Pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là khung
pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính, người được
Nhà nước trao quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật
(VPPL) của các tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu
trách nhiệm hình sự; đồng thời, đây cũng là chế định pháp
luật được định lượng tương đối cụ thể mức độ VPPL của các
hành vi, xác định ranh giới giữa trách nhiệm hành chính và
trách nhiệm hình sự, tránh hiện tượng lạm quyền, hình sự hoá
các quan hệ pháp luật hành chính.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện kể từ
ngày Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 được ban
hành và qua hai lần thay đổi bằng Pháp lệnh XLVPHC năm 1995,
năm 2002 cho thấy, tình trạng
VPPL nói chung, đặc biệt là VPPL hành chính rất đa
dạng, phức tạp, thay đổi theo sự phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước, do vậy, Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 tuy đã
được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008, song một số
quy định của Pháp lệnh đã tỏ ra bất cập, cần phải được sửa
đổi một cách toàn diện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
1. Quy định xử lý vi phạm hành chính trong
các văn bản pháp luật
Hiện nay, trên lĩnh vực XLVPHC có các văn bản
quy phạm pháp luật điều chỉnh (chưa tính đến các văn bản
hướng dẫn của Chính phủ, các bộ) sau: Pháp lệnh XLVPHC năm
2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008; Luật Cạnh tranh
(từ Điều 117 đến Điều 119) Luật Quản lý thuế năm 2006 (từ
Điều 103 đến Điều 115) và Luật Chứng khoán năm 2006 (từ Điều
118 đến Điều 130). Do vậy, việc xây dựng Luật XLVPHC sẽ đi
theo hai hướng:
- Nếu các quy định pháp luật XLVPHC trên lĩnh vực thuế,
cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế… đã được quy
định trong Luật Quản lý thuế, hoặc các quy định về xử lý
VPPL trong Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh còn phù hợp,
tiếp tục được thực hiện thì các quy định có liên quan đến
các nội dung này trong Dự thảo Luật XLVPHC[1][1]
(Dự thảo ngày 15/3/2011) phải tôn trọng, tránh xung đột pháp
luật. Ví dụ, trong Luật Quản lý thuế quy định: người nộp
thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định,
thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của
cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ
quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt
0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp[2][2],
hoặc đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì phải nộp
đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số
tiền thuế trốn[3][3].
Các quy định về cách tính mức phạt nói trên chưa được quy
định trong Pháp lệnh
XLVPHC năm 2002; nên
Luật
XLVPHC phải xác định là có nên có quy định mới hay vẫn theo
các quy định đã có tại các Luật khác.
-
Nếu thấy các quy định pháp luật XLVPHC được
quy định trong Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý thuế, Luật
Chứng khoán không còn phù hợp thì bãi bỏ và xây dựng các quy
định mới.
Hai hướng tiếp cận này vẫn chưa được thể hiện
rõ trong Dự thảo
Luật XLVPHC.
Đề nghị Ban soạn thảo Luật XLVPHC xem xét, bổ sung.
2. Xem xét áp dụng và định danh lại nhóm “các
biện pháp xử lý hành chính khác”
Việc không đưa vào Pháp lệnh Xử phạt vi phạm
hành chính năm 1989 các biện pháp như giáo dục tại xã, đưa
vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở
chữa bệnh, quản chế hành chính nhưng sau đó lại đưa các biện
pháp này vào Pháp lệnh XLVPHC năm 1995, 2002 (biện
pháp quản chế hành chính đã bị bãi bỏ năm 2007) đã được sự
quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Bản chất các biện pháp
này mang đậm nét của “biện pháp tư pháp” thuộc phạm vi quy
định của BLHS. Do vậy, đề nghị nên xem xét một cách nghiêm
túc việc loại bỏ hoàn toàn hoặc một số biện pháp trong các
biện pháp này ra khỏi phạm vi quy định của luật hành chính.
Theo chúng tôi, trong tương lai chỉ nên giữ lại biện pháp
giáo dục tại địa phương cấp xã với tư cách là biện pháp
cưỡng chế hành chính nhằm tăng cường sự tham gia của cộng
đồng dân cư vào việc thực hiện giáo dục các đối tượng, nhất
là người chưa thành niên. Đồng thời phải đưa vào trong Luật
XLVPHC những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức chính trị - xã hội, người có thẩm quyền trong việc
giám sát, thực hiện biện pháp giáo dục tại cấp xã. Đây là
biện pháp mang ý nghĩa nhân đạo, có tính giáo dục cao, cần
được phát huy trong thực tế.
Nếu tiếp tục giữ lại nhóm biện pháp này trong
Dự thảo
Luật XLVPHC,
chúng tôi đề nghị cần định danh lại nhóm “các biện pháp xử
lý hành chính khác” là“các biện pháp xử lý hành chính
đặc biệt” vì:
(i) về mặt ngữ nghĩa, “khác” là: a) không giống, có thể
phân biệt được với nhau khi so sánh; ví dụ: hai chiếc
áo khác màu. b) không phải là cái đã biết, đã nói đến, tuy
là cùng loại; ví dụ: cho tôi lấy cốc khác[4][4].Như
vậy, khi nói đến “các biện pháp xử lý hành chính khác”, phải
được đặt trong bối cảnh pháp luật thực định là Pháp lệnh
XLVPHC để phân biệt với XLVPHC bằng các hình thức xử phạt
chính: cảnh cáo, phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung và các
biện pháp như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị
thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công
trình xây dựng trái phép… Khi đứng riêng lẻ, độc lập thì cụm
từ “Các biện pháp xử lý hành chính khác” không đảm bảo về
mặt ngữ nghĩa.
(ii) Tính chất “đặc biệt” của các biện pháp
này thể hiện ở các nội dung sau:
- Về đối tượng bị xử lý: Xử phạt vi
phạm hành chính được áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức;
còn biện pháp xử lý hành chính khác chỉ được áp dụng đối với
cá nhân là người Việt Nam.
- Về thẩm quyền áp dụng: Có nhiều chức danh
có quyền xử phạt, đó là những người có thẩm quyền của cơ
quan quản lý hành chính có thẩm quyền chung và cả cơ quan
quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn…; trong
khi đó, đối với biện pháp xử lý hành chính khác chỉ có ba
chức danh thuộc cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm
quyền chung có thẩm quyền ra quyết định áp dụng, đó là: Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện,
Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
- Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định:
Áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo
trình tự, thủ tục phức tạp hơn so với việc xử phạt vi phạm
hành chính, do nhiều tổ chức, người có thẩm quyền tham gia
vào quá trình xét duyệt hồ sơ để tiến hành quyết định áp
dụng biện pháp tương ứng với hành vi vi phạm; đặc biệt là có
sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận
Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…
- Về hậu quả pháp lý và việc hạn chế quyền công dân đối với
đối tượng bị áp dụng: Hậu quả pháp lý và việc hạn chế quyền
công dân mặc dù có tác động đến tâm lý, tư tưởng đối với tổ
chức, cá nhân vi phạm hành chính song chủ yếu là điều chỉnh
tác động đến quan hệ tài sản, hạn chế quyền kinh doanh của
đối tượng vi phạm nhưng chưa hạn chế đến quyền nhân thân,
ngoại trừ trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành
chính hoặc bảo đảm việc XLVPHC; còn việc áp dụng các biện
pháp xử lý hành chính khác một số quyền cơ bản của công dân
bị hạn chế, thể hiện ở các điểm như: yêu cầu người chấp hành
biện pháp giáo dục tại cấp xã có tổng số thời gian vắng mặt
không được quá một phần ba thời gian được giáo dục; hoặc đối
với việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng,
đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh thể hiện mức
độ nghiêm khắc đối với việc hạn chế một số quyền công dân
như các đối tượng phải lao động, học tập và sinh hoạt dưới
sự quản lý của các cơ sở, việc lao động phải hoàn thành theo
định mức quy định; hạn chế việc gặp người thân, gửi thư,
nhận quà; không được về thăm gia đình trong thời gian chấp
hành quyết định[5][5]...
Điều 1 Dự thảo Luật XLVPHC ngày 15/3/2011 quy
định“…XLVPHC, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp
dụng các biện pháp xử lý hành chính...”. Như vậy, cụm từ
“các biện pháp xử lý hành chính khác” như trong Điều 1 Pháp
lệnh XLVPHC 2002 được thay bằng cụm từ “áp dụng các biện
pháp xử lý hành chính”. Việc sửa đổi này tuy đảm bảo về mặt
ngữ nghĩa nhưng vẫn chưa làm rõ được bản chất pháp lý của
chế định pháp luật; do vậy, chúng tôi đề nghị trong Dự thảo
cần quy định: “XLVPHC, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và
áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đặc biệt”.
3. Thẩm quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành
chính
Cần làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định
người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, để chỉ ra
tại sao nhân viên, lãnh đạo của cơ quan nhà nước này có thẩm
quyền, còn đối với cơ quan khác lại không có. Bên cạnh đó,
chúng tôi đề nghị cần khảo sát, tổng hợp trong quá trình áp
dụng pháp luật, để xác định tính khả thi của quy định pháp
luật. Ví dụ, nếu như trong Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 quy
định Thẩm phán chủ toạ phiên toà có quyền phạt cảnh cáo hoặc
phạt tiền đến 1.000.000 đồng[6][6]
thì trong Pháp lệnh XLVPHC 2002 được sửa đổi, bổ sung năm
2008, thẩm quyền của Thẩm phán chủ toạ phiên toà có quyền
phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2.000.000 đồng; ngoài ra còn
quy định thêm các chức danh khác như Thẩm phán được phân
công giải quyết vụ việc phá sản, Chánh án Toà án nhân dân
cấp huyện, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà
án quân sự khu vực, Chánh án Toà án quân sự quân khu và
tương đương, Chánh án Toà án nhân dân tối cao có quyền phạt
cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến từ 10.000.000 đồng đến
20.000.000 đồng tuỳ theo từng chức danh cụ thể; đồng thời,
các chức danh trên đều có thẩm quyền tịch thu tang vật,
phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính[7][7].
Quy định như vậy, song thực tiễn áp dụng cho thấy, hầu như
các Thẩm phán, Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh
chưa thực hiện thẩm quyền này của mình[8][8],
nếu như trong khi xét xử có xảy ra tình trạng gây rối trật
tự công cộng tại phiên toà mà chưa đến mức truy cứu trách
nhiệm hình sự. Tình trạng các cá nhân được trao quyền nói
trên từ chối thực thi
quyền của mình, theo chúng tôi, vì các lẽ
sau:
(i) Thẩm quyền Nhà nước trao cho các chức
danh trên chủ yếu là thẩm quyền để thực hiện hoạt động xét
xử do pháp luật tố tụng quy định. Trong khi
đó, quan hệ pháp luật phát sinh giữa họ và người có hành vi
VPPL tại phiên toà mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình
sự là quan hệ pháp luật hành chính; do vậy, khi quyết định
xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi VPPL tại
phiên toà, các chức danh này phải nhân danh thẩm quyền hành
chính, nên phải dự liệu các hệ lụy pháp lý phát sinh như: tổ
chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính nếu đối tượng vi phạm không chấp hành; tự mình giải
quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu bị
đối tượng bị xử phạt khiếu nại với các bước: gặp gỡ, đối
thoại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, hoặc trở
thành đương sự (người bị kiện) trong vụ án hành chính[9][9].
Với những hệ lụy pháp lý “rắc rối” phải giải quyết khi thực
hiện thẩm quyền hành chính của mình tại phiên toà như thế,
sẽ làm tốn rất nhiều thời gian, công sức và điều chắc chắn
là sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ chuyên môn là chức năng
tố tụng theo quy định pháp luật, cho nên, họ chọn “giải pháp
an toàn” là “từ chối” thẩm quyền của mình.
(ii) Trong các phiên toà, nhất là phiên toà
xét xử các vụ án hình sự, thường có lực lượng cảnh sát nhân
dân tham gia bảo vệ phiên toà; do vậy, nếu có tình huống
phát sinh như một số phần tử quá khích gây rối trật tự phiên
toà, các chiến sĩ cảnh sát bảo vệ sẽ xử lý theo quy định
thẩm quyền hoặc Trưởng Công an, Chủ tịch UBND các cấp sẽ xử
lý theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình nếu hành
vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của chiến sĩ cảnh sát.
Do vậy, chúng tôi đề nghị cần rà soát lại các
chức danh có thẩm quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành chính
theo hướng:
- Bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
đối với các chức danh tố tụng của Toà án nhân dân các cấp
trong Luật XLVPHC để họ tập trung vào chức năng chính là
giải quyết, xét xử các vụ án theo quy định pháp luật;
- Mở rộng thẩm quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối
với một số chức danh thuộc cơ quan hành chính nhà nước có
phát sinh vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trong
phạm vi chức năng được pháp luật quy định, để đảm bảo một
trong những nguyên tắc quan trọng của XLVPHC là: mọi vi phạm
hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ
ngay. Việc XLVPHC phải được tiến hành nhanh chóng, công
minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra
phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật[10][10].
Liên quan đến nội dung trên về tiêu chuẩn, trình độ của
người áp dụng pháp luật, chúng ta có thể thấy rằng, các chức
danh thực hiện chức năng tố tụng như: Điều tra viên, Kiểm
sát viên, Thẩm phán, pháp luật đều quy định trình độ pháp lý
của họ tương đương với cử nhân luật[11][11];
tuy vậy, các chức danh có quyền xử phạt vi phạm hành chính
hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như: giáo
dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa
vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh mà các biện pháp
ấy in đậm dấu ấn của “biện pháp tư pháp”, hạn chế quyền tự
do của con người, thì pháp luật chưa quy định yêu cầu về
trình độ, kiến thức pháp lý của các cá nhân được trao quyền.
Thực tế cho thấy, họ xuất thân từ nhiều ngành chuyên môn
trong các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, chính
trị - xã hội, được bầu cử vào cơ quan hành chính nhà nước
(đối với Chủ tịch UBND các cấp) hoặc được bổ nhiệm vào vị
trí lãnh đạo, công chức thừa hành trong các cơ quan chuyên
môn của cơ quan hành chính, kiến thức về pháp luật nói
chung, kiến thức pháp luật hành chính nói riêng chưa đáp ứng
được yêu cầu trong việc đánh giá hành vi vi phạm của các đối
tượng để áp dụng quy định pháp luật phù hợp. Do vậy, chúng
tôi đề nghị, cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho
các đối tượng nói trên, đồng thời quy định ngay trong Luật
XLVPHC tiêu chuẩn về trình độ pháp lý của người có thẩm
quyền ban hành quyết định XLVPHC để hạn chế đến mức thấp
nhất việc áp dụng pháp luật chưa chính xác, đảm bảo quyền và
lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Hiện nay trong Dự thảo Luật XLVPHC, về thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính vẫn giữ nguyên như trong
Pháp lệnh XLVPHC 2002, chỉ có sự thay đổi về mức xử phạt
bằng tiền, áp dụng biện pháp bổ sung, khắc phục hậu quả đối
với một số chức danh, còn những nội dung nêu trên chưa được
đề cập. Đây là vấn đề mà Ban soạn thảo cần quan tâm xem xét
trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.
4. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 67 Pháp lệnh XLVPHC
2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) thì chỉ có 13
nhóm chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có
nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
của mình và của cấp dưới. Như vậy, đối với các quyết định xử
phạt vi phạm hành chính của các chức danh: Hạt trưởng Hạt
kiểm lâm, nhân viên Hạt kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm
lâm sản, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động; nhân viên thuế vụ,
Trạm trưởng Trạm thuế, Đội trưởng đội thuế, Chi cục trưởng
Chi cục thuế; Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Trưởng Thi
hành án dân sự cấp huyện (nay là Chi cục trưởng Chi cục thi
hành án dân sự cấp huyện) mà các tổ chức, cá nhân không chịu
chấp hành thì người có thẩm quyền cấp trên có trách nhiệm tổ
chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Qua thực
tiễn áp dụng cho thấy, do địa bàn hành chính của cơ quan cấp
trên xa, điều động lực lượng để tổ chức cưỡng chế rất tốn
kém… đồng thời, nếu các đối tượng bị cưỡng chế khiếu nại
quyết định cưỡng chế và sau đó, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xác định quyết định xử phạt vi phạm hành chính là trái
pháp luật, thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường:
người ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay
người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi
phạm hành chính?
Để khắc phục tình trạng nêu trên, chúng tôi
đề nghị xác định thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử
phạt vi phạm hành chính theo hướng: Người có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính thì có quyền cưỡng chế các đối tượng
vi phạm không chịu chấp hành phải thi hành quyết định xử
phạt của chính mình ban hành; cơ quan cảnh sát, các cơ quan
khác có liên quan có trách nhiệm hỗ trợ trong quá trình
cưỡng chế; đồng thời người ban hành quyết định cưỡng chế
chịu trách nhiệm pháp lý về quyết định hành chính của mình.
Trong trường hợp nội dung cưỡng chế liên quan đến nhiều địa
phương thì người có thẩm quyền cấp trên mới có trách nhiệm
tổ chức cưỡng chế; người ban hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt
hại (nếu có) phát sinh trong quá trình các tổ chức, cá nhân
có liên quan thực hiện quyết định xử phạt và quyết định
cưỡng chế.
Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế
nêu trên, trong Điều 93 của Dự thảo Luật XLVPHC chỉ bổ sung:
Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp
huyện; còn đối với hai chức danh Chi cục trưởng Chi cục Thuế
và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vẫn chưa được quy định thẩm quyền
này. Chúng tôi đề nghị, Ban soạn thảo Luật XLVPHC cần nghiên
cứu, khảo sát thực tiễn để bổ sung trong Dự thảo tiếp theo.
5. Thẩm quyền quyết định giảm thời hạn, tạm
đình chỉ hoặc miễn phần chấp hành còn lại của quyết định áp
dụng các biện pháp xử lý hành chính khác
Theo quy định tại Điều 70, Điều 72; Điều 95,
Điều 99 Pháp lệnh XLVPHC 2002 thì Chủ tịch UBND cấp xã có
quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, quyết định miễn
thời hạn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định
giáo dục tại cấp xã theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có
liên quan; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định đưa
người vào cơ sở chữa bệnh, quyết định giảm thời hạn, tạm
đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ
sở chữa bệnh. Với quy định trên, chúng ta có thể hiểu là
người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục
tại cấp xã, đưa người vào cơ sở chữa bệnh thì cũng có thẩm
quyền quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn
phần thời gian còn lại phải chấp hành biện pháp bị áp dụng
theo từng trường hợp cụ thể.
Tuy vậy, theo Điều 77, Điều 81; Điều 86, Điều
90 của Pháp lệnh XLVPHC 2002 thì Chủ tịch UBND cấp huyện có
quyền quyết định đưa người vào trường giáo dưỡng, Chủ tịch
UBND cấp tỉnh có quyền quyết định đưa người vào cơ sở giáo
dục; song thẩm quyền quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ
hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo
dưỡng, cơ sở giáo dục lại thuộc về Cục trưởng Cục Quản lý
trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trên cơ sở đề
nghị của Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng hoặc Giám đốc cơ sở
giáo dục.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc phân cấp về thẩm quyền nêu trên
chưa phù hợp với lý luận về quyết định hành chính nhà nước
cá biệt, đó là quyết định do cơ quan hành chính nhà nước
hoặc cá nhân, tổ chức được uỷ quyền hành pháp ban hành nhằm
giải quyết các công việc cụ thể gồm các giai đoạn: giai
đoạn xây dựng và ban hành quyết định quản lý hành chính nhà
nước (gồm các bước: điều tra nghiên cứu, thu thập thông tin
và xử lý thông tin; soạn thảo quyết định; thông qua quyết
định); giai đoạn tổ chức thực hiện quyết định (gồm các bước:
triển khai quyết định; tổ chức lực lượng thực hiện quyết
định) và giai đoạn kiểm tra việc thực hiện quyết định[12][12].
Như vậy, giai đoạn đưa đối tượng chấp hành
quyết định của người có thẩm quyền đưa người vào trường giáo
dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục chỉ là một giai đoạn trong cả
quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức, kiểm tra việc thực
hiện quyết định quản lý hành chính nhà nước, mà trường giáo
dưỡng và cơ sở giáo dục là tổ chức có trách nhiệm triển khai
thực hiện quyết định quản lý hành chính nhà nước. Do vậy,
việc giao cho Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo
dục, trường giáo dưỡng quyết định việc giảm thời hạn, tạm
đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại
trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục là chưa thống nhất với các
quy định tương tự trong trường hợp áp dụng biện pháp giáo
dục tại cấp xã. Bên cạnh đó, vấn đề này chưa phù hợp với
việc phân định thẩm quyền gữa cơ quan hành chính nhà nước có
thẩm quyền chung (UBND các cấp) và cơ quan hành chính nhà
nước có thẩm quyền riêng (Bộ Công an) mà Cục Quản lý trại
giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng là cơ quan tham mưu
cho Bộ Công an. Đối chiếu trong Dự thảo Luật XLVPHC thì
Điều 95(18), Điều 95(32) quy định về thẩm quyền theo
nội dung đã nêu vẫn không có gì thay đổi. Vì thế,
chúng tôi đề nghị cần xây dựng thẩm quyền quyết định giảm
thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn phần chấp hành còn lại của
quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo
hướng: người nào có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện
pháp xử lý hành chính khác thì có thẩm quyền nêu trên, vì
thẩm quyền này phái sinh từ thẩm quyền quyết định áp dụng
các biện pháp xử lý hành chính khác và là một trong những
giai đoạn của việc thực hiện quyết định hành chính của người
có thẩm quyền.