URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=129206895&p_details=1
 
Một số vấn đề về bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn ở Việt Nam (Phần 2)
12/11/2015-01:29:00 PM
 
 MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦ

 

NCS. Phạm Thị Bích Phượng

Học viện Tòa án

 

 Phần II – Một vài suy nghĩ về hoạt động của Tòa án với việc bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn

 1.        Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Thực tiễn xã hội và pháp lý ở Việt Nam cho thấy, việc công nhận và bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách về gia đình của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước mà trong đó mọi hoạt động của nó phải hướng đến việc bảo đảm quyền con người được tôn trọng và thực thi đầy đủ trong thực tiễn đời sống xã hội. Điều 26 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định nguyên tắc bình đẳng về giới:

“1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”

Đồng thời, Điều 36 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, cụ thể:

1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Trên cơ sở Hiến pháp, các quyền cơ bản của công dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã dược cụ thể hóa trong các đạo luật đồng thời tạo ra các công cụ bảo vệ các quyền đó như Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật đất đai, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự…

Trong các định hướng của Đảng về cải cách các hệ thống cơ quan Nhà nước nói chung, cải cách hệ thống cơ quan tư pháp nói riêng, quyền của phụ nữ được công nhận và bảo hộ chính thức bằng hệ thống các nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu tổng quát:“đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”.

Hiện nay, Việt Nam đã có những chính sách khá đầy đủ và một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trong đó, ngành luật cơ bản điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi một cách cụ thể, xác đáng cho người phụ nữ cũng như sự bình đẳng giữa vợ và chồng là Luật hôn nhân và Gia đình. Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Với những điểm mới, sửa đổi, bổ sung quan trọng phù hợp với thực tiến đời sống kinh tế - xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vừa được ban hành đã kịp thời  đáp ứng các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới.

2.        Một vài suy nghĩ về hoạt động của Tòa án với việc bảo vệ quyền của người phụ nữ khi ly hôn

Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 quy định ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, trong trường hợp ly hôn xảy ra, khi Toà án xét xử cho ly hôn sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân của vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng, việc cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn, giao con chung cho ai là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, đóng góp phí tổn nuôi dưỡng giáo dục con...Khi giải quyết các vụ việc ly hôn, Tòa án phải thực thi hoạt động của mình và ra phán quyết cho thật hợp tình, hợp lý, bảo đảm quyền của phụ nữ theo nguyên tắc “bình đẳng và ưu tiên” đã được khẳng định trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra phán quyết về các vấn đề con chung, tài sản, cấp dưỡng… là các hậu quả pháp lý gắn liền với sự kiện ly hôn; việc bảo đảm quyền của phụ nữ khi ly hôn phụ thuộc rất lớn vào Tòa án. Theo số liệu thống kê tổng hợp của Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày 01/9/2000 đến ngày 30/9/2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 3.143.746 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình. Trong đó số vụ việc về hôn nhân và gia đình là 875.282, chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số các vụ việc dân sự đã thụ lý nói chung [1], đây là một con số tương đối lớn phản ánh khối lượng công việc mà Tòa án phải giải quyết đối với lĩnh vực này. Qua gần 15 năm thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, trong tổng số các vụ việc hôn nhân và gia đình Tòa án các cấp giải quyết thì số lượng vụ việc ly hôn chiếm tỉ lệ lớn nhất. Mặc dù số lượng vụ án tranh chấp ly hôn đưa ra xét xử không nhiều nhưng các vụ án đưa ra xét xử đều mang tính phức tạp cao, liên quan đến nhiều quyền lợi quan trọng của các đương sự trong vụ án. Nhìn chung, kết quả xét xử các vụ án ly hôn của tòa án thời gian vừa qua đạt yêu cầu, bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự. Tuy nhiên, trong công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân các cấp nhìn chung chưa đủ về số lượng, một bộ phần còn bất cập về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Thẩm phán còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, dẫn tới chất lượng giải quyết nhiều vụ việc về hôn nhân và gia đình còn chưa cao. Việc phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phối hợp giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình hoặc trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người dân còn nhiều bất cập [2].

Mặt khác, hoạt động giải quyết án ly hôn của Tòa án còn chịu sức ép về số lượng và thời hạn giải quyết vụ án, nhiều vụ án ly hôn đưa ra xét xử nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm là những trở ngại đối với việc bảo đảm thực thi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ khi ly hôn. Các sai sót, tồn tại xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, tập trung vào cả ba vấn đề khi giải quyết án ly hôn gồm: hôn nhân, con chung và tài sản chung. Thực tế áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 trong những năm qua cho thấy, mặc dù đã điều chỉnh có hiệu quả nhiều quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: một số quy định liên quan đến thực hiện quyền con người, đặc biệt là về bình đẳng giới còn mang tính hình thức, không thực chất và không khả thi; một số vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được luật quy định cụ thể hoặc không quy định. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vừa được ban hành có nhiều điểm mới, tiến bộ nhằm đảm bảo quyền con người nói chung và bảo đảm thực hiện quyền phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu, đề xuất áp dụng trong thực tiễn. Trên cơ sở xem xét phù hợp với các quy định của Hiến pháp mới 2013 và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, cần cải tiến hoạt động giải quyết các vụ việc ly hôn của Tòa án trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền của phụ nữ nhằm góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền con người, quyền công dân.

Tham khảo cơ cấu tổ chức và thực tiễn xét xử án hôn nhân và gia đình của các nước cho thấy: hiện nay, nhiều nước thuộc các hệ thống luật khác nhau trên thế giới đã thành lập Tòa án Gia đình là mô hình tòa án có vai trò tăng cường tính chuyên môn đối với vụ án hôn nhân và gia đình. Theo đó, cơ cấu nhân sự của Tòa án Gia đình có Điều tra viên đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra sự thật trong xét xử hôn nhân gia đình, cũng như liên kết với cơ quan phúc lợi xã hội, đánh giá tâm lý, các công việc mang tính hỗ trợ. Thẩm phán Tòa án gia đình hoạt động chuyên trách, được lựa chọn là những người có độ tuổi, kinh nghiệm nhất định và có kiến thức về tâm lý học, xã hội học…Với mô hình Tòa án gia đình, hoạt động giải quyết các vụ việc ly hôn  có tính chuyên môn cao, phán quyết của Tòa án được đưa ra trên cơ sở các bên đương sự đã được tư vấn, hòa giải bằng nhiều hình thức, quyền lợi của các bên đương sự đều được xem xét, cân nhắc kỹ càng. Việt Nam đang trong tiến trình nghiên cứu, chuẩn bị triển khai áp dụng mô hình Tòa án Gia đình nên hoạt động giải quyết án ly hôn của Tòa án cần tiếp tục được cải thiện nhằm tạo ra một cơ chế bảo đảm và thực thi quyền phụ nữ khi ly hôn.

Trong hoạt động giải quyết tranh chấp ly hôn, Tòa án các nước có những quy định, thủ tục và cách thức giải quyết khác với Việt Nam, trong đó có những nội dung tiến bộ cần tham khảo, nghiên cứu áp dụng. Ví dụ, tại  Australia, điều kiện xét yêu cầu ly hôn là cuộc hôn nhân đã hoàn toàn đổ vỡ, không thể cứu vãn được và phải ly thân ít nhất là 12 tháng trước khi nộp đơn ly dị. Nếu kết hôn dưới 2 năm thì phải đi tư vấn về gia đình hoặc xin phép Tòa trước khi nộp đơn ly dị. Còn ở Mỹ, đã có sự thay đổi lớn trong những đạo luật về ly hôn theo chiều hướng chuyển từ những đạo luật mang tính hạn chế (thế kỷ XIX) sang ly hôn không có lỗi (thế kỷ XX). Các bên chỉ đơn giản giải thích rằng có những khác biệt không thể hòa giải giữa họ và rằng cuộc hôn nhân không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, thực tiễn ly hôn ở Mỹ cho thấy giải quyết những vấn đề như tranh chấp về tài sản, tranh chấp về chăm sóc con, hỗ trợ tiền cho con, quyền thăm nom con là những nội dung thường xuyên có bất đồng và Tòa án phải rất cẩn trọng khi đưa ra phán quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự nói chung và quyền lợi của người phụ nữ nói riêng. Ở Hàn Quốc, yếu tố lỗi được xét đến khi có yêu cầu ly hôn, người muốn thuận tình ly hôn phải được Tòa án gia đình hướng dẫn về ly hôn. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án gia đình có thể khuyến khích đương sự nhận hỗ trợ tư vấn chuyên môn từ chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Bên yêu cầu xác nhận ly hôn lên Tòa án gia đình có thể được xác nhận ly hôn sau một thời gian cân nhắc. Trong thời gian cân nhắc, Tòa án tổ chức hoạt động nhằm hàn gắn, hòa giải cho vợ chồng như tổ chức dã ngoại có con cùng tham gia, tư vấn tâm lý. Trong trường hợp có lý do cấp bách như một bên đương sự phải chịu hành vi bạo lực, có thể rút ngắn hoặc miễn thời gian cân nhắc. Trường hợp có sự tranh chấp nuôi con khi ly hôn, Tòa án có những biện pháp giám sát, theo dõi thái độ, nhu cầu của trẻ, đồng thời cử Điều tra viên điều tra về các điều kiện nuôi dậy con để Tòa án có cơ sở quyết định giao con cho bố hay mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng…Đây là những quy định, thủ tục có tính ưu việt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của cả vợ và chồng khi ly hôn, đảm bảo sự bình đẳng và cũng đồng thời là bảo vệ quyền của người phụ nữ khi ly hôn. Trên cơ sở Tòa án đưa ra  những quyết định, bản án thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người phụ nữ sẽ giúp họ tự tin trước cuộc sống, tin tưởng rằng pháp luật luôn bên cạnh họ, bảo vệ quyền lợi cho họ.

Như vậy, với những phân tích trên đây, việc bảo vệ quyền của phụ nữ khi giải quyết các vụ việc ly hôn của Tòa án là một việc vô cùng quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa. Từ việc nghiên cứu vấn đề, trao đổi thông tin nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong việc bảo đảm thực thi quyền của phụ nữ trong thực tế là cơ sở của sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

 

 [1] [2] Tham luận của TAND tối cao tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành luật HN&GĐ năm 2000, ngày 16/04/2013.

In Trang | Đóng cửa sổ