Thư viện tài liệu
Giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam
 Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới nhằm “nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và ký luật, kỉ cương” 1. Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền là pháp luật phải luôn luôn được tôn trọng và được đặt ở vị trí thượng tôn; bất kỳ ai, dù ở cương vị nào cũng đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ là xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật; mà điều quan trọng hơn là phải đưa pháp luật vào thực thi trong đời sống xã hội; chuyển các quy phạm pháp luật thành nhân tố thường trực trong ý thức và trở thành phương tiện điều tiết; điều chỉnh hành vi pháp luật của mỗi công dân khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Con đường ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để đưa pháp luật vào đời sống xã hội chính là đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức nhà nước, các tầng lớp nhân dân nói chung, cho từng nhóm đối tượng xã hội cụ thể nói riêng; hướng tới cung cấp, trang bị cho họ những kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật.

        Nhận thức sâu sắc vai tròn, tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân nên Đảng, Nhà nước  ta rất coi trọng công tác này. Trong Văn kiện Đại hội VI- Đại hội của đường lối đổi mới Đảng ta đã nhấn mạnh: “ Coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn thể nhân dân,, cán bộ quản lý các cấp, từ Trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho nhân dân”2. Tinh thần coi trong giáo dục pháp luật tiếp tục được Đảng ta quán triệt trong các văn kiện Đại hội VIII, Đại hội IX; trong các chỉ thị, kết luận của Đảng,  như chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016.

1 Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.247.

2 Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật Hà Nội, 1987, tr.121.

        Trên cơ sở quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác giáo dục pháp luật, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; trong đó có quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 /4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thuwcschaaps hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012… Gần đây nhất, ngày 25/7/2017. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 705/QĐ-TTg Ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 với mục tiêu tổng quát là: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân ” {điểm 1, mục II, Điều 1}.

         Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách. Pháp luật của Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật góp phần thực hiên nếp sống và làm việc theo pháp luật bảo vệ pháp luật trong cán bộ, nhân dân… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có lúc, có nơi, công tác này còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, làm theo kiểu hình thức, đối phó, thiếu tính thường xuyên, liên tục nên hiệu quả không cao; nhận thức ý thức pháp luật trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhân dân chậm được cải thiện, chưa được nâng lên tương xứng với những thay đổi trong hệ thống pháp luật thời kỳ đổi mới. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta trong những năm qua cho thấy, do những hạn chế về trình độ học vấn, thiếu kiến thức , hiểu biết pháp luật nói chung, hiểu biết pháp luật hình sự nói riêng nên không ít người đã thực hiện hành vi phạm tội, bị tòa tuyên án, trở thành phạm nhân.

         Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Trong nhiều trường hợp, một người trở thành phạm nhân là do thiếu kiến thức, hiểu biết pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự; bởi vậy, trong quá trình chấp hành án phạt tù tại trại giam, theo quy định điều 28 Luật thi hành án hình sự, phạm nhân phải học pháp luật giáo dục công dân và được học văn hóa, học ngh. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân được cung cấp thông tin về thời sự, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục đích của hình phạt mà phạm nhân đang bị buộc phải chấp hành trong trại giam, theo điều 27 Bộ luật hình sự Việt nam, “ không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuốc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới”. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng đã dành Điều 21 để quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều đó nói lên rằng, cùng với giáo dục văn hóa, giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong các trại giam là một trong những hoạt động có vai trò hết sức quan trọng nhằm cung cấp, trang bị cho họ thông tin, kiến thức pháp luật, chuẩn bị hành trang để họ trở thành người có ích cho xã hội, không phạm tội mới sau khi kết thúc việc chấp hành án phạt tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng.

      Là những cơ quan thi hành án hình sự trực thuộc Bộ Công an, các trại giam ở nước ta trong những năm qua luôn phấn đấu hoàn thành tốt công tác tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, trong đó có công tac giáo dục pháp luật cho phạm nhân. Công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp phạm nhân nhận thức được tính chất, hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi phạm tội của họ gây ra, làm hình thành, củng cố ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của họ. Bên cạnh đó, cong tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở nước ta trong những năm qua cũng còn bộc lộ những hạn chế, nhược điểm nhất định, như vẫn còn hiện tượng phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam; còn có phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trịa giam, vẫn có phạm nhân phạm tội mới sau khi mãn hạn chấp hành án phạt tù… Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân chưa đạt mục đích, mục tiêu, hiệu quả như mong muốn; ngoài ra còn do ảnh hưởng của những nét đặc thù về điều kiện địa lý- tự nhiên, thành phần dân tộc, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán… của các vùng, miền khác nhau ở Việt Nam. Thực tế trên đây đã và đang đặt ra yêu cầu khách quan phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cả về lý luận và thực tiễn vấn đề giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam hiện nay.

         Tình hình nêu trên cho thấy việc nghiên cứ lý luận về giáo dục pháp luật cho phạm nhân, kháo sát, đánh giá thực trạng, nguyên nhân, chỉ ra những nét đặc thù, các yếu tốt ảnh hưởng tới công tác này  để trên cơ sở đó đề xuất quan điểm và luận giải những giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật cho phạm nhan ở Việt nam là một vấn đề có tầm quan trọng và mang tính cấp thiết cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Đó cũng là lý do từ lâu tác giả đã quan tâm nghiên cứu vấn đề này với kết quả là cuốn sách “Giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam” mà bạn đọc đang cầm trên tay.

          Mục đích của cuốn sách này là trên cơ sở nghiên cứu lý luận về giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam, khảo sát tình hình phạm nhân, điều tra xã hội học về thực trạng công tác giáo ducjh pháp luật cho phạm nhân trong những năm qua (đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập của công tác này, tìm nhiểu nguyên nhân của nó); từ đó, đề xuất quan điểm và các giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam hiện nay.

       Với việc cung cấp, bổ sung thêm các căn cứ lý luận và thực tiễn, góp phần làm phong phú và hoàn thiện thêm lý luận về giáo dục pháp luật cho một nhóm đối tượng xã hội đặc biệt là phạm nhân, tác giả hy vọng cuốn sách có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ việc học tập , nghiên cứu của những bạn đọc quan tâm đến chủ đề giáo dục pháp luật cho phạm nhân. Với sự đồng ý của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an (nơi tác giả đang công tác) về hướng nghiên cứu, cuốn sách sẽ được các cơ quan quản lý thi hành án hình sự và các cơ quan thi hành án hính sự thuộc Bộ Công an sử dụng làm luận cứ khoa học, tào liệu tham khảo phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở nước ta hiện nay.

      Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tác giả trân trong cám ơn Lãnh đạo Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trọ tư pháp, Bộ công an và các cơ quan hữu quan đã tạo điều kiên thuận lợi cho tác giả trong việc thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu trong quá trình viết sách; cảm ơn các nhà khoa học, các cơ sở tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ giáo dục và Đào tạo đã đóng góp ý kiến, chỉ dẫn khoa học giúp tác giả hoàn thành cuốn sách này.

       Mặc dù tác giả rất nỗ lực, song cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tác giả mong muốn được đồng nghiệp, bạn đọc lượng thứ, . đóng góp ý kiến để có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện cuốn sách.

         Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

Ý kiến góp ý
Họ và tên:
Địa chỉ mail của bạn:
Tiêu đề:
Chọn file: