URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=131562125&p_details=1
 
Tội phạm trẻ hóa - Từ góc nhìn tâm lý học
27/11/2015-02:01:00 PM
 
 TỘI PHẠM TRẺ HÓA – TỪ GÓC NHÌN T

Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt các vụ án với tính chất ngày càng nghiêm trọng và man rợ, điều khiến dư luận quan tâm nhất là đối tượng phạm tội ở độ tuổi rất trẻ, ví dụ: thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, thảm sát ở Gia Lai, thảm sát ở Bình Phước….Điều này là hồi chuông báo động sự xuống cấp đạo đức của giới trẻ hiện nay. Có rất nhiều ý kiến khác nhau lý giải hành vi phạm tội trong một số vụ án gần đây. Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết này tác giả xin luận bàn một số nguyên nhân nhìn từ góc độ tâm lý học.

 

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm Học viện Cảnh sát đã chỉ ra rằng tội phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn hành vi phạm tội

*Giới trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống

Tình hình tội phạm trẻ hóa ngày càng gia tăng không ít ý kiến cho rằng đó là hệ lụy của nền kinh tế phát triển hiện nay. Tuy nhiên nếu đánh giá từ góc độ này thì ở một chừng mực nào đó chúng ta sẽ không tìm thấy giải pháp phù hợp cho vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Bản chất của nền kinh tế hiện nay không tạo ra tội phạm, mà chính bản thân mỗi cá nhân trong xã hội đó không được rèn luyện, trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống phức tạp, tiêu cực trong xã hội dẫn đến hành vi phản ứng tiêu cực, nảy sinh hành vi phạm tội.

Kết quả điều tra một số vụ án gần đây cho thấy giới trẻ không được trang bị kỹ năng sống, ví dụ: Vụ án 6 người trong gia đình bị sát hại ở Bình Phước, nguyên nhân xuất phát từ việc bị người yêu từ chối tình cảm….điều này không thỏa mãn quan hệ tình cảm của người phạm tội. Từ vụ án trên chúng ta có thể thấy bản thân người phạm tội không được trang bị những kỹ năng sống như: thiếu tự tin, khả năng kìm chế, tự chủ kém. Đời sống cảm xúc có cường độ mạnh, bốc đồng nổi trội trong khi nhận thức còn hạn chế.

Bản thân mỗi cá nhân sống, sinh hoạt trong mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ có những diễn biến tâm lý khác nhau ở mỗi tình huống cụ thể mà cá nhân đó tương tác. Điều quan trọng là mỗi cá nhân biết cách tiết chế cảm xúc và hành động tiêu cực trong ứng xử hàng ngày của mình. Những vụ án giết người man rợ gần đây thể hiện sự lệch chuẩn hành vi, chai sạn cảm xúc của đối tượng. Đối tượng phạm tội hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích thỏa mãn nhu cầu bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến hậu quả cho nạn nhân, gia đình, xã hội và cho chính đối tượng.

Điều đáng bàn đến ở đây là định hướng giá trị sống của mỗi cá nhân. Trong thời kỳ mà cả xã hội đang chuyển mình thay đổi thì định hướng giá trị sống của con người cũng có thay đổi. Có thể nhận thấy trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, cạnh tranh, sức ép việc làm, khó khăn kinh tế…đã ảnh hưởng đến tính thích nghi với nhịp độ sống của giới trẻ. Trước sức ép đó người trẻ  dễ bị trấn thương tinh thần, không định vị được giá trị của cuộc sống, dễ bị tổn thương bởi những tác động từ phía xã hội. Họ từ bỏ giá trị sống thực tiễn chạy theo giá trị ảo, khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân, họ mất phương hướng, nảy sinh tiêu cực trong suy nghĩ và hành động. Đáng báo động là nhiều trường hợp phạm tội chưa hề có tiền án, tiền sự, được gia đình và những người thân xung quanh nhìn nhận là người hiền lành, sống tốt. Như vậy, điều đáng nói ở đây là tính chất “nhất thời” của hành vi phạm tội. Tính chất “nhất thời” là biểu hiện bên ngoài, thực chất hành vi phạm tội là hậu quả của những suy nghĩ cảm xúc tiêu cực không lối thoát, không được chia sẻ và khi gặp tình huống có tính chất kích động là dễ nảy sinh hành vi phạm tội. Như vậy, chúng ta khẳng định thêm lần nữa về người phạm tội thiếu kỹ năng kìm chế suy nghĩ và hành vi tiêu cực, cũng như họ không có môi trường thuận lợi để hóa giải những mẫu thuẫn nội tâm nên dẫn đến hành vi phạm tội.

Nhằm giảm đến mức thấp nhất những hành vi phạm tội từ phía mỗi cá nhân mỗi người cần xây dựng lối sống, cách tư duy tích cực nhằm hình thành kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng tự kiểm soát và giải tỏa những bức xúc, kỹ năng suy xét và giải quyết vấn đề tích cực, với mỗi cá nhân những kỹ năng này nên trở thành lối sống và thang giá trị trong ứng xử hàng ngày.

*Giáo dục gia đình

Gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Trong gia đình đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Càng lớn, hoạt động sống của trẻ mở rộng, đa dạng hơn, phạm vi bắt chước ngày càng rộng hơn không còn dừng lại ở các thành viên trong gia đình nữa. Tuy nhiên đây mới là thời điểm trẻ phóng chiếu kinh nghiệm, nhận thức, nếp sống đã được tích lũy được trong phạm vi gia đình để ứng xử với các tình huống bên ngoài xã hội.

Trên thực tế hiện nay trong một số gia đình vẫn tồn tại bạo lực giữa các thành viên. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của của trẻ. Trẻ sẽ học cách phản ứng của những thành viên trong gia đình để ứng xử với mọi người bên ngoài xã hội. Những trẻ phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn. Trong giao tiếp hàng ngày việc bố mẹ ứng xử kém văn hóa, dùng từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hóa sẽ làm trẻ nhiễm theo những thói xấu đó. Thêm đó, bản thân cha mẹ là người thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về xã hội, về pháp luật sẽ không có phương cách dạy dỗ trẻ ngoài thời gian trẻ ngoài thời gian trẻ được giáo dục tại trường. Trẻ không nhận thức được giá trị, chuẩn mực xã hội từ trong gia đình, trẻ không nhận được sự giúp đỡ từ bố mẹ, người thân dẫn đến học kém và chán học, chúng tự đánh giá thấp về bản thân, có sự so sánh với các bạn cùng lớp, người xung quanh dễ dẫn đến thất vọng , chán nản không có niềm tin từ những người thân xung quanh và dễ bước vào con đường xấu, dẫn đến phạm pháp.

Với những trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình ba mẹ li hôn hoặc gia đình không đầy đủ ba mẹ (ba hoặc mẹ mất) cũng là một yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Trẻ thiếu thốn tình cảm của bố hoặc mẹ, ít được quan tâm chia sẻ cũng dễ dẫn đến thiếu hụt trong đời sống tình cảm, dễ này sinh những cảm xúc tiêu cực như buồn khổ, tự ti, chán nản chúng sẽ tìm sự cân bằng ở những người khác có thể họ hàng, láng giềng nhưng cũng có thể là nhóm bạn cùng cảnh ngộ để quên đi những thiếu hụt đấy.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc kinh doanh buôn bán, mải mê vào công việc kiếm tiền không có thời gian dành cho con cái. Đồng tiền là giá trị khiến nhiều người hướng tới mà quên đi những giá trị khác, con cái được cung ứng đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu đi những điều đơn giản nhưng gần gũi và có ý nghĩa hết sức lớn lao với chúng. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm từ sáng khi con chưa ngủ dậy, về nhà khi các con đã ngủ thành ra sự gần gũi, chia sẻ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình hạn chế. Nhất là ở lứa tuổi đang lớn, trẻ cần sự chia sẻ quan tâm của cha mẹ, nhiều khi bản thân chúng khó khăn trong giải quyết các mối quan hệ ở trường lớp nhưng lại không biết chia sẻ cùng ai. Từ đó khoảng các giữa cha mẹ và con cái dần có khoảng cách. Những đứa trẻ không được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, thậm chí bất cần. Chúng dễ dành bị rủ rê, lối kéo... Có những trường hợp trẻ vi phạm pháp luật, cha mẹ được gọi lên cơ quan công an mà vẫn không tin con mình vi phạm.

Hiện nay xã hội của chúng ta đang ở trong ranh giới của sự chuyển đổi, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ vận hành, môi trường đô thị hiện nay nhu cầu vật chất quá cao lấn át mọi giá trị xã hội khác. Trong đó, các mối quan hệ thiếu bền vững do sự liên kết giữa các cá nhân trong xã hội không được gắn bó nên hành vi của cá nhân không kiểm soát một cách mạnh mẽ, dễ bị rạn nứt và nảy sinh những hành vi sai lệch. Những vụ án gần đây với tính chất hết sức nghiêm trọng đã cho thấy sự thiếu hụt về mặt kỹ năng sống, cách ứng phó với các tình huống xã hội.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục các em, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào cuộc sống, chúng tôi xin đưa ra những kiến nghị sau:

Thứ nhất, bắt nguồn từ một số nguyên nhân phạm tội, công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả cần giải pháp đồng bộ, cần phải xây dựng hệ thống giáo dục pháp luật tốt, trong đó giáo dục của các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể và gia đình đóng vai trò cốt lõi. Lứa tuổi chưa thành niên cần có sự quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần, có sự giáo dục đầy đủ, qua đó hạn chế tội phạm do người chưa thành niên phạm tội thực hiện.

Thứ hai, có chính sách giáo dục thanh thiếu niên thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng; xét xử công khai đối với những vụ án lớn có tính chất nỏi cộm, qua đó tăng cường tính chất giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em, do đó giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng cách tăng hình phạt, mà chính là sự quản lý, giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế được việc thực hiện tội phạm, đảm bảo tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.

Thứ tư, Giáo dục trong gia đình chính là giáo dục đầu tiên, quan trọng nhất đối với mỗi con người vì vậy Nhà nước nên có chính sách tạo việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, nâng cao chất lượng gia đình bởi lẽ gia đình chính là tế bào của xã hội. Bố mẹ quan tâm gần gũi các con nhiều hơn, tập cho trẻ từ khi còn nhỏ những thói quen, kỹ năng sống tích cực nhằm hình thành giá trị sống phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Thứ năm, Hiện nay do thông tin mạng Internet phủ sóng, trẻ em tiếp xúc sớm và thường xuyên với những thông tin văn hóa phẩm độc hại, Nhà nước cần có chính sách quản lý hộ thống quản lý thông tin.

Mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, các biện pháp cưỡng chế hình sự, mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị, mà còn nhằm mục đích giáo dục người phạm tội, giúp họ nhận ra sai lầm và tạo cho họ cơ hội để sửa chữa, sớm tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Do đó, chúng tôi cho rằng, để việc đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên có hiệu quả, thì phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh hành vi phạm tội, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên. Vì vậy, việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, mà có khi làm giảm hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên phạm tội nói riêng.

Tài liệu tham khảo

1. http://www.hungyentv.vn/98/41187/Chinh-sach-Phap-luat/Vi-sao-tre-hoa-toi-pham-ngay-cang-gia-tang.htm
Nguyễn Thị Minh

In Trang | Đóng cửa sổ