URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&item_id=288559611&p_details=1
 
Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính”
19/07/2021-08:02:00 AM
 
Sáng 15/7/2021, Học viện Tòa án đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính”. Chủ trì Hội thảo là ThS. Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Tòa án.
Sáng 15/7/2021, Học viện Tòa án đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính”. Chủ trì Hội thảo là ThS. Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Tòa án.

Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn, các cán bộ, giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm nhiệm là Thẩm phán. Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Phạm Như Hưng nhấn mạnh so với các loại án khác thì án hành chính là loại án phức tạp nhất, xét cả về nội dung vụ án và tính chất của quan hệ tố tụng, số liệu thống kê các năm 2016 – 2020 cho thấy mặc dù chất lượng, số lượng giải quyết án hành chính được cải thiện qua từng năm nhưng tình hình giải quyết các vụ án hành chính đạt tỷ lệ không cao, thực trạng chất lượng đội ngũ Thẩm phán xét xử các vụ án hành chính hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ giải quyết vụ án hành chính đến việc tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán giải quyết các vụ án hành chính. Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính một cách tổng thể.


ThS. Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Tòa án,

phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, rất nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi thông qua 10 chuyên đề được lựa chọn trao đổi như: Một số vấn đề lý luận về giải quyết vụ án hành chính; Một số vấn đề về thụ lý, nghiên cứ hồ sơ vụ án hành chính; Thẩm quyền của hội đồng xét xử vụ án hành chính; Kỹ năng soạn thảo bản án hành chính; Nâng cao chất lượng xét xử vụ án hành chính tại cấp phúc thẩm; Một số sai sót phổ biến trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có đội ngũ thẩm phán chuyên trách về giải quyết án hành chính; Xây dựng chương trình đào tạo Thẩm phán chuyên trách trong lĩnh vực hành chính; Một số giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán hành chính…


Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Các nhà khoa học, thẩm phán tham gia hội thảo đều cho rằng thực tế chúng ta đã thành lập các Tòa chuyên trách, trong đó có Tòa hành chính nhưng chưa xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hoạt động chuyên trách. Nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức về vai trò của tài phán hành chính chưa ngang tầm nên gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, tham gia phiên tòa hàn chính. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo cho đội ngũ thẩm phán nói chung, Thẩm phán hành chính nói riêng làm công tác chuyên trách chưa tương xứng với công sức, trí tuệ của cán bộ. Để không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ Thẩm phán hành chính phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu giải quyết các vụ án hành chính, Hội thảo đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính trong thời gian tới, bao gồm:

- Cải tiến thường xuyên chất lượng đào tạo cơ bản về nghiệp vụ xét xử cho Thẩm phán (khả năng tự nghiên cứu/nắm vững lý thuyết cơ bản/thành thục thao tác tố tụng/giao tiếp tốt). Đặc biệt là mở rộng nội dung đào tạo chuyên sâu về quản lý hành chính nhà nước, đi sâu vào các lĩnh vực quản lý các lĩnh vực đặc thù (mô hình Trường hành chính quốc gia CH Pháp đào tạo Thẩm phán hành chính. Kinh nghiệm này cũng được Việt Nam áp dụng đào tạo Thẩm phán hành chính tại Học viện Hành chính quốc gia khi mới thành lập Tòa hành chính năm 1996).

- Chuẩn hóa và mở rộng đội ngũ giảng viên là các chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hành chính, quản lý hành chính nhà nước; hoàn thiện giáo trình, học liệu, phương pháp và kỹ năng sư phạm; trao đổi chuyên gia, xây dựng sổ tay, cẩm nang nghiệp vụ cho thẩm phán hành chính.

- Kiến nghị TANDTC trong việc tổ chức và hoạt động của Tòa án theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa: Tòa chuyên trách/Thẩm phán chuyên trách/thư ký tòa án chuyên trách. Tổ chức các lớp bồi dưỡng Thẩm phán khi thay đổi vị trí công việc giữa các Tòa chuyên trách.

- Thường xuyên tiến hành nghiên cứu, khảo sát tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hành chính. Trên cơ sở đó, TANDTC sẽ kết hợp vừa giải đáp bằng văn bản, vừa giải đáp qua các chương trình tập huấn trực tuyến.

- Tăng cường mở các lớp tập huấn trực tuyến để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Thẩm phán trong giải quyết án hành chính. Tập trung bồi dưỡng theo chuyên đề từng loại án đặc thù.

- Ngoài việc kiểm tra công tác chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, TANDTC tiến hành kiểm tra đột xuất tại các địa bàn trọng điểm về công tác giải quyết án hành chính.

- Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa TAND và UBND thông qua qui chế phối hợp giữa Ban cán sự hai bên.

- Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm, tin học với mục tiêu xây dựng đội ngũ Thẩm phán phục vụ Tòa án điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia (xây dựng chương trình đào tạo thông minh; phòng học thông minh, xây dựng hồ sơ vụ án điện tử; kỹ năng khai thác thông tin chứng cứ điện tử; sử dụng dữ liệu Big Data; tạo trò chơi phiên tòa thực tế ảo, kiến tạo Tòa án thông minh).

- Xây dựng đội ngũ Thẩm phán hành chính cấp chuyên gia của quốc gia. Đôi ngũ này có vai tò tư vấn cho Thẩm phán hành chính các cấp khi có yêu cầu.

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án trong việc xử lý QĐHC, HVHC là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; tăng thẩm quyền cho Tòa án để đảm bảo hiệu quả thi hành án hành chính.

- Đề nghị TANDTC ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục tố tụng hành chính, nghiệp vụ giải quyết các loại án hành chính đặc thù.

- Tăng cường ban hành án lệ hành chính.

Kết luận Hội thảo, ThS. Phạm Như Hưng - Chủ trì Hội thảo nhấn mạnh, cần có sự nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn về vị trí vai trò của đội ngũ Thẩm phán nói chung, Thẩm phán hành chính nói riêng, đặc biệt là ý nghĩa của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tác động trực tiếp đến việc hình thành kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cho đội ngũ Thẩm phán cần phải được xem trọng hàng đầu. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội thảo, Học viện Tòa án ghi nhận, tiếp thu và tham mưu, đề xuất những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính.

Các đại biểu tham dự đều đánh giá đây là Hội thảo thành công tốt đẹp do có sự tương tác, trao đổi và giải quyết các vấn đề thực chất, có ý nghĩa thiết thực không chỉ nhằm tăng cường trao đổi học thuật, kinh nghiệm mà còn làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đưa ra được một số kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hành chính có thể áp dụng trước mắt cũng như lâu dài cho toàn hệ thống Tòa án./.

Tin: Hoàng Toàn

In Trang | Đóng cửa sổ