Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh (CSCB) là một trong
bốn biện pháp xử lý hành chính (XLHC) được quy định tại Pháp lệnh Xử
lý vi phạm hành chính hiện hành (Pháp lệnh XLVPHC), áp dụng đối với
người nghiện ma túy (NNMT) và người bán dâm (NBD) với mục đích là
bắt buộc cai nghiện, chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới
sự quản lý của các CSCB.
Biện pháp đưa vào CSCB nói riêng và các biện pháp
XLHC nói chung là những biện pháp hạn chế quyền tự do của công dân,
do người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương quyết định. Thực
tiễn áp dụng biện pháp này trong thời gian qua đã bộc lộ một số điểm
hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, như quy trình xem xét áp
dụng biện pháp này chưa thật sự đảm bảo minh bạch; là những biện
pháp hạn chế quyền tự do của công dân nhưng quá trình xem xét áp
dụng lại không có sự tham gia của người bị áp dụng cũng như luật sư,
người bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Trong bối cảnh định hướng của
Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc
biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm
quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; quan điểm về tệ
nạn xã hội và các biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội đã có những
thay đổi nhất định; cũng như yêu cầu thực hiện các công ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên… quy định về các biện pháp XLHC nói chung
và quy định về biện pháp đưa vào CSCB nói riêng tại Dự thảo Luật
XLVPHC được sửa đổi theo hướng bảo đảm tính công khai, minh bạch và
bảo đảm dân chủ, công bằng.
Về cơ bản, quy định về biện pháp đưa vào CSCB được
xây dựng theo hướng kế thừa các quy định của Pháp lệnh XLVPHC hiện
hành. Mục đích của biện pháp này vẫn được quy định như Pháp lệnh
hiện hành là đưa người vi phạm vào cơ sở để chữa bệnh, lao động, học
văn hoá, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở.
Thời hạn áp dụng biện pháp này được quy định là từ một năm đến hai
năm. Về hình thức, cơ cấu các điều luật được thể hiện giống như Pháp
lệnh XLVPHC. Về nội dung, có hai điểm sửa đổi lớn là (1) hạn chế đối
tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB chỉ bao gồm NNMT và (2) sửa
đổi trình tự, thủ tục áp dụng theo hướng công khai, minh bạch hơn
nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của công dân.
1. Hạn chế đối tượng bị áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
1.1. Người bán dâm không phải đối tượng bị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Một trong những điểm thay đổi lớn trong Dự thảo Luật
XLVPHC so với Pháp lệnh hiện hành là biện pháp đưa vào CSCB chỉ áp
đụng đối với NNMT và không áp dụng đối với NBD.
Việc quy định biện pháp đưa vào CSCB tại Pháp lệnh
XLVPHC mang tính lịch sử. Các biện pháp này được áp dụng đối
với đối tượng tệ nạn xã hội là NBD, người nghiện xì ke,
ma túy trong thời gian chiến tranh và sau khi đất nước thống
nhất, đã có những hạn chế nhất định về phân biệt các vấn
đề xã hội với hành vi vi phạm pháp luật (VPPL). NNMT, NBD
bị coi là “sản phẩm của chế độ cũ”, không phù hợp với
các chuẩn mực xã hội về con người mới xã hội chủ nghĩa,
cần bị trừng phạt. Gái bán dâm được đưa vào các cơ sở với
tên gọi như “Trường phục hồi nhân phẩm” hoặc “Trung tâm phục
hồi nhân phẩm”; NNMT được đưa vào các trung tâm cai nghiện ma
túy. Trước năm 1995, không có quy định của pháp luật về
việc áp dụng biện pháp này. Từ năm 1995, biện pháp này
được quy định chính thức tại Pháp lệnh XLVPHC trong nhóm các
biện pháp xử lý hành chính khác với tên gọi là “đưa vào
CSCB”. Tại Pháp lệnh hiện hành, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa
vào CSCB bao gồm: (i) NNMT từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện
pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện
pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định; (ii) NBD có tính chất
thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục
tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng
không có nơi cư trú nhất định1.
Quy định của Pháp lệnh được áp dụng đối với NBD vi
phạm có tính chất thường xuyên cho thấy, thực chất việc áp dụng biện
pháp này là xử lý về nhân thân chứ không phải là bắt buộc chữa bệnh
đối với người mại dâm có bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình
dục. Nói cách khác là đưa họ vào CSCB vì hành vi vi phạm của họ chứ
không phải là để chữa bệnh (khác với NNMT là đưa họ vào CSCB để cai
nghiện ma túy). Pháp lệnh quy định mục đích của việc áp dụng biện
pháp này đối với NBD là cách ly họ khỏi cộng đồng, buộc họ lao
động, học văn hóa, chữa bệnh, học nghề, song về bản chất vẫn
là hạn chế quyền tự do của công dân vì hành vi VPPL của họ. Quy định
NBD bị hạn chế quyền tự do vì hành vi bán dâm được đánh giá là quá
nghiêm khắc, bởi hành vi vi phạm của họ không nghiêm trọng, không
gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do.
Mặt khác, đối tượng bị áp dụng biện pháp này
bao gồm NBD từ đủ 16 tuổi trở lên, tức là người chưa thành
niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Đối với đối tượng này, Công ước
quốc tế về quyền trẻ em và các nghị định thư liên quan2
không coi là đối tượng VPPL, mà coi là nhóm đối tượng bị
tổn thương, cần có sự bảo vệ của xã hội và được đối xử
như nạn nhân, không bị áp dụng bất cứ hình thức xử phạt
nào. Trong thực tế, nhiều NBD là nạn nhân của các vụ buôn bán
người, bóc lột tình dục, lại bị đối xử như đối tượng
VPPL. Khi xử lý các vụ án liên quan đến buôn bán người, tổ chức mại
dâm, NBD bị đưa vào các CSCB bắt buộc. Như vậy, khi quy định áp dụng
biện pháp này đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, pháp
luật Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của các công ước
quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Vì những lý do này, Dự thảo Luật XLVPHC đã không quy
định NBD là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB.
1.2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên là đối
tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp này là NNMT,
Điều 126 Dự thảo Luật XLVPHC quy định giống như Pháp lệnh hiện hành.
NNMT bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB là: người từ đủ 18 tuổi trở
lên; đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn mà vẫn
còn nghiện ma túy; chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Dự thảo Luật quy định rõ ràng biện pháp này không áp
dụng trong các trường hợp: người không có năng lực trách nhiệm hành
chính; phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi; phụ nữ đang có
thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36
tháng tuổi có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi
người đó cư trú xác nhận.
Pháp lệnh hiện hành không quy định các trường hợp
không áp dụng biện pháp này3, trong trường hợp khi đã ra
quyết định đưa vào CSCB mà đối tượng bị áp dụng bị ốm nặng hoặc là
phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thì
được hoãn chấp hành quyết định cho đến khi điều kiện hoãn không còn.
Đối với đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36
tháng, thời gian hoãn tương đối dài, tối đa có thể lên tới 45 tháng
(từ khi có thai cho đến lúc nuôi con đủ 36 tháng). Việc ra một quyết
định hành chính trong khi biết rõ quyết định đó sẽ được hoãn thi
hành vì đối tượng thuộc điều kiện được hoãn thi hành thực sự là một
quy định bất hợp lý. Với mục đích nhân đạo bảo đảm quyền của phụ nữ
và trẻ em, khắc phục điểm hạn chế của Pháp lệnh hiện hành, Dự thảo
Luật quy định rõ biện pháp này không áp dụng trong trường hợp phụ nữ
có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đơn đề nghị và
được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Nếu sau thời gian
sinh đẻ và nuôi con đến 36 tháng, nếu đối tượng vẫn có hành vi VPPL,
cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để áp dụng biện pháp này.
Để thống nhất với quy định về đối tượng bị áp dụng
biện pháp đưa vào CSCB không bao gồm phụ nữ có thai, Dự thảo Luật
quy định trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện đã ra quyết định
đưa vào CSCB, nhưng người phải chấp hành quyết định là phụ nữ chưa
được đưa đi CSCB mà phát hiện là có thai, thì được miễn chấp hành
quyết định (điểm b khoản 2 Điều 132); trường hợp người đang chấp
hành quyết định tại CSCB có thai cũng được miễn chấp hành phần thời
gian còn lại (khoản 2 Điều 133).
2. Trình tự, thủ tục áp dụng được sửa đổi công khai,
minh bạch hơn nhằm bảo đảm quyền công dân
2.1. Trình tự lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa
vào cơ sở chữa bệnh
Về cơ bản, Dự thảo Luật vẫn quy định các bước lập hồ
sơ, xem xét ra quyết định đưa vào CSCB giống như Pháp lệnh hiện
hành, cụ thể là Chủ tịch UBND cấp xã nơi NNMT cư trú lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB. Đối với NNMT không có nơi cư
trú ổn định thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó có hành
vi VPPL chịu trách nhiệm lập hồ sơ. So với quy định của Pháp lệnh
hiện hành, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB được quy
định chi tiết hơn, bao gồm bản tóm tắt lý lịch; tài liệu
chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó;
tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma
túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại
diện hợp pháp của họ. Dự thảo Luật quy định, cơ quan Công an
cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong
việc thu thập các tài liệu và lập hồ sơ. Trong trường hợp
NNMT vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp
tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ
VPPL, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà
thuộc đối tượng đưa vào CSCB, thì cơ quan Công an đang thụ lý
vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB đối với người
đó. Dự thảo Luật không quy định hồ sơ phải có ý kiến về NNMT của Uỷ
ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, vì
trong thực tế, ý kiến của các cơ quan này chỉ được thu thập mang
tính hình thức, chỉ để hồ sơ đủ các loại giấy tờ theo quy định của
pháp luật.
Điểm sửa đổi quan trọng trong giai đoạn lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB nhằm bảo đảm tính công khai,
minh bạch là: Dự thảo Luật quy định cơ quan đã lập hồ sơ phải
thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ
về việc lập hồ sơ. Những người này được quyền đọc hồ sơ và ghi chép
các nội dung cần thiết trước khi hồ sơ được gửi cho Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Quy định này nhằm bảo
đảm người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC biết về việc
lập hồ sơ, tránh tình trạng chỉ đến lúc nhận được quyết định áp dụng
biện pháp này người bị áp dụng mới biết; đồng thời người bị đề nghị
áp dụng có thời gian để nghiên cứu, ghi chép các nội dung cần thiết
để chuẩn bị ý kiến trình bày tại phiên họp của Hội đồng tư vấn trong
giai đoạn tiếp theo.
Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB được
chuyển cho Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện. Phòng
Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, làm
thủ tục trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng
tư vấn.
2.2. Trình tự, thủ tục xét duyệt hồ sơ đề nghị
áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Để bảo đảm quyền lợi của người bị đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào CSCB, Dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục xét
duyệt hồ sơ công khai hơn, minh bạch hơn, cụ thể:
- Bên cạnh việc duy trì các quy định của Pháp lệnh về
Hội đồng tư vấn là hội đồng giúp cho Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét
việc áp dụng biện pháp đưa vào CSCB với thành phần gồm thành viên
thường trực là Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội
cấp huyện và các thành viên là Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng
Công an, Dự thảo Luật quy định thêm thành phần của Hội đồng tư vấn
bao gồm đại diện của Hội Luật gia cùng cấp.
- Thực tiễn hoạt động của các Hội đồng tư vấn trong
những năm qua cho thấy, nhiều Hội đồng tư vấn chỉ được thành lập và
hoạt động mang tính hình thức, thành viên của Hội đồng tư vấn không
thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, tại cuộc họp chỉ nêu ý kiến
đồng ý; các cuộc họp của Hội đồng tư vấn đa số được tổ chức đơn
giản, họp với thời gian ngắn và chỉ hỏi ý kiến thành viên là đồng ý
hay không đồng ý đưa người vi phạm vào CSCB; cá biệt có nhiều nơi
không tổ chức cuộc họp của Hội đồng tư vấn, cơ quan là thành viên
thường trực mang hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng tư vấn xin ý
kiến, chữ ký cho đầy đủ hồ sơ. Để khắc phục vấn đề này, bảo đảm Hội
đồng tư vấn làm việc thực sự có trách nhiệm và hiệu quả hơn, Dự thảo
Luật quy định cuộc họp Hội đồng tư vấn chỉ được tiến hành
khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng; các thành
viên Hội đồng có trách nhiệm xem xét, phát biểu về hành vi
vi phạm, đối tượng, điều kiện và trình tự, thủ tục áp
dụng biện pháp đưa vào CSCB cũng như các vấn đề khác có
liên quan. Dự thảo Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về biên bản của
cuộc họp Hội đồng tư vấn, biên bản phải ghi diễn biến của cuộc
họp, các ý kiến đã phát biểu và ý kiến đề xuất của Hội
đồng tư vấn. Chủ tịch Hội đồng và thư ký phải cùng ký
vào biên bản cuộc họp Hội đồng. Trên cơ sở biên bản cuộc họp
và hồ sơ đề nghị, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định áp
dụng biện pháp đưa vào CSCB đối với NNMT.
- Dự thảo Luật quy định sự tham gia của người bị xem
xét áp dụng biện pháp đưa vào CSCB, người giám hộ, luật
sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp
khác của họ (nếu có). Khoản 3 Điều 128 Dự thảo Luật quy định
những người này phải được được mời tham gia cuộc họp của Hội
đồng tư vấn; họ có quyền phát biểu ý kiến liên quan đến
việc áp dụng biện pháp đưa vào CSCB. Quy định này là một điểm
mới rất quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh hiện
hành, đó là việc ban hành quyết định được thực hiện đơn phương,
“khép kín” trong nội bộ cơ quan hành chính; người bị áp dụng biện
pháp này không có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, không được
tranh tụng, không có luật sư tham gia để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Bằng việc ghi nhận quyền được mời tham gia phiên họp của Hội đồng tư
vấn, Dự thảo Luật XLVPHC tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện
pháp này có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân mình.
Ngoài điểm sửa đổi cơ bản nêu trên, để bảo đảm người
bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCB được tham gia vào quá
trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSCB, các quy
định khác về việc ban hành quyết định, thi hành quyết định đưa vào
CSCB, quy định về hoãn, miễn chấp hành quyết định; quy định về giảm
thời hạn chấp hành quyết định… được giữ nguyên như Pháp lệnh hiện
hành. Dự thảo Luật bổ sung một điều về quản lý người được hoãn hoặc
được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSCB là không có cơ
quan, tổ chức nào quản lý người được hoãn, miễn chấp hành quyết định
đưa vào CSCB. Theo quy định này, người được hoãn hoặc được tạm đình
chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSCB có trách nhiệm trình diện với
chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú
hoặc làm việc; khi đi khỏi nơi cư trú phải có sự đồng ý của các cơ
quan, tổ chức nói trên. Trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình
chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSCB mà đối tượng có hành vi VPPL
về an ninh và trật tự, an toàn xã hội hoặc có căn cứ cho rằng người
đó bỏ trốn thì Chủ tịch UBND cấp huyện đã ra quyết định hoãn hoặc
tạm đình chỉ hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành
quyết định đưa vào CSCB. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa
vào CSCB được gửi cho Phòng Lao động -Thương binh và xã hội. Ngay
sau khi nhận được quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào CSCB,
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an
tổ chức đưa đối tượng vào CSCB.
Dự thảo Luật cũng quy định, khi hết hạn chấp hành
biện pháp đưa vào CSCB, người không xác định được nơi cư trú mà ốm
yếu không còn khả năng lao động được đưa về Trung tâm bảo trợ
xã hội tại địa phương nơi CSCB đóng trụ sở.
3. Một số vấn đề được xem xét, cân nhắc trong quá
trình xây dựng Luật liên quan đến biện pháp đưa vào CSCB
Trong quá trình xây dựng Luật, một trong những vấn đề
còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến biện pháp đưa vào CSCB là
việc có quy định biện pháp đưa vào CSCB (cơ sở cai nghiện bắt buộc)
đối với NNMT tại Dự thảo Luật XLVPHC hay chuyển biện pháp này sang
áp dụng thống nhất theo Luật Phòng, chống ma túy.
Một số ý kiến cho rằng không nên quy định tại Dự thảo
Luật biện pháp đưa vào CSCB đối với NNMT để bảo đảm tính thống nhất
của hệ thống pháp luật và bảo đảm sự tương thích với các công ước về
kiểm soát ma túy mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng để bảo
đảm sự thống nhất với việc Chính phủ đã thừa nhận rằng, nghiện ma
túy là một tình trạng bệnh lý và do đó, không nên áp dụng chế tài
đối với NNMT khi sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2009, cụ thể:
- Hiện nay, cả Pháp lệnh XLVPHC và Luật Phòng, chống
ma túy đều quy định biện pháp đưa vào CSCB hoặc đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc đối với NNMT. Quy định tại hai văn bản dẫn đến tình
trạng trùng lặp và không thống nhất trong chế tài áp dụng đối với
NNMT.
- Luật Phòng, chống ma túy quy định biện pháp đưa vào
cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong các biện pháp cai nghiện,
Pháp lệnh XLVPHC quy định là một hình thức chế tài áp dụng đối với
người có hành vi VPPL, song về bản chất, chế tài đối với NNMT
quy định trong pháp luật về XLVPHC và pháp luật phòng,
chống ma túy là giống nhau. Thực chất biện pháp cai nghiện bắt
buộc quy định tại Luật Phòng, chống ma túy và biện pháp đưa vào CSCB
quy định tại Pháp lệnh XLVPHC chỉ là một biện pháp: (i) Luật Phòng,
chống ma túy quy định NNMT tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được
nhận vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là XLVPHC. Như
vậy, Luật gián tiếp quy định biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc là biện pháp XLHC; (ii) Luật Phòng, chống ma túy quy định tổ
chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện
bắt buộc, thủ tục đưa NNMT vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực
hiện theo quy định của pháp luật về XLVPHC; (iii) cùng áp dụng đối
với NNMT từ đủ 18 tuổi trở lên đã được giáo dục tại xã, phường, thị
trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định; (iv) thẩm
quyền quyết định đều là Chủ tịch UBND cấp huyện; (v) đều có thời
hạn áp dụng từ một năm đến hai năm.
Mặc dù Luật Phòng, chống ma túy coi việc đưa vào cơ
sở cai nghiện bắt buộc là một biện pháp XLHC, song Luật này lại
không khẳng định biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện
pháp đưa vào CSCB là một. Trong khi đó, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP
quy định CSCB và cơ sở cai nghiện bắt buộc là một cơ sở4.
Như vậy, việc đưa NNMT vào một cơ sở để cai nghiện với cùng trình tự,
thủ tục, song lại có thể được quyết định theo Luật Phòng, chống ma
túy hoặc theo Pháp lệnh XLVPHC. Bên cạnh sự trùng lặp, còn có sự
không thống nhất: Luật Phòng, chống ma túy không quy định hai biện
pháp này là một, mặc dù chế độ áp dụng đối với NNMT được đưa vào
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội theo Luật Phòng,
chống ma túy hay Pháp lệnh XLVPHC được quy định chung tại một văn
bản5. Bên cạnh đó, điều kiện để áp dụng biện pháp này đối
với NNMT tại hai văn bản cũng có sự khác nhau: Luật Phòng, chống ma
túy quy định trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, NNMT đã
được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc “đã được giáo dục nhiều
lần tại xã, phường thị trấn” trong khi Pháp lệnh XLVPHC chỉ quy định
NNMT “đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Như vậy, điều kiện
áp dụng biện pháp này tại Luật Phòng, chống ma túy rộng hơn (đã được
cai nghiện tại gia đình và cộng đồng) và số lần áp dụng biện pháp
giáo dục tại, xã, phường thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là nhiều hơn.
Theo các Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về kiểm
soát ma túy, các quốc gia thành viên có thể áp dụng biện pháp điều
trị, giáo dục, chăm sóc sau điều trị, phục hồi và tái hòa nhập cộng
đồng thay cho việc thi hành án hoặc hình phạt, hoặc coi đó là biện
pháp bổ sung vào hình phạt đối với người lạm dụng chất ma túy thực
hiện hành vi sản xuất, điều chế, chiết xuất, mua, bán…, là những
hành vi Công ước 1961 yêu cầu các quốc gia thành viên coi là tội
phạm6. Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961
cũng không yêu cầu áp dụng hình phạt hà khắc đối với người sử dụng
ma túy, kể cả đối với người nghiện, các quốc gia thành viên vẫn có
thể quyết định áp dụng các hình phạt như phạt tiền, cảnh cáo đối với
hành vi tàng trữ ma túy để sử dụng. Quy định này của các công ước
cho thấy, ngay cả đối với NNMT thực hiện các tội phạm về ma túy, vẫn
có thể quy định các biện pháp điều trị cai nghiện và những biện pháp
tương tự là biện pháp thay thế hoặc biện pháp bổ sung cho việc trừng
phạt họ. Trong khi đó, tại Việt Nam, với quan niệm XLHC là
một chế tài nhẹ hơn chế tài hình sự, NNMT bị áp dụng biện
pháp đưa vào CSCB như là một hình thức trừng phạt của Nhà
nước đối với hành vi nghiện ma túy của họ. Mặc dù với mục
đích đưa NNMT vào các CSCB nhằm cai nghiện, giáo dục họ
thông qua lao động, học nghề, song vì nằm trong hệ thống chế
tài của pháp luật XLVPHC, vô hình trung, biện pháp này mang
tính trừng phạt chứ không mang tính nhân đạo, không phải là
biện pháp mang tính xã hội là giúp cho những người nghiện
thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào chất ma túy.
Vì các lý do trên đây, không nên quy định biện pháp
đưa vào CSCB đối với NNMT tại Luật XLVPHC với tư cách là một chế tài
trừng phạt đối với NNMT, chỉ nên áp dụng biện pháp cai nghiện bắt
buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy đối với họ. Việc
không quy định biện pháp xử lý đối với NNMT tại Dự thảo
Luật XLVPHC sẽ tránh được tình trạng một vấn đề được quy
định tại hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau,
gây khó khăn cho quá trình thực thi, thậm chí làm ảnh hưởng
đến việc triển khai hoạt động cai nghiện (ví dụ như biện
pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng loại trừ NNMT đang
bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn).
Bên cạnh các ý kiến cho rằng, nên chuyển biện pháp
đưa vào CSCB đối với NNMT sang áp dụng thống nhất theo Luật Phòng,
chống ma túy, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc áp dụng biện pháp
XLHC mang tính cưỡng chế, răn đe cao như vậy nhưng số lượng NNMT vẫn
rất lớn; cuộc đấu tranh chống tệ nạn ma tuý diễn ra quyết liệt như
vậy nhưng vẫn diễn biến gay go, phức tạp, vì thế, trước mắt, vẫn nên
duy trì biện pháp đưa vào CSCB với NNMT.
Trên cơ sở cân nhắc tình hình thực tiễn về trật tự an
toàn xã hội, yêu cầu của công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong
giai đoạn hiện nay, Dự thảo Luật nên vẫn giữ lại quy định áp dụng
biện pháp đưa vào CSCB đối với NNMT. |