URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=129085908&p_details=1
 
Một số vấn đề về bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn ở Việt Nam (Phần 1)
11/11/2015-02:43:00 PM
 
 MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦ

 

NCS. Phạm Thị Bích Phượng

Học viện Tòa án

 

Phần I - Một số vấn đề chung và sự cần thiết bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn ở Việt Nam

 1. Một số vấn đề chung

Quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và mọi giai đoạn lịch sử. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng không chỉ là nghĩa vụ của nhà nước đối với người dân mà còn là nghĩa vụ của một quốc gia trước cộng đồng quốc tế. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 có rất nhiều điểm mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ. Vì vậy, bài viết đề cập đến một số vấn đề về bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền của phụ nữ, đặc biệt là khi họ rơi vào hoàn cảnh hôn nhân tan vỡ.

Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì ly hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân, phản ánh tình trạng hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Vấn đề đặt ra là, cần nhận thức thế nào về sự cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ khi ly hôn và việc bảo đảm thực thi quyền đó trong thực tế. V.I Lênin đã từng khẳng định rằng nếu không đòi quyền hoàn toàn tự do ly hôn cho phụ nữ và nếu thiếu quyền tự do ấy là một sự ức hiếp lớn đối với phụ nữ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[1].

Khi xem xét việc bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn thì không thể tách rời việc nghiên cứu về quyền và bảo vệ quyền con người của phụ nữ. Theo Mác: "Quyền con ngư­ời là những đặc quyền chỉ có ở con ng­ười mới có, với tư­ cách là con ng­ười, là thành viên xã hội loài ngư­ời"[2]. Ở cấp độ quốc tế, có một định nghĩa của Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc thường xuyên được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[3]. Ở Việt Nam cũng đã có những định nghĩa về quyền con người do một số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia từng nêu ra. Những định nghĩa này không hoàn toàn giống nhau, nhưng tựu chung quyền con người thường được hiểu là những năng lực và nhu cầu vốn có và chỉ có ở con ng­ười, với tư­ cách là thành viên cộng đồng nhân loại, đ­ược thể chế hóa bằng pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế" [4]. Và tại Hội nghị thế giới về Quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Viên (1993) đã khẳng định: “quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến”. Như vậy, cho dù quyền con người có là bẩm sinh, vốn có hay phải do nhà nước quy định thì để thực hiện các quyền con người phải cần có pháp luật. Pháp luật là phương thức không thể thiếu và là công cụ hiệu quả nhất của nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người. Theo đó, “bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật nói riêng trước hết phải được hiểu là sự ghi nhận các quyền con người bằng pháp luật và phải bảo đảm cho quyền đó được thực hiện. Mặt khác, do phụ nữ là một nhóm xã hội đặc biệt, bởi vậy, quyền phụ nữ phải được xem xét và ghi nhận dựa trên cơ sở của những yếu tố đặc thù về giới, nghĩa là pháp luật phải ghi nhận quyền phụ nữ dựa trên cơ sở của vấn đề bình đẳng giới”[5].

Bảo vệ quyền của phụ nữ  được ràng buộc chặt chẽ bởi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, như: Hiến chương Liên Hợp Quốc (1945), Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (1948, UDHR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979, CEDAW),... Theo đó, việc bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, kể cả khi ly hôn được nhấn mạnh và quy định rất cụ thể tại Điều 16 Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ:

1. Các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình, cụ thể phải bảo đảm những quyền dưới đây, trên cơ sở bình đẳng nam nữ:

a) Quyền kết hôn như nhau;

b) Quyền như nhau trong việc tự do lựa chọn người để kết hôn và chỉ kết hôn khi mình được tự do quyết định và hoàn toàn tự nguyện;

c) Quyền và trách nhiệm như nhau giữa vợ chồng trong thời gian hôn nhân cũng như khi hôn nhân bị hủy bỏ;

d) Quyền và trách nhiệm như nhau trong vai trò làm cha mẹ, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào, về các vấn đề liên quan đến con cái họ. Trong tất cả các trường hợp, lợi ích của con cái phải được coi là điều quan trọng nhất;...“

Dưới góc độ quyền phụ nữ cũng chính là quyền con người, Nhà nước cần phải thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền đó đúng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì thế, hoạt động bảo vệ quyền con người của phụ nữ phụ thuộc vào năng lực của các hệ thống cơ quan nhà nước mà trước hết là hệ thống Tòa án. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…có nhiệm vụ bảo vệ công  lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

2. Sự cần thiết bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn ở Việt Nam

Từ một số vấn đề chung về sự cần thiết bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như trên, liên hệ thực tế có thể nhận thấy những lý do cơ bản đặt ra yêu cầu cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ khi ly hôn ở nước ta như sau:

Thứ nhất, theo số liệu thống kê phụ nữ chiếm 51% dân số của cả nước, về lực lượng lao động, phụ nữ cũng chiếm gần 50% và tham gia lao động trong hầu hết các lĩnh vực [6]. Trong Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, đã xác định:“ Phụ nữ Việt Nam có truyền thống vẻ vang, có những tiềm năng to lớn, là một động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển, kinh tế, xã hội. Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là thiết thực cải thiện đời sống vật chất tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện tốt nam nữ bình đẳng…”. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế cũng đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh nhân loại.

Thứ hai, phụ nữ có thiên chức sinh sản - là một thiên chức vô cùng cao quý trong việc duy trì nòi giống của gia đình và toàn nhân loại. Với những đặc thù về giới tính, phụ nữ là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, cần phải được quan tâm và bảo vệ một cách đặc biệt. Trong thực tế giải quyết ly hôn, không hiếm trường hợp người phụ nữ đã bị đe dọa, gây áp lực về tinh thần và vật chất từ phía người chồng dẫn đến phải từ bỏ quyền ly hôn, quyền nuôi con của mình. Sau khi ly hôn, việc ổn định cuộc sống là một vấn đề hết sức nan giải được đặt ra với người phụ nữ. Bởi vì, khả năng tự lập của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những điều kiện khách quan và chủ quan của gia đình và xã hội.

Thứ ba, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội nhưng những tư tưởng lạc hậu, ăn sâu bám rễ từ thời phong kiến để lại về hôn nhân gia đình, về giới, về tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn hiện diện trong gia đình Việt Nam hiện đại. Thực tế cho thấy, ở nông thôn khoảng 80% chủ hộ là nam giới và đàn ông thường là người đứng tên sở hữu những tài sản có giá trị lớn trong gia đình. Con gái khi đi lấy chồng không được bố mẹ đẻ cho sử dụng đất nông nghiệp và cũng không được gia đình nhà chồng cho đất mới. Và phụ nữ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc nội trợ, nuôi dạy con, chăm sóc các thành viên gia đình của phụ nữ thường bị coi là không có giá trị kinh tế. Vì vậy, trong quan hệ hôn nhân gia đình và nhất là khi quan hệ đó chấm dứt, cần phải mở ra một con đường cho người phụ nữ thoát khỏi hậu quả của sự bất bình đẳng này, tránh việc họ lại phải chịu thêm thiệt thòi khi ly hôn.

Thứ tư, tự do yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ chồng được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện quyền nhân thân này của người phụ nữ còn vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn từ phía gia đình, xã hội, và từ chính bản thân người phụ nữ. Cũng có trường hợp, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu ly hôn của họ, bởi đánh giá chủ quan của Thẩm phán khi giải quyết yêu cầu ly hôn còn phiến diện dẫn đến hậu quả đau xót khi vợ chồng quay trở lại cuộc sống chung.

Thứ năm, vấn đề xác định và chia tài sản của vợ chồng khi tranh chấp ly hôn là rất phức tạp, với nhiều vụ ly hôn có khối tài sản tranh chấp trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng không chính xác sẽ dẫn đến cách giải quyết không đúng, không bảo vệ được quyền lợi của các đương sự, nhất là đối với người phụ nữ. Bên cạnh đó, vấn đề xác định công sức đóng góp cho người phụ nữ khi giải quyết ly hôn cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp. 

Từ những vấn đề nêu trên, việc bảo vệ quyền của phụ nữ khi họ rơi vào hoàn cảnh ly hôn là cực kỳ cần thiết, bởi vì phụ nữ được xác định là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được quan tâm đặc biệt. Khi họ rơi vào hoàn cảnh ly hôn, hơn lúc nào hết, việc bảo đảm thực thi quyền con người của phụ nữ trong thực tế là việc làm ý nghĩa cho họ niềm tin vào công lý và giúp họ ổn định tinh thần, cuộc sống sau khi ly hôn.

 

 

 

[1] Nxb.Chính trị Quốc gia (1989), Hồ Chí Minh toàn tập, t8, tr.498, Hà Nội.

[2] Nxb. Chính trị Quốc gia (1998), C.Mác và Ph.Ăngghen - Về quyền con người, tr.14, Hà Nội.

[3] United Nations, UNHCHR (2006), Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, tr.8, New York and Geneva.

[4] Học viện CTQG Hồ Chí Minh (1993), Tập bài giảng lý luận về quyền con người, tr.10, Nxb Sự thật, Hà Nội.

[5] Trích Bùi Thị Mừng (2004), Bảo vệ Quyền phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội.

[6] Xem: Bình đẳng thật sự cho phụ nữ phải từ chính nội lực phụ nữ, trang Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cập nhật ngày 07/3/2015, đường link:

http://hoilhpn.org.vn/NewsDetail.asp?Catid=82&NewsId=21829&lang=VN

In Trang | Đóng cửa sổ