URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/98964348?pers_id=35711711&item_id=75327039&p_details=1
 
Thư của Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
19/11/2014-03:06:00 PM
 
Gửi Trường Cán bộ Tòa án nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014
Gửi Trường Cán bộ Tòa án nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014

Nhân dịp mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014, thay mặt Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, tôi xin gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Nhà trường, các thành viên Hội đồng Trường, đội ngũ Giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Trường Cán bộ Tòa án qua các thời kỳ, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích trong công tác.

Các đồng chí thân mến! Cách đây 60 năm, tháng 8-1954 do sáng kiến của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), hội nghị quốc tế các Nhà giáo với nòng cốt là công đoàn giáo dục các nước XHCN đã nhất trí thông qua “Bản Hiến chương các Nhà giáo”.

Tháng 8-1957, Hội nghị quốc tế các Nhà giáo họp tại Vác-xa-va (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo. Bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu:
Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn Bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc; đồng thời thông tin đến các giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên trong toàn quốc vào ngày 20-11-1958.

Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20-11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4-1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-09-1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới nước ta và đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới có đức, có tài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Là một cơ sở bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho hệ thống Tòa án, Trường Cán bộ Tòa án đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển (23/08/1994-23/08/2014). Trong một thời gian không dài, nhưng được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo và chú trọng đúng mức đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng một số Đề án quan trọng nhằm nâng cao năng lực của Trường, từng bước đưa vị thế, quy mô, chất lượng bồi dưỡng, đào tạo của Trường Cán bộ Tòa án lên một cấp độ mới.

Trong mấy năm vừa qua, Trường cán Bộ Tòa án đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt mọi khó khăn, lập nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ Lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân các cấp thông qua các chương trình đào tạo, ngắn hạn, trung hạn ở trong và ngoài nước. Thành tích của các đồng chí đã bước đầu góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ của cán bộ Tòa án, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động xét xử và công tác chung của toàn hệ thống Tòa án nhân dân. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, tôi nhiệt liệt biểu dương tập thể cán bộ, công chức, Giảng viên của Trường, mong các đồng chí tiếp tục phát huy mặt tích cực, phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp đào tạo, giáo dục của mình.

Xác định chất lượng chuyên môn, phẩm chất đạo đức cán bộ, Thẩm phán có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 03/01/2013 của Ban Cán sự Đảng TANDTC; Chỉ thị số 01/2013/CT-TA ngày 05/02/2013 của Chánh án TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân; Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước Quốc hội khóa XIII...đã xác định việc Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Tòa án là một trong ba giải pháp đột phá quan trọng của hệ thống Tòa án nhân dân (Bao gồm: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án; đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Tòa án; Đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật).

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến, Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là Cơ quan thực hiện quyền tư pháp quốc gia trong Bộ máy Nhà nước. Triển khai thực hiện các nội dung của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám này. Tiếp đó, Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương tiến hành các công việc để tổ chức thành lập Tòa án cấp cao; Xây dựng quy chế hoạt động và đề xuất thành lập Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia; Tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý kiến xây dựng các Luật tố tụng Dân sự, Hành chính, Hình sự (sửa đổi)…để thích ứng với các quy định mới của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và cơ chế tuyển chọn, phát triển án lệ; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Học việnTòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Trước nhiệm vụ nặng nề của hệ thống Tòa án nhân dân trong tình hình mới, Trường cán bộ Tòa án cần quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, chủ động đề ra những kế hoạch, giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án nhân dân. Các đồng chí cần khẩn trương xây dựng Giáo trình giảng dạy chuẩn các bộ môn; kiện toàn đội ngũ Giảng viên cơ hữu, Giảng viên kiêm chức; nghiên cứu, tham khảo các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước về mọi mặt, nhằm phấn đấu đạt chuẩn về các tiêu chí giáo dục ngay khi trường được nâng cấp thành Học viện. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế giáo dục theo nguyên lý khoa học “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, làm sao để học viên chủ động tiếp thu một cách tự giác, sâu sắc các kiến thức, kỹ năng trong quá trình học tập tại Trường.

Trường Cán bộ Tòa án cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, nhất là với Vụ Tổ chức – Cán bộ, rà soát, xem xét, chọn cử các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân, đặc biệt ưu tiên Tòa án nhân dân cấp huyện…để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiến tới chuẩn hóa các chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Tôi yêu cầu các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có thâm niên, kinh nghiệm công tác xét xử lâu năm, cần phát huy tinh thần tích cực tham gia xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh, đóng góp, xây dựng các chương trình, giáo trình và tích cự tham gia công tác giảng dạy đào tạo, bồi dưỡng, tập huấngiảng dạy các chương trình bồi dưỡng, đào tạo các chức danh tư pháp Tòa án, giúp cho Trường Cán bộ Tòa án hoàn thiện nhanh các bộ giáo trình chuẩn, chuẩn bị cho việc thành lập Học viện Tòa án nhân dân sắp tới.

Nhân dịp mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014, một lần nữa, tôi xin chúc tập thể đội ngũ các Thầy giáo, cô giáo, các đồng chí Giảng viên, cán bộ, Công chức, viên chức, người lao động, tập thể học viên của Trường cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học, góp phần cùng toàn hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển với mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” ./.

                                                                         Thân ái.

                                                                  Trương Hòa Bình

                                                    Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC


In Trang | Đóng cửa sổ