URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&item_id=288443150&p_details=1
 
Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
12/07/2021-05:32:00 AM
 
Sáng 9/7/2021, Học viện Tòa án đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Chủ trì Hội thảo là PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án.
Sáng 9/7/2021, Học viện Tòa án đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Chủ trì Hội thảo là PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án.

Tham dự Hội thảo còn có PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án; Thẩm phán Kim Tae Joon, Giám đốc dự án tăng cường năng lực Trường cán bộ Tòa án nay là Học viện Tòa án; Lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn, các cán bộ, giảng viên của Học viện cùng các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo luật uy tín và các tổ chức có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh, có một thực trạng đáng lo ngại về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo đó, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang diễn ra ngày càng phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau như bạo lực về thể xác, tâm lý, tình dục. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” là rất ý nghĩa nhằm thảo luận, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là tồn tại của pháp luật trong việc bảo vệ, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.


PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án,

phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, rất nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi như: Tổng quan về tình hình bạo lực với phụ nữ và trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam; Quy định của chuẩn mực quốc tế với việc ngăn ngừa, trừng trị hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Phòng chống bạo lực đối với lao động nữ tại nơi làm việc; Bạo lực học đường đối với học sinh tại các trường trung học phổ thông và biện pháp phòng, chống; Thực trạng bạo lực ngôn từ đối với phụ nữ và trẻ em trên mạng xã hội và một số kiến nghị… Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo khá thẳng thắn, tâm huyết với khát vọng mong muốn hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em ở nước ta sẽ giảm đáng kể, pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, từ đó bảo vệ ngày càng tốt hơn phụ nữ, trẻ em.


Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Thẩm phán Kim Tae Joon, Giám đốc dự án tăng cường năng lực Học viện Tòa án cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là một vấn nạn ở Việt Nam mà tại Hàn Quốc, tình trạng này cũng ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng, Hàn Quốc cũng đang cố gắng để tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế và loại bỏ tình trạng này. Thẩm phán Kim Tae Joon cũng hy vọng rằng, thông qua Hội thảo, hai nước có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn nữa trong việc xây dựng pháp luật – cơ sở pháp lý để bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Dương Tuyết Miên - Chủ trì Hội thảo nhấn mạnh, cần có sự nhìn nhận, đánh giá một cách trung thực tình trạng bạo lực xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em ở nước ta hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân cũng như những những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong việc đấu tranh, phòng chống hiện tượng này. Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở nước ta đã tương đối đầy đủ, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa thực sự nghiêm, một số cơ quan liên quan chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc hạn chế nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội thảo, Học viện Tòa án ghi nhận, tiếp thu và sẽ đề xuất với các cơ quan hữu quan những giải pháp thiết thực để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Buổi hội thảo đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu tham dự đều đánh giá đây là Hội thảo có ý nghĩa thiết thực không chỉ nhằm tăng cường trao đổi học thuật, kinh nghiệm mà nhằm giúp bảo vệ thiết thực hơn quyền chính đáng của phụ nữ và trẻ em./.
Tin: Lê Hằng

In Trang | Đóng cửa sổ