Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư pháp

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh nuôi dưỡng khát vọng thành lập một nhà nước kiểu mới. Sau cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ sở nhận thức trước đây về một nhà nước “Phải có Thần linh pháp quyền”, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền lực của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phải thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân. Đó là một nhà nước dân chủ-dân là chủ và dân làm chủ. Đồng thời, nhà nước đó phải vận hành và quản lý bằng pháp luật, kết hợp chặt chẽ với giáo dục đạo đức... Đó là cơ sở tư tưởng đặt nền móng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền, về công tác tư pháp. Ra đi tìm đường cứu nước năm 191

Nội dung tư tưởng “Hồ Chí Minh với công tác tư pháp” thể hiện một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tập trung ở các vấn đề cơ bản sau:

Một là, cán bộ thực hiện công tác tư pháp phải “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối vững mạnh, trong sạch, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; đặc biệt là thế hệ trẻ trở thành con người vừa hồng vừa chuyên. Suốt cả cuộc đời Người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập dân tộc, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và cho toàn thể nhân loại. Người coi trọng cả đức và tài, song đức là gốc. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập, rèn luyện, phấn đấu suốt đời.

Đối với từng lĩnh vực công tác, mỗi đối tượng khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những tư tưởng tình cảm, lời dạy, nhắc nhở ân cần, cụ thể. Bác hiểu rõ đặc trưng, nhiệm vụ đặc thù của đội ngũ cán bộ tư pháp. Người khẳng định: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền". Vì vậy, chỉ 10 ngày sau khi giành được chính quyền (ngày 19/8/1945), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được thành lập, đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành tư pháp. Bác dặn dò: tư cách đạo đức của cán bộ được đo bằng sự tin yêu, quý mến của người dân. Với riêng cán bộ tư pháp phải lấy công việc phụng sự nhân dân làm lẽ sống, làm mục tiêu phấn đấu, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 02 năm 1948, Người viết: “cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hoạt động của mình, đã nêu tấm gương sáng về việc tuân thủ luật pháp, tôn trọng kỷ cương. Bản thân Người luôn đề cao và coi trọng phép nước, thiết diện vô tư, kiên quyết, cứng rắn, công bằng, công minh. Những câu chuyện về việc Người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, hay đơn giản là tôn trọng quy định của nhà chùa cởi dép khi vào lễ Phật, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức Đảng,… được nhân dân truyền tụng, học tập, có sức giáo dục to lớn cho cán bộ, nhân dân trong việc thực thi pháp luật.

Đối với người cán bộ tư pháp, Người không chỉ đòi hỏi phải chí công vô tư mà còn phải biết phụng công, thủ pháp. Cán bộ tư pháp là những người phụ trách thi hành pháp luật, nên lẽ dĩ nhiên, phải hết lòng vì cái chung, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng, công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần cao nhất. Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư là những tiêu chuẩn làm nên bản chất mới của cán bộ tư pháp, suy rộng ra là của cả nền tư pháp mới. Người đã từng căn dặn người cán bộ tư pháp phải công bằng, không được lẫn lộn giữa công và tội, có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt và không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công. Và Người quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”, Người căn dặn: “...Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”. Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện. Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và năm 1959; đã ký lệnh công bố 16 luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.

Hai là, cán bộ tư pháp khi thi hành công vụ phải ứng xử khoan dung, đúng mực, phải thể hiện phong cách ứng xử mà nhân dân ta kính trọng vinh danh là “Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh”

Khái niệm phong cách đã được bàn đến từ lâu. Ở phương Tây, phong cách thường được dùng theo nghĩa hẹp, đó là giới hạn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Với cách hiểu này thì phong cách là những đặc điểm có tính chất hệ thống về tư tưởng và nghệ thuật, là những đặc trưng và thẩm mỹ, nội dung, sự thể hiện của hình thức, nó tạo nên những giá trị riêng, độc đáo của nghệ sĩ. Như vậy, phong cách ở đây là một hiện tượng cá biệt chứ không phải là một hiện tượng phổ biến và chỉ những nghệ sỹ lớn, những tài năng lớn mới có phong cách. Vậy phong cách chính là con người, phong cách không thể bị tước đoạt, chuyển nhượng cũng không thể bị phai nhạt. Phong cách còn được biểu hiện theo nghĩa rộng đó là “lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm chất đã trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc của một lớp người, đã được thể hiện trong tất cả các mặt như: lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt…tạo nên những giá trị riêng biệt của chủ thể đó”. Với cách hiểu này chúng ta có thể nói đến phong cách một lãnh tụ, vĩ nhân.

Từ những cách hiểu trên chúng ta có thể đi đến một khái niệm chung về phong cách: “Phong cách là lề lối, cung cách làm việc, tư duy, diễn đạt, sinh hoạt ứng xử tạo nên vẻ riêng của một người, một loại người hoặc hoạt động nào đó”.

Trong cuộc đời hoạt động và vô cùng phong phú của mình, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng hết sức sâu sắc với tất cả những ai từng gặp làm việc với Người. Có thể nói giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, Người đã có một phong cách ứng xử ở tầm nghệ thuật gần như hoàn thiện làm cho mọi người có thể cảm nhận đầy đủ cái đẹp của cuộc sống, cũng như lòng cao thượng của nhân cách con người.

Như chúng ta đã biết, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một người sống ở nhiều nơi, hoạt động trên nhiều lĩnh vực và đảm nhiệm nhiều cương vị, chức vụ khác nhau nên đặc điểm nổi bật trong phong cách của Người là hết sức đa dạng và phong phú. Điều đó thể hiện, phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, một lãnh tụ thiên tài của Đảng và của dân tộc ta, một chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Phong cách của Người còn là phong cách của một nhà chính trị, một nhà ngoại giao, một nhà trí thức uyên bác. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta lại bắt gặp ở Người một phong cách hết sức bình dị, như một người nông dân trên đồng ruộng, công nhân trong nhà máy, như một chiến sĩ ngoài mặt trận, như một ông Ké ở Việt Bắc, như là người cha, người Bác thân quen trong gia đình.

Phong cách của Người là sự kết hợp của Đông-Tây, không chỉ là sự bao hàm của truyền thống mà còn cả hiện đại, không chỉ có quá khứ, hiện tại, mà còn cả tương lại. Vì vậy, những người nước ngoài khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh, dù là phương Đông hay phương Tây đều không thấy xa lạ. Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ có những gì thuộc về dân tộc của Người mà còn là của cả nhân loại.

Một nét nổi bật nữa trong phong cách của Người là sự thể hiện tác phong của một Lênin phương đông, một Giăng Đi Mác xít, một Oa Sinh Tơn Việt Nam, nhưng lại rất Hồ Chí Minh. Bằng chính phong cách của mình, Hồ Chí Minh đã thuyết phục mọi người khi Người còn sống và sức thuyết phục, chinh phục ấy vẫn tiếp tục mãi khi Người đã đi xa. Có thể nói, bất cứ ai đã từng được gặp Người, hoặc đã được tìm hiểu những gì mà cuộc đời của Người còn để lại thì tất cả đều cảm nhận cái vĩ đại, cái bất tử của Hồ Chí Minh. Những cái đó không phải chỉ thuộc về những tư tưởng lớn mà còn ở cả phong cách mẫu mực, mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo. Cái vĩ đại của Hồ Chí Minh không tách khỏi cái bình thường giản dị, nhưng cái bình thường có sức hấp dẫn có sức toả sáng, lôi cuốn để vươn tới cái đẹp rất vĩ đại. Người có một cách ứng xử rất tự nhiên, bình dị. Rất cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt, lại ân cần tế nhị đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em dù đó là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng hay chỉ là những nông dân bình thường. Nhiều lần, Người tiếp khách quốc tế tại nhà sàn bên ao cá chỉ với bộ quần áo Kaki bạc màu và đôi dép lốp cao su. Khi đi thăm bà con nông dân Bác mặt áo quần giống như nông dân, Người bỏ dép xắn quần lội ruộng, tát nước cùng bà con. Người cũng vui vẻ cùng múa hát với các cháu thiếu nhi trên thảm cỏ xanh trong khu Phủ Chủ tịch.

Với phong cách ứng xử như vậy, làm cho bất cứ ai gặp Người đều thấy thoải mái, tự nhiên, xua tan đi mọi sự e ngại hay sợ sệt. Đối với khách nước ngoài, hầu như Người bỏ hết các nguyên tắc ngoại giao cứng nhắc, mà ôm hôn một cách thắm thiết. Đối với đồng chí, đồng bào trong nước, Bác gần gũi quá thân mật, dường như không còn khoảng cách là một vị Chủ tịch nước mà là như người chú, người bác trong gia đình. Cuối 1963, theo lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế, Dương Bá Nuôi (Dương Bá Nuôi hiện nay là Thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt nam, về hưu ở Thừa Thiên- Huế) ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường Trị-Thiên-Huế với Bác Hồ và Trung ương Đảng. Lần đầu tiên gặp Bắc, đồng chí Dương Bá Nuôi rất hồi hộp. Biết đồng chí nuôi đang xúc động mạnh, Bác cười đôn hậu và nói:

“Bác cháu ta nói chuyện một chặp nhé”.

Rồi Bác hỏi đồng chí Nuôi về tình hình sức khoẻ và gia đình: “Quê ở đâu? Gia đình như thế nào?”.

Nghe Bác hỏi về gia đình, Nuôi hơi ngại vì anh là con quan lại phong kiến. Anh rụt rè: “Thưa Bác cháu là con quan”.

Bắc ngắt lời và dí dỏm: “Con quan thì tốt chứ sao, Bác cũng là con quan đấy. Thế đã được gọi là “Cậu ấm” chưa?’’.

Nghe Bác nói Dương Bá Nuôi nhẹ hẳn người. Chỉ một câu hỏi bình dị, giản đơn Bác đã đánh tan mặc cảm về thành phần giai cấp đè nặng lên tâm trí anh. Anh thấy Bác gần gũi với mình hơn. Bác là người cha, người thầy động viên anh suốt đời gắn bó với cách mạng.

Trong phong cách ứng xử của Người không có sự giả tạo hay gượng ép. Phong cách ấy bình dị đến mức hồn nhiên, thường làm cho mọi người ngỡ ngàng khi ai nấy đang ở trong tâm thế chờ đợi những ngôn từ, những cử chỉ trang trọng coi như những gì tất yếu phải có. Trong một buổi đón tiếp, Người đã rời khỏi hàng danh dự của những vị thượng khách để đến bắt tay chào hỏi một người quen biết từ lâu đứng phía sau, trước sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao và lo sợ của những nhân viên an ninh, lễ tân của nước chủ nhà. Trong buổi tiệc chiêu đãi, Người đã chọn những bông hoa hồng đẹp nhất để tặng những đại biểu nữ có mặt, hoặc có lần Người đã lấy phần một quả táo để về làm quà cho cháu nhỏ ở nơi Người đang ở,…

Khi Người tiếp một đoàn khách vào mùa đông, thấy có một vị khách ho, Người đã tặng khăn quàng của mình cho khách, dặn giữ ấm cổ để khỏi bị viêm họng. Khi đang đọc bản tuyên ngôn lịch sử giữa Ba Đình, Người dừng lại giây phút để hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Thật là bất ngờ nhưng cũng rất bình dị, hồn nhiên, đó là nét tiêu biểu cho cách giao tiếp của Hồ Chí Minh với quần chúng nhân dân, với cả dân tộc. Có thể nói, giao tiếp trở thành mối giao hoà, trong đó chủ thể và đối tượng đã hoá thân vào nhau. Chỉ một câu nói vậy thôi mà mọi người xiết bao cảm động, nó có giá trị lớn hơn biết bao nhiêu bản tuyên bố hay những lời hứa hẹn, bởi vì nó còn đọng lại mãi mãi trong lòng dân tộc về một kiểu giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân.

Bằng phong cách ứng xử của mình, Hồ Chí Minh đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn, nhiều vị đại thần thuộc Nam Triều hay chính phủ dưới chế độ cũ, nhiều vị chức sắc tôn giáo, nhiều vị lãnh đạo của các dân tộc thiểu số,…tham gia vào việc lớn của dân tộc, tạo cho họ niềm tin bằng chính phong cách ứng xử của mình. Đặc biệt năm 1968, hoà thượng Thích Đôn Hậu đã vượt qua cả ngàn cây số dưới mưa bom bão đạn ác liệt từ Chủ ra Hà Nội để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được tiếp xúc và làm việc với Người, hoà thượng đã viết những dòng cảm động: ‘‘Tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội chung quanh mình làm nên việc lớn cho dân, cho nước”.

Nhiều trí thức Việt kiều ở Pháp, qua tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin được về nước tham gia kháng chiến, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để được đóng góp tài trí của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc. Trong đó, tiêu biểu có kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện,…

Thái độ ứng xử của Hồ Chí Minh đối với Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) là một thí dụ điển hình cho tấm lòng khoan dung độ lượng, thể hiện sự thuyết phục, cảm hoá của Người đối với vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến cũ đã bị lật đổ. Ngày 04/9/1945, Vĩnh Thuỵ đã ra tới Hà Nội theo lời mời của Người. Qua tiếp xúc với Người, biết được tấm lòng của Người, Vĩnh Thuỵ đã mang ơn sâu nặng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được thể hiện rõ khi ông ta viết thư về cho mẹ là bà Từ Cung ở Huế với những dòng đầy xúc động: ‘‘Cụ Hồ tốt lắm! Con ra đây được cụ thương lắm! Cụ thương con như con. Ả(tức là mẹ) cứ yên tâm không phải lo chi cho con cả”. Sau này, do mắc những hạn chế về giai cấp và với sự lôi kéo của thực dân đế quốc, Vĩnh Thuỵ lại trở về với con đường cũ với sự kiện ngày 08/12/1947 về làm Quốc trưởng chính phủ bù nhìn thân Pháp. Hồ Chí Minh vẫn điềm tĩnh trả lời phỏng vấn các nhà báo trong và ngoài nước: ‘‘Chính phủ và nhân dân ta rất mong cố vấn Vĩnh Thuỵ không có những hành động trái ngược với nguyện vọng của dân tộc. Dù sao vận mệnh của dân tộc sẽ không vì một người hoặc nhóm người mà thay đổi”. Thái độ ứng xử ấy như một lời khuyên, một lời cảm tình đối với Vĩnh Thuỵ, mặt khác lại khẳng định con đường tất thắng của dân tộc, là những tấm gương có tính thời sự để cán bộ tư pháp noi gương Người khi hành xử công việc hằng ngày.

Ba là, hoạt động tư pháp phải đặt trên nền tảng có “sự thống nhất giữa Đức trị và Pháp trị”.

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh nuôi dưỡng khát vọng thành lập một nhà nước kiểu mới. Quan niệm về sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị” trong nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hoá phương Đông và từ tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những ông vua đức độ và kẻ sĩ hiền tài, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Hồ Chí Minh đã thực thi triệt để vấn đề “đức trị” với “pháp trị” trên cơ sở cách mạng, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm, vì hạnh phúc của nhân dân.

Pháp luật và đạo đức là hai lĩnh vực khác nhau thuộc hình thái ý thức xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức. Ngược lại, đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật. Bởi vì, nếu không kết hợp với tính nghiêm minh, khoa học của pháp luật thì giáo dục đạo đức trở thành vô nghĩa. Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh cho thấy rõ điều này. Chẳng hạn khi trả lời vụ Chu Bá Phượng, Người nói: Chính phủ đã cố gắng liêm khiết (tức là đạo đức). Nhưng nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Trước khi ký lệnh bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu, với một trái tim bao dung, độ lượng, Hồ Chí Minh rất đau lòng, suy nghĩ nhiều đêm. Nhưng rõ ràng, những vụ tham nhũng kiểu đó mà nếu chỉ kêu gọi, giáo dục đạo đức không thôi thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Phải có một bộ máy thể hiện tính khoa học và nghiêm minh của pháp luật. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nặng về giáo dục, nhẹ về xử phạt, nhưng cái gì cũng không dùng đến xử phạt thì không nên, sẽ mất cả kỷ luật. Trọn đời Hồ Chí Minh là một cuộc đời giáo dục mọi người làm người, lấy đức làm gốc. Bởi vì, dù tài giỏi đến mấy mà không có đức, không có căn bản thì không làm được cách mạng. Nhưng Người luôn quán triệt “đức trị” phải thống nhất với “pháp trị”. Trong Di chúc, Người viết: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người và quyền của các dân tộc, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03-9-1945), trong 6 nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ thứ ba là “chúng ta phải có ngay một hiến pháp dân chủ; phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để sớm có một Nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra. Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập uỷ ban dự thảo hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để chuẩn bị đệ trình Quốc hội thông qua.

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục nhân dân hiểu biết về pháp luật là cần thiết, vì điều đó tạo ra tính chủ động của người dân trong thực thi pháp luật. Nhưng cán bộ – nhất là cán bộ ngành tư pháp – làm gương trong việc tuân thủ pháp luật cũng rất cần thiết. Nói chung, đạo làm gương cần thiết trong mọi hoạt động. Bởi vì, văn hoá phương Đông chứa đựng một triết lý “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Hồ Chí Minh viết: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp”, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.

Tư tưởng “pháp trị” của Hồ Chí Minh đặc biệt thể hiện nổi bật ở việc bảo đảm tính khoa học, hiệu lực và nghiêm minh của pháp luật. Hơn hai tháng sau khi tuyên bố độc lập, ngày 23- 11-1945, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một Toà án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các uỷ ban nhân dân các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các Bộ).

Bốn ngày sau khi ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt, ngày 27/11/1945, Hồ Chí Minh lại ký tiếp Sắc lệnh ấn định hình phạt “Tội đưa và nhận hối lộ”. Đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai, và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Cuối năm 1945, khi giao cho đồng chí Lê Giản phụ trách ngành Công an (Ty Liêm phóng), Người đã dặn rằng: Chú phụ trách ngành này là phải “thiết diện vô tư”, tức là mặt sắt không thiên vị. Nếu chú không “thiết diện vô tư” thì Bác sẽ “thiết diện vô tư” đối với chú. Như vậy, chỉ trong vòng 3-4 tháng sau ngày tuyên bố nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ cho việc xây dựng bộ máy, trong đó có vấn đề chống tham nhũng, một trong những vấn đề lớn liên quan tới sự sống còn của chế độ mới. Ngay cả khi nói về Đảng, gắn với vấn đề pháp luật chống tham nhũng, Người khẳng định “nếu cần có đảng phái thì sẽ là đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Trong trường hợp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc. Và hai tội danh này đều xếp vào khung hình phạt tử hình theo Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt ngày 26-01-1946 do Hồ Chí Minh ký.

Trong năm 1946, những chuyện về ăn hối lộ, tham nhũng trong Chính phủ đã được Quốc hội nước ta lúc bấy giờ hết sức quan tâm. Đặc biệt là sau vụ Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ kinh tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến, là đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng, thành viên trong đoàn Chính phủ ta dự Hội nghị Fontainbleau, bị các nhà chức trách Pháp bắt được vì mang vàng đi buôn. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (tháng 11 năm 1946), có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ về vụ việc này. Thay mặt Chính phủ, Bác Hồ đã trả lời thẳng thắn rằng: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các uỷ ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nghiêm minh của pháp luật thật rõ ràng, dứt khoát: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Bước vào thập niên năm mươi, để tập trung mọi khả năng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác chỉnh Đảng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nghiêm minh với tội hối lộ. Ngày 24-01-1952, khi viết về “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin”, Người đã nhắc tới tính nghiêm khắc của Lênin trong việc xử bọn ăn hối lộ: “Đối với tệ tham ô hủ hoá, Lênin rất nghiêm khắc. Có một lần Toà án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lênin liền viết trong một bức thư: “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng”.

Trong kháng chiến chống Pháp (tháng 9 năm 1950), Bác Hồ, dù rất đau lòng, vẫn đã bác đơn xin ân giảm án án tử hình của Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu, phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng, truỵ lạc. Người tâm sự với Trần Đăng Ninh trước khi ký bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu: “Với loài sâu mọt đục khét nhân dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.

Để bảo đảm nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, với tư tưởng ‘tìm người tài đức”, chiêu hiền đãi sĩ, cầu người hiền tài, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Hồng” ở đây là nói tới phẩm chất đạo đức của người cán bộ công chức, mà hàng đầu và xuyên suốt là ý thức và tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Còn “Chuyên" là nói tới năng lực thực tế của công chức Việt Nam nói chung và năng lực trong việc giữ một nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước nói riêng với tinh thần “làm nghề gì cũng phải học”“làm nghề gì phải giỏi nghề đó”.

Bốn là, phấn đấu xây dựng “Định chế tư pháp bảo trợ” thật hoàn thiện là mong ước, hoài bão của Hồ Chí Minh khi xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Bắt nguồn từ tư tưởng yêu nước, thương dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi vừa giành được chính quyền dân chủ nhân dân, mặc dù phải đối phó thù trong, giặc ngoài (giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt,…) vẫn dành nhiều thời gian cho việc quy định chế định “tư pháp bảo trợ”, mà thực chất là trợ giúp pháp lý hiện nay - để hoạt động điều tra, xét xử tội phạm được bảo đảm tiến hành như quy trình tố tụng của các quốc gia văn minh, tiến bộ khác. Tư tưởng này xuất phát từ yêu cầu bảo vệ uy tín của Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ trong nhiệm vụ bảo vệ người dân, tránh oan sai, lạm quyền hoặc ức hiếp dân, cũng như không để lọt tội phạm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhằm bảo đảm có luật sư thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo trước các phiên xét xử tại Toà án của chế độ dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 10/SL ngày 10/10/1945 về việc duy trì tổ chức luật sư cũ. Hiến pháp 1946 (Điều 67) quy định: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Ngay sau đó, Chủ tịch đã ký các Sắc lệnh 13/SL ngày 24/1/1946, trong đó có quy định về chế độ “Tư pháp bảo trợ”: “nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một luật sư hoặc một bào chữa viên để bào chữa”. Tại Sắc lệnh số 113/SL ngày 28/6/1946 về lệ phí và án phí (Điều 7) cũng quy định “nguyên cáo hoặc bị cáo trong một việc hộ có quyền xin tư pháp bảo trợ”. Như vậy, chế định bảo trợ tư pháp cũng được áp dụng đối với các vụ việc dân sự do Toà xử.

Sắc lệnh số 217/SL ngày 22/11/1946 quy định về việc các vị Thẩm phán đệ nhị cấp (tỉnh và khu) có bằng Luật khoa cử nhân có thể ra làm luật sư với các điều kiện thời gian cụ thể (nếu có 3 năm thực hành chức vụ tư pháp trước các Toà án không phải tập sự, chưa đủ 3 năm phải tập sự luật sư thêm; nếu là Thẩm phán tại một quản hạt Toà thượng thẩm, mới thôi chức 1 năm thì không được mở Văn phòng luật sư ở quản hạt đó, vì vị Thẩm phán này vẫn có thể còn ảnh hưởng trong địa hạt và đặc biệt, không bị liên đới đến những vụ phải xử phúc thẩm và án kéo dài). Do số lượng luật sư còn quá nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu nên Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 và Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 đã quy định về việc mở rộng chế độ bào chữa, cho phép các bị can, bị cáo có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực trước các Toà án (trừ Toà án binh tại mặt trận).

Những quy định trên là bằng chứng cho thấy, tư pháp bảo trợ có vị trí rất quan trọng trong nền tư pháp dân chủ, vì ngay trong những ngày đầu tiên của một quốc gia mới tuyên bố độc lập, vấn đề tư pháp bảo trợ của quy trình tố tụng đã được quy định rất cụ thể, như “bản chất ruột” của nền tư pháp dân chủ gần dân, thân dân, của dân, do dân và vì dân. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy nước còn nghèo, dân còn đói, nhưng việc Hồ Chủ Tịch có chủ trương lấy công khố chi trả cho người tham gia bào chữa, miễn phí tư pháp cho đương sự là điều cần làm và đã cố làm để mọi tầng lớp nghèo khổ khi có sự vụ gắn với “pháp đình” đều có thể nhờ cậy vào công lý qua pháp luật. Có như thế, người dân mới sẵn sàng đề đạt, kháng cáo khi thấy vụ án còn chưa được xem xét, xử đúng và chưa tâm phục khẩu phục, từ đó nền tư pháp nước nhà mới là hiện thân của cán cân công lý. Tư tưởng và nội dung tư pháp bảo trợ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, thể hiện kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân loại vì công lý và công bằng trước pháp luật của mọi tầng lớp dân cư, của các quyền dân sinh, dân chủ và dân quyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì suy cho đến cùng “vấn đề tư pháp là ở đời và làm người”. Mấy ai nghĩ như vậy và dám nói câu đó; vì “ở đời”“làm người” cực khó, không phải ai cũng là vĩ nhân, cũng thoát ra được khỏi cái “tôi” nhỏ bé, tầm thường, thoát khỏi lòng ham muốn giầu sang, phú quý, danh lợi… Muốn “làm người” là phải vì cái chung, cái nhân phẩm và giá trị không thể mua bán như hàng hoá, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ công bằng và bình đẳng, bác ái mọi lúc, mọi nơi, trong lựa chọn giữa sự sống và cái chết, giữa tiến bộ với tư tưởng bảo thủ, lợi ích vị kỷ, vì sự vinh danh, chức quyền và sự yêu thích cá nhân. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đầy tính nhân văn sâu sắc, tư pháp là quyền lực của dân, tồn tại do dân nên làm gì thì cũng phải xuất phát từ đời thường, từ luật pháp cụ thể, đừng quan trọng hoá quá nhưng không được tầm thường nó, phải gắn với đời sống thường nhật của dân, với điều kiện sống, với phong tục, truyền thống tốt đẹp, với tiến bộ xã hội nhưng phải có cái tâm của con người, vì con người. Theo Người, cái gì tốt dù nhỏ cũng phải cố mà làm, cái gì xấu dù có lợi cho cá nhân mình cũng phải cương quyết bỏ, cũng như ở đời nếu cái mình không thích thì cũng không làm cho người, cư xử với người khác như với mình vì mình “làm người”. Chính vì vậy, “phải có người bào chữa nếu bị can, bị cáo không tự bào chữa được”, cũng như khi ta không làm được thì phải nhờ người - vì tư pháp của dân phải biết nghe và nghe nhiều tai, phải để người không có liên quan, có hiểu biết nhận định về hành vi phạm tội và nói từ góc độ của họ, đó là góc độ của người dân thường. Chế định bảo trợ tư pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, xuất phát từ các nguyên tắc tối thượng của các công ước nhân quyền là quyền bất khả xâm phạm trái pháp luật về tự do thân thể, nhân phẩm và tài sản của công dân; quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật và quyền suy đoán vô tội: không ai bị cho là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của một Toà án hợp pháp, vì không phải 100% người bị truy cứu là bị can, bị cáo đều là người đã phạm tội và có tội theo pháp luật.

Tóm lại, với những tư tưởng định hướng và bằng những hoạt động cụ thể của mình trên lĩnh vực tư pháp, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời của nền tư Pháp Việt Nam, để xây dựng một nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân, vận hành quản lý bằng pháp luật kết hợp chặt chẽ với việc giáo dục đạo đức, là sự thống nhất của “Đức trị và Pháp trị”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Bùi Đình Phong, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa Đức trị và Pháp trị”. Nguồn từ liệu từ trang web http://www.thehehochiminh.net

2. Bác Hồ với công tác thanh tra, nguồn tư liệu từ trang web http://www.thanhtra.hochiminhcity.gov.vn

3. PGS.TS Đặng Văn Hồ, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh-Một biểu hiện sinh động góp phần giáo dục Đạo đức thế hệ trẻ. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ” do Sở Văn hoá thông tin thể thao- Trường ĐHKH Huế-Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đồng tổ chức

4. Thực hiện lời Bác dạy:”Phung cộng, Thủ pháp, Chí công vô tư” nguồn tài liệu từ trang web Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

5. Tư tưởng, thể chế, điều kiện, và quan niệm về tư pháp bảo trợ. Nguồn tư liệu từ trang web “Nghiên cứu lập pháp- Văn phòng Quốc hội”

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H.1996

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, H.1996

8. PGS.TS Song Thành, “Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh-Sự thống nhất giữa Đức trị và Pháp trị”, Bộ Tư Pháp-Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý, H.1993.

9. Đặng Xuân Kỳ, “Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh”, Báo cáo đề tài KX02-03 (Đề tài cấp nhà nước về tư tưởng Hồ Chí Minh), H.1995.

PGS.TS Đặng Văn Hồ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133 - Fax :
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Quyền Trưởng Ban biên tập: Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng - TANDTC.

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 184/GP-TTÐT của Bộ thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Bản quyền thuộc Trung tâm tin học Tòa án nhân dân tối cao