Untitled Document
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN BANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ VIẾT
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Xuất phát từ lòng mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị trên cơ sở Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ký ngày 3 tháng 11 năm 1987.
Cho rằng việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư phát và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự có ý nghĩa quan trọng.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này và với mục đích ấy hai bên đã cử đại diện toàn quyền của mình.
Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Hiền.
Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Terebilov V.I.
Các đại diện toàn quyền, sau khi trao đổi giấy ủy quyền hợp pháp và hợp thức, đã thỏa thuận những điều sau đây:
Chương I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân nước này ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
2. Công dân của nước ký kết này được quyền tự do liên hệ với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công chứng (sau đây, gọi chung là cơ quan tư pháp) và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự của nước ký kết kia. Họ cũng có quyền bày tỏ ý kiến, đề đạt nguyện vọng, đưa đơn kiện và thực hiện những hành vi tố tụng khác trước các cơ quan trên theo những điều kiện mà nước ký kết kia dành cho công dân mình.
3. Những quy định trong các khoản 1 và 2 của Điều này cũng được áp dụng cho vấn đề lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án.
4. Những quy định của Hiệp định này cũng được áp dụng tương ứng đối với các pháp nhân của nước ký kết.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Cơ quan tư pháp của nước ký kết sẽ tương trợ nhau về tư pháp trong các vấn đề dân sự (kể cả lao động), gia đình và hình sự, theo những quy định trong Hiệp định này.
2. Cơ quan tư pháp của các nước ký kết cũng sẽ tương trợ về tư pháp cho các cơ quan khác của mỗi nước ký kết có thẩm quyền về các vấn đề ở khoản 1.
Điều 3. Cách thức liên hệ
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan tư pháp của nước ký kết liên hệ với nhau qua Bộ Tư pháp hoặc Viện Kiểm sát của mình, trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác; phía Liên Xô là Bộ Tư pháp hoặc Viện kiểm sát của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết; phía Việt Nam là Bộ Tư pháp hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Các cơ quan khác có thẩm quyền về dân sự, gia đình và hình sự gửi ủy thác tư pháp cho nhau qua các cơ quan tư pháp, trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác.
Điều 4. Phạm vụ tương trợ tư pháp
Các nước ký kết tương trợ nhau về mặt tư pháp bằng cách thực hiện việc ủy thác tiến hành các hành vi tố tụng riêng biệt đã được pháp luật của nước được ủy thác quy định, như tống đạt giấy tờ, khám xét, thu giữ và chuyển giao các vật chứng, tiến hành giám định, lấy lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người giám định, các bên đương sự và những người khác, xem xét vật chứng tại phiên tòa, thi hành các quyết định, dẫn dộ người phạm tội, điều tra hình sự hoặc chuyển giao tài liệu và cung cấp cho các tin tức khác.
Điều 5. Hình thức ủy thác tư pháp
1. Giấy ủy thác tư pháp cần nêu đủ các điểm sau đây:
1) Tên cơ quan ủy thác;
2) Tên cơ quan được ủy thác;
3) Tên công việc ủy thác;
4) Họ tên, quốc tịch, nghề nghiệp, nơi cư trú hay nơi tạm trú của các bên đương sự, bị can, bị cáo và cả của những người khác có liên quan đến việc ủy thác tư pháp;
5) Họ tên và địa chỉ của người đại diện trong tố tụng;
6) Nội dung ủy thác; riêng đối với vụ án hình sự thì còn phải miêu tả hoàn cảnh thực tế của tội phạm và nêu tội danh pháp lý.
2. Giấy ủy thác tư pháp phải có chữ ký và đóng dấu;
3. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, hai nước ký kết được sử dụng các giấy in sẵn bằng tiếng Nga và tiếng Việt, mà trước đó đã gửi mẫu cho nhau.
Điều 6. Cách thức thực hiện ủy thác tư pháp
1. Trong việc thưc hiện ủy thác tư pháp, cơ quan được yêu cầu áp dụng pháp luật của nước mình. Song nếu có đề nghị của cơ quan yêu cầu thì cũng có thể áp dụng các quy phạm tố tụng của nước ký kết có cơ quan yêu cầu, miễn là những quy phạm đó không mâu thuẫn với pháp luật của nước mình.
2. Trong trường hợp không có thẩm quyền, cơ quan được ủy thác sẽ chuyển việc được ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền.
3. Nếu việc được ủy thác không thể thực hiện được theo địa chỉ đã nếu trong giấy tờ ủy thác, thì cơ quan được yêu cầu sẽ căn cứ vào pháp luật của nước mình mà thi hành những biện pháp cần thiết để tìm ra địa chỉ đúng.
4. Theo yêu cầu của cơ quan của nước ủy thác, cơ quan của nước được yêu cầu sẽ thông báo kịp thời cho cơ quan đó và các bên liên quan biết thời gian và địa điểm thực hiện việc được ủy thác.
5. Nếu không thực hiện được việc ủy thác thì cơ quan được ủy thác sẽ gửi trả tài liệu và đồng thời thông báo lý do cho cơ quan ủy thác biết.
Điều 7. Gọi người làm chứng và người giám định
1. Người làm chứng hoặc người giám định, không kể là công dân nước nào, mà theo giấy gọi của cơ quan tư pháp được yêu cầu đến cơ quan yêu cầu, thì không thể bị truy cứu trách nhiệm, không bị bắt giữ hoặc không bị xử lý về hành vi phạm pháp thực hiện trước khi qua biên giới của nước yêu cầu. Những người đó cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm, không bị bắt giữ hoặc không bi xử lý vì những lời khai làm chứng và những kết luận có tư cách là người giám định, hoặc vì họ liên quan đến vụ án hình sự đang là đối tượng của tố tụng.
2. Người làm chứng hoặc người giám định không được hưởng sự bảo đảm nói ở khoản 1 nếu, mặc dù có khả năng, họ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày họ được báo là sự có mặt của họ không cần thiết nữa. Sẽ không tính vào thời gian mà họ không thể rời khỏi nước ký kết trên vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào họ.
3. Người làm chứng và người giám định được gọi sang lãnh thổ của nước ủy thác có quyền được hoàn lại các khoản chi phí về đi đường, về cư trú cũng như khoản tiền lương không được hưởng thù lao giám định. Ngoài ra người giám định còn đươc hưởng thù lao giám định. Giấy gọi phải ghi rõ các khoản tiền mà những người được gọi có quyền hưởng. Nếu người được gọi yêu cầu thì cơ quan của nước ký kết đã phát giấy gọi sẽ phải ứng trước một số tiền để thanh toán các khoản chi phí thích ứng.
Điều 8. Sự hợp lệ của giấy tờ
1. Các giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc chứng nhận trên lãnh thổ của một nước ký kết theo đúng thể thức quy định, được miễn thị thực khi đem sử dụng ở nước ký kết kia. Giấy tờ này bao gồm cả giấy tờ của công dân, nếu chữ ký của họ đã được chứng thực theo đúng những quy định hiện hành ở nước họ.
2. Những giấy tờ được coi là chính thức trên lãnh thổ của một nước ký kết thì trên lãnh thổ của nước ký kết kia cũng có giá trị như các giấy tờ chính thức của nước đó.
Điều 9. Chuyển giao giấy tờ liên quan đến quyền và lợi ích riêng của công dân
1. Nước ký kết này, thể theo yêu cầu nhận được qua đường ngoại giao, chuyển giao cho nước ký kết kia các giấy chứng nhận về hộ tịch, thời gian công tác, trình độ văn hóa và các giấy tờ khác có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân nước ký kết kia.
2. Các giấy tờ trên đây được chuyển giao bằng đường ngoại giao, không phải dịch và được miễn các khoản tiền.
Điều 10. Tống đạt giấy tờ
1. Cơ quan tư pháp của nước được yêu cầu sẽ căn cứ vào những quy định hiện hành của nước mình mà tống đạt giấy tờ, nếu những giấy tờ đó được viết bằng tiếng nước mình hoặc có kèm theo bản dịch được chứng nhận là đúng. Trong các trường hợp khác, chỉ tống đạt khi người nhận tự nguyện nhận.
2. Giấy ủy thác tống đạt giấy tờ cần ghi rõ địa chỉ người nhận và tên của giấy tờ đó.
3. Nếu việc tống đạt không thể thực hiện được theo địa chỉ đã nêu trong giấy ủy thác, thì cơ quan được ủy thác sẽ căn cứ vào pháp luật nước mình mà tiến hành các biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ đúng của người nhận; nếu không thể tìm được địa chỉ của người nhận, thì cơ quan được ủy thác sẽ thông báo cho cơ quan ủy thác biết và gửi trả các giấy tờ cần tống đạt.
Điều 11. Xác nhận việc tống đạt giấy tờ
Xác nhận việc tống đạt giấy tờ được thực hiện theo các quy định hiện hành về tống đạt của nước được yêu cầu. Giấy xác nhận cần ghi rõ thời gian, địa điểm tống đạt và họ tên người đã nhận giầy tờ.
Điều 12. Tống đạt giấy tờ và xét hỏi công dân của nước mình
Hai nước ký kết có quyền tống đạt giấy tờ và xét hỏi công dân của nước mình thông qua đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của mình.
Điều 13. Thông tin pháp luật
Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể theo yêu cầu của mỗi bên, sẽ thông báo cho nhau về các văn bản pháp luật đang có hiệu lực hoặc trước đây có hiệu lực trên lãnh thổ của nước mình và về vấn đề áp dụng các văn bản đó của các cơ quan tư pháp.
Điều 14. Tiếng nói
Trong việc tương trợ tư pháp các cơ quan của hai nước ký kết sẽ sử dụng tiếng Nga hoặc tiếng Việt nếu Hiệp định này không quy định khác.
Điều 15. Chi phí liên quan đến việc tương trợ tư pháp
1. Nước ký kết được yêu cầu sẽ không đòi thanh toán các chi phí trong việc tương trợ tư pháp. Mỗi nước ký kết chịu tất cả những chi phí về tương trợ tư pháp trên lãnh thổ của mình.
2. Cơ quan tư pháp được yêu cầu sẽ thông báo cho cơ quan tư pháp yêu cầu tổng số chi phí. Nếu cơ quan tư pháp yêu cầu thu được số chi phí này ở đương sự có trách nhiệm phải nộp, số tiền thu được sẽ thuộc quyền nước ký kết đã thu.
Chương II.
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ GIA ĐÌNH
Điều 16. Miễn cược án phí
Không thể bắt buộc công dân của một trong hai nước ký kết đang sống trên lãnh thổ của một trong hai nước này phải nộp tiền cược án phí khi họ tham gia tố tụng ở nước ký kết kia, chỉ vì họ là người nước ngoài hoặc vì họ không có chỗ thường trú ở nước ký kết, nơi họ tham gia tố tụng.
Điều 17. Những ưu đãi trong tố tụng
1. Công dân của một nước ký kết được miễn trên lãnh thổ của nước ký kết kia các khoản lệ phí và chi phí liên quan đến việc giải quyết vụ án, cũng như được hưởng sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như đối với công dân của nước ký kết kia.
2. Những ưu đãi quy định ở khoản 1 được áp dụng đối với tất cả các hành vi tố tụng, kể cả việc thi hành quyết định của Tòa án.
Điều 18.
1. Những ưu đãi quy định ở Điều 17 được cho hưởng trên cơ sở các giấy tờ về tình trạng nhân thân, gia đình và tài sản của người ưu đãi. Giấy tờ này do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi trú quán hoặc tạm trú của người xin ưu đãi cấp.
2. Nếu người xin ưu đãi không có nơi cư trú hoặc nơi tạm trú trên lãnh thổ của hai nước ký kết, thì chỉ cần giấy chứng nhận do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ký kết mà người ấy là công dân cấp.
Điều 19.
1. Công dân của một nước ký kết muốn xin hưởng trên lãnh thổ của nước ký kết kia các ưu đãi quy định ở Điều 17, có thể đưa đơn qua cơ quan có thẩm quyền của nước mình. Cơ quan này sẽ chuyển đơn kèm theo các giấy chứng nhận quy định ở Điều 18 và những giấy tờ cần thiết khác của người đứng đơn cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia.
2. Cùng một lúc với việc chuyển đơn xin hưởng các ưu đãi quy định ở Điều 17, có thể chuyển cả đơn khởi tố cũng như đơn xin chỉ định người đại diện hoặc những nơi cần thiết khác.
3. Cơ quan giải quyết đơn xin ưu đãi có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy chứng nhận giải thích hoặc cung cấp thêm những điều cần thiết.
Điều 20. Đình chỉ vụ kiện
Nếu Tòa án của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền theo Hiệp định này hoặc trong trường hợp Hiệp định này không quy định mà họ có thẩm quyền theo pháp luật của nước mình, cùng thụ lý một vụ kiện có cùng một bên đương sự và cùng một nội dung, thì Tòa án nào thụ lý sau sẽ phải đình chỉ tố tụng và báo cho các bên đương sự biết.
QUY CHẾ NHÂN THÂN VÀ LUẬT GIA ĐÌNH
Điều 21. Năng lực hành vi và năng lực pháp lý
1. Năng lực hành vi của một người do pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân quy định.
2. Khi ký kết những giao kèo nhỏ phục vụ sinh hoạt thì năng lực hành vi của một người do pháp luật của nước ký kết nơi ký giao kèm quy định.
3. Năng lực pháp lý của một pháp nhân do pháp luật của nước ký kết đã thành lập pháp nhân đó quy định.
Điều 22. Công nhận người mất tích hoặc chết và xác nhận sự kiện chết
1. Việc công nhận một người mất tích hoặc chết cũng như việc xác nhân sự kiện chết thuộc thẩm quyền những cơ quan của nước ký kết mà theo những tin tức cuối cùng, người đó là công dân khi còn sống.
2. Theo đơn yêu cầu của người cư trú trên lãnh thổ nước mình, các cơ quan tư pháp tư pháp của nước ký kết này có thể công nhận việc mất tích, việc chết hoặc xác định sự kiện chết của công dân nước ký kết kia, nếu theo pháp luật của nước họ đang cư trú người đứng đơn có quyền và lợi ích.
3. Trong những trường hợp nói ở các khoản 1 và 2 trên đây, các cơ quan tư pháp của các nước ký kết áp dụng pháp luật cho nước mình.
Điều 23. Kết hôn
1. Việc kết hôn giữa công dân nước ký kết này với công dân nước ký kết kia phải tuân theo những điều kiện kết hôn do pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân quy định. Ngoài ra, người kết hôn phải tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành việc kết hôn về những trường hợp ngăn cấm kết hôn.
2. Nghi thức kết hôn do pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành việc kết hôn quy định.
Điều 24. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng
1. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng đang cùng sống được quy định theo pháp luật của nước ký kết ở đó họ có nơi thường trú.
2. Nếu hai vợ chồng cùng quốc tịch mà người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này, người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa họ sẽ theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.
3. Nếu hai vợ chồng không cùng quốc tịch mà người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này, người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa họ sẽ theo pháp luật của nước ký kết ở đó họ có nơi cư trú chung cuối cùng.
4. Nếu hai vợ chồng, nói ở khoản 3 trên đây, mà không có nơi cư trú chung, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết có Tòa án đã nhận đơn kiện.
5. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thuộc về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng là các cơ quan của nước ký kết được phép áp dụng pháp luật của mình theo những khoản 1, 2 và 3. Đối với trường hợp quy định ở khoản 4 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án của cả hai nước ký kết.
Điều 25. Ly hôn
1. Nếu hai vợ chồng cùng là công dân một nước ký kết thì việc ly hôn sẽ tiến hành theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân khi đưa đơn ly hôn.
2. Nếu hai vợ chồng người có quốc tịch của nước ký kết này, người có quốc tịch của nước ký kết kia thì cơ quan tư pháp đã nhận đơn sẽ tiến hành tố tụng theo pháp luật của nước mình.
3. Về trường hợp ly hôn nói ở khoản 1 điều nay, thì thẩm quyền giải quyết thuộc về các cơ quan tư pháp của nước ký kết mà cả hai vợ chồng là công dân khi đưa đơn ly hôn. Nếu khi đưa đơn ly hôn cả hai vợ chồng đều cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì các cơ quan tư pháp của nước ký kết kia cũng có thẩm quyền.
4. Về trường hợp ly hôn nói ở khoản 2 điều này, cơ quan tư pháp có thẩm quyền là cơ quan tư pháp của nước nơi cả hai vợ chồng đang cư trú. Nếu hai vợ chồng không cư trú ở một nước ký kết thì cơ quan tư pháp của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền giải quyết.
Điều 26. Hôn nhân vô hiệu
1. Đối với việc xác định một hôn nhân là vô hiệu thì áp dụng pháp luật theo tinh thần Điều 23 về kết hôn.
2. Thẩm quyền của cơ quan tư pháp trong việc công nhận hôn nhân vô hiệu được xác định theo các kho̐ |