Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2002, các biện pháp XLVPHC bao gồm hai nhóm là các hình thức xử phạt hành chính và các biện pháp xử lý hành chính (XLHC) khác.

Đưa vào cơ sở giáo dục (CSGD) thuộc nhóm các biện pháp XLHC khác. Đây là nhóm biện pháp cưỡng chế hành chính do pháp luật quy định áp dụng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, nhưng tính chất, mức độ vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mục đích của việc áp dụng các biện pháp này là nhằm quản lý, ngăn ngừa không để đối tượng có điều kiện tiếp tục VPPL, đồng thời, giáo dục để hướng họ đến cuộc sống lương thiện hoặc phục hồi sức khoẻ cho họ. Các biện pháp XLHC khác đều có chung tính chất là hạn chế quyền tự do của người vi phạm thông qua sự giám sát, quản lý chặt chẽ, thường xuyên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cần lưu ý là, chủ thể bị áp dụng các biện pháp XLHC khác chỉ có thể là công dân Việt Nam (các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài không phải là đối tượng có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính này).

1. Thực trạng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành

Hiện nay, việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD được thực hiện theo Pháp lệnh XLVPHC năm 2002; Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD; Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP; Nghị định số 118/2010/NĐ-CP ngày 29/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, trường giáo dưỡng; Thông tư số 23/2009/TT-BCA(V19) ngày 22/4/2009 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP và Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp đưa vào CSGD do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định áp dụng đối với người có hành vi VPPL theo quy định của pháp luật để lao động, học văn hoá, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của CSGD. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào CSGD là từ sáu tháng đến hai năm. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định. Không đưa vào CSGD người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi.

Theo Báo cáo số 62/UBPL12 ngày 18/9/2007 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện một số biện pháp XLHC của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, tính đến hết năm 2006, cả nước có 10 CSGD do Bộ Công an quản lý. Từ năm 2002 đến hết năm 2006, cơ quan Công an đã giúp Chủ tịch UBND cấp xã lập 28.922 hồ sơ đưa người vào CSGD để trình UBND cấp huyện xem xét và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Hội đồng tư vấn ở cấp tỉnh xét duyệt được 25.799 hồ sơ đưa vào CSGD, đã tổ chức thi hành được 20.741 đối tượng đưa vào CSGD. Số người chưa thi hành quyết định đưa vào CSGD là 5.058 người vì các lý do như bỏ trốn, được miễn, được hoãn, chết. Từ năm 2002 đến hết năm 2006, đã cho ra khỏi CSGD 19.799 trại viên, trong đó giảm thời hạn chấp hành cho 14.787 trại viên, tạm đình chỉ đưa về gia đình điều trị, chăm sóc cho 226 trại viên bị bệnh hiểm nghèo (chủ yếu là nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối). Qua công tác quản lý, giáo dục ở CSGD cho thấy, trại viên tuy là đối tượng bị XLHC nhưng phần lớn trong số đó là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp đã từng tham gia các băng, ổ, nhóm tội phạm nguy hiểm. Riêng số đối tượng có từ 1 đến 6 tiền án chiếm 35,20% và luôn tìm mọi cách trốn khỏi CSGD, chống phá quyết liệt. Số người đưa vào CSGD nghiện ma tuý, mắc các bệnh hiểm nghèo như viêm gan B, C, nhiễm HIV/AIDS chiếm hơn 50%, do đó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách đối với họ và đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục.

Qua sơ kết 01 năm triển khai thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 cho thấy, trong hai năm 2008 và 2009, Công an các địa phương trên toàn quốc đã lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào CSGD đối với hàng nghìn đối tượng. Phần lớn các đối tượng sau khi chấp hành xong đều có sự tiến bộ, tái hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định. Trong năm 2008 và 2009, Công an TP. Hà Nội đã lập 930 hồ sơ đưa người vào CSGD; Công an thành phố Đà Nẵng đã lập 209 hồ sơ đưa người vào CSGD; Công an tỉnh Đồng Nai đã lập 461 hồ sơ đưa vào CSGD. Trong năm 2009, Công an tỉnh Trà Vinh đã lập 82 hồ sơ đưa vào CSGD; Công an tỉnh Bắc Kạn đã lập 26 hồ sơ đưa vào CSGD. 6 tháng đầu năm 2009, Công an TP. Hồ Chí Minh đã lập 1.454 hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng, CSGD, cơ sở chữa bệnh.

Việc tiếp nhận đối tượng vào CSGD nhìn chung thực hiện đúng quy định của pháp luật như đối chiếu danh chỉ bản, phiếu xét nghiệm việc sử dụng ma tuý, bản tóm tắt lý lịch và hành vi VPPL của người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, quyết định đưa vào CSGD của Chủ tịch UBND cấp tỉnh… Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại CSGD, nên nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí ngày càng được cải thiện. Các CSGD đã phối hợp với phòng giáo dục huyện nơi đặt CSGD tổ chức dạy văn hoá xoá mù chữ cho hơn một nghìn trại viên, đã quan tâm tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn trại viên (như may mặc, nề, mộc, gò, hàn, dệt chiếu…). Việc quản lý, giáo dục trại viên có nề nếp, giữ vững trật tự, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho trại viên yên tâm phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ. Chẳng hạn, về công tác giáo dục, tất cả các trại viên khi vào CSGD đều phải học nội quy CSGD, 4 tiêu chuẩn xếp loại thi đua, các văn bản pháp luật có liên quan, định kỳ thứ bảy hàng tuần tổ chức giáo dục cộng đồng, giáo dục chính trị, pháp luật cho các trại viên, phát động phong trào thi đua nhân dịp các sự kiện lớn của đất nước… Ngoài ra, việc giáo dục còn thông qua hình thức nghe đài phát thanh, xem truyền hình và đọc sách báo theo quy định. Tuy nhiên, công tác giáo dục tại CSGD cũng còn những hạn chế, như: chưa có đầy đủ chương trình, nội dung giáo dục đặc thù dành riêng cho trại viên, việc dạy nghề, nhất là các nghề đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản nhưng chưa có cán bộ chuyên môn và cơ sở vật chất phù hợp để dạy và học nên công tác dạy nghề đối với trại viên chủ yếu là thông qua lao động giản đơn (mộc, nề, chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế gỗ, bóc tách hạt điều, gia công hàng gia dụng…); việc tổ chức giáo dục nhân cách cho trại viên hiệu quả chưa cao; hoạt động của các CSGD tập trung chủ yếu vào công tác quản lý trại viên và lao động.

Về biên chế và tổ chức bộ máy, nhìn chung được bố trí đầy đủ, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, được đào tạo, có nghiệp vụ chuyên môn về công tác quản lý, giáo dục đối với trại viên. Nhiều cán bộ đã có thời gian công tác lâu năm, nhiệt tình với công việc. Do đó, hiệu quả của công tác quản lý, giáo dục trại viên bảo đảm được yêu cầu đặt ra.

Cơ sở vật chất của các CSGD tuy có những khó khăn, như ở xa khu dân cư và trung tâm đô thị, giao thông không thuận tiện nhưng nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí, khu lao động, sản xuất của trại viên, khu nhà làm việc, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ đều được xây dựng khang trang, có quy hoạch, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý, giáo dục trại viên có nề nếp và chặt chẽ.

Qua thực tiễn áp dụng pháp luật về biện pháp đưa vào CSGD có thể đưa ra đánh giá chung như sau: biện pháp đưa vào CSGD là hình thức cưỡng chế áp dụng đối với người có hành vi VPPL nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm quản lý, giáo dục trong một thời gian nhất định và buộc họ phải sinh hoạt, lao động, học tập theo sự quản lý, giáo dục chung của các cơ quan chức năng. Do tính chất nghiêm khắc của biện pháp này liên quan đến việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân nên cấp uỷ, chính quyền các cấp đều quan tâm chỉ đạo sát sao, có nhiều biện pháp tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cơ quan chức năng đều thận trọng và có trách nhiệm từ khâu lập hồ sơ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng pháp luật. Hội đồng tư vấn làm việc theo cơ chế tập thể để tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trước khi ban hành quyết định đưa người vào CSGD đều thận trọng khi xem xét kiến nghị của Hội đồng tư vấn, cân nhắc từng trường hợp và chỉ ra quyết định khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện biện pháp này đã góp phần ngăn chặn tội phạm và VPPL, giữ được môi trường xã hội lành mạnh, giảm khó khăn và đem lại cuộc sống bình yên cho hàng nghìn gia đình có con em hư, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, đối với việc giáo dục, cải tạo từng con người, do đây là những đối tượng lưu manh, trộm cắp, lười lao động, trình độ học vấn thấp, thời gian giáo dục bắt buộc không dài, khi trở về cộng đồng lại không có công ăn, việc làm nên khả năng giáo dục, cải tạo đối với họ chưa cao.

2. Những điểm mới về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính

Dự thảo Luật XLVPHC (gọi tắt là Dự thảo Luật) xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh XLVPHC là giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLHC đưa vào CSGD.

So với quy định của pháp luật hiện hành, các quy định của Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành còn phát huy tác dụng tốt, đồng thời, có bổ sung các quy định mới để bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Điểm mới đáng chú ý trong các quy định trong Dự thảo Luật so với Pháp lệnh XLVPHC hiện hành là:

Thứ nhất, Dự thảo Luật XLVPHC bổ sung các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, đó là trường hợp không có năng lực trách nhiệm hành chính, phụ nữ đang có thai có chứng nhận của bệnh viện và phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đơn đề nghị và được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Quy định này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xử lý VPHC và phù hợp với thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho phụ nữ đang có thai và phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thực hiện tốt thiên chức làm mẹ của mình.

Thứ hai, Dự thảo Luật đã cho phép sự có mặt của người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào CSGD: luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ, đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm hoặc học tập (nếu có) trong cuộc họp của Hội đồng tư vấn. Người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào CSGD và những người được mời tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn có quyền phát biểu ý kiến liên quan đến việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD. Điều này giúp cho người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào CSGD có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời bảo đảm việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSGD đúng đối tượng và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Thứ ba, Dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD. Điều này giúp cho việc quản lý, giám sát chặt chẽ người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD. Theo đó, người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD có trách nhiệm trình diện với chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc; khi đi khỏi nơi cư trú phải có sự đồng ý của các cơ quan, tổ chức nói trên. Trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD mà đối tượng có hành vi VPPL về an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn, thì thủ trưởng cơ quan quản lý các CSGD đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo, một số ý kiến cho rằng, cần tư pháp hóa việc áp dụng biện pháp XLHC đưa vào CSGD, tức là chuyển cho Tòa án xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp. Nếu chuyển giao cho Tòa án xem xét thì nội dung của biện pháp này sẽ có điểm khác cơ bản so với pháp luật hiện hành về chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào CSGD và thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, việc trao thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSGD cho Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ bộc lộ vướng mắc, bất cập sau:

- Về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật: Quy định nêu trên không phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Luật Tố tụng hành chính. Điều 32 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định “Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng”. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính chưa quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSGD cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

- Về tính khả thi: nếu giao cho Tòa án quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD thì trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này sẽ phức tạp hơn hiện nay, do đó, thời gian tiến hành áp dụng biện pháp này sẽ phải lâu hơn, không bảo đảm tính kịp thời trong quá trình xử lý VPHC. Qua tổng kết việc thực hiện biện pháp đưa vào CSGD cho thấy, chỉ từ năm 2002 đến năm 2006, cơ quan Công an đã giúp Chủ tịch UBND cấp xã lập 28.922 hồ sơ đưa người vào CSGD. Với số lượng hồ sơ đưa người vào CSGD lớn như vậy mà giao cho Tòa án giải quyết trong điều kiện hiện nay của Tòa án các cấp thì sẽ dẫn đến sự quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.            

Từ sự phân tích nêu trên, việc xây dựng các quy định về biện pháp đưa vào CSGD trong Dự thảo Luật - trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của Pháp lệnh XLVPHC - có nhiều ưu điểm, đó là:

- Phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành: Các quy định này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước ta.

- Phù hợp với thực tiễn áp dụng và thi hành biện pháp đưa vào CSGD hiện nay: Qua tổng kết thi hành biện pháp đưa vào CSGD cho thấy, việc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSGD vừa bảo đảm sự nhanh gọn, tiện lợi, vừa bảo đảm đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc tiến hành lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào CSGD được tiến hành chặt chẽ và thận trọng, dựa trên quy định của pháp luật.

Nguồn: nclp.org.vn

Du lieu tai khong thanh cong

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133 - Fax :
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Quyền Trưởng Ban biên tập: Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng - TANDTC.

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 184/GP-TTÐT của Bộ thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Bản quyền thuộc Trung tâm tin học Tòa án nhân dân tối cao