URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=141246251&p_details=1
 
Về quan điểm, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và vấn đề đặt ra đối với Học viện Tòa án hiện nay
01/02/2016-02:21:00 PM
 
 NCS
NCS. Phạm Thị Bích Phượng
Phòng Tổ chức - Hành chính
Học viện Tòa án

Đặt vấn đề

Trong quá trình đổi mới gần ba mươi năm qua, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực cải cách tư pháp, nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống Tòa án có chất lượng cao, đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tại phiên họp ngày 21/12/2012 của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận đồng ý để Tòa án nhân dân tối cao được đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành, tiến tới thành lập Học viện Tòa án.

Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ - TTg về việc thành lập Học viện Tòa án, là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động theo quy định của Điều lệ trường đại học của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán cùng các chức danh của hệ thống Tòa án nhân dân đồng thời với nhiệm vụ đào tạo bậc đại học, sau đại học chuyên ngành đặt ra cho Học viện Tòa án những thách thức, yêu cầu cấp bách về đổi mới hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Vì vậy, với nội dung bài viết tìm hiểu về quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục, đào tạo gắn với tiêu chuẩn chất lượng, về chất lượng và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, liên hệ với thực tiễn tại Học viện Tòa án ở thời điểm bước đầu triển khai đào tạo bậc đại học chuyên ngành nhằm trao đổi, đưa ra những đề xuất nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ gắn với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục tại Học viện Tòa án trong thời gian tới là rất cần thiết góp phần vào thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng đòi hỏi của xã hội và sự nghiệp phát triển hệ thống Tòa án.

1. Quan điểm của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo gắn liền với tiêu chuẩn chất lượng ở nước ta hiện nay

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam” [1].

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, BCH Trung ương Đảng đưa ra định hướng: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” [2]. Và xác định mục tiêu cụ thể đối với giáo dục đại học: “Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học” [3].

Trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, nhận định về tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 đã nêu lên những bất cập và yếu kém của hệ thống giáo dục nước ta, trong đó có nhận định về chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng. Từ đó, Chiến lược đưa ra quan điểm chỉ đạo về nâng cao chất lượng giáo dục: “…tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng; mặt khác phải chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học, những người có năng khiếu được phát triển tài năng” [5]. xác định mục tiêu cụ thể về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là: …đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, …và một phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới” [6].

Qua những quan điểm về đổi mới giáo dục, đào tạo như trên, nhận thấy rằng, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, chính sách và kế hoạch phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Con người vừa là trung tâm của chiến lược phát triển, vừa là chủ thể phát triển. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần phải gắn đổi mới với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược nêu trên, giáo dục Việt Nam phải tìm ra những biện pháp quản lý để vượt qua thách thức, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Đổi mới để nâng cao chất lượng là một trong những sứ mệnh quan trọng của giáo dục và đào tạo nước ta hiện nay. Liên quan đến đánh giá chất lượng giáo dục, các chuẩn mực chất lượng phải so sánh với các chuẩn khu vực và quốc tế; quy trình đào tạo cũng phải so sánh với các quy trình được dùng ở các nước tiên tiến, dựa trên thành tựu của khoa học và công nghệ cũng như phải xuất phát từ thông lệ đã được chấp nhận.

2. Về chất lượng giáo dục, đào tạo và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay

2.1 Về chất lượng giáo dục và chất lượng đào tạo

Mối quan tâm đến chất lượng giáo dục được các học giả trên thế giới chú ý đến từ lâu, nhưng để xác định thế nào là chất lượng giáo dục thì vẫn chưa có được sự thống nhất. Qua tìm hiểu, có 3 lý thuyết về chất lượng giáo dục được các nhà nghiên cứu đưa ra, gồm: Lý thuyết khan hiếm; Lý thuyết gia tăng giá trị; Lý thuyết về sự phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu quản lý giáo dục cũng có sự thống nhất về 3 lý thuyết này. Theo nhiều tài liệu, giáo trình  về quản lý giáo dục, và cụ thể, theo giáo trình “Quản lý chất lượng giáo dục” [7] của Học viện Khoa học Xã hội và sách “Quản lý giáo dục” [8] do PGS. TS Bùi Minh Hiền chủ biên, thì:

(1) Lý thuyết về sự khan hiếm cho rằng chất lượng đồng nghĩa với sự khan hiếm của các sản phẩm chất lượng cao trong quản lý giáo dục. Theo đó, đã đưa ra một số tiêu chí như cơ sở đào tạo có uy tín, tuyển chọn khắt khe, chi phí lớn thì chất lượng cao, có nguồn lực dồi dào… để chứng minh rằng chất lượng tuân thủ quy luật hình chóp, chỉ một số ít trường học là có chất lượng thực sự.

(2) Lý thuyết gia tăng giá trị cho rằng chất lượng được phản ánh qua sự gia tăng ở người học kiến thức, kỹ năng và thái độ sau một quá trình đào tạo. Các tiêu chí xác định đầu ra (sản phẩm đào tạo) là những dấu hiệu quan trọng của chất lượng đào tạo. Các trường học có chất lượng cao tập trung vào làm tăng sự khác biệt về kiến thức, kỹ năng và thái độ ở người tốt nghiệp và được công chúng, xã hội thừa nhận.

(3) Theo Lý thuyết về sự phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu, coi “Chất lượng là sự phù hợp với những tuyên bố sứ mệnh và kết quả đạt được của mục tiêu trong phạm vi các chuẩn mực được chấp nhận công khai” định nghĩa trường đại học chất lượng cao là “nơi mà tuyên bố sứ mệnh và mục tiêu đã chứa đựng ý nghĩa chất lượng và được thực hiện một cách có kết quả và hiệu quả”. Theo quan niệm này, chất lượng không phải là sự khan hiếm mà có một phổ chất lượng rộng rãi tương ứng với bối cảnh và điều kiện cụ thể của từng cơ sở đào tạo. Chất lượng là sự trùng khớp với mục đích, trong quá trình từng trường xác định và tổ chức thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của cơ sở đào tạo thì chất lượng theo đó mà hiện hữu.

Như vậy, chất lượng giáo dục, sẽ được xác định rất đa dạng, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng trường, từng đối tượng phục vụ. “Quá trình xác định các yêu cầu của người học mà một cơ sở giáo dục mong muốn phục vụ trở thành yếu tố quan trọng nhất đảm bảo khả năng đạt chất lượng do chính bản thân nhà trường đặt ra” [9]. Vì vậy, mỗi cơ sở giáo dục phải đưa ra các chuẩn mực cụ thể ứng với mỗi mục tiêu nhất định và mục tiêu này được xây dựng dựa trên nhu cầu của đối tượng người học mà họ dự định phục vụ. Chất lượng giáo dục được xác định dựa trên đánh giá mức độ đáp ứng giữa yêu cầu của người học với khả năng đảm bảo chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục được thể hiện thông qua mục tiêu giáo dục, qua sự phù hợp với nhu cầu người học, với cộng đồng và với xã hội. Cho nên, chất lượng giáo dục được định nghĩa: “Chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục, là chất lượng người học được hình thành từ các hoạt động giáo dục theo những mục tiêu định trước” [10].

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng là khái niệm được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Chất lượng đào tạo được hiểu “là mức độ đạt được mục tiêu đào tạo đề ra đối với một chương trình đào tạo”; và còn được xem “là kết quả của quá trình đào tạo được phản ánh ở các đặc trưng về phẩm chất, giá trị nhân cách và giá trị sức lao động hay năng lực hành nghề của người tốt nghiệp tương ứng với mục tiêu, chương trình theo các nghành nghề cụ thể” [11].

Theo Chương trình Cải cách Giáo dục Đại học ở các nước khu vực Đông Nam Á (SEAMEO, 2001), việc thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục cũng hầu như theo nghĩa "chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu" [12]. Sự phù hợp đó có thể bao gồm cả sự đáp ứng hay vượt qua các chuẩn mực đã được đặt ra trong giáo dục và đào tạo. Sự phù hợp với mục tiêu cũng đề cập đến những yêu cầu về sự hoàn thiện của đầu ra, hiệu quả đầu tư giáo dục.

Trong quá trình phát triển giáo dục tại Việt Nam, từ năm 2007, với bước đột phá trong tư duy quản lý giáo dục đã dần đem lại những thay đổi tích cực cho vấn đề chất lượng giáo dục. Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục để quản lý chất lượng trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học và trường đại học… đã tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo, giáo dục của các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng. Theo đó, chất lượng giáo dục trường đại học được xác định: “ là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đại học của Luật giáo dục, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước [13].

Vấn đề đặt ra khi bàn đến chất lượng giáo dục là cần làm rõ cách thức xác định chất lượng giáo dục như thế nào, các chuẩn mực nào xác định mức độ thực hiện chất lượng giáo dục là điều có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục. Đối với Học viện Tòa án, là cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của hệ thống Tòa án nhân dân và bước đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học chuyên ngành xét xử, vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

2.2  Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học và việc áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Theo Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO thì chất lượng giáo dục được thể hiện trong bốn trụ cột: “Học để biết; học để làm; học để chung sống và học để tồn tại” [14].

Theo Điều 2 Quyết định số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, đưa ra khái niệm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học “ mức độ yêu cầu và điều kiện mà trường đại học phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng  giáo dục. Và Điều 3 của Quyết định nêu lên  mục đích quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học nhằm: làm công cụ để trường đại học tự đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và để giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận trường đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; để người học có cơ sở lựa chọn trường và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Kể từ khi ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học năm 2004 đến nay, với các quy định trong văn bản pháp luật ở cấp cao nhất như Luật Giáo dục đại học năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện mà kiểm định chất lượng giáo dục đại học đang từng bước được hoàn thiện. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch lập mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, Dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học [15] đều thể hiện quyết tâm của Nhà nước nhằm tiếp tục xây dựng, tạo ra một hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được triển khai ổn định và bền vững.

Trên cơ sở học tập kinh nghiệm v tham khảo mô hình quản lý chất lượng giáo dục của nhiều nước trên thế giới, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục của Việt Nam đang từng bước được hình thành, đi vào ổn định, phù hợp với mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục của khu vực và thế giới. Mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục của Việt Nam, theo tác giả Phạm Xuân Thanh (2013), có 3 cấu phần [16]:

- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục;

- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở giáo dục (bao gồm hệ thống  đánh giá ngoài tức là các chủ trương, quy trình và công cụ đánh giá);

- Hệ thống các tổ chức đảm bảo chất lượng bên ngoài (các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục).

Theo đó, chất lượng của trường đại học của Việt Nam theo Quyết định số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, đã đưa ra 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí:

Tiêu chuẩn 1: Sứ mạng và mục tiêu của trường đại học (2 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 2: Tổ chức và quản lý (7 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 3: Chương trình giáo dục (6 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 4: Hoạt động đào tạo (7 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên (8 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 6: Người học (9 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 7: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ (7 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 8: Hoạt động hợp tác quốc tế (3 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 9: Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác (9 tiêu chí);

Tiêu chuẩn 10: Tài chính và quản lý tài chính (3 tiêu chí).

Trong thực tế, các hoạt động đánh giá chất lượng giảng dạy, đánh giá chương trình đang được triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng tại các trường đại học, là cơ sở để các trường tự đánh giá, đề ra các giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Với yêu cầu bắt buộc được nêu trong Bộ tiêu chuẩn chất lượng là trong cơ cấu tổ chức của một trường đại học có bộ phận đảm bảo chất lượng, cho đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh với bộ phận đảm bảo chất lượng bên trong ở các trường và cơ quan đảm bảo chất lượng bên ngoài. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến nay, có “156 trường đại học (chiếm đến 76,5% số trường đại học trong cả nước) có trung tâm hay đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng.” “Công tác tự đánh giá được chú trọng như một công cụ để cải tiến chất lượng giáo dục: 139 trường đại học, 88 trường cao đẳng và 56 trường trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá” [17]. Đối với việc triển khai các hoạt động đánh giá ngoài (kiểm định chất lượng), trong những năm qua, đã có “40 trường đại học đã được đánh giá bởi các tổ chức HBO raad Hà Lan, ETS và CQAIE Hoa Kỳ (có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam). Từ năm 2008, một số ngành đào tạo của 4 trường đại học được Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) tiến hành đánh giá bởi các chuyên gia Hoa Kỳ, tạo ra cách nhìn nhận khác về thực trạng giáo dục đại học của Việt Nam” [18].

3. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu đẩy mạnh chất lượng giáo dục ở Học viện Tòa án hiện nay

Trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của hệ thống Tòa án nhân dân là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch vững mạnh. Trong đó, “việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho cán bộ, công chức Tòa án các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân được xác định vừa là yêu cầu và vừa là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án”. Đồng thời, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xác định nhóm giải pháp trong công tác đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ “là nhóm giải pháp mang tính đột phá, vì làm tốt công tác này sẽ tạo được chuyển biến sâu sắc về chất lượng đội ngũ cán bộ mà chủ yếu là chất lượng đội ngũ Thẩm phán” [19].

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh một trong những giải pháp đột phá để Tòa án thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác là: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức” [20].  

Ngày 19/11/2015, trong thư gửi Học viện Tòa án nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Bí thư trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, tái khẳng định việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Tòa án là một trong ba giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử của Tòa án. Bởi vì, “chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, Thẩm phán có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động xét xử, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp của Tòa án” [21].

Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Tòa án như trên, thấy rằng, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt đặt ra cho Học viện Tòa án là cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, để đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học chuyên ngành xét xử, Học viện Tòa án cần chú trọng gắn với việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Đối chiếu các tiêu chuẩn theo Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học với thực tế tổ chức và hoạt động của Học viện Tòa án hiện nay, những nội dung cụ thể được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện như sau:

- Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, Thẩm phán và các chức danh tư pháp của hệ thống Tòa án nhân dân đồng thời với đào tạo bậc đại học chuyên ngành xét xử đặt ra cho Học viện Tòa án yêu cầu điều chỉnh và đưa ra tuyên bố về sứ mạng và mục tiêu của mình để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cần tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Đối với giáo dục đại học, cần tập trung bồi dưỡng nhân tài, phát triển năng lực và phẩm chất  của người học nhằm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên nghành cho hệ thống Tòa án.

- Học viện Tòa án cần có tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học với đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động đánh giá nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường. Cần xây dựng các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của nhà trường; có chính sách và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của nhà trường.

- Để thực hiện nhiệm vụ của mình, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức đối với từng đối tượng mà Học viện Tòa án cần xây dựng và hoàn thiện Bộ giáo trình giảng dạy chuẩn các bộ môn. Đồng thời, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của người học để sau khi tốt nghiệp họ có năng lực thực hiện tốt công việc chuyên môn.

- Cần tạo điều kiện để học viên thuận lợi trong tiếp thu kiến thức, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo để chất lượng giáo dục của Học viện ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là chất lượng đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.

- Cần tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả các chương trình trao đổi giảng viên và người học, đồng thời, tham khảo mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo tư pháp trong và ngoài nước nhằm xây dựng Học viện Tòa án ngày càng hoàn thiện về tổ chức, hiệu quả trong hoạt động nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tòa án, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, sự phát triển của Trường Cán bộ Tòa án thành Học viện Tòa án nhằm đáp ứng những yêu cầu mới. Tuy nhiên, với đặc thù là đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh Tòa án mà mục tiêu đào tạo chủ yếu cần được xác định tập trung vào đào tạo Thẩm phán. Đồng thời, với việc đang khẩn trương triển khai thực hiện đào tạo bậc đại học chuyên ngành xét xử thì Học viện Tòa án cần nhanh chóng đổi mới tổ chức và hoạt động cho phù hợp.

Để thực hiện chỉ đạo về đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Tòa án của Đảng và Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đặt ra đối với Học viện Tòa án hiện nay là nâng cao chất lượng gắn với thực hiện chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục. Thông qua công tác tự đánh giá chất lượng mà cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện thành công nhiệm vụ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp.

 

Chú thích:

[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Mục IV.9 - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.  

[2] [3] Nghị quyết số 29/NQ - TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do BCB Trung ương Đảng ban hành tại Hội nghị trung ương 8 Khóa XI thông qua ngày 04/11/2013.

[4] [5] [6] Quyết định số 711/QĐ - TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/6/2012.

 [7] Quản lý chất lượng giáo dục, GS.TS Phạm Thành Nghị, Học viện Khoa học Xã hội, NXB Khoa học xã hội, Hà nội – 2013, tr 30.

[8] Quản lý giáo dục, PGS.TS Buì Minh Hiền (Chủ biên) – Vũ Ngọc Hải – Đặng Quốc Bảo, NXB Đại học sư phạm, 2011, tr266.

[9] Quản lý chất lượng giáo dục, Sđd, tr 34.

[10] Quản lý giáo dục, Sđd, tr 258.

[11] Quản lý giáo dục, Sđd, tr 259.

[12] Về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, Tôn Quang Minh, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng ngày 19//8/2014.

http://bvu.edu.vn/web/dbcl-ttgd/-/ve-cong-tac-am-bao-chat-luong-giao-duc

[13] Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, Điều 2.1.

[14] Quản lý giáo dục, Sđd, tr 261.

[15] Dự thảo lần 2, tháng 8/2015 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

[16] Áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng vào giáo dục Việt Nam, Quản lý chất lượng giáo dục (Giáo trình sau đại học), Học viện Khoa học Xã hội, GS.TS Phạm Thành Nghị, NXB Khoa học Xã hội, 2013, tr 206.

[17] Áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng vào giáo dục Việt Nam, Sđd, tr 207, 208.

[18] Áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng vào giáo dục Việt Nam, Sđd, tr 209.

[19] Báo cáo số 11/BC - TA ngày 20/3/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

[20] Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Tòa án nhân dân các cấp ngày 19/01/2015.

http://www.nhandan.com.vn/mobile/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/25387702

[21] Thư gửi cán bộ, giảng viên, CNVC Học viện Tòa án nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Bí thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình gửi ngày 19/11/2015.


In Trang | Đóng cửa sổ