URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/98964348?pers_id=35711711&item_id=78141988&p_details=1
 
Bài phát biểu cảm tưởng của giảng viên kiêm chức tiến sĩ Phạm Minh Tuyên nhân ngày 20/11/2014
12/12/2014-03:08:00 PM
 
Kính thưa: Các vị đại biểu khách quý cùng các thày cô giáo và các em học viên thân mến. Trước hết tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi được vinh dự thay mặt cho tất cả các thày cô giáo là giảng viên kiêm chức, được phát biểu trong ngày lễ long trọng này.
Kính thưa: Các vị đại biểu khách quý cùng các thày cô giáo và các em học viên thân mến. Trước hết tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi được vinh dự thay mặt cho tất cả các thày cô giáo là giảng viên kiêm chức, được phát biểu trong ngày lễ long trọng này.

Tại buổi lễ hôm nay, tôi xin được gửi tới đồng chí Nguyễn Văn Thuân cùng các vị đại biểu khách quý, các thày cô giáo cùng toàn thể các em học viên một lời chúc sức khoẻ - hạnh phúc và thành công.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo cùng các  thày cô giáo:

Là những giảng viên kiêm chức, chúng tôi chưa dám nhận mình là những nhà giáo thực thụ như các thầy cô trong trường Cán bộ Tòa án, vì thuật ngữ giảng viên kiêm chức cũng đã nói lên điều đó. Song chúng tôi luôn nghĩ rằng, Ngày 20 tháng 11 hàng năm là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả những thế hệ người Việt Nam, bởi lẽ không ai làm thầy mà lại không bắt đầu  từ làm trò, bất cứ ai cho dù ở vị trí nào trong xã hội đi nữa đều cũng không quên được công sức dạy dỗ của các thầy cô giáo đối với bản thân mình. Do đó, chúng ta không thể nào quên truyền thống tôn sư trọng đạo mà ông cha ta đã truyền dạy. Việc tôn vinh nghề dạy học và quý trọng Thầy Cô giáo vốn là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người Việt Nam ta. Chính vì vậy, Ngày 28/9/1982, Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Quyết định số 167 – HĐBT và quy định “Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM”.

Từ đó cho đến nay, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày lễ “Tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học viên nối tiếp nhau.

Ngày 20/11 hàng năm bên cạnh sự đón nhận những tình cảm tri ân của các thế hệ học viên thì cũng là dịp để các thầy, cô nhìn lại một năm học đã qua và nhìn tới một năm học kế tiếp với những bài giảng được cải tiến chất lượng hơn.

Tại buổi lễ ngày hôm nay, tôi cũng biết  rằng có rất nhiều thày, cô là giảng viên kiêm chức đã tham gia giảng dạy tại trường Cán bộ Tòa án qua các thời kỳ, qua quá trình giảng dạy, có thể nói các thày cô là giảng viên kiêm chức cũng như các thầy cô trong trường đều có chung một lòng nhiệt huyết, một tinh thần trách nhiệm rất cao với mong muốn làm sao cho hệ thống Toà án các cấp có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ tốt công tác chuyên môn, đáp ứng được cơ bản nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Đại diện cho GV kiêm chức Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, PCA TAND tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Bản thân tôi cũng đã tham gia giảng dạy tại khoa đào tạo Thẩm phán của Học viện Tư pháp được 10 năm và cũng mới tham gia giảng dạy tại trường Cán bộ Tòa án kể từ khi nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn Thẩm phán, tôi thấy rằng để có một cơ sở vật chất như hôm nay thì bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao còn là sự cố gắng của Ban giám hiệu cùng sự cố gắng các thày cô giáo, cán bộ viên chức của nhà trường. Điều đó, đã tạo ra nhiều đổi mới trong dạy và học, mối quan hệ giữa đội ngũ giảng viên kiêm chức và giảng viên của trường ngày một gần gũi và thân mật hơn, sự thống nhất về chuyên môn cũng ngày một thống nhất cao giữa đội ngũ giảng viên kiêm chức và giảng viên của trường, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng mâu thuẫn trong việc giảng dạy cũng như về đáp án bài thi. Chương trình giảng dạy cũng thể hiện sự phong phú gắn liền với thực tiễn, điều đó thể hiện qua các bài giảng về tình huống, số lượng thực hành thông qua các buổi diễn án, theo tôi những buổi diễn án là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, Môi trường đào tạo mà chúng ta đang quan tâm ở đây, không phải là môi trường học đường, ở đó những người Thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền giảng các kiến thức mới và sinh viên phải lãnh hội chúng; môi trường mà chúng ta đang quan tâm ở đây, là môi trường học tập của những người trưởng thành đang làm việc và công tác ở một vị trí công việc ở một Tòa án nào đó trong hệ thống Tòa án nhân dân. Học viên của chúng ta, không phải là những sinh viên thông thường mà là những cán bộ đã có trình độ cử nhân luật, đã qua công tác thực tiễn, nhiều học viên đã có bằng thạc sỹ…! Họ có thể đã ngừng việc học trong một thời gian khá dài, do vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng của Giảng viên là đem họ trở lại không khí học tập và thu hút sự chú ý của họ. Để đạt được điều đó, thì yêu cầu đặt ra đối với mỗi giảng viên là không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để truyền tải một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất những kiến thức thực tiễn chuyên ngành, và những tình huống gắn liền với thực tiễn xét xử đến các học viên đang học tập tại Trường Cán bộ Tòa án.

Kính thưa các vị đại biểu các thầy cô giáo và các em học viên. Có thầy giáo già đã từng nói “làm nhà giáo phải quên mình đi để nghĩ nhiều đến người khác. Làm nhà giáo là làm bãi cát dài nâng mình cho những con sóng, con sóng sau đùa đi con sóng trước, xoá sạch dấu vết cưu mang, nhưng bãi cát vẫn nằm đó nhớ hoài những con sóng đã đi qua. Thầy cô giáo là người chèo đò thầm lặng  người thầy đã đưa bao lớp học trò qua dòng sông tri thức, bao ước mơ, khát vọng đã trở thành sự thật, tóc thầy cứ bạc theo năm tháng nhưng vẫn vững tay chèo, đưa khách sang sông, con đò về bến cũ, người khách xưa biết bao giờ trở lại, có nhớ con đò và lần qua bến ấy sang sông.”

Tuy vậy, song các em học viên hãy tin rằng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề dạy và học, các thầy cô sẽ truyền dậy được những kiến thức tốt nhất đến các học viên. Để mỗi học viên sau khi tốt nghiệp trường Cán bộ Tòa án sẽ trở thành những Thẩm phán giỏi, xét xử và ra được những bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nâng cao vị thế của Hệ thống Toà án xứng đáng là trung tâm của cải cách tư pháp như yêu cầu của Nghị quyết 49 đã đặt ra.

Tại buổi lễ hôm nay, một lần nữa tôi xin được kính chúc tất cả các đồng chí lãnh đạo, các thầy cô giáo một ngày tết của nhà giáo thật hạnh phúc trong vòng tay của các học viên và người thân, chúc các học viên một năm học thành công trong nỗ lực.

Xin chân thành cảm ơn.


In Trang | Đóng cửa sổ