URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676680/27677576?pers_id=27677954&item_id=60879497&p_details=1
 
Một vài nét về Tòa Sáng chế Hàn Quốc (Phần 1)
26/06/2014-10:45:00 AM
 
Hàn Quốc là một quốc gia phát triển, luôn biết bảo vệ sáng tạo của con người. Hàn Quốc không những có một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh mà còn có Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ - Tòa Sáng chế. Tòa Sáng chế đã khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ công lý và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hàn Quốc là một quốc gia phát triển, luôn biết bảo vệ sáng tạo của con người. Hàn Quốc không những có một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh mà còn có Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ - Tòa Sáng chế. Tòa Sáng chế đã khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ công lý và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Trong lịch sử phát triển của nhận loại, nền kinh tế tri thức mang lại những cơ hội và thách thức vô cùng lớn cho xã hội. Từ những tri thức, công nghệ kỹ thuật mới, các tư liệu lao động mới, hệ thống máy móc thông minh, tự động hóa được tạo ra. Quá trình đó sẽ giúp phát hiện và sáng tạo ra nhiều đối tượng lao động mới, những nguyên liệu mới, năng lượng mới…mà có thể trước đây chưa từng xuất hiện. Từ đó tạo ra nhiều giá trị sử dụng mới, đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng tốt hơn, nhất là trong tình hình nguồn tài nguyên hiện hữu đang dần dần cạn kiệt như hiện nay. Phát triển kinh tế tri thức còn là cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu giữa các quốc gia.

Nhận thức rõ sức mạnh của nền kinh tế tri thức như vậy, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi đứng đắn để bảo hộ, thúc đẩy phát triển thành công nền kinh tế tri thức trong nước. Hàn Quốc là một trong những quốc gia như vậy. Sự vững mạnh của nền kinh tế tri thức Hàn quốc hiện nay được khẳng định bởi hàng loạt các tập đoàn lớn xuyên quốc gia như SAM SUNG; LG; HUYNDAI …. Theo đó, đã có hàng nghìn các sáng chế về điện thoại, ô tô, ti vi, máy tính từ các tập đoàn trên.

Đoàn học tập trung hạn về quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Tòa án tối cao Hàn Quốc

 

Để có được những thành công đó Hàn Quốc đã biết sử dụng sức mạnh trí tuệ của cả đất nước. Hàn quốc coi “Tài sản trí tuệ là tài sản vô giá mà không dễ gì có thể mua được” và họ luôn tôn trọng, bảo vệ đến cùng quyền lợi của người chủ tài sản trí tuệ đó. Có thể nói, tài sản trí tuệ và chủ tài sản trí tuệ như là “kho báu quốc gia”. Việc ra đời của Tòa án Sáng chế Hàn quốc cũng là nhằm mục đích thực thi sứ mệnh bảo vệ kho báu đó.

Hiện nay, trên thế giới, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có Tòa án riêng về sở hữu trí tuệ gọi là Tòa Sáng chế.

Về cơ sở thành lập và thực trang hiện nay

Tòa Sáng chế Hàn Quốc được thành lập theo Điều 3 (1) của Đạo Luật Tổ chức Tòa án ngày 01 tháng 3 năm 1998. Tòa án nằm tại thành phố Daejeon (cách Seoul 150 km )

Hiện nay, Tòa Sáng chế gồm 01 Chánh án, 05 Thẩm phán Chủ toạ (ở Hàn Quốc, được công nhận vào ngạch Thẩm phán chủ tọa mới được chủ tọa các phiên xử tập thể) , 10 Thẩm phán, 17 Thẩm tra viên kỹ thuật và một Ban thư ký. Các Thẩm tra viên kỹ thuật là những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực khoa học khác nhau như cơ khí, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học, vv

Đoàn học tập trung hạn về quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc nghe giới thiệu trình tự, thủ tục phiên tòa tại Tòa án Hàn Quốc

 

Về địa vị pháp lý và thẩm quyền của Tòa Sáng chế Hàn Quốc:

Tòa Sáng chế Hàn Quốc là Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ (Tòa án đặc biệt), có vị trí ngang bằng với Tòa cấp cao. Tòa Sáng chế trực thuộc Tòa án tối cao Hàn Quốc.

Tòa Sáng chế xét xử các vụ án liên quan đến sở hữu trí tuệ xảy ra trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Tòa Sáng chế giải quyết các yêu cầu đối với phán quyết, quyết định của Viện Phân xử sáng chế (thuộc Cục Sáng chế) bao gồm quyết định từ chối cấp bằng văn bằng bảo hộ, quyết định vô hiệu văn bằng bảo hộ, hủy bỏ văn bằng bảo hộ, không ra hạn văn bằng bảo hộ .

Nơi nhận và trả kết quả khởi kiện

Thủ tục tố tụng tại Tòa Sáng chế:

Hàn Quốc có Viện Phân xử sáng chế. Viện Phân xử sáng chế có chức năng phân xử các khiếu nại trước khi khởi kiện tại Tòa Sáng chế. Phán quyết của Viện Phân xử sáng chế có thể coi như là “bản án sơ thẩm”. Nếu không đồng ý với phán quyết của Viện Phân xử thì đương sự mới có quyền khởi kiện lên Tòa Sáng chế. Đương sự nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa Sáng chế có thể kháng cáo lên Tòa án tối cao.

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời:

Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng đối với người xâm phạm hoặc có nguy cơ sẽ xâm phạm quyền tài sản trí tuệ của chủ sở hữu trí tuệ. Nội dung của các biện pháp khẩn cấp tạm thời là yêu cầu xóa bỏ những nguyên nhân tạo nên hành vi xâm phạm hoặc những gì phát sinh do hành vi xâm phạm, yêu cầu loại bỏ các thiết bị hỗ trợ cho việc thực hiện hành vi xâm phạm, ngoài ra có thể yêu cầu các hành vi cần thiết khác trong công tác phòng ngừa hành vi xâm phạm.

(Còn tiếp)

Thẩm phán Oh Byung Hie,

Chuyên gia Hàn Quốc tại Việt Nam

Phạm Quang,

Thẩm tra viên Trường Cán bộ Tòa án

 


In Trang | Đóng cửa sổ