Thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính
(XPVPHC) những năm gần đây cho thấy, việc XPVPHC sai thẩm quyền hoặc
VPHC không được người có thẩm quyền phát hiện và xử phạt là hiện
tượng tương đối phổ biến ở nhiều địa phương và trên nhiều lĩnh vực
của đời sống xã hội. Xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một
trong các nguyên nhân là do chế định pháp luật về thẩm quyền XPVPHC
trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều năm 2007, 2008 (Pháp lệnh) còn nhiều hạn chế,…([1][1]).
Để góp ý cho Dự thảo Luật XLVPHC[2][2],
bài viết đề cập đến thẩm quyền XPVPHC theo quy định của Pháp lệnh ở
hai phương diện sau:
1. Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính
Pháp lệnh đã sử dụng phương pháp liệt kê để quy định
những người có thẩm quyền XPVPHC từ Điều 28 đến Điều 40d. Theo đó,
phần lớn người có thẩm quyền XPVPHC là những người giữ chức danh
lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, như: Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp, Trưởng Công an
cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng
Đồn biên phòng, Chi cục trưởng Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục
thuế, Chánh Thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh án Toà án nhân dân
các cấp… Một số người không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ
quan nhà nước cũng có thẩm quyền XPVPHC trong khi thi hành công vụ
như: Chiến sĩ Công an nhân dân, Chiến sĩ Bộ đội biên phòng, Nhân
viên Hải quan, Nhân viên thuế, Thanh tra viên chuyên ngành, Thẩm
phán chủ toạ phiên toà… Bên cạnh đó, Điều 41
của Pháp lệnh còn quy định những người là cấp trưởng trong một số cơ
quan nhà nước có thể uỷ quyền bằng văn bản cho cấp phó thực hiện
thẩm quyền XPVPHC. Từ những quy định này, chúng ta có thể đưa ra một
số nhận xét sau đây:
Thứ nhất,
việc Pháp lệnh liệt kê một cách cố định những người có thẩm quyền
XPVPHC đã làm giảm tính ổn định của chế định pháp luật về thẩm quyền
XPVPHC. Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện chế định này trong những
năm qua cho thấy, chế định này đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung
phù hợp với những thay đổi về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà
nước và tình hình gia tăng các VPHC. Gần đây, Pháp lệnh sửa đổi, bổ
sung một số điều của Pháp lệnh XLVPHC năm 2008 đã bổ sung khá nhiều
người có thẩm quyền XPVPHC, như: Chánh án Toà án nhân dân các cấp;
Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện, cấp tỉnh; Người đứng
đầu cơ quan đại diện ngoại giao; Cục trưởng Cục quản lý lao động
ngoài nước; Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh; Thủ trưởng cơ quan quản lý
cạnh tranh; Chánh Thanh tra chứng khoán; Chủ tịch
Uỷ ban chứng khoán nhà nước; v.v.. Mặc dù vậy, pháp luật hiện
hành vẫn không liệt kê đủ người cần có thẩm quyền XPVPHC, ví dụ như:
người chỉ huy tàu bay, tàu biển, tàu hoả không có thẩm quyền xử phạt
đối với những VPHC được thực hiện trên tàu bay, tàu biển, tàu hoả
khi các tàu này đã rời sân bay, bến cảng, ga; Hiệu trưởng trường phổ
thông không có thẩm quyền XPVPHC đối với các hành vi: bán
rượu, bia, các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên
tại các trường phổ thông hay hành vi uống rượu, bia trong các trường
phổ thông([3][3]);
“Cảng vụ viên, Trưởng đại diện Cảng vụ, Đội trưởng thanh tra giao
thông là người trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử
lý vi phạm nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt”([4][4]).
Ngoài ra, việc thay đổi chức danh, tên cơ quan của người có thẩm
quyền XPVPHC cũng là nguyên nhân làm giảm tính ổn định
của chế định này.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Luật XLVPHC
ngoài việc liệt kê những người có thẩm quyền XPVPHC như hiện nay
trong Pháp lệnh, cần phải có quy định: “Những người khác có thẩm
quyền XPVPHC theo quy định của Chính phủ” và quy định về vấn đề
kế thừa thẩm quyền XPVPHC.
Thứ hai,
việc Pháp lệnh quy định một số người không giữ chức danh lãnh đạo,
quản lý trong cơ quan nhà nước chỉ có thẩm quyền XPVPHC trong khi
thi hành công vụ là không cần thiết. Bởi lẽ, các hoạt động
XPVPHC đều là hoạt động công vụ. Do đó, khi tiến hành các hoạt động
này, những người có thẩm quyền XPVPHC đều phải có những dấu hiệu để
cá nhân, tổ chức bị xử phạt nhận biết được họ là người đang thi
hành công vụ (như: mang thẻ chức danh, trang phục, phù hiệu
v.v.. theo quy định của pháp luật). Nói cách khác, tính chất công vụ
của các hoạt động XPVPHC cần phải được thể hiện thông qua các yêu
cầu pháp lý về thủ tục XPVPHC, chứ không phải là điều kiện để hạn
chế thẩm quyền XPVPHC của những người không giữ chức danh lãnh đạo,
quản lý trong cơ quan nhà nước.
Thứ ba,
Pháp lệnh quy định những người là cấp trưởng trong một số cơ quan
nhà nước có thể uỷ quyền bằng văn bản cho cấp phó thực hiện thẩm
quyền XPVPHC là không hợp lý, bởi lẽ:
Một là,
những người là cấp trưởng nêu trên đều không có thẩm quyền ban hành
văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, họ chỉ có thể uỷ quyền XPVPHC
bằng văn bản áp dụng pháp luật cho cấp phó đối với từng vụ VPHC cụ
thể. Vì vậy, nếu đã có thời gian để ra văn bản uỷ quyền thì đương
nhiên họ cũng có thời gian để ra quyết định XPVPHC (trong thực tế,
họ chủ yếu ra quyết định XPVPHC theo đề nghị của cấp dưới, nên họ
không mất nhiều thời gian cho công việc này). Như vậy, uỷ quyền
XPVPHC có nguy cơ làm kéo dài thời gian ra quyết định XPVPHC.
Hai là,
do chưa được kiện toàn về tổ chức, nên một số cơ quan nhà nước không
có cấp trưởng. Vì vậy, những người là cấp phó trong các cơ quan này
đều không có thẩm quyền XPVPHC mặc dù họ có thể phải thực hiện những
công việc quản lý như cấp trưởng.
Ba là,
bởi phụ thuộc vào ý chí của cấp trưởng trong việc uỷ quyền XPVPHC,
nên một số người là cấp phó trong cơ quan nhà nước có thể không có
thẩm quyền XPVPHC hoặc có thẩm quyền xử phạt không tương xứng với
nhiệm vụ quản lý mà họ được giao. Điều đó gây nhiều khó khăn trong
việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và ra quyết định XPVPHC của những
người này.
Bốn là,
do việc uỷ quyền XPVPHC là công việc nội bộ của cơ quan nhà nước,
nên cá nhân, tổ chức bị xử phạt hầu như không có cơ hội biết nội
dung của văn bản uỷ quyền XPVPHC. Mặt khác, khi ra quyết định
XPVPHC, những người là cấp phó thường không ghi tên, số, ký hiệu,
thời gian ra văn bản uỷ quyền trong phần căn cứ ban hành quyết định
XPVPHC và thường ký thay (K/T) cấp trưởng thay vì cần phải ký thừa
uỷ quyền (T.Ư.Q) để ban hành quyết định. Tình trạng này có nguy cơ
làm gia tăng số vụ việc khiếu kiện về quyết định XPVPHC.
Từ những lý do nêu trên, Luật XLVPHC nên quy định
những người là cấp phó trong một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xử phạt đối với những VPHC thuộc phạm vi quản lý mà họ được phân
công thay cho quy định về uỷ quyền XPVPHC như hiện nay.
2. Xác định thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm
hành chính
Hiện nay, các căn cứ để xác định thẩm quyền ra quyết
định XPVPHC chủ yếu được quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh. Tuy
vậy, các căn cứ này còn thiếu cụ thể và chưa hợp lý, như:
2.1. Căn cứ vào địa điểm thực hiện vi phạm hành chính
Xét về phương diện lý luận thì những người có thẩm
quyền XPVPHC trong cơ quan nhà nước ở địa phương nào chỉ được xử
phạt đối với những VPHC được thực hiện ở địa phương đó. Tuy vậy,
Pháp lệnh lại không quy định cụ thể về vấn đề này.
Mặt khác, Pháp lệnh cũng không quy định trường hợp
một VPHC được thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau hay được thực
hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì ai là người có thẩm quyền ra
quyết định xử phạt.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Luật XLVPHC cần
quy định: “Những người có thẩm quyền XPVPHC trong cơ quan nhà nước ở
địa phương được ra quyết định xử phạt đối với những VPHC được thực
hiện ở địa phương đó; những người có thẩm quyền XPVPHC trong cơ quan
nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý ở các khu vực ngoài lãnh thổ
Việt Nam được ra quyết định xử phạt đối với những VPHC được thực
hiện ở khu vực đó; trường hợp một VPHC được thực hiện ở nhiều địa
phương khác nhau hoặc trên phương tiện giao thông của Việt Nam thì
việc ra quyết định xử phạt thuộc thẩm quyền của người thụ lý đầu
tiên VPHC”.
2.2. Căn cứ vào lĩnh vực thực hiện vi phạm hành chính
Khoản 1 Điều 42 của Pháp lệnh quy định: “1. Chủ tịch
UBND các cấp có thẩm quyền XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà
nước ở địa phương.
Người có thẩm quyền XPVPHC quy định tại các điều từ
Điều 31 đến Điều 40d của Pháp lệnh này có thẩm quyền XPVPHC thuộc
lĩnh vực, ngành mình quản lý.
Trong trường hợp VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của
nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện”.
Tuy quy định này có nhiều nội dung hợp lý, song Pháp
lệnh lại không có quy định để giải thích như thế nào là người thụ
lý đầu tiên.
Về phương diện lý luận, thụ lý VPHC được hiểu là việc
người có thẩm quyền chính thức tiếp nhận vụ VPHC để ra quyết định xử
phạt theo quy định của pháp luật. Do đó Luật XLVPHC cần quy định cụ
thể thời điểm thụ lý VPHC là một trong các thời điểm sau: thời
điểm người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt ra lệnh đình chỉ VPHC
(đối với những VPHC mà pháp luật không bắt buộc phải lập biên bản
trước khi ra quyết định xử phạt), thời điểm người có thẩm quyền
ra quyết định xử phạt lập xong biên bản VPHC (đối với những VPHC
mà pháp luật bắt buộc phải lập biên bản trước khi ra quyết định xử
phạt), thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tiếp
nhận biên bản VPHC (trong trường hợp người lập biên bản VPHC
không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đối với VPHC mà họ đã lập
biên bản).
2.3. Căn cứ vào thẩm quyền áp dụng các hình thức xử
phạt và biện pháp cưỡng chế cần được ghi trong quyết định xử phạt vi
phạm hành chính
Khoản 3 Điều 56 của Pháp lệnh quy định: “Trong quyết
định xử phạt phải ghi rõ… hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt
bổ sung (nếu có), các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có)”. Như
vậy, việc xác định thẩm quyền ra quyết định XPVPHC không chỉ được
căn cứ vào thẩm quyền áp dụng các hình thức XPVPHC mà còn phải căn
cứ vào thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC
gây ra.
Khoản 2 Điều 42 của Pháp lệnh quy định: “Thẩm quyền
xử phạt của những người được quy định tại các điều từ Điều 28 đến
Điều 40d của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi
VPHC. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định
căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành
vi vi phạm cụ thể”.
Qua phân tích các quy định nêu trên ta thấy:
Thứ nhất,
những người có thẩm quyền XPVPHC (trừ Bộ trưởng Bộ Công an) đều có
thẩm quyền ra quyết định XPVPHC có nội dung chỉ áp dụng hình thức xử
phạt cảnh cáo.
Thứ hai,
nếu VPHC cần phải áp dụng hình thức phạt tiền thì chỉ những người có
thẩm quyền phạt tiền đến mức tối đa của khung tiền phạt được quy
định đối với VPHC đó mới được ra quyết định xử phạt. Ví dụ: tuy
khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền
phạt tiền đến 2.000.000 đồng, song 2.000.000 đồng ở đây không phải
là giới hạn mức tiền phạt thực tế mà Chủ tịch UBND cấp xã có thể áp
dụng trong một quyết định xử phạt. Quy định này chỉ có ý nghĩa trong
việc giới hạn phạm vi những VPHC mà Chủ tịch UBND cấp xã được ra
quyết định xử phạt (những VPHC mà pháp luật quy định có mức tối đa
của khung tiền phạt là không quá 2.000.000 đồng). Như vậy, quy định
tại Điều 28 nêu trên và những quy định tương tự của Pháp lệnh về
thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền là dễ gây nhầm lẫn. Để khắc
phục hạn chế, Luật XLVPHC nên quy định rõ ràng về vấn đề này, ví dụ
như: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đối
với những VPHC có mức tối đa của khung tiền phạt là không quá
2.000.000 đồng.
Thứ ba,
chỉ Bộ trưởng Bộ Công an hoặc những người được Bộ trưởng Bộ Công an
phân cấp mới có thẩm quyền ra quyết định XPVPHC để áp dụng hình thức
xử phạt trục xuất. Do Bộ trưởng Bộ Công an không có thẩm quyền áp
dụng các hình thức xử phạt khác và các biện pháp khắc phục hậu quả;
Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập
cảnh tuy có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân
cấp của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng những người này lại không có
thẩm quyền ra quyết định xử phạt đối với những VPHC xảy ra trong mọi
lĩnh vực, không có thẩm quyền áp dụng mọi hình thức, mức xử phạt và
mọi biện pháp khắc phục hậu quả. Nói cách khác thì không ai có thẩm
quyền ra quyết định xử phạt có nội dung áp dụng hình thức xử phạt
trục xuất đối với:
- Những VPHC xảy ra trong các lĩnh vực không thuộc
phạm vi quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh
hay của Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh;
- Những VPHC cần phải áp dụng hình thức, mức xử phạt
hay biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng
Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh hay của Cục trưởng Cục Quản lý
xuất cảnh, nhập cảnh.
Như vậy, những quy định về thẩm quyền áp dụng hình
thức xử phạt trục xuất trong Pháp lệnh gần như đã làm vô hiệu thẩm
quyền áp dụng hình thức này của Bộ trưởng Bộ Công an và làm hạn chế
đáng kể khả năng áp dụng hình thức này trong thực tế. Do đó, Luật
XLVPHC một mặt cần quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền áp
dụng tất cả các hình thức, mức XPVPHC và các biện pháp khắc phục hậu
quả, mặt khác, cần quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền áp
dụng hình thức xử phạt trục xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công
an hoặc đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh hay của Cục trưởng Cục
Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.
Thứ tư,
chỉ một số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà
nước mới có thẩm quyền ra quyết định XPVPHC để áp dụng hình thức
tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền.
Tuy vậy, Pháp lệnh lại không có quy định để giải thích như thế nào
là giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền. Giải
thích vấn đề này ở phương diện lý luận có các quan điểm sau:
Một là,
người có thẩm quyền cấp loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào có
thẩm quyền ra quyết định XPVPHC để áp dụng hình thức tước quyền sử
dụng loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó. Điều này rất khó chấp
nhận vì nhiều người có thẩm quyền cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề
nhưng không có thẩm quyền XPVPHC theo quy định của pháp luật hiện
hành.
Hai là,
pháp luật cần quy định cụ thể những loại giấy phép, chứng chỉ hành
nghề mà mỗi người có thẩm quyền XPVPHC được áp dụng. Quan điểm trên
cũng không hợp lý, vì trong thực tế có quá nhiều loại giấy phép,
chứng chỉ hành nghề và chúng thường xuyên bị thay đổi, bổ sung.
Ba là,
người có thẩm quyền XPVPHC trong lĩnh vực nào có thẩm quyền áp dụng
hình thức tước quyền sử dụng loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề
trong lĩnh vực đó. Quan điểm này hợp lý hơn cả, vì nó phù hợp với
căn cứ xác định thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo lĩnh vực thực
hiện VPHC được nêu tại mục 2.2 của bài viết này. Do đó, Luật XLVPHC
chỉ cần liệt kê những người có thẩm quyền áp dụng hình thức tước
quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà không cần phải quy
định họ có thẩm quyền áp dụng hình thức này đối với những loại giấy
phép, chứng chỉ hành nghề nào. Vì đương nhiên, người có thẩm quyền
ra quyết định xử phạt đối với VPHC được thực hiện trong lĩnh vực nào
chỉ có thẩm quyền áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép,
chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực đó.
Thứ năm,
chỉ một số người có thẩm quyền XPVPHC mới có quyền áp dụng hình thức
tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Trong đó, một
số người chỉ có quyền áp dụng hình thức này nếu tang vật, phương
tiện bị tịch thu có giá trị không quá lớn. Ví dụ: theo Khoản 3 Điều
28 của Pháp lệnh, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền tịch thu tang vật,
phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến
2.000.000 đồng. Như vậy, để ra quyết định XPVPHC, những người
này cần phải xác định được giá trị thực tế của tang vật, phương tiện
bị tịch thu - một công việc không hề đơn giản và cần phải có thời
gian. Do đó, Luật XLVPHC không nên giới hạn về giá trị của tang vật,
phương tiện VPHC bị tịch thu là căn cứ để xác định thẩm quyền ra
quyết định xử phạt.
Thứ sáu,
chỉ một số người có thẩm quyền XPVPHC mới có quyền áp dụng các biện
pháp khắc phục hậu quả và một số hình thức xử phạt bổ sung khác. Ví
dụ: Chiến sĩ Công an nhân dân không có quyền áp dụng bất kỳ biện
pháp khắc phục hậu quả nào; Chủ tịch UBND cấp xã không có quyền áp
dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả; Chủ tịch
Uỷ ban chứng khoán nhà nước có quyền áp dụng các hình thức xử
phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và
khoản 3 Điều 119 của Luật Chứng khoán, nhưng không có quyền áp dụng
các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 3 Điều 12
của Pháp lệnh([5][5]).
Như vậy, để ra quyết định XPVPHC theo đúng quy định
của Pháp lệnh, người có thẩm quyền XPVPHC phải xác định được các
hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả cần áp dụng và
mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với VPHC đã được
phát hiện. Sau đó, đối chiếu với thẩm quyền xử phạt của mình, nếu
phù hợp thì ra quyết định xử phạt. Trong trường hợp thấy một trong
các hình thức, biện pháp hay mức tối đa của khung tiền phạt này
không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển hồ sơ vụ VPHC đến
người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
2.4. Căn cứ vào trường hợp vi phạm hành chính
Khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh quy định: “Khi quyết
định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi VPHC, thì người có
thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình
thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm”. Để xác định thẩm
quyền ra quyết định xử phạt trong trường hợp này, khoản 3 Điều 42
của Pháp lệnh quy định: “Trong trường hợp xử phạt một người thực
hiện nhiều hành VPHC thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo
nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với
từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền
xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với
một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì
người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều
người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch
UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm”.
Như vậy, các căn cứ để xác định thẩm quyền ra quyết
định xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 3 Điều 42
nêu trên gồm: hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành
vi VPHC, lĩnh vực và địa điểm thực hiện của từng hành vi. Tuy vậy,
các căn cứ nêu trên là chưa đủ để xác định thẩm quyền ra quyết định
XPVPHC trong một số trường hợp có thể xảy ra. Đây cũng là những hạn
chế của Pháp lệnh cần được khắc phục khi ban hành Luật XLVPHC, cụ
thể:
Thứ nhất,
Pháp lệnh không quy định khi xử phạt nhiều người cùng thực hiện
một hành vi VPHC, thì người có thẩm quyền ra mấy quyết định và các
căn cứ để xác định thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Thứ hai,
Pháp lệnh không quy định các dấu hiệu cần thiết để xác định trường
hợp một người thực hiện nhiều hành vi VPHC.
Thứ ba,
như đã nêu ở 2.3 của bài viết này, thẩm quyền áp dụng các biện pháp
khắc phục hậu quả là căn cứ cần thiết để xác định thẩm quyền ra
quyết định XPVPHC. Tuy nhiên, các quy định tại Khoản 2 Điều 56 và
Khoản 3 Điều 42 nêu trên lại không quy định về vấn đề này.
Thứ tư,
Pháp lệnh không quy định các căn cứ cần thiết để xác định thẩm quyền
ra quyết định xử phạt trong trường hợp: một người thực hiện nhiều
hành vi VPHC mà các hành vi này được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương khác nhau và thuộc thẩm quyền xử phạt của
nhiều người thuộc các ngành khác nhau.
Do đó, về các vấn đề
này, Luật XLVPHC nên quy định:
“Khi xử phạt nhiều người cùng thực hiện một hành vi
VPHC, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt. Trong
đó quyết định hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
(nếu có) đối với từng người vi phạm.
Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC là trường hợp
có đủ căn cứ để khẳng định một người đã thực hiện nhiều hành vi VPHC
mà các hành vi này chưa được thụ lý để ra quyết định xử phạt theo
quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, Luật XLVPHC cần bổ sung thẩm quyền áp dụng
các biện pháp khắc phục hậu quả là căn cứ cần thiết để xác định thẩm
quyền ra quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi VPHC.
Thêm nữa, trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi VPHC mà
các hành vi này được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương khác nhau và thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người
thuộc các ngành khác nhau thì việc ra quyết
định xử phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi thực
hiện hành vi VPHC sau cùng. |