URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=137899095&p_details=1
 
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự năm 2015
09/01/2016-09:30:00 PM
 
 Trong những năm qua
Ths.Nguyễn Thị Minh
Khoa Thẩm phán

Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều lợi nhuận, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tạo ra tâm lý hưởng thụ, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách đã khiến một số chủ thể tiến hành các họat động sản xuất kinh doanh bất chấp luật, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân trong một số lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đầu thầu xây dựng....

Từ khóa: Bộ luật hình sự; Bộ luật dân sự; Trách nhiệm pháp nhân

Để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan tổ chức, công dân, khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1999, chúng ta đã tiến hành nghiên cứu quy định trách nhiệm hình sự không chỉ đối với cá nhân (thể nhân) mà còn đặt vấn đề đối với pháp nhân, nhưng vấn đề này chưa được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội và các nhà khoa học. Đến năm 2009, khi tiến hành tổng kết thực tiễn 10 năm áp dụng, thi hành BLHS năm 1999 và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật này, vấn đề TNHS của pháp nhân lại một lần nữa được đề cập đến khi bàn về (Dự thảo) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 nhưng vẫn chưa được bổ sung. Kết hợp với yêu cầu thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế...đã thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học, các luật gia…quan tâm nghiên cứu vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân ở Việt Nam.

Ngày 27/11/2015, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).Với 84,01% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi). 

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với 84,01% đại biểu tán thành

BLHS năm 2015 gồm có 26 chương với 426 điều, được thiết kế thành 03 phần, Phần thứ nhất: Những quy định chung (gồm 12 chương, từ Điều 01 đến Điều 107); Phần thứ hai: Các tội phạm (gồm 14 chương, từ Điều 108 đến Điều 425); và Phần thứ ba: Điều khoản thi hành (Điều 426).

BLHS năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1999. Có rất nhiều nội dung mới mà BLHS năm 1999 chưa quy định. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu một số vấn đề cơ bản về TNHS đối với pháp nhân được quy định trong BLHS năm 2015. Đây là một nội dung mới, quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam đã đặt ra TNHS đối với pháp nhân thương mại trong một số tội theo quy định của Bộ luật hình sự. Điều này, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Về hình phạt đối với pháp nhân phạm tội, tại khoản 1 Điều 33 của Bộ Luật hình sự năm 2015 qui định các hình phạt có thể áp dụng với pháp nhân phạm tội, gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo quan điểm của tác giả hình phạt “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều bất cập vì vĩnh viễn không hoạt động nữa thì pháp nhân sẽ chây ỳ trong khắc phục hậu quả và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, các cá nhân, pháp nhân có liên quan. Bởi vậy cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với pháp nhân, khi pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý, không phải với mọi pháp nhân đều là chủ thể phạm tội mà chỉ có pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Dân sự năm  2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Như vậy, pháp nhân không phải là con người mà là một tổ chức hoạt động vì mục đích lợi nhuận, cần có nguyên tắc xử lý riêng mang tính đặc thù cũng như áp dụng chế tài tương xứng, có tính khả thi.

Điều 75 Bộ luật Dân sự  năm 2015 quy định: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên; Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như trên đã nêu, pháp nhân không phải thể nhân, mà là tổ chức nên khi tham gia tố tụng thì phải có người đại diện theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thểm quyền tiến hành tốt tụng họ tên, ngày tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông tin này thì người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Quá trình tham gia tố tụng, người đại diện theo pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định, cần lưu ý quá trình lấy lời khai, trình bày ý kiến, không buộc đưa ra lời khai chống lại pháp nhân, hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân phạm tội. Điều này thể hiện nguyên tắc chung thống nhất giữa cá nhân và pháp nhân phạm tội, không được coi lời khai buộc tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để buộc tội.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là áp dụng biện pháp cưỡng chế với pháp nhân, theo đó có 4 biện pháp cụ thể như sau: Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, còn Bộ luật dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2017 có quy định khái niệm pháp nhân thương mại phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, vấn đề đặt ra khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật thì căn cứ vào quy định nào để xác định pháp nhân có hành vi phạm tội có phải phải pháp nhân thương mại hay không? Để truy cứu TNHS. Bên cạnh đó, khoảng thời gian 6 tháng trước khi Bộ luật Dân dự năm 2015 có hiệu lực, cần phải có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để xác định pháp nhân đó có phải pháp nhân thương mại không? Trình tự, thủ tục xử lý khi có pháp nhân thương mại phạm tội trong thời gian này.

Việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hành lang pháp lý trong thời kỳ kinh tế Việt Nam hội nhập như hiện nay. Hành vi phạm tội không chỉ do cá nhân mà pháp nhân cũng gây ra. Có những hành vi mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như: tội buôn bán người, tội rửa tiền, tội khủng bố, tội độc quyền, tội buôn lậu, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Thậm chí, có tội chỉ do pháp nhân thực hiện, như tội phạm về môi trường. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp nhân dân rất nhiều trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao khả năng tiếp cận công lý của người dân; bởi vì số tiền tạm ứng án phí để khởi kiện pháp nhân lớn (thậm chí rất lớn) và nhân dân gặp khó khăn trong việc chứng minh tội phạm của pháp nhân và càng khó khăn hơn khi phải chứng minh thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, thì các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ phải làm rõ, chứng minh điều này. Việc xử lý hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp ích nhiều cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, đảm bảo phán quyết của Tòa án có đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội về cải cách tư pháp.


In Trang | Đóng cửa sổ