Ngày 24/11/2015
Ngay sau khi Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của
Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 có
hiệu lực ngày 30/6/2016, cùng ngày Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 hướng dẫn áp dụng một số
quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 làm cơ sở áp dụng thống nhất trong quá
trình xử lý các hành vi phạm tội, trong đó có một số vấn đề cần phải đặc biệt
quan tâm. Sau đây chúng tôi đưa ra những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều liên
quan đến một số nội dung hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP để cùng
nghiên cứu, trao đổi như sau:
1. Xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
1.1. Phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người từ đủ
14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP quy định: “Kể
từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 đến ngày Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu
lực thi hành, chỉ áp dụng quy định của Bộ
luật hình sự số 15/1999/QH10 (được
sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) để xử lý
hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy
định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số
15/1999/QH10
(được sửa đổi, bổ sung theo Luật số
37/2009/QH12) và khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự
số 100/2015/QH13”.
Hướng dẫn nêu rõ là chỉ áp dụng BLHS năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau
đây gọi tắt là BLHS năm 1999) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến
dưới 16 tuổi khi thỏa 02 điều kiện:
(1) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999;
(2) Đối với các loại tội phạm trong phạm vi 29 tội danh được
quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. [1]
Vấn đề ở đây là áp dụng hướng dẫn này như thế nào, bởi phạm
vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quy
định ở BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 là khác nhau. Ví dụ: A 15 tuổi phạm tội cố
ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 có khung hình phạt là cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu căn cứ
khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999 thì A không phải chịu TNHS do tội phạm A thực
hiện chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng. Nếu căn cứ theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm
2015 thì A phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích dù đó là tội phạm ít
nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Như vậy trong trường hợp này chúng ta vận dụng
hướng dẫn tại khoản 1, Điều 4 Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP nêu trên như thế nào?
Có ba quan điểm trái chiều liên quan đến nội dung hướng dẫn này như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Kể từ ngày
09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu
lực thi hành, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng quy định của BLHS năm 1999
để truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất
nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định khoản 2,
Điều 12 BLHS năm 1999 và các tội phạm được quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS
năm 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo tinh
thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì các quy định có lợi cho người phạm tội được
quy định tại BLHS năm 2015 được tiếp tục áp dụng, do đó chỉ được truy cứu TNHS
người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố
ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong phạm vi 22 tội danh được liệt kê từ điểm a
đến điểm e khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Kể từ ngày
09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu
lực thi hành, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng quy định của BLHS năm 1999
để truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với các tội phạm rất
nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với 28 tội danh
được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015.
Phân tích quan điểm thứ nhất cho thấy việc vừa truy cứu TNHS
người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý
hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999
và vừa truy cứu TNHS đối với các tội phạm quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm
2015 là không phù hợp với việc tiếp tục áp dụng các quy định khác có lợi cho
người phạm tội quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1, Nghị quyết 144/2016/QH13,
bởi trừ 22 tội danh quy định từ điểm a đến điểm e, khoản 2, Điều 12 BLHS năm
2015 thì đối với 07 tội danh còn lại được liệt kê vừa có tội phạm ít nghiêm
trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt ngiêm trọng. Điển
hình như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
và tội hiếp dâm, khung hình phạt thấp nhất của hai tội danh này lần lượt chỉ với
06 tháng đến 03 năm và 02 năm đến 07 năm. Nếu xử lý hình sự đối với người từ đủ
14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp này là làm bất lợi cho họ so với quy
định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999.
Quan điểm thứ hai có vẻ phù hợp với việc áp dụng quy định có
lợi cho người phạm tội theo tinh thần của Nghị quyết 144/2016/QH13 như đã phân
tích trên. Tuy nhiên nếu chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
trong phạm vi 22 tội danh được liệt kê từ điểm a đến điểm e khoản 2, Điều 12
BLHS năm 2015 thì sẽ bỏ lọt 07 tội danh khác cũng được quy định trong khoản 2,
Điều 12 BLHS năm 2015 gồm: Tội giết người; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (tội
hiếp dâm trẻ em); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (tội cưỡng
dâm trẻ em); tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi theo quy
định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16
tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với các
tội danh này, thì vẫn bị truy cứu TNHS. Như vậy việc xử lý hình sự người từ đủ
14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm
trọng trong trường hợp này không làm bất lợi cho họ, do đó quan điểm thứ hai này
cũng chưa thật sự hợp lý.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba nêu trên, bởi lẽ căn
cứ theo điểm a, khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì kể từ ngày
01/7/2016 các quy định có lợi cho người phạm tội được tiếp tục áp dụng cho đến
khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành,
trong đó có quy định là “Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi
đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm
2015” (Điểm đ, khoản 2, Điều 1, Nghị quyết 109/2015/QH13). Như vậy phạm vi
truy cứu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với các tội phạm
rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng (thỏa điều kiện 1) trong
phạm vi 29 tội danh được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 (thỏa điều
kiện 2). Vấn đề đặt ra là tại sao khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 quy định 29 tội
danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS nhưng họ chỉ phải
chịu TNHS về 28 tội danh như quan điểm thứ ba đã nêu? Ta thấy trong phạm vi 29
tội danh liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 có “Tội sản xuất, mua bán,
trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái
pháp luật” nhưng đây là tội phạm mới, do đó theo hướng có lợi cho người phạm tội
thì không được áp dụng. Hơn nữa tội danh này chỉ là tội nghiêm trọng có khung
hình phạt cao nhất chỉ đến 07 năm tù.
1.2. Truy cứu TNHS người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.
Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn: kể
từ ngày 09/12/2015 không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16
tuổi chuẩn bị phạm tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe của người khác, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Như
vậy Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP không đề cập đến vấn đề là có áp dụng Điều 17 của
BLHS năm 1999 để xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị
phạm tội khác hay không? Có hai quan điểm giải quyết trong trường hợp này như
sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nếu không truy cứu
TNHS người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo đối với 04 tội phạm
nêu trên (khoản 3 Điều 14 BLHS năm 2015) thì phải áp dụng Điều 17 BLHS năm 1999
để xử lý người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội
rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bởi BLHS năm 1999 đang có hiệu lực áp
dụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Không truy cứu TNHS
đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội đối với bất kỳ tội
phạm nào theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội được quy định tại điểm a,
khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13.
Chúng tôi cho rằng quan điểm giải quyết thứ hai là hợp lý, vì
điểm a, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 quy định kể từ ngày 01/7/2016,
những quy định có lợi cho người phạm tội được tiếp tục áp dụng cho đến ngày Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, và chính
quy định này đã loại trừ TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị
phạm tội đối với mọi loại tội phạm, bởi phạm vi chịu TNHS trong trường hợp người
từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 3, Điều 14
BLHS năm 2015 là hẹp hơn so với quy định tại Điều 17 BLHS năm 1999.
[2]
Điều 17 BLHS năm 1999 quy định người chuẩn bị phạm một tội
rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu TNHS về tội
định thực hiện chứ không quy định chủ thể là người thành niên hay chưa thành
niên, do đó bất cứ người nào chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc
biệt nghiêm trọng thì phải chịu TNHS. Như vậy quy định tại Điều 17 BLHS năm 1999
là bất lợi hơn cho người phạm tội so với quy định tại khoản 3 Điều 14 BLHS năm
2015. Do đó theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết số
144/2016/QH13 nêu trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không phải
chịu TNHS về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với bất kỳ tội phạm nào.
Liên quan đến nội dung này, khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số
01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn về truy cứu TNHS trong trường hợp chuẩn bị phạm tội có
quy định: “Kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, chỉ
xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm quy định
tại khoản 2 Điều 12 và điểm b, điểm c, khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13”. Tuy nhiên hiện tại BLHS năm 2015 đã lùi hiệu lực thi hành
cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực.
Chúng ta chưa biết rõ là liệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm
2015 có sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự của người từ
đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hay không, nếu có sửa đổi những nội dung này thì
đương nhiên phải áp dụng các quy định đó. Vì thế chúng tôi cho rằng hướng dẫn
tại khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP là không phù hợp với tình
trạng hiệu lực của BLHS năm 2015 hiện nay.
2. Xử lý hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội
Điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng
dẫn: kể từ ngày 09/12/2015 không xử lý hình sự đối với người thực hiện
hành vi chuẩn bị phạm các tội, trừ các tội danh quy định tại khoản
2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo chúng tôi hướng dẫn như vậy là
không phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13
ở một số điểm. Bởi khoản 2 Điều 14 liệt kê một loạt các tội danh mà người chuẩn
bị phạm tội phải chịu TNHS, trong đó có tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng,
rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bắt người chuẩn bị phạm tội ít
nghiêm trọng, nghiêm trọng phải chịu TNHS là làm bất lợi cho người phạm tội so
với quy định tại Điều 17 BLHS năm 1999 là chỉ phải chịu TNHS đối với tội rất
nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Ví dụ cơ quan tố tụng xác định A chuẩn bị phạm tội cố ý gây
thương tích theo khoản 1, Điều 104 BLHS năm 1999 (khoản 1, Điều 134 BLHS năm
2015) nên đã truy cứu TNHS đối với A theo quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm
2015. Nhưng so với quy định tại Điều 17 BLHS năm 1999 thì A không phải chịu TNHS.
Trong trường hợp này rõ ràng là làm bất lợi cho người chuẩn bị phạm tội, không
phù hợp với nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội quy định tại
điểm a, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13.
Vấn đề khác là khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2014 có liệt kê tội
danh mới đó là tội cướp biển, nếu chiếu theo quy định như trên thì người chuẩn
bị phạm tội cướp biển phải chịu TNHS, trong khi hiện tại điều luật này chưa có
hiệu lực thi hành.
3. Xử lý hình sự người phạm tội trong trường hợp sửa đổi,
bổ sung cấu thành tội phạm ở một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015
Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về
việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 quy định kể từ
ngày 01/7/2016 là không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS
năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm,
bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn
bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn
điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh,
quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử
thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang
được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại;
trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành
án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Sẽ không có vấn đề gì vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật
đối với quy định này. Tuy nhiên vấn đề cần làm rõ ở đây là nếu như hành vi phạm
tội rơi vào những điều, khoản có sai sót về lỗi kỹ thuật trong BLHS năm 2015 về
định lượng, định khung hình phạt thì xử lý như thế nào? Ví dụ đối với tội chế
tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu
nổ tại Điều 305 BLHS năm 2015 (Điều 232 BLHS năm 1999) quy định:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua
bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc
từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy
chậm, dây nổ;
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100
kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000
mét dây cháy chậm, dây nổ;
.......................”
Như vậy mức định lượng quy định giữa khoản 2 và khoản 3 không
có sự liên tiếp nhau, giả sử A có hành vi mua bán trái phép 30,5 kg pháo
nổ thì trong trường hợp này xử lý hành vi mua bán trái phép thuốc nổ của A như
thế nào?
Theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số
01/2016/NQ-HĐTP thì kể từ ngày 09/12/2015 không xử lý hình sự đối với “Người
thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự số
15/1999/QH10 (được
sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) là tội phạm nhưng theo quy định của
Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ
sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó”.
Với nội dung hướng dẫn này cho thấy trong trường hợp nêu trên A không phải chịu
TNHS, bởi Điều 305 BLHS năm 2015 đã thay đổi yếu tố cấu thành tội phạm làm cơ sở
truy cứu TNHS, cụ thể là đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển,
sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ ở
mức từ trên 30kg đến dưới 31kg sẽ không phải chịu TNHS. Điều này
phù hợp với nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội quy định tại
Nghị quyết số 144/2016/QH13. Tuy nhiên vấn đề bất cập ở chỗ một hành vi được xem
là tội phạm rất nghiêm trọng, có khung hình phạt đến 10 năm tù quy định tại điểm
b, khoản 2 Điều 232 BLHS năm 1999 (Pháo nổ có số lượng từ 30 kg đến dưới 90 kg
theo hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 2.2, mục 2, phần I của Thông tư liên tịch
số số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC) nhưng chỉ vì lỗi kỹ thuật trong BLHS năm
2015 mà hành vi đó không được xem là tội phạm và không bị truy cứu TNHS.
Tương tự như vậy có rất nhiều
điểm trong BLHS 2015 có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm
cần phải được xem xét. Ví dụ: Tội đánh bạc; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt
tài sản; tội vi phạm các quy định về quản lý rừng; tội tàng trữ trái phép chất
ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng,
mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự;
tội ra bản án trái pháp luật…. Xét về góc độ pháp lý thì rất phù hợp với quy
định có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 144/2016/QH13, tuy nhiên quy
định như vậy sẽ không có tính hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh,
phòng chống tội phạm trong thời gian tới.
4. Kiến nghị
Qua nghiên cứu chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp quy
định, hướng dẫn còn chưa rõ, chưa bao quát hết các vấn đề liên quan đến việc áp
dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Với những hướng dẫn chung như vậy chưa
thể giải quyết hết những khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể
là áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như đã phân tích trên của các cơ
quan tiến hành tố tụng địa phương trong thời điểm giao thời hiệu lực BLHS hiện
nay. Với những hạn chế đó, thiết nghĩ liên ngành tư pháp trung ương cần rà soát,
thống kê, dự liệu các trường hợp phát sinh có thể xay ra và sớm có hướng dẫn cụ
thể để thống nhất trong việc áp dụng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn
thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015, khắc phục
những sai sót về kỹ thuật của BLHS năm 2015, đảm bảo là công cụ hữu hiệu trong
phòng chống tội phạm trong thời gian tới./.
Huỳnh Thanh Đạm
(Phòng 7 - VKSND tỉnh Kiên Giang)
|