URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/98964348?pers_id=35711711&item_id=55215881&p_details=1
 
Thay lời muốn nói
29/04/2014-02:14:00 PM
 
Chúng tôi những người từ mọi miền đất nước về đây tham gia lớp đào tạo Thẩm phán khóa 1 của Trường Cán bộ Tòa án. Hành trang chúng tôi mang theo là niềm phấn khởi xen lẫn lo âu về việc học tập của mình sắp tới, cùng những nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân không thể hiện hết bằng lời.
Chúng tôi những người từ mọi miền đất nước về đây tham gia lớp đào tạo Thẩm phán khóa 1 của Trường Cán bộ Tòa án. Hành trang chúng tôi mang theo là niềm phấn khởi xen lẫn lo âu về việc học tập của mình sắp tới, cùng những nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân không thể hiện hết bằng lời.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến trường làm thủ tục nhập học, biết chúng tôi là đoàn miền Nam ra các anh chị cán bộ trường đã đón tiếp chúng tôi với nụ cười thiện cảm. Sau những câu hỏi thăm nhẹ nhàng rất Bắc, họ nhanh chóng làm thủ tục nhập học và giao phòng ở ký túc xá cho chúng tôi, một số cán bộ nhiệt tình giúp những Học viên nữ trong đoàn vận chuyển đồ đạc đến phòng ở, những câu: “cảm ơn nghen!” rất miền Nam cùng với câu trả lời: “ Không có gì đâu ạ!” rất miền Bắc nghe thật thú vị.

Khi cả đoàn đang loay hoay tìm phòng thì thấy một số đồng chí tiến về phía chúng tôi, một trong số những người đó cười và hỏi chúng tôi với giọng miền Nam rất ân cần: “ Xin chào! Các bạn đến rồi đó hả?” và chỉ phòng ở cho chúng tôi. Sau đó, họ lại đến từng phòng ở nhắc các bạn kiểm tra lại xem có hư hỏng thiết bị vật dụng gì không thì báo lại cho Bộ phận quản lý sửa chữa. Một chị trong chúng tôi buột miệng hỏi: Ai mà tốt thế?, tôi chậc lưỡi: Chắc là mấy anh ở đoàn khác đến nhập học trước mình đó mà, (nhưng chúng tôi đâu biết rằng trong số những người ấy có cả lãnh đạo nhà trường. Hành động này của họ về sau làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, vì từng nghĩ lãnh đạo nhà trường là những người ở cao lắm, xa xôi lắm nào ngờ đâu họ đang đón tiếp, giúp đỡ chúng tôi ngay buổi đầu nhập học, họ quan tâm và coi trọng chúng tôi, đó là điều tuyệt với nhất mà không phải ai cũng nhận được).

Rồi cả đoàn ngồi ngắm nhìn phòng ở của mình mà trong lòng như reo lên khi thấy mọi thứ tốt hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều, thầm cảm ơn những người đã tạo một môi trường sinh hoạt tốt cho chúng tôi. Sau một hành trình dài chúng tôi nghĩ mình sẽ ngủ rất ngon trên giường nệm êm ái và máy điều hòa dịu mát, nhưng gần như đêm đầu tiên chúng tôi thức trắng vì nhớ nhà, thương con, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má người mẹ trẻ.

Ngày khai giảng trang trọng với lời dặn dò của lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, của Ban giám hiệu nhà trường đã giúp chúng tôi khẳng định lại nhiệm vụ chính trị của mình trong 06 tháng học tập, càng quyết tâm cố gắng học tập thật tốt.

Những ngày đến lớp chúng tôi được các thầy cô truyền đạt những kiến thức pháp luật, những kỹ năng trong công việc giải quyết án của người Thẩm phán. Những buổi học của chúng tôi trôi qua nhanh chóng dưới sự chỉ dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm, những người vừa là thầy vừa là những người đi trước đang trực tiếp giải quyết án ở các đơn vị Tòa án các cấp. Họ là ngững người nghiêm túc với công việc, có tâm với nghề, luôn có những trăn trở trong giảng dạy như thế nào để những học viên  như chúng tôi trở thành người Thẩm phán tốt. Nhìn những người thầy tóc đã ngã màu như sợ thời gian trôi qua mà chưa truyền đạt hết được những kinh nghiệm giải quyết án, kinh nghiệm xét xử và những tâm huyết với nghề của mình cho các học viên, bỗng dấy lên một niềm thương khó tả. Họ mong muốn ở chúng tôi những thế hệ sau sẽ tránh được những vấp váp, sai lầm của những người đi trước để tiến xa hơn trong công tác, nghiệp vụ của mình. Việc giảng dạy có ân cần, có nghiêm khắc nhưng chúng tôi cảm nhận được sự chân thành của những người thầy, của người đi trước đối với thế hệ sau. Họ luôn nhắc nhở chúng tôi không được dừng lại với kiến thức pháp luật đã có mà phải không ngừng nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật. Những người thầy đã nghiêm túc nói với chúng tôi rằng: Đã nhận chức danh Thẩm phán thì đừng lười, nếu lười không nghiêm túc với công việc thì hãy từ bỏ chức danh Thẩm phán. Vì nếu lười nghiên cứu, tìm tòi thì sẽ dẫn đến xét xử không công bằng, oan, sai cho người dân, như thế là có tội. Ở các nước, người ta nhìn nhận Thẩm phán là một nghề rất thiêng liêng nên chúng ta phải cùng nhau xây dựng sự thiêng liêng ấy bằng hoạt động tố tụng của chúng ta, và hoạt động xét xử chính là tìm ra sự thật khách quan mà sự thật khách quan không chỉ chứng minh bằng chứng cứ, bằng lý lẽ mà còn cả cái tâm của người cầm cân nảy mực. Đúng như Picacsol đã từng nói: “Chúng ta biết sự thật không chỉ bằng lý lẽ mà bằng cả trái tim”. Đã là người Thẩm phán chúng ta không bao giờ được giành về mình những thuận lợi mà đẩy khó cho người dân. Vì vậy, muốn tiếp dân tốt thì phải nắm vững pháp luật một cách đúng đắn và không gây khó cho dân, đặc biệt là những người dân nghèo, trình độ học vấn chưa cao.

Xen giữa những phần học kiến thức kỹ năng là những tình huống vướng mắc khi giải quyết án tại địa phương do các học viên nêu ra để thầy và trò cùng trao đổi, làm rõ và tháo gỡ. Quá trình giải quyết tình huống khi tiếp thu ý kiến của chúng tôi thì có những cách hiểu trong việc áp dụng pháp luật đúng hoặc chưa đúng, nhưng trên tất cả là sự chủ động của học viên trong học tập, lấy học viên làm trung tâm để chúng tôi trao đổi tranh luận cùng nhau. Sau đó, các thầy định hướng và kết lại vấn đề cho các học viên hiểu đúng và thực hiện đúng tinh thần của pháp luật.

Các thầy đã nói với chúng tôi rằng: Hiện nay ở nước ta, nghề Thẩm phán có phần nào đó chưa được xã hội nhìn nhận đánh giá đúng mức, nhưng chúng ta không chờ xã hội vinh danh rồi mới làm người Thẩm phán xứng đáng với sự vinh danh ấy, mà chúng ta phải cố gắng vươn lên để thăng hoa trong công việc giúp mang lại công bằng cho nhân dân, rồi quả ngọt sẽ đến cho nghề Thẩm phán đó là nhận được sự tin tưởng và vinh danh của nhân dân, của Đảng và của nhà nước.

Sau những giờ học nghiêm túc, sôi nổi là phần giao lưu văn nghệ với những câu hát quan họ ngọt ngào nền nã, những câu vọng cổ da diết lòng người của “Lá trầu xanh”, là Đàn sáo Hậu Giang miền dân ca Nam bộ đằm thắm vui tươi; là mạnh mẽ cuồng nhiệt của núi rừng Tây Nguyên với bài hát: “ Còn yêu nhau thì về Buôn Ma Thuật”….vv đã làm chúng tôi không còn khoảng cách vùng miền, chỉ còn lại là tình yêu thương đối với Tổ quốc mình, đồng bào mình. Những lời mời các cô cậu miền Nam về quê hương các tỉnh miền Bắc chúng tớ chơi nhé sao mà duyên thế. Ai bảo cán bộ Tòa án là khô khan thì hãy đến trường chúng tôi và cảm nhận bên cạnh sự nghiêm túc trong việc dạy và việc học là tình yêu thương con người, là sự dịu dàng trong cư xử và sự vui vẻ lạc quan trong cuộc sống.

Hằng ngày, chúng tôi đến lớp với những giờ học nghiêm túc sôi nổi cùng những giờ giao lưu vui vẻ hài hước. Cứ thế, thời gian học tập đã gần một tháng với những kiến thức bổ ích được lĩnh hội, chúng tôi thầm biết ơn những người thầy đã và đang tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ cho chúng tôi. Họ đã truyền lại toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng pháp luật vào giải quyết án cho học viên bằng cả tấm lòng của mình.

Ngày mai, chúng tôi lại đến lớp để nhận được thêm từ những người thầy, người đồng nghiệp đi trước những kiến thức bổ ích mới trong khóa học 06 tháng tại ngôi trường này. Với lòng biết ơn mỗi chúng tôi xin hứa cố gắng học tập thật tốt trong khóa 1 đào tạo Thẩm phán, và tương lai nếu được trở thành Thẩm phán thì chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ lời dạy của các thầy cô để phấn đấu trở thành người Thẩm phán giỏi về chuyên môn và có tâm sáng với nghề, với đời./

                                                              Bùi Thị Thanh - TAND tỉnh Đồng Nai

                                                              Lớp B - K1- Đào tạo Thẩm phán

In Trang | Đóng cửa sổ