URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/98964348?pers_id=35711711&item_id=130270602&p_details=1
 
Người Thầy của tôi!
19/11/2015-09:31:00 AM
 
Ngày nhỏ, khi còn là cô bé học trò lí la lí lắc tôi vẫn nghe người lớn nói nghề dạy học là nghề “bán cháo phổi”, tôi nghe vậy đã không thích bởi “cháo” với “phổi” với tôi không phải “món khoái khẩu”. Tới khi thành thiếu nữ 15-16, tôi bắt đầu nghĩ tới sau này mình sẽ làm nghề gì thì mẹ tôi nói: “làm cô giáo đi, mày hiền lành, bé nhỏ như thế làm nghề này là hợp nhất con ạ”! Lời mẹ chỉ như gió thoảng qua tai vì tôi chưa từng khi nào nghĩ tới sẽ có một ngày tôi đứng trên bục giảng và gõ đầu trẻ con.
Ngày nhỏ, khi còn là cô bé học trò lí la lí lắc tôi vẫn nghe người lớn nói nghề dạy học là nghề “bán cháo phổi”, tôi nghe vậy đã không thích bởi “cháo” với “phổi” với tôi không phải “món khoái khẩu”. Tới khi thành thiếu nữ 15-16, tôi bắt đầu nghĩ tới sau này mình sẽ làm nghề gì thì mẹ tôi nói: “làm cô giáo đi, mày hiền lành, bé nhỏ như thế làm nghề này là hợp nhất con ạ”! Lời mẹ chỉ như gió thoảng qua tai vì tôi chưa từng khi nào nghĩ tới sẽ có một ngày tôi đứng trên bục giảng và gõ đầu trẻ con.

Thời đó, nghề luật đang vô cùng “hot”, tôi cũng không phải là thành phần ngoại lệ trong số những người thích nó. Bốn năm sau, cầm tấm bằng tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học tổng hợp trong tay, tôi vẫn lơ mơ không biết mình sẽ trở thành nhân vật nào??? Rất ngẫu nhiên và may mắn, cô tôi (một cô giáo mầm non) có phụ huynh đang làm ở tòa án giới thiệu. Vậy là tôi thi tuyển công chức và được nhận về công tác tại một tòa án cấp huyện ở Hà Nội. Tôi hạnh phúc vô cùng và bắt đầu sự nghiệp của mình từ  một cô Thư ký Tòa án.

Cuộc sống, công việc, tình yêu, gia đình….cứ thế cuốn tôi đi theo năm tháng…Sau 11 năm miệt mài làm việc, làm vợ, làm mẹ, sau những ngọt, bùi, cay, đắng, vui, buồn, hạnh phúc của cuộc đời, sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng…tôi cũng bước tới được nấc thang mà nhiều người mơ ước là được nhận quyết định bổ nhiệm thẩm phán.  Nếu tính 11 năm làm Thư ký và gần một nhiệm kỳ làm Thẩm phán là ngót 16 năm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:  giải quyết và xét xử các loại vụ án, tôi thực sự cảm ơn cuộc sống đã cho tôi được gặp những con người mà tôi không thể nào quên. Đó là những người đồng nghiệp, người thủ trưởng đơn vị,  người Lãnh đạo cấp trên và cả các đương sự hay bị cáo …Chính họ đã dạy cho tôi cách được tồn tại là một con người, cách đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, cách vượt qua chính mình, cách trân trọng giá trị cuộc sống và cách yêu thương con người….

Cuộc sống luôn vận động, phát triển, biến đổi không ngừng, tôi cũng đã thêm tuổi, già đi và tư duy cũng không còn nghĩ món “cháo phổi” là không hợp khẩu vị nữa. Trái lại, tôi quyết định thay đổi môi trường làm việc và cả công việc của mình. Mặc dù, khi đưa ra quyết định này, nhiều người, trong đó có cả người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khuyên can nhưng vốn bản tính bướng bỉnh và luôn thích khám phá điều mới mẻ, cộng thêm sự động viên của 02 người (vừa là cấp trên, vừa là đồng nghiệp lai là những người mà tôi rất quý trọng) đã giúp tôi trở thành một giảng viên của Học viện Tòa án như ngày hôm nay.

Nhớ tới ngày đầu đặt chân tới Học viện Tòa án, khi đó là Trường án bộ Tòa án, Trường lọt thỏm trong màu xanh bao la của cánh đồng lúa thơm ngát đang thì con gái và màu vàng bát ngát của hoa cải, tôi bỗng cảm thấy quá đỗi bình yên và gắn bó….

Chưa từng qua trường lớp sư phạm, chưa một lần đứng lớp giảng bài, chỉ với bản lĩnh, sự tự tin, kinh nghiệm làm án đã được tích lũy trong suốt 16 năm công tác, qua một thời gian ngắn tự học tập nghiên cứu về kỹ năng giảng dạy, cũng như kinh nghiệm của những giảng viên đi trước, tôi trở thành một giảng viên, “đơn giản” như đã từng làm một Chủ tọa phiên tòa…

Và, không biết từ khi nào, tôi yêu thích việc giảng bài, mặc dù đó là công việc mà tôi chưa từng ấp ủ, chưa từng ước mơ…

Mỗi buổi đứng lớp, mỗi khóa học, mỗi bài giảng, mỗi học viên, …..đều mang lại cho tôi những nhận thức mới, những kinh nghiệm giảng dạy mới, những trải nghiệm mới và tôi hiểu được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn….của nghề “bán cháo phổi”.

 Ngoảnh đầu nhìn lại tuổi thơ, tôi thấy có thứ gì đó mằn mặn trên môi, cay cay trên khóe mắt. Cuộc đời nhiều ngã rẽ, và hôm nay tôi lại rẽ tới con đường, nơi có bóng dáng của thầy giáo, cô giáo, những người trong ký ức tuổi thơ của tôi, dù mưa hay nắng, ngày ngày đạp xe hàng chục cây số tới trường, cầm bàn từng tay bé xíu của chúng tôi nắn từng con chữ, dạy từng câu văn, con toán….để ngày hôm nay, tôi trưởng thành và thật sự tự hào khi mình lựa chọn đi tiếp con đường của họ.

 Ngạn ngữ có câu: “ Không thầy đố mày làm lên”. Mỗi cuộc đời con người đều có rất nhiều điều phải học, mỗi lĩnh vực cuộc sống đều phải có người thầy dạy và truyền đạt kiến thức, còn kiến thức thì luôn là vô tận….

Chính vì vậy, nghề dạy học được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Ngày nay, có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác – những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy ấy luôn được coi trọng. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta.

Với riêng tôi, tất cả những người tôi đã gặp gỡ trong cuộc đời đều là Thầy giáo của tôi. Đó là cha mẹ, người đã sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn, dạy cho tôi từng bước chân đi, từng câu gọi “ Mẹ ơi, ba ơi!”… Đó là các Thầy, Cô giáo, người dạy những nét chữ, những bài học đầu tiên. Đó là Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, là đương sự, là bị cáo,…. người đã dạy tôi những kỹ năng sống, dạy tôi biết đấu tranh bảo vệ công lý, dạy tôi biết phải trái, biết nhường nhịn, biết rộng lượng, biết tha thứ, biết yêu thương con người, biết trân trọng cuộc sống, … Đó là các học viên thương mến của tôi, người đã dạy tôi yêu cuộc sống hơn, yêu nghề nghiệp hơn, ….. Rất nhiều, rất nhiều các Thầy, Cô đã dạy tôi những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng nghiệp vụ, những cơ sở lý luận…

Và tôi muốn nói một câu thôi: “ XIN CẢM ƠN! CẢM ƠN NGƯỜI ĐÃ DẠY TÔI NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG TRÂN TRỌNG”!

Nguyễn Anh Thư

In Trang | Đóng cửa sổ