Kỳ họp 11/2013 của Hội đồng Thẩm phán và một số vấn đề nghiệp vụ (P.1)
(Vụ án tranh chấp sở hữu nhà 523/20 Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh giữa ông Tuấn và bà Loan Anh)
Ông Trần Hán Tuấn là anh ruột bà Trần Loan Anh. Tại đơn khởi kiện đề ngày 17/4/2003, ông Tuấn khai rằng: Ông là người mua căn nhà 523/20 đường Nguyễn Tri Phương (số cũ là 523/499/120) của ông Mã Ghết Khung từ năm 1977 nhưng nhờ bà Anh đứng tên vì ông không có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm mua. Sau này ông có đồng ý chia cho bà Anh ½ nhà nhưng bà Anh lại chỉ đồng ý trả ông 1/3 nhà. Nay ông yêu cầu bà Anh trả lại ông toàn bộ nhà.
Bà Trần Loan Anh xác nhận có đồng ý chia cho ông Tuấn 1/3 nhà tại Giấy xác nhận ngày 09/4/2003 nhưng nay ông Tuấn đã khởi kiện thì không đồng ý chia nhà nữa mà yêu cầu xác định nhà tranh chấp là của bà.
Vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, và đã bị kháng nghị giám đốc thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm số 30/2007/DS-GĐT ngày 08/8/2007, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, giao cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo hướng: “yêu cầu ông Tuấn, bà Loan Anh cung cấp căn cứ chứng minh tiền mua nhà, nếu không chứng minh được tiền mua nhà của ai, ai góp bao nhiêu thì cần xác định căn nhà là tài sản chung của ông Tuấn và bà Loan Anh để chia cho mỗi bên ½ theo quy định của Bộ luật Dân sự về chia tài sản chung”.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1048/2009/DS-ST ngày 29/4/2009, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xử xác định nhà thuộc quyền sở hữu chung và chia cho bà Anh sở hữu nhà, ông Tuấn được thanh toán ½ giá trị nhà là 106,38 lượng vàng SJC.
Cả ông Tuấn và bà Anh đều kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 209/2010/DS-PT ngày 24/9/2010, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã sửa án sơ thẩm, chỉ buộc bà Anh trả cho ông Tuấn 1/3 trị giá căn nhà là 2 tỷ đồng. Ông Tuấn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm số 209/2010 đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 11/11/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm số 209/2010/DS-PT ngày 24/9/2010 và bản án dân sự sơ thẩm số 1048/2009/DS-ST ngày 29/4/2009; giao cho TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:
Giấy tờ mua bán được xuất trình không hoàn toàn phù hợp với lời khai của bên nào. Có một số nhân chứng tham gia chứng kiến việc mua bán (bà Mã Thị Giang là con người bán nhà Mã Ghết Khung, cụ Lâm Tích Trinh là mẹ của ông Tuấn và bà Anh) nhưng lời khai của họ cũng không thống nhất với nhau và mỗi người cũng trước sau không thống nhất. Các bên chỉ thừa nhận đã có sự kiện thỏa thuận chia nhà mặc dù không thống nhất được cụ thể tỷ lệ chia. Đây là tình trạng chưa chứng minh được sự thật về việc mua nhà.
Quyết định giám đốc thẩm tiếp tục khẳng định hướng giải quyết vụ án như Quyết định giám đốc thẩm số 30/2007 là: “Ông Tuấn và bà Loan Anh không cung cấp thêm được tài liệu chứng minh cụ thể mỗi người góp bao nhiêu tiền mua nhà thì chia cho ông Tuấn ½ giá trị căn nhà là có cơ sở”.
Như vậy, nghĩa vụ chứng minh là của các bên chứ không chỉ là nguyên đơn. Bên nào đưa ra yêu cầu thì có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu đó, đưa ra căn cứ để phản đối cũng phải chứng minh các căn cứ đó theo quy định tại Điều 79 BLTTDS. Khi đã có căn cứ là tài sản chung của hai bên mà cả hai bên không chứng minh được chính xác phần tài sản của mình thì cần xác định các bên được hưởng ngang nhau đối với tài sản chung chứ không phải là bác yêu cầu của cả hai bên.
Về tố tụng, tuy bên nào cũng yêu cầu sở hữu toàn bộ nhà chứ không yêu cầu chia nhà nhưng yêu cầu sở hữu nhà là yêu cầu lớn hơn yêu cầu chia nhà, bao gồm cả yêu cầu chia nhà nên Tòa án vẫn có thể chia nhà cho các đồng chủ sở hữu.
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
1.Đồng ý chia tài sản cho người khác là một căn cứ xác định tài sản chung nếu không có lý do khác.
2.Đã xác định tài sản chung mà không đủ chứng cứ để xác định chính xác phần của mỗi đồng chủ sở hữu thì cần xác định các đồng chủ sở hữu được hưởng ngang nhau về tài sản chung.
3.Tranh chấp quyền sở hữu thì trách nhiệm chứng minh là của các bên; không phải trong mọi trường hợp cứ bác yêu cầu của nguyên đơn thì tài sản tranh chấp thuộc bị đơn.
4.Không yêu cầu chia tài sản chung mà chỉ tranh chấp sở hữu cũng có thể chia tài sản chung vì yêu cầu đòi sở hữu đã bao gồm yêu cầu chia tài sản chung, trừ trường hợp đương sự khẳng định rõ không yêu cầu chia tài sản.