URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=121557540&p_details=1
 
Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý rút ra từ một vụ kiện
25/09/2015-11:01:00 AM
 
 Phạm Quang - Giảng viên Học viện
Phạm Quang - Giảng viên Học viện Tòa án

Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam có trụ sở chính tại 913 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103002055 do Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 15/01/2004 với ngành nghề kinh doanh: Sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo, bột mì và các loại nông sản khác; kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Sau bổ sung kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp (nguyên đơn trong vụ án).

Tiền thân của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước) được thành lập theo quyết định số 409/CNN - TCLĐ do Bộ Công nghiệp nhẹ cấp ngày 29/4/1993.

Ngày 14/11/2003, Bộ Công nghiệp ra quyết định số 186/2003/QĐ-BCN về việc  đổi tên thành Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam. Ngày 15/01/2004 được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103002055.

 

Cần tăng cường bảo hộ tên thương mại

Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Bị đơn) có trụ sở tại Lô 03 - 10 A Cụm tiểu thủ công nghiệp Hai Bà Trưng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103017573 ngày 29/5/2007 với ngành nghề kinh doanh là chế biến gỗ; chế biến họp thịt; chế biến và bảo quản nước mắm; chế biến và bảo quản thủy sản và các loại sản phẩm từ thủy sản khác; chế biến và đóng hộp rau quả; chế biến và bảo quản rau quả khác; sản xuất và đóng hộp dầu, mỡ động vật; chế biến và bảo quản dầu mỡ khác; chế biến sữa và các loại sản phẩm từ sữa xay sát; sản xuất bột ngô; sản xuất tinh bột và xác sản phẩm từ tinh bột; sản xuất các loại bánh từ bột; sản xuất đường, cacao, socola và mứt kẹo; sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn; sản xuất các loại thực phẩm khác chưa phân vào đâu; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; chưng tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh; sản xuất rượu vang; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia; sản xuất nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai; sản xuất đồ uống không cồn. Là bị đơn trong vụ án.

Nguyên đơn cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại nên đã gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu phía bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm đối với tên thương mại và yêu cầu bị đơn đăng ký kinh doanh lại với tên khác để không trùng hoặc gây nhầm lẫn đối với tên thương mại của nguyên đơn.

Ngày 13/9/2009, Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa vụ kiện ra xét xử theo trình tự sơ thẩm, xem xét, đánh giá, giải quyết một số vấn đề quan trọng của vụ kiện cụ thể:

Thứ nhất, về vấn đề có hành vi xâm phạm tên thương mại hay không?

Nguyên đơn hoạt động theo chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103002055 do Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 15/01/2004 với nghiều ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo, bột mỳ các loại nông sản khác.

Nguyên đơn và bị đơn là các chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực và bị đơn được thành lập sau nguyên đơn.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì tên thương mại là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Về khái niệm tên thương mại, Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động sản suất kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng hoặc có danh tiếng”.

 

Tên doanh nghiệp trùng hoặc tương tự nhau nhưng khác lĩnh vực kinh doanh vẫn được coi là hợp pháp

Cũng theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ: “quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó”.

Phía nguyên đơn đã chứng minh được việc sử dụng hợp pháp tên thương mại của mình với các lý do sau:

Nguyên đơn đã dùng tên mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong họa động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên phạm vi toàn quốc trong đó có thành phố Hà Nội trước khi bị đơn được thành lập và đăng ký kinh doanh (vào năm 2007). Mặt khác, sản phẩm của nguyên đơn đã được sử dụng từ lâu và được người tiêu dùng bình chọn là “hàng Việt Nam chất lượng cao” trong nhiều năm liền.

Ngoài các hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong phạm vi cả nước, nguyên đơn có tổng đại lý tại Hà Nội từ 01/01/2006 thông qua Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Hoàng Nam có trụ sở tại Số 30 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, hà Nội.

Như vậy, tên thương mại của nguyên đơn đã đã được biết đến rộng rãi do sử dụng trên toàn quốc trong hàng chục năm nay. Việc sử dụng tên thương mại của nguyên đơn được pháp luật bảo hộ. Việc bị đơn sử dụng tên thương mại trùng hoàn toàn với tên thương mại của nguyên đơn sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường.

Mặt khác, việc sử dụng tên thương mại “Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam” của bị đơn là không đảm bảo các điều kiện bảo hộ tại các Điều 76,77,78 Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại khoản 2, Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: tên thương mại có khả năng phân biệt nếu “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Đây cũng là hành vi xâm phạm đối với tên thương mại được quy định tại khoản 2, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

Như vậy, hành vi của nguyên đơn đã xâm phạm tên thương mại được pháp luật bảo hộ của bị đơn.

Thứ hai, về vấn đề đăng ký kinh doanh của bị đơn có hợp pháp hay không?

Theo quy định tại Điều 32, 34 Luật Doanh nghiệp thì cấm doanh nghiệp đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký. Tuy nhiên, do bị đơn và nguyên đơn đăng ký kinh doanh tại 2 thành phố trực thuộc trung ương khác nhau nên không vi phạm Khoản 1 Điều 11 Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ.

 

Khó khăn khi đặt tên doanh nghiệp

Như vậy, với quy định trên thì bị đơn không vi phạm pháp luật về đăng ký kinh doanh nhưng việc đặt tên “Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam” của Bị đơn lại dẫn đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là văn bản pháp luật chuyên ngành bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ thì “trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì “việc đăng ký tên gọi của tổ chức, các nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp”. Tại Điều 17 Nghị định 103/2006/NĐ-CP còn quy định: “quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của các nhân, tổ chức khác được xác lập trước”.

Việc bảo hộ đối với tên thương mại còn được quy định tại Khoản 4, Điều 6; Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ với nội dung “đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó”.

Với các căn cứ pháp lý nêu trên, tại Bản án số 65/2009/KDTM-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định chấp nhận đề nghị của nguyên đơn. Yêu cầu Bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm và thay đổi đăng ký kinh doanh.

Từ vụ án trên, có thể rút ra một số vấn đề pháp lý cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, việc đăng ký tên gọi của tổ chức, các nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp. Tên doanh nghiệp không đương nhiên là tên thương mại mà chỉ là điều kiện để trở thành tên thương mại.

Thứ hai, trong đăng ký kinh doanh: Tên doanh nghiệp để được sử dụng hợp pháp thì ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về đặt tên doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp đó cũng không được xâm phạm tên thương mại của Doanh nghiệp khác đã được sử dụng trước đó.

Thứ ba, đối với thực tiễn trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, thực trạng đặt tên doanh nghiệp trùng với tên thương mại của các doanh nghiệp khác vẫn xảy ra khá nhiều. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và sử dụng khoa học công nghệ trong việc tìm hiểu thông tin xác định tên doanh nghiệp, tên thương mại dự kiến đặt có trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên thương mại của doanh nghiệp khác hay không để hạn chế tối đa những tranh chấp không đáng có, gây thiệt hại cho cả người khởi kiện lẫn người bị kiện, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay;

Thứ tư, về mặt pháp luật, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy của pháp luật về tên thương mại, tên doanh nghiệp cho thống nhất, tránh sự chồng chéo dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng pháp luật. Qua đó hạn chế những tranh chấp không đáng có.


In Trang | Đóng cửa sổ