URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&item_id=276247588&p_details=1
 
Học viện Tòa án tổ chức tập huấn giảng viên nguồn về Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho thẩm phán
23/11/2019-04:50:00 AM
 
Ngày 23 tháng 11 năm 2019, Học viện Tòa án, phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn giảng viên nguồn về “Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho thẩm phán” tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 23 tháng 11 năm 2019, Học viện Tòa án, phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn giảng viên nguồn về “Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho thẩm phán” tại TP. Hồ Chí Minh.

Tập huấn này nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án cấp khu vực của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ. Tham dự tập huấn có 37 người, bao gồm cán bộ UNDP, cán bộ Học viện Tòa án, thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao (TANDCC) thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thẩm phán các tòa án tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai, Kon Tum, Long An, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị. Tiến sỹ Lại Văn Trình, Phó Chánh án TANDCC Đà Nẵng và ThS. Đặng Quang Dũng, Phó Trưởng khoa Khoa Đào tạo Thẩm phán, Học viện Tòa án, tham gia làm giảng viên cho khoá tập huấn.


PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Toà án

phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Trong những năm qua, Việt Nam đã theo đuổi thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có 2 hiệp định lớn là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là điều kiện cần để Việt Nam xoá bỏ rào cản, thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm 2014 – 2018 dao động từ 80 – 151 vụ. Các tranh chấp này thường tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương. Cũng theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao trong 5 năm 2014 - 2018, chỉ có 28 yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết so với tổng số 45 yêu cầu được tiếp nhận. 


Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP

phát biểu tại khóa tập huấn

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế. Chẳng hạn: năm 1995, Việt Nam phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; năm 2015, Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Sau khi gia nhập các văn kiện quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi các luật quan trọng, như Luật Thương mại, Bộ luật dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự để nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp quốc gia.


TS. Lại Văn Trình, Phó Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng

giảng dạy tại khoá tập huấn

Trong bối cảnh mới này, Tòa án Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Tập huấn này là một trong các hoạt động của UNDP Việt Nam nhằm hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao trong việc nâng cao năng lực cho các thẩm phán, đặc biệt là việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế đang ngày càng nhiều và phức tạp. Tập huấn có mục đích đào tạo giảng viên nguồn và các giảng viên này sau đó sẽ tập huấn cho các thẩm phán, như vậy, sẽ bảo đảm được tính lan tỏa và bên vững cho việc nâng cao năng lực cho đội ngũ thâm phán trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, và qua đó, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.


Các học viên tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018 – 2021. Dự án hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và tư, tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm. Đây là dự án đầu tiên được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng Vương Quốc Anh cho Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế.

Tại Việt Nam, Dự án tập trung vào 3 mục tiêu: Thúc đẩy ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy kinh doanh liêm chính và cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp.

Trong hai năm 2018 và 2019 Dự án đã hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao thực hiện 2 khóa đào tạo về CISG và một số hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các công ước quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho các thẩm phán của Tòa án cấp cao và Tòa án tỉnh, xây dựng giáo trình về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho các thẩm phán.

Tin: Hồng Nhung

In Trang | Đóng cửa sổ