URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=105224987&p_details=1
 
Phân tích quyền tài phán của quốc gia ven biển tại các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và thực tiễn quy định của Việt Nam (Phần 2)
11/06/2015-02:43:00 PM
 
 3
Ngô Thị Mai - Trường Cán bộ Tòa án

3. Vùng lãnh hải:

Về cách xác định: Cả Công ước Luật  biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam 2012 đều xác định lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài tính từ đường cơ sở ra phía biển và có chiêu rộng không vượt quá 12 hải lí tính từ đường cơ sở.

Về quy chếp pháp lí:

Nếu như vùng đất liền và vùng nội thủy quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối thì vùng lãnh hải dù cũng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia nhưng quốc gia ven biển đó cũng chỉ có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, vẫn có một số quyền mà quốc gia bị hạn chế (một trong số đó là quyền đi lại vô hại trong vùng lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài) – điều này đều được cả 2 luật quy định.

 

Quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam

Tính chất chủ quyền của quốc gia ven biển với lãnh hải: Khoản 1 Điều 12 Luật biển Việt Nam 2012 quy định: “Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”. Như vậy, các nhà làm luật đã trực tiếp thừa nhận việc áp dụng các quy tắc về chủ quyền quốc gia ven biển trong lãnh hải là được thực hiện và quy định trên cơ sở của Luật biển 1982.

Quyền đi qua không gây hại dành cho tàu thuyền nước ngoài được quy định tại Khoản 2,3,4 Điều 12 Luật Biển Việt Nam. Luật biển 1982 có quy định cụ thể hơn tại Điều 19 đến Điều 23. Qua đó ta thấy các nhà làm luật ở Việt Nam đã căn cứ vào các quy định của công ước để đưa ra những quy định cụ thể, những trường hợp xác thực khi mà tàu thuyền muốn qua lại vùng lãnh hải của Việt Nam, nói đúng hơn là các nhà làm luật Việt Nam đã kế thừa và phát triển các quy định của công ước thành những quy định riêng, mang tính cụ thể trên thực tế của nước ta.

Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng lãnh hải

a, Đối với tàu dân sự

- Quyền tài phán hình sự trên một tàu nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 27 Công ước 1982, về nguyên tắc, quốc gia ven biển không được quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp sau đây:

+ Nếu hậu quả của vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển (điểm a);

+Nếu vụ vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong lãnh hải (điểm b);

+Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương hoặc (điểm c);

+ Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích (điểm d).

Tuy nhiên, quốc gia ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp mà luật trong nước mình quy định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời nội thủy.

Cần lưu ý rằng, khi thực hiện quyền tài phán hình sự của mình theo các quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và khoản 2, Điều 27 Công ước 1982, nếu thuyền trưởng yêu cầu, quốc gia ven biển phải thông báo trước về mọi biện pháp cho một viên chức ngoại giao hay cho một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ và phải tạo điều kiện dễ dàng cho viên chức ngoại giao hay viên chức lãnh sự đó tiếp xúc với đoàn thủy thủ của con tàu. Trong trường hợp khẩn cấp, việc thông báo này có thể tiến hành trong khi các biện pháp đang được thi hành. Khi xem xét có nên bắt giữ và cách thức bắt giữ, cơ quan tiến hành bắt giữ phải chú ý thích đáng đến các lợi ích về hàng hải.

Theo khoản 5, Điều 27 Công ước 1982, trừ trường hợp áp dụng Phần XII hay trong trường hợp có sự vi phạm các luật và quy định được định ra theo đúng Phần V, quốc gia ven biển không được thực hiện một biện pháp nào ở trên một con tàu nước ngoài khi nó đi qua lãnh hải nhằm tiến hành bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trước khi con tàu đi vào lãnh hải, nếu như con tàu xuất phát từ một cảng nước ngoài, chỉ đi qua lãnh hải mà không đi vào nội thủy.

- Quyền tài phán về dân sự

Theo quy định tại điều 28 Công ước 1982, quốc gia ven biển không được bắt một tàu nước ngoài đang đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi quá trình của nó để thực hiện quyền tài phán dân sự của nó để thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó.

Quốc gia ven biển không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt hay biện pháp bảo đảm (messures conservatoires) về mặt dân sự đối với con tàu này, nếu không phải vì những nghĩa vụ đã cam kết hay các trách nhiệm mà con tàu phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển của quốc gia ven biển;

Khoản 2 không đụng chạm đến quyền của quốc gia ven biển áp dụng các biện pháp trừng phạt hay bảo đảm về mặt dân sự do luật trong nước của quốc gia này quy định đối với một tàu thuyền nước ngoài đang đậu trong lãnh hải hay đi qua lãnh hải, sau khi đã rời nội thủy.

b, Đối với tàu quân sự

Phần 1, tiểu mục C Công ước 1982 quy định về quy tắc áp dụng cho tàu chiến và các tàu thuyền khác của nhà nước được dùng vào những mục đích không thương mại từ Điều 29 đến Điều 32.

Trong trường hợp, nếu một tàu quân sự không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển, có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân theo các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể yêu cầu chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức.

Quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm quốc tế về mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu quân sự hay bất kỳ tàu thuyền nào khác của nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại vi phạm các luật và các quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua lãnh hải hay vi phạm các quy định của Công ước hoặc các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.

Thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển: Tại Luật biển Việt Nam 2012 có những quy định cụ thể về thẩm quyền tài phán về hình sự và dân sự tại Điều 30 và 31, các quy định này được thừa kế Điều 27, 28 Luật biển 1982.

Như vậy, Luật biển Việt Nam đã dựa trên cơ sở của Luật biển quốc tế để đưa ra những cách xác định các vùng biển hợp lý nhất, đảm bảo lợi thế và quyền của Việt Nam là tối đa nhất trong khuôn khổ được cộng đồng quốc tế công nhận, từ đó ta thấy, Luật biển 1982 chính là Công ước chung cho tất cả các chủ thể của Luật Quốc tế và là căn cứ, chế định pháp lý cơ bản để các nhà làm luật đưa ra những quy định cụ thể cho tình hình Việt Nam. Rõ ràng, sự tương thích về nội thủy và lãnh hải ở đây là rất lớn, bởi các quy định của Luật biển Việt Nam 2012 đều căn cứ trên các quy định của Công ước quy định về nội thủy và lãnh hải. Tuy nhiên, hiện nay tình hình Biển Đông có nhiều vấn đề phức tạp, các nước có biểu hiện không thực thi Luật biển 1982, tàu thuyền các nước đi vào các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền có những hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản trái phép, xâm phạm kinh tế biển Việt Nam. Chính vì vậy, cần phải có Luật Kinh tế biển Việt Nam để xây dựng một khung pháp lý cho các hoạt động trên biển, yêu cầu các quốc gia cần tuân thủ thực thi các chế độ pháp luật của Việt Nam theo đúng quy chế. Với nội dung của bài viết này về quyền tài phán của quốc gia ven biển tại các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế trên các vùng biển Việt Nam, tạo môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực.


In Trang | Đóng cửa sổ