Năm 2008, A trộm cắp tài sản giá trị dưới 500 nghìn bị Tòa án xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng;
Năm 2009, A tiếp tục trộm cắp trong thời gian thử thách (tài sản trị giá 600 nghìn) bị Tòa án xử phạt 9 tháng tù về tội mới; Tổng hợp hình phạt, A bị phạt là 15 tháng tù và A được hoãn thi hành án; Theo Nghị quyết 33/2009/NQ-QH12 ngày 19-6-2009 thì A được xóa án tích nhưng Viện Kiểm sát chưa có văn bản đề nghị xóa án tích. Năm 2010, A phạm tội trộm cắp tài sản trị giá 2,5 triệu.
A chưa được xóa án tích, vậy A có phạm tội trộm cắp với tình tiết định khung tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo điểm c Khoản 2 Điều 138 không?
Trả lời
Điểm đ và Điểm e Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009 về Luật thi hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định như sau: “Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xoá án tích”.
Theo quy định này, A được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (15 tháng tù đang được hoãn) và đương nhiên được xóa án tích về tội đã phạm năm 2008 và 2009. Do vậy A không tái phạm và không tái phạm nguy hiểm.
Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát hay quyết định của Tòa án về việc xóa án tích chỉ là thể hiện về mặt hình thức, còn theo nội hàm của quy định tại Nghị quyết 33/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009, A đương nhiên đã được xóa án tích.
Chỉ có thể xử phạt A về tội trộm cắp đã phạm năm 2010.