Chánh án TANDTC

Chánh án TANDTC
NGUYỄN HÒA BÌNH

Những trường hợp xâm hại tình dục kể cả người bị hại sẽ được xét xử kín

Chính phủ ủng hộ xây dựng Đề án để xây dựng phòng xét xử thân thiện với trẻ vị thành niên, theo đó, những trường hợp xâm hại tình dục kể cả người bị hại sẽ được xét xử kín, không ra Tòa án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết. Trong phiên chất vấn nhóm vấn đề

Trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung diễn ra ngày 5/6, theo yêu cầu của các ĐBQH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan đến trách nhiệm của hai cơ quan này đối với các vụ việc xâm hại trẻ em.

Phải bảo đảm đồng bộ cả từ phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời

Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, các vụ việc xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em là vấn đề hết sức bức xúc trong đời sống xã hội. Trong 6 tháng đã khởi tố 117 vụ, truy tố 735 vụ (do số cũ tồn lại), tương ứng với 805 bị can, đưa ra xét xử 649 bị can.

Nhấn mạnh đây là vấn đề được ĐBQH quan tâm không chỉ trong kỳ họp này, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ông nhận thức phải bảo đảm đồng bộ, có sự quyết tâm trong cả hệ thống chính trị, để làm sao hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Cuộc đấu tranh này, chúng ta không chỉ thực hiện bằng quyết tâm, mà còn phải bằng pháp luật, sự phối hợp của các cơ quan liên quan, tuyên truyền, giáo dục bảo đảm sự cảnh báo, giáo dục kỹ năng cho trẻ em; đồng thời, có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự lên án của toàn xã hội và xử lý nghiêm minh để tăng tính răn đe.

Để bảo vệ trẻ em hiệu quả, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, phải bảo đảm đồng bộ cả từ phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xảy ra xâm hại trẻ em nói chung, chứ không chỉ là xâm hại tình dục.

Luật Bảo vệ trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và luật dân sự đều đã có các chương về bảo vệ quyền trẻ em. Pháp luật đã hoàn thiện song cũng đòi hỏi khâu thực thi pháp luật phải đồng bộ. 7 cơ quan liên quan phải phối hợp rất nhịp nhàng.

Tuy nhiên, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng cho rằng, vấn đề “nhạc trưởng” để phát hiện, xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cần được cân nhắc, để xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan đến khách thể cần bảo vệ.

Đối với triển khai thực thi pháp luật, Viện trưởng Lê Minh Trí báo cáo với QH, tháng 12.2017, Bộ Công an, VKSND đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng Thông tư liên tịch 01 về tiếp nhận tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố với các hành vi phạm tội, nhất là với hành vi tội phạm về xâm hại trẻ em.

Viện KSNDTC đang chủ trì cùng TANDTC và Bộ Công an đang phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch quy định trình tự thực hiện khởi tố, truy tố các vụ việc có người dưới 18 tuổi. Hiện đã hoàn thiện dự thảo Thông tư này, đang chờ góp ý của Hội đồng thẩm phán TANDTC, dự kiến đầu quý III năm nay sẽ được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan điều tra, kiểm soát, Tòa án thực thi nhiệm vụ của mình trong khởi tố, truy tố các đối tượng vi phạm này.

Những trường hợp xâm hại tình dục, kể cả người bị hại sẽ được xét xử kín

Thống kê 5 năm từ năm 2013 - 2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, xâm hại tình dục trẻ em đã trả hồ sơ 549 vụ chiếm 6%, và các vụ xét xử đúng tội là 93%. Mặc dù, số vụ phải trả hồ sơ hủy sửa không nhiều, chỉ 6% gây bức xúc cho xã hội như các vụ việc các ĐBQH đã nêu.

Đây là những vụ việc không khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra vì phần lớn đều là vụ việc truy xét, không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện rất xa, gia đình và nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che giấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những vụ việc mà giám định là bắt buộc nhưng gia đình từ chối, việc khó khăn này là do tâm lý xã hội.

 

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau, phần lớn các vụ án đưa ra xét xử đúng người, đúng tội.

Về phía ngành Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã làm nhiều việc:

Đối với nghiệp vụ hướng dẫn pháp luật, TANDTC đã ban hành nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, xuất bản 3 tập giải đáp về nghiệp vụ; xây dựng các bộ giáo trình riêng tập huấn để xử lý các tội xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết các loại tội phạm này.

Đối với nâng cao năng lực thực thi cho cán bộ tư pháp, ngành Tòa án đã triển khai tập huấn cho hơn 6 nghìn thẩm phán và thường xuyên mở các lớp tập huấn. Ngoài ra, còn ban hành các Thông tư về hướng dẫn xây dựng tòa thân thiện và gia đình, trong đó có các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Luật cũng giao cho TANDTC hướng dẫn điều 423 về các trình tự thủ tục tố tụng thân thiện đối với trẻ em khi xảy ra các vụ việc này. Hiện Hội đồng Thẩm phán đã dự thảo xong và sẽ ban hành trong vài tháng tới.

Đối với triển khai tổ chức, TANDTC vừa ban hành Thông tư về thay đổi tòa chuyên trách và yêu cầu các tòa địa phương có đủ điều kiện thì hình thành tòa chuyên trách về hôn nhân và gia đình và vị thành niên.

Đối với mô hình xét xử, đã có thông tư ban hành về mô hình xét xử  đối với vụ án hôn nhân gia đình và vụ án vị thành niên với tính chất thân thiện và đã triển khai ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp với sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế được đánh giá cao. Vấn đề này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc trong năm nay nhưng đang vướng về đầu tư.

TANDTC cũng đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ ủng hộ xây dựng Đề án để xây dựng phòng xét xử thân thiện với trẻ vị thành niên. “Theo đó, những trường hợp xâm hại tình dục kể cả người bị hại sẽ được xét xử kín, không ra Tòa án, có thể thẩm vấn thông qua hệ thống micro để bảo đảm ổn định về mặt tâm lý”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bìnhcho biết.

Đề nghị Uỷ ban tư pháp có quy trình điều tra, xử lý đặc biệt

Làm rõ thêm phần việc của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 735 trẻ em bị xâm hại, số lượng xâm hại tình dục chiếm 84%, chủ yếu là giết, ngược đãi, xâm hại tình dục. Theo con số thống kê, 5 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ 2017 giảm 7,74%. Diễn biến xâm hại tình dục rất phức tạp, không chỉ là trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài vào Việt Nam cũng vi phạm; thậm chí người nước ngoài vào Việt Nam nuôi dưỡng các em rồi xâm hại.

Nguyên nhân thời gian qua số vụ xâm hại trẻ em chưa giảm do việc tố cáo xâm hại còn chậm nên việc điều tra, thu thập chứng cứ khó khăn, nhiều vụ không thu thập được, ảnh hướng đến điều tra xử lý. Việc này có tính nhạy cảm nên gia đình, nạn nhân không tố giác, nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, liên tục nhưng gia đình và nạn nhân không hỗ trợ cơ quan điều tra. Hậu hết các vụ xâm hại không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, tâm lý hoảng loạn nên khai báo không chính xác, một số khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ nên không chính xác... nhiều vụ việc kéo dài.

Ngoài ra, Cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất. Luật pháp quy định rất chặt chẽ, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 5 tội rõ ràng, Bộ luật HS 2015 qui định 6 tội rất rõ ràng, rành mạch.

Phương hướng chỉ đạo hoạt động của công an thời gian tới nhằm ngăn chặn loại tội phạm này:

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân về xâm hại tình dục. Phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT, các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường giáo dục lối sống, đạo đức, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các giải pháp đối với các cơ quan công an, điều tra, điều tra viên, tiếp tục chấn chỉnh việc xử lý tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tăng cường vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Bộ Công an đề nghị Uỷ ban tư pháp có quy trình điều tra đặc biệt, quy trình xét xử đặc biệt để xử lý sự việc hiệu quả, kịp thời hơn.

Yêu cầu có qui trình điều tra, xét xử đặc biệt với các vụ việc liên quan các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đang chờ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán đưa ra Ủy ban Tư pháp để tạo điều kiện cho việc điều tra, xét xử những loại tội phạm này.

Tập trung hướng dẫn, đào tạo lực lượng trực tiếp đấu tranh đối với loại tội phạp này.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước ngăn chặn các loại tội phạm này vào Việt Nam.

Cần quy trình điều tra xét xử thân thiện để những nạn nhân mạnh dạn tố cáo

Cũng làm rõ thêm phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xâm hại trẻ em đối với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “chia sẻ suy nghĩ của các đại biểu về sự bức xúc và yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những vụ việc xâm hại trẻ em, đúng người, đúng tội, không để oan sai, không để lọt và quan trọng nhất là phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên”.

Theo Phó Thủ tướng, bạo hành, xâm hại trẻ em là vấn đề quốc tế. Thế giới hiện nay một năm có khoảng 150 triệu trẻ em gái, 73 triệu trẻ em trai bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau từ lời nói, thái độ đến các hành vi bạo lực, đánh đập, xâm hại về tình dục, sức khỏe. Điều tra của các tổ chức quốc tế cho thấy 83% bé gái và 79% bé trai ở Mỹ bị xâm hại; ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 67%; ở Việt Nam là 62%; còn tại Nhật Bản, số liệu điều tra năm 2016 tại tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở có trên 224.000 vụ trẻ em bị xâm hại.

Vì vậy, con số 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, 1.300-1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm ở Việt Nam chỉ là “phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ là xử lý các vụ việc vi phạm bị phát hiện. Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan đã quy định rõ 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, với trách nhiệm cụ thể của 17 cơ quan, bộ ngành, tổ chức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Phó Thủ tướng cho biết trước khi Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực (1/6/2017), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 về xây dựng môi trường trường học thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực; Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em với rất nhiều các giải pháp, đề án. Song qua hơn 1 năm thực hiện, rất nhiều điều trong Luật Trẻ em chưa triển khai được.

Phó Thủ tướng nêu 3 ví dụ cụ thể: Điều 12 của Luật quy định UBND xã phải chỉ định, tập huấn cho người được phân công trách nhiệm về bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng đến giờ phút này rất ít tỉnh thực hiện được. Về nguồn lực dành cho công tác bảo vệ trẻ em, ngoài kinh phí từ ngành y tế, giáo dục, còn nguồn kinh phí từ ngành LĐTBXH nhưng chưa đến một nửa địa phương thực hiện. Bên cạnh các cơ quan như tòa án, kiểm sát, công an, Luật còn quy định trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… nhưng đến nay chưa có một chương trình tập huấn đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể này dành cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cơ sở.

“Tới đây khi tiến hành tổng kết Chỉ thị 18 của Thủ tướng, chúng ta cần đề ra những giải pháp để triển khai mạnh mẽ các quy định đã được nêu trong Luật Trẻ em năm 2016 trên tinh thần kiểm điểm việc gì làm được thì nói được, việc gì chưa làm được thì thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định điều quan trọng nhất là có các giải pháp đồng bộ để không chỉ là 2.000 vụ việc mà nhiều vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, thông báo, xử lý.

Cùng với đó là một quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện để những nạn nhân mạnh dạn trình bày, tố cáo với sự tham gia ngay từ đầu của các chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội.

“Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổng đài quốc gia về trẻ em 111. Ngay sau khi tổng đài hoạt động số lượng các cuộc gọi đến để hỏi, được tư vấn, thông báo về các vụ việc liên quan đến trẻ em tăng lên rất nhiều. Mong rằng các biện pháp đồng bộ sẽ tạo nên sự thay đổi, hình thành cách nghĩ, cách làm đúng đắn đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

PV