URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676680/27677576?pers_id=27677954&item_id=31960274&p_details=1
 
Vấn đề thực tập trong khóa học đào tạo Thẩm phán tại Pháp
20/06/2013-02:44:00 PM
 
Tại Hội thảo lần thứ hai giữa Trường Đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp và Trường Cán bộ Tòa án (ngày 3-4/6/2013) các chuyên gia Pháp đã giới thiệu về các kỳ thực tập của học viên trong khóa học. Việc thực tập của học viên Thẩm phán tại Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp được chia thành các kỳ như sau:
Tại Hội thảo lần thứ hai giữa Trường Đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp và Trường Cán bộ Tòa án (ngày 3-4/6/2013) các chuyên gia Pháp đã giới thiệu về các kỳ thực tập của học viên trong khóa học. Việc thực tập của học viên Thẩm phán tại Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp được chia thành các kỳ như sau:

1. Kỳ thực tập “khám phá” ở giai đoạn đầu

Đây là kỳ thực tập giúp cho học viên hiểu được cỏ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án, với thời gian chỉ 1 tuần. Mục đích giúp cho học viên có những kiến thức cơ bản nhất về các hoạt động của Tòa án. Những người hướng dẫn thực tập bao gồm:

- Điều phối viên phụ trách đào tạo của Trường biệt phái cho các vùng (Trường có 9 Thẩm phán làm nhiệm vụ này);

- Giám đốc phụ trách thực tập (tại các Tòa);

- Tại các Tòa còn có các Thẩm phán nhận nhiệm vụ hướng dẫn thực tập cho học viên.

Đây là một mạng lưới tổ chức các kỳ thực tập cho học viên của Trường.

2. Kỳ thực tập tại Văn phòng Luật sư

Kỳ thực tập này kéo dài 21 tuần. Mục đích giúp cho học viên hiểu được hoạt động của Luật sự đối với các loại tranh chấp khác nhau.

Đây là kỳ thực tập làm việc thật. Họ được làm mọi việc ở Văn phòng Luật sư như: gặp gỡ các khách hàng, nói chuyện với các thân chủ, đề xuất với Luật sư các hướng giải quyết hoặc soạn thảo các văn bản liên quan đến hoạt động tư pháp (như đơn khởi kiện…) và có quyền tranh tụng bên cạnh Luật sư hướng dẫn..v.v.

3. Thực tập tại Phòng điều tra của cơ quan Cảnh sát

Cả hai cơ quan Cảnh sát và Hiến binh đều có cơ quan điều tra. Tại kỳ thực tập này học viên sẽ nắm được các giai đoạn điều tra, các kỹ thuật điều tra…Đây là giai đoạn thực tập quan sát vì học viên không trực tiếp tham gia điều tra mà chỉ quan sát (Thời gian là 2 tuần cách nhau: 1 tuần thực tập sau đó được nghỉ rồi thực tập tiếp).

4. Thực tập tại Trại giam

Tại đây, học viên đóng vai trò là người quản giáo. Họ cũng được mặc đồng phục như các quản giáo khác. Kỳ thực tập này giúp học viên hiểu được các hoạt động của việc giam giữ. Thời gian thực tập là 15 ngày.

5. Thực tập tại Tòa án

Kỳ thực tập này kéo dài 38 tuần (sau khi học lý thuyết tại Bordeux). Đây là kỳ thực tập quan trọng nhất mà học viên Thẩm phán được thực tập tại các Tòa án (Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng và Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp). Mục đích giúp cho học viên Thẩm phán hiểu được công việc tại các Tòa án, áp dụng các kỹ năng xét xử, kỹ năng công tố, hiểu được vai trò, nhiệm vụ, công việc của Thư ký Tòa án, Thẩm phán, giúp các học viên Thẩm phán hiểu được các đối tác mà họ được làm việc cùng trong tương lai..v.v.

Bà Véronique Cadordet phát biểu

Khi thực tập tại Tòa án, các học viên được giao làm thử công việc như Thẩm phán. Nếu việc “làm thử” không đạt yêu cầu là Thẩm phán hướng dẫn sẽ giải quyết lại. Đây cũng là một quy định mới trong hoạt động đào tạo Thẩm phán của Pháp. Việc mở rộng các lĩnh vực thực tập (ở Văn phòng Luật sư, Trại giam…) cũng là một cải cách, giúp các Thẩm phán tương lai có hiểu biết sâu rộng hơn về các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp. Đặc biệt, mỗi học viên đều có một “Sổ nhận xét” để được nhận xét thường xuyên về các hoạt động tập sự. Quan điểm mới về đào tạo tư pháp của Pháp là có những lĩnh vực học tập không nên cho điểm vì cho điểm khiến học viên không dám mạnh dạn làm thử, không dám “mắc lỗi”, khiến cho việc tiến bộ không nhanh.

Có thể nói, hoạt động thực tập là một trong những nội dung rất quan trọng trong chương trình đào tạo Thẩm phán của Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp. Nó không chỉ chiếm một lượng thời gian lớn trong đào tạo giảng dạy mà còn bao gồm những nội dung rất phong phú trong các kỳ thực tập ở các môi trường khác nhau. Đây chính là những kinh nghiệm cần tham khảo để áp dụng trong việc đào tạo nguồn Thẩm phán một cách có chất lượng và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội thảo:

Hải Đăng

In Trang | Đóng cửa sổ