URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676680/27677576?pers_id=27677954&item_id=60882443&p_details=1
 
Một vài nét về Tòa Sáng chế Hàn Quốc (Phần 2)
26/06/2014-12:16:00 PM
 
Trong phần 1, chúng tôi đã đề cập đến địa vị pháp lý, thẩm quyền, thủ tục tố tụng ... tại Tòa Sáng chế. Tiếp theo, chúng tôi xin được giới thiệu "Một vài nét về Tòa Sáng chế Hàn Quốc (Phần 2)
Trong phần 1, chúng tôi đã đề cập đến địa vị pháp lý, thẩm quyền, thủ tục tố tụng ... tại Tòa Sáng chế. Tiếp theo, chúng tôi xin được giới thiệu "Một vài nét về Tòa Sáng chế Hàn Quốc (Phần 2)

Cơ cấu tổ chức của Tòa Sáng chế:

Cơ cấu tổ chức của Tòa án sở hữu trí tuệ bao gồm: Chánh tòa; các Thẩm phán; các Thẩm tra viên kỹ thuật; Thư ký Tòa án và Bộ máy giúp việc …

+ Thẩm phán: Là những Thẩm phán được tuyển chọn từ các Tòa thông thường. Họ là những người có năng lực chuyên môn tốt, được đào tạo kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Một điều cần lưu ý là Thẩm phán Hàn quốc nào khi được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa Sáng chế đều được cử đi đào tạo ở nước ngoài trong thời hạn 1 năm và chủ yếu là các nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản …. nên họ có kiến thức ngoại ngữ và có kiến thức về pháp luật quốc tế tương đối tốt. Điều đó cũng giúp cho việc xử lý các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng thuận lợi hơn.

Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa Sáng chế là 3 năm trong khi nhiệm kỳ của Thẩm phán thông thường khác chỉ là 2 năm. Do đây là lĩnh vực khó hơn các lĩnh vực pháp luật thông thường nên nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng được kéo dài hơn cho phù hợp với thực tế xét xử và nhu cầu giải quyết công việc.

Phòng xét xử của Tòa Sáng chế Hàn quốc (Bàn HĐXX được xếp 4 ghế, trong đó 3 ghế dành cho HĐXX, 1 ghế dành cho Thẩm tra viên kỹ thuật)

+ Thẩm tra viên kỹ thuật : Đây là đội ngũ cán bộ tương đối quan trọng trong Cơ cấu tổ chức của Tòa Sáng chế Hàn Quốc. Đây cũng là đội ngũ cán bộ chỉ có duy nhất ở Tòa Sáng chế Hàn Quốc - Tòa án chuyên trách, không có ở các Tòa khác. Các Thẩm tra viên kỹ thuật đóng vai trò như “cố vấn” cho các Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu kỹ thuật đối tượng bị xem xét để giải quyết vụ án. Họ là những người trợ lý kỹ thuật đắc lực của Thẩm phán khi Thẩm phán không nắm rõ kỹ thuật của đối tượng tranh chấp, đặc biệt là trong các vụ án về sáng chế. Họ chủ yếu được phái cử từ là các thẩm tra viên của Cục Sáng chế Hàn Quốc sang làm công chức Tòa Sáng chế.

Điều kiện để được tuyển dụng, bổ nhiệm Thẩm tra viên kỹ thuật phải đạt một trong các tiêu chuẩn như sau:

(1) Đã có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm giám định kỹ thuật hoặc giám định thử nghiệm tại Cục Sáng chế Hàn Quốc (KIPO)

(2) Đã có ít nhất 7 năm kinh nghiệm trong cơ quan nhà nước và chuyên về lĩnh vực liên quan đến công nghệ công nghiệp, khoa học, và ít nhất 5 năm ở vị trí công chức bậc 5. Ở Hàn Quốc, công chức được phân theo bậc. Công chức mới vào ngành là công chức bậc 8 hoặc bậc 9, Công chức bậc 5 tương đương với cán bộ cấp Phó Trưởng phòng ở Việt Nam.

(3) Có bằng Thạc sĩ và 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan;

(4) Có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực liên quan;

Việc tập chung lực lượng Thẩm tra viên kỹ thuật làm một đầu mối tại Tòa Sáng chế có một số ưu điểm sau:

- Giúp cho việc nâng cao năng lực của các Thẩm tra viên kỹ thuật tốt hơn. Được đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn;

- Tránh việc bổ nhiệm Thẩm tra viên kỹ thuật tràn lan khắp các Tòa trong cả nước vừa khó quản lý vừa tốn kém kinh phí nhà nước;

- Số lượng các tranh chấp sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền hiện nay cũng không quá nhiều để phải dàn trải khắp cả nước, chỉ cần tập chung ở Tòa Sáng chế và các chi nhánh là đủ.

+ Thư ký Tòa Sáng chế: Là người giúp đỡ đắc lực cho Thẩm phán trong việc chuẩn bị hồ sơ, nghiên cứu và xét xử vụ án;

+ Bộ máy giúp việc: được tổ chức và hoạt động như bộ máy giúp việc tại các Tòa chuyên trách khác nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của Tòa Sáng chế.

Đoàn học tập trung hạn về quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án Việt Nam nhận chứng chỉ đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Tòa án Hàn Quôc

 

Có một bất cập tại Tòa Sáng chế hiện nay là Tòa Sáng chế chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án liên quan đến cấp, hủy bỏ, ra hạn văn bằng bảo hộ mà không xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại về quyền tài sản trí tuệ. Như vậy, các tòa án thông thường khi xem xét các vụ án có liên quan đến quyền tài sản trí tuệ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét yếu tố kỹ thuật của đối tượng tranh chấp.

Hiện nay, Hàn quốc cũng đang trong quá trình tổ chức lại Tòa Sáng chế theo hướng Tòa Sáng chế sẽ xét xử tất cả các vụ án liên quan đến quyền tài sản trí tuệ.

(Hết)

Thẩm phán Oh Byung Hie,

Chuyên gia Hàn Quốc tại Việt Nam

Phạm Quang,

Thẩm tra viên Trường Cán bộ Tòa án


In Trang | Đóng cửa sổ