URL: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&item_id=268735222&p_details=1
 
Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo giáo trình “Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam”
12/03/2019-08:48:00 AM
 
Trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN” do UNDP phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam thực hiện, sáng ngày 11 tháng 3 năm 2019, Học viện Tòa án tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo của giáo trình.
Trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN” do UNDP phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam thực hiện, sáng ngày 11 tháng 3 năm 2019, Học viện Tòa án tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo của giáo trình.

Tham dự Hội thảo, về phía UNDP có Bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú, UNDP Việt Nam; về phía Tòa án nhân dân tối cao có đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Giám đốc Kiểm tra II; về phía Học viện Tòa án có PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án – Chủ trì Hội thảo cùng một số lãnh đạo, giảng viên các Phòng, Khoa của Học viện Tòa án; về phía tác giả dự thảo giáo trình có đồng chí Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Luật sư Lưu Tiến Dũng. Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có đại diện cán bộ của một số Tòa án nhân dân tỉnh khu vực phía bắc như: TAND tỉnh Cao Bằng, TAND tỉnh Phú Thọ, TAND tỉnh Điện Biên … và tổ biên tập giáo trình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Dương Tuyết Miên khẳng định đây là sự kiện quan trọng để các tác giả trình bày các chuyên đề trong dự thảo giáo trình nhằm nhận được sự góp ý từ các đại biểu tham dự hội thảo, tiếp tục hoàn thiện giáo trình. Đồng chí chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thế giới, khi những tranh chấp dân sự với dân sự, dân sự với tổ chức có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi Thẩm phán phải giỏi cả về kiến thức và nghiệp vụ xét xử. Chính vì vậy, khi giáo trình “Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam” hoàn thiện sẽ là một công cụ đắc lực giúp các Thẩm phán cũng như các Học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đồng chí Phó Giám đốc cũng gửi lời cảm ơn tới tổ chức UNDP, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã có sự hỗ trợ, quan tâm thiết thực đối với sự ra đời của dự thảo giáo trình này.


Bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú,

UNDP Việt Nam phát biểu

Tại Hội thảo, Bà Catherine Phuong cho biết, Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ dự án khu vực của UNDP “thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”, được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng của Vương Quốc Anh. Dự án được khởi động tại Bangkok vào tháng 8 năm 2018, nhằm mục đích thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN bằng cách giảm thiểu rủi ro tham nhũng và khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững tại 6 quốc gia trong ASEAN: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên của chương trình này. Bà khẳng định, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện hệ thống Tòa án và trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế ngày càng phức tạp. Thay mặt cho UNDP, Bà cũng gửi lời cảm ơn Học viện Tòa án đã phối hợp với UNDP Việt Nam để tổ chức Hội thảo này, các bước tiếp theo sẽ là sử dụng giáo trình này để tổ chức tập huấn cho các giảng viên và các thẩm phán. Bà mong muốn UNDP và Học viện Tòa án sẽ tiếp tục hợp tác trong những năm tới.

Sau khi các tác giả trình bày chuyên đề trong dự thảo giáo trình, nhiều vấn đề đã được các đại biểu thảo luận và có ý kiến đóng góp thiết thực như phải đảm bảo tính thống nhất, khoa học và tránh sự trùng lặp giữa các chuyên đề trong giáo trình, các căn cứ đưa ra phải có cơ sở…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS. TS. Dương Tuyết Miên gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các tác giả đã tham gia viết giáo trình cho Học viện Tòa án. Đồng chí cho biết, Học viện Tòa án sẽ tổ chức buổi gặp mặt giữa các tác giả để chỉnh sửa nhằm giúp cho nội dung của giáo trình được hoàn thiện hơn. Cuối cùng đồng chí gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và công tác tốt tới các vị đại biểu tham gia Hội thảo.

Tin: Huế Dương

In Trang | Đóng cửa sổ