian, người điều đình, người làm trọng tài, Thẩm phán Tòa án phải luôn biết chủ động, kiên nhẫn trong vai trò trung gian, phải là người trực tiếp giải thích cho đương sự, cho người dân những quy định của Nhà nước, của pháp luật và hướng dẫn họ làm theo trên tinh thần thật sự dân chủ để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất.

Khi giải quyết các vụ án dân sự, việc có hòa giải thành được hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác “ Dân vận” của Thẩm phán, Thư ký…, phải luôn xác định các phương án hòa giải, thực hiện phương thức “Dân vận khéo” thể hiện từ việc bố trí phòng hòa giải, sắp xếp chỗ ngồi các bên đương sự, các nội dung cần trao đổi các nội dung yêu cầu các đương sự trình bày. Tránh tình trạng để người dân có ý kiến cho rằng Thẩm phán, Thư ký không công tâm, không khách quan, thiếu dân chủ khi hòa giải hay xét xử vụ án. Thẩm phán cũng phải biết chọn thời điểm tiến hành hòa giải theo từng loại vụ án và cần có sự tính toán kỹ lưỡng các phương án nhằm đảm bảo sự thành công của phiên hòa giải hay phiên tòa.

Muốn làm tốt công tác dân vận, Thẩm phán, Thư ký là người tiến hành tố tụng trong vụ án cũng cần phải tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, và cả những bức xúc của các đương sự để có phương thức giải quyết vụ án. Đồng thời phải biết cách chia sẻ, động viên và cảm thông đối với những bức xúc của đương sự, tạo điều kiện để đương sự phát huy quyền làm chủ của mình để từ đó, đương sự và công dân khi đến Tòa sẽ có được niềm tin vào Tòa án, nơi mang lại công lý, công bằng cho xã hội .

Trong xét xử các vụ án hình sự, công tác “Dân vận” cũng rất cần thiết, nó giúp Hội đồng xét xử tìm ra sự thật khách quan của vụ án thông qua quá trình vận động các bị cáo và người tham gia tố tụng khai trung thực những tình tiết của vụ án, đồng thời việc giáo dục, thuyết phục các bị cáo tại phiên tòa cũng góp phần hạn chế phát sinh tội phạm, giáo dục người dân thực hiện đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác “Dân vận” trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên toà nhằm đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của  các bên đương sự, của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

II. Dân vận với hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án

Theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện; hạn chế những sách nhiễu gây phiền hà cho công dân và các tổ chức, góp phần làm trong sạch bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án, nhằm giảm đáng kể những sách nhiễu, phiền hà, hách dịch, cửa quyền của đội ngũ cán bộ, công chức; giảm thiểu cơ chế “Xin, cho”, rút ngắn thời gian giải quyết các loại vụ án và giải quyết triệt để những khiếu nại, tố cáo của công dân, tiết kiệm được công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách, củng cố, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ quần chúng nhân dân, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.   

Hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc bổ trợ cho các hoạt động tố tụng và hoạt động quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động khác, đảm bảo tính “công khai”    , “minh bạch” các hoạt động của Tòa án. Công tác “Dân vận ” trong hoạt động này góp phần xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp xúc với Tòa án để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, hồ sơ khởi kiện, kháng cáo, giám đốc thẩm, tái thẩm…người cán bộ tiếp công dân phải có phương pháp “Dân vận khéo” để luôn mang lại sự “hài lòng” cho người dân khi họ tiếp xúc với cơ quan công lý.

III. Dân vận trong công tác cán bộ

Dân vận có nghĩa là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dân vận còn có nghĩa là làm gương trước dân. Nói tóm lại, mục tiêu cao nhất của dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là vì dân. Do đó, mọi hành động của chúng ta là phải vì dân và mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho dân.

Để thực hiện tốt mục tiêu công tác, trong công tác Cán bộ, cũng cần đặc biệt quan tâm và làm tốt các biện pháp “Dân vận”.

“Dân vận” về chính trị, tư tưởng cho cán bộ để thường xuyên thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho Thẩm phán, cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án; nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch khi quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cải cách tư pháp, tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân và công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm đảm bảo cho Thẩm phán, cán bộ, công chức trong đơn vị thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó thực hiện tốt cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân”.

Trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của ngành Tòa án nhân dân cũng đặc biệt cần công tác “Dân vận” để cán bộ Thẩm phán, Thư ký…phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu một cách tự giác.

“Dân vận” trong công tác cán bộ còn góp phần nâng cao tinh thẩn đấu tranh với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, tạo điều kiện cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị có tinh thần đoàn kết, hợp tác, có ý thức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước cơ quan, đơn vị.

“ Dân vận” trong công tác cán bộ nhằm xây dựng hình ảnh Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân thực sự gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh ở cơ quan và nơi cư trú, để củng cố lòng tin của nhân dân, của xã hội đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án.

Việc làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Thẩm phán không chỉ tập trung vào việc bồi dưỡng nghiệp vụ mà cần chú trọng cả việc đào tạo, bồi dưỡng về  lý luận chính trị, trình độ quản lý, tin học, ngoại ngữ và các kiến thức xã hội khác, trong đó không thể thiếu kỹ năng về công tác “Dân vận”.


In Trang | Đóng cửa sổ