Ngày 24/11/2015
Tại kỳ họp
thứ 8 Quốc hội khoá XI ngày 29-11-2005 Quốc hội nước ta đã thông qua Luật phòng,
chống tham nhũng và tại Điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định 12
hành vi tham nhũng chứ không phải là 11 hành vi hay 7 hành vi như Pháp lệnh sửa
đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 28-4-2000 của Uỷ ban
thường vụ Quốc hội nữa.
Lẽ ra sau khi Luật phòng, chống
tham nhũng có hiệu lực, những hành vi đã được quy định tại Điều 3 Luật phòng,
chống tham nhũng” cần phải quy định là tội phạm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên
năm 2009 Quốc hội vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Nay BLHS năm 2015 vẫn chỉ quy
định 7 tội danh tương ứng với 7 hành vi tham nhũng chứ không phải 12 tội danh.
Căn cứ vào quy định tại Điều 3
Luật phòng, chống tham nhũng thì Bộ luật hình sự năm 2015 cần bổ sung thêm 5 tội
phạm về tham nhũng, cụ thể như sau:
1. Theo quy
định tại khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi đưa hối lộ, môi
giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công
việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi là hành vi tham
nhũng, nhưng BLHS 2015 chỉ coi hành vi này là tình tiết định khung tăng nặng đối
với tội đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ. Do đó cần quy định tội
“lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ”.
2. Theo quy
định tại khoản 9 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi lợi dụng chức
vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi là hành vi tham
nhũng nhưng BLHS 2015 cũng chỉ quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là
tình tiết định khung tăng nặng đối với tội sử dụng trái phép tài sản. Do đó cần
quy định tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng
trái phép tài sản của nhà nước”.
3. Theo quy
định tại khoản 10 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi nhũng nhiễu vì
vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Hành vi này cũng đã được quy định tại điểm đ
khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ với tên gọi là “sách nhiễu”.
Sách nhiễu và nhũng nhiễu tuy về bản chất giống nhau nhưng là hai khái niệm khác
nhau. Sách nhiễu cũng là nhũng nhiễu nhưng là để đòi hỏi người bị sách nhiễu
phải đáp ứng yêu cầu của người có hành vi sách nhiễu (đòi hối lộ), còn nhũng
nhiễu có nội dung rộng hơn sách nhiễu, có những hành vi nhũng nhiễu không mang
tính chất của sách nhiễu (đòi hối lộ). Tuy nhiên, hành vi sách nhiễu cũng chỉ
được coi là tình tiết định khung đối với tội nhận hối lộ. Do đó cần quy định tội
“nhũng nhiễu vì vụ lợi”.
4. Theo quy
định tại khoản 11 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi không thực
hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Hành vi này cũng đã
được quy định trong Bộ luật hình sự như: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả
nghiêm trọng (Điều 360); tội đào nhiệm (Điều 363) và một số tội xâm phạm hoạt
động tư pháp như: tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều
369); tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 376); tội không thi
hành án (Điều 379); tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ
chối cung cấp tài liệu (Điều 383). Nhưng tất cả tội phạm này dấu hiệu vì vụ lợi
không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm, mặc dù trong một số tội có
thể người phạm tội vì vụ lợi. Tuy nhiên, nếu vì vụ lợi mà phạm tội thì tuỳ
trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm
khác tương ứng như: nhận tiền hoặc tài sản mà không ra quyết định thi hành án
thì ngoài tội “không ra quyết định thi hành án” người phạm tội còn bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội “nhận hối lộ”. Nay Luật phòng, chống tham nhũng quy
định hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi tham nhũng.
Do đó, vẫn cần phải quy định tội “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ
lợi”. Tuy nhiên, những hành vi đã được quy định ở các tội phạm khác
trong Bộ luật hình sự thì không bị xử lý về tội “không thực hiện nhiệm vụ, công
vụ vì vụ lợi” nữa. Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của việc phòng, chống
loại tội phạm này.
5. Theo quy
định tại khoản 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi lợi dụng chức
vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản
trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi đều là hành vi tham nhũng. Tuy BLHS 2015
đã quy định hành vi bao che cho người có hành vi phạm tội tại Điều 223, khoản 2
Điều 389; hành vi can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án đã được quy định tại Điều 358 -Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây
ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Điều 372-Tội ép buộc người có thẩm quyền
trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật; Điều 381-Tội cản trở việc thi hành
án. Tuy nhiên, so với khoản 12 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng thì còn nhiều
hành vi chưa được quy định là hành vi tội phạm, nhất là đối với hành vi bao che
cho người có hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác mà
hành vi này chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, cần quy định một tội “Bao che
cho người có hành vi vi phạm pháp luật” để điều chỉnh tất cả các hành vi
bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi chứ không chỉ có hành
vi phạm tội.
Đinh
văn Quế -
Nguyên
Chánh tòa hình sự TANDTC
|